Tôi đã ước ao được loại khỏi Đức Ki-tô vì phần ích anh em của tôi.
Trích thư Thánh Phao-lô gửi tín hữu Rô-ma
1 Có Đức Ki-tô chứng giám, tôi xin nói sự thật, tôi không nói dối và lương tâm tôi, được Thánh Thần hướng dẫn, cũng làm chứng cho tôi rằng:
2 lòng tôi rất đỗi ưu phiền và đau khổ mãi không ngơi.
3 Quả vậy, giả như vì anh em đồng bào của tôi theo huyết thống, mà tôi có bị nguyền rủa và xa lìa Đức Ki-tô, thì tôi cũng cam lòng.
4 Họ là người Ít-ra-en, họ đã được Thiên Chúa nhận làm con, được Người cho thấy vinh quang, ban tặng các giao ước, lề luật, một nền phụng tự và các lời hứa;
5 họ là con cháu các tổ phụ; và sau hết, chính Đức Ki-tô, xét theo huyết thống, cũng cùng một nòi giống với họ. Người là Thiên Chúa, Đấng vượt trên mọi sự. Chúc tụng Người đến muôn thuở muôn đời. A-men.
Tám chương đầu trong thư gửi tín hữu Rô-ma, Thánh Phao-lô miêu tả từng bước, ân sủng tiến hành như thế nào, kế hoạch yêu thương Thiên Chúa diễn biến ra sao, từ A-đam và Áp-ra-ham, cho đến khi Chúa Ki-tô từ cõi chết sống lại và ban Chúa Thánh Thần: Tất cả chỉ vì một mục đích, ơn cứu độ vĩnh viễn chắc chắn sẽ được hoàn tất và mọi tạo vật được hưởng vinh quang Thiên Chúa.
Trước những điều ấy, Thánh Phao-lô nói lên lòng ngạc nhiên, thán phục của mình, nhưng có một điều hệ trọng làm ngài trăn trở, đau đớn: Từ nay, tương lai dân tộc Do Thái đi về đâu? Chúng ta đã từng biết chuyện gì đã xảy ra cho Sao-lô, người theo Do Thái giáo cực kỳ sốt sắng ấy, trên đường Đa-mát đã chứng kiến mọi niềm tin của mình sụp đổ…Ngày ấy anh hiểu ra, tin vào Chúa Ki-tô không phải chối từ đức tin Do Thái. Trái lại, Đức Ki-tô, qua Ngài, bằng sự sống của Ngài, sự chết và phục sinh của Ngài, mọi lời hứa của Thánh Kinh, sẽ hoàn tất. Đó là điều chính yếu bài giảng của Thánh nhân trong thư gửi tín hữu thành Cô-rin-tô: «Thưa anh em, tôi xin nhắc lại cho anh em Tin Mừng tôi đã loan báo và anh em đã lãnh nhận cùng đang nắm vững…Trước hết, tôi đã truyền lại cho anh em điều mà chính tôi đã lãnh nhận, đó là: Đức Ki-tô đã chết vì tội lỗi chúng ta, đúng như lời Kinh Thánh,4 rồi Người đã được mai táng, và ngày thứ ba đã trỗi dậy, đúng như lời Kinh Thánh.5 Người đã hiện ra với ông Kê-pha, rồi với Nhóm Mười Hai…Sau hết, Người cũng đã hiện ra với tôi, là kẻ chẳng khác nào một đứa trẻ sinh non.» (1Cr15, 1-9) Và ngài còn nói trong phiên tòa, sau khi bị nhà cầm quyền Do thái Giê-ru-sa-lem bắt vì những hoạt động tông đồ của ngài: « Được Thiên Chúa phù hộ, cho đến ngày hôm nay, tôi vẫn tiếp tục làm chứng trước mặt kẻ nhỏ cũng như kẻ lớn; tôi không nói gì khác ngoài những điều các ngôn sứ và ông Mô-sê đã báo trước sẽ xảy ra» (Cv26, 22)
Nhưng người anh em Do Thái, đa số không những không theo ngài, nhiều người trong họ còn là những kẻ bách hại thâm độc nhất. Vào thời điểm Thánh Phao-lô viết thư cho tín hữu Rô-ma, chưa có sự tách biệt chính thức giữa Do Thái và Ki-tô giáo, lúc này họ chưa bị đuổi ra khỏi nguyện đường và bị kết án là bội giáo trong các nhóm cầu nguyện Do Thái, nhưng Thánh Phao-lô cũng rất đau khổ trong các cuộc gặp gỡ các cộng đồng Do Thái, trong ấy ngài cố gắng loan báo Tin Mừng. Lúc bấy giờ ngài tự đặt câu hỏi: Những người đồng đạo của mình phải bị từ bỏ vĩnh viễn sao? Thế còn các lời hứa và những sáng kiến Thiên Chúa dành cho dân Ngài chọn là sao?
Thánh Phao-lô trước tiên nêu lên sự kiện Chúa chọn dân này: «anh (em) là một dân thánh hiến cho ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em).» (Đnl14, 2). Ngài còn thêm trong (Đnl7, 6-8): «Thật vậy, anh (em) là một dân thánh hiến cho ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em). ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em) đã chọn anh (em) từ giữa muôn dân trên mặt đất, làm một dân thuộc quyền sở hữu của Người. ĐỨC CHÚA đã đem lòng quyến luyến và chọn anh em, không phải vì anh em đông hơn mọi dân, thật ra anh em là dân nhỏ nhất trong các dân. Nhưng chính là vì yêu thương anh em, và để giữ lời thề hứa với cha ông anh em, mà ĐỨC CHÚA đã ra tay uy quyền đưa anh em ra và giải thoát anh em khỏi cảnh nô lệ, khỏi tay Pha-ra-ô, vua Ai-cập» Quả thật, sau đây là một lời đầy tình thương phụ tử đối với dân tộc Ít-ra-en, tiên tri Hô-sê nói: «Khi Ít-ra-en còn là đứa trẻ, Ta đã yêu nó, từ Ai-cập Ta đã gọi con Ta về…Ta đã tập đi cho Ép-ra-im, đã đỡ cánh tay nó…Ta lấy dây nhân nghĩa, lấy mối ân tình mà lôi kéo chúng. Ta xử với chúng như người nựng trẻ thơ, nâng lên áp vào má; Ta cúi xuống gần nó mà đút cho nó ăn.» (Hs11, 1…5)
Làm sao Chúa có thể quên những điều ấy? Làm sao giải thích Chúa không phản ứng thấy dân mình đi lạc hướng? Thế nhưng, ngoài việc được nhận làm con tuyệt vời ấy, Thánh Phao-lô còn nói họ được hưởng: «vinh quang, ban tặng các giao ước, lề luật, một nền phụng tự và các lời hứa» (c4), và Thánh Gio-an còn nói trong Tin Mừng: «Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta. Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người, là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật.» (Ga1, 14). Thánh vịnh hôm nay nói: « CHÚA phán là lời chúc bình an cho dân Người» (Tv84, 9). Buổi gặp gỡ đầu tiên lúc phục sinh của các môn đệ, Chúa nói: «Bình an cho anh em» (Ga20, 19). Hẳn tất cả Thánh Kinh đều nói, bình an là một sự chinh phục gần như không thể được cho nhân loại, thế nhưng là tương lai của chúng ta, với điều kiện đừng quên đó là ơn nhưng không từ Thiên Chúa.
***
Tác giả: bà Marie-Noelle Thabut
Nguồn: http://www.eglise.catholique.fr/
Dịch giả: Ernest Marco Huỳnh Lương