"Hãy tha thứ cho kẻ làm hại ngươi, thì khi ngươi cầu nguyện, ngươi sẽ được tha."
Trích sách Huấn Ca.
30 Oán hờn và giận dữ là những điều ghê tởm,
về chuyện đó kẻ tội lỗi có biệt tài.
1 Kẻ báo thù sẽ chuốc lấy báo thù của Đức Chúa,
tội lỗi nó, Người xem xét từng ly.
2 Hãy bỏ qua điều sai trái cho kẻ khác,
thì khi bạn cầu khẩn, tội lỗi bạn sẽ được tha.
3 Người với người cứ nuôi lòng hờn giận,
thế mà lại xin Đức Chúa chữa lành!
4 Nó chẳng biết thương người đồng loại,
mà lại dám xin tha tội cho mình!
5 Nó chỉ là người phàm mà để tâm thù hận,
thì ai sẽ xin tha tội cho nó?
6 Hãy nhớ đến ngày tận số
mà chấm dứt hận thù,
nhớ mình sẽ phải hao mòn và phải chết
mà trung thành giữ các điều răn.
7 Hãy nhớ đến các điều răn
mà đừng oán hờn kẻ khác,
nhớ đến giao ước của Đấng Tối Cao
mà không chấp nhất điều lầm lỗi.
Có một bản dịch câu chót còn đanh thép hơn nữa: « Hãy nhớ đến Giao Ước của Đấng Tối Cao và bỏ qua xúc phạm đi». Câu này phải nên viết bằng chữ vàng trong mọi nhà, mọi thành phố chúng ta…lúc ấy có thể bộ mặt thế gian sẽ thay đổi ! Nếu xem kỹ câu trước đó cũng nói lên cùng một ý nghĩa. « Hãy nhớ đến các điều răn mà đừng oán hờn kẻ khác,» (c7). Và thật vậy, các điều răn đòi hỏi không oán hờn kẻ khác. Ví dụ như sách Lê-vi ghi rõ từng chữ : «Ngươi không được trả thù, không được oán hận những người thuộc về dân ngươi. Ngươi phải yêu đồng loại như chính mình » (Lv19, 18)
Vậy thì, thực ra sách Huấn ca không nói lên gì mới lạ, nhưng rất cần phải lặp lại. Điều thú vị trong bài hôm nay một phần là cách luận chứng của nó, đàng khác là quan niệm về tha thứ.
Chúng ta bắt đầu suy nghĩ về khái niệm tha thứ trong bài Huấn Ca hôm nay : điều này nằm trong công thức : « bỏ qua xúc phạm đi ». Đây là một định nghĩa rất tốt đẹp và thực tế về tha thứ : ta không thể xóa đi một xúc phạm…như lấy tấm bọt biển xóa trên bản, nhưng ta có thể bước qua như trong sách Huấn ca. Sau một vết thương thể lý, còn có cái xẹo, da không thể nào lành lặn như trước và không có bọt biển nào xóa đi vết thương được ; còn vết thương tâm lý cũng như thế : không có gì có thể làm như không có gì, và, trong những trường hợp trầm trọng, có thể còn để lại dấu vết suốt đời…
Trong đời sống gia đình, bạn bè, nghề nghiệp, trong giáo xứ, những ví dụ không thiếu chi. Không thể nào xóa đi được một lời nói xấu, một cử chỉ khinh thị, một trò « chơi xấu » như người ta thường nói, bất trung trầm trọng, cử chỉ bạo lực, …những lời nói hay hành động của chúng ta có thể gây tai hại với những hậu quả thâm độc ; một khi người lầm lỗi, có thể mơ mọi sự trở lại như trước, trở lại như mức khởi đầu…nhưng điều ấy không bao giờ có.
Tha thứ không phải làm như trước đó không có gì, dù sao cũng không thể được, nhưng « bước qua » như sách Huấn ca nói ; cố gắng sống lại, nối lại quan hệ bị cắt đi bởi sự xúc phạm ; đề nghị tình bạn, lòng tin cậy của mình ; chấp nhận có thể còn một tương lai. Chữ tha thứ, gốc Pháp ngữ của nó là như thế; tha thứ được viết bằng hai vế « par-don » có nghĩa là món quà, vượt trên xúc phạm.
Bây giờ chúng ta suy nghĩ về cách luận chứng trong sách Huấn ca về tha thứ. Điều này có thể tóm tắc trong vài chữ ngắn gọn, đại loại như : « bạn nữa, bạn cũng là phường tội lỗi» … Bạn là người tội lỗi bạn cũng cần được thứ tha… Bạn cũng cần đến lòng thương xót ; hãy làm như Chúa, hãy có lòng thương xót. Dĩ nhiên chúng ta nghĩ đến câu truyện cọng rơm và cái xà trong mắt ! Sách Huấn ca nhấn mạnh đến cái xà trong mắt chúng ta, và sự cần thiết được tha thứ . Bài này nói đến tội lỗi, sai trái, tội lỗi, chữa lành : «3 Người với người cứ nuôi lòng hờn giận, thế mà lại xin Đức Chúa chữa lành! 4 Nó chẳng biết thương người đồng loại, mà lại dám xin tha tội cho mình! 5 Nó chỉ là người phàm mà để tâm thù hận, thì ai sẽ xin tha tội cho nó? » (c3.4.5)
Có điều luận chứng của Sách Huấn Ca làm chúng ta ngạc nhiên đôi chút khi có vẻ đặt điều kiện cho lòng thương xót của Chúa : «1 Kẻ báo thù sẽ chuốc lấy báo thù của Đức Chúa, tội lỗi nó, Người xem xét từng ly. 2 Hãy bỏ qua điều sai trái cho kẻ khác, thì khi bạn cầu khẩn, tội lỗi bạn sẽ được tha.» (c1-2) Có phải chăng bạn tha thứ cho người anh em bạn Chúa mới tha thứ cho bạn ?
Xin nhớ lại bài này được viết vào thế kỷ thứ II trước CN, tức là rất trễ theo lịch sử Thánh Kinh. Có nhiều trải nghiệm về lòng tha thứ của Chúa, tha thứ vô điều kiện. Và sách Tiên tri I-sa-i-a tuyên bố sự báo thù duy nhất của Thiên Chúa là tiêu diệt mọi sự dữ, khôi phục phẩm giá và sự toàn vẹn cho mỗi người. Bài này không giới thiệu trong một Thiên Chúa tính toán : cái lô-gíc của Thiên Chúa không phải Lô-gíc của chúng ta ! Với Thiên Chúa chúng ta ở trong lô-gíc của ban cho nhưng không ; chúng ta thì ở trong lô-gic « có qua có lại », tất cả những gì chúng ta biết qua sách Huấn ca. Sách này nói rõ rằng Chúa từ bi nhân hậu và là tha thứ ; không nói lên Chúa đặt điều kiện cho sự tha thứ của Ngài, và Ngài có thể từ chối chúng ta nếu không theo điều kiện của Ngài…Cũng trong sách Huấn ca này, chúng ta có thể đọc trước đó : « 11 Bởi thế Đức Chúa kiên nhẫn với chúng, và đổ tràn xuống trên chúng lòng thương xót của Người. 12 Người nhìn thấy và biết rằng vận cùng của chúng thật là khốn khổ, bởi thế Người gia tăng ơn tha thứ của Người. 13 Con người thì thương xót cận thân, còn Đức Chúa xót thương mọi xác phàm. Người trách cứ, sửa sai, dạy dỗ, và dẫn đưa, như mục tử dẫn đàn chiên.» (Hc18, 11-13). Và Chúa làm như thế vô điều kiện. Cho dù hạnh kiểm chúng ta, lòng khó khăn tha thứ anh em hay cho chính mình, Chúa cũng không đưa một điều kiện nào, Ngài không bao giờ đóng cửa lòng với tôi. Có thể so sánh lòng từ bi của Chúa như một thác nước, không có gì cản trở nước tuôn chảy.
« nhớ đến giao ước của Đấng Tối Cao»(c7) . Thì ra câu này chắc chắn có nghĩa khác. Trước hết « Hãy nhớ đến các điều răn mà đừng oán hờn kẻ khác,» (c7), điều này được viết rõ ràng trong Giao Ước. Nhưng đây là điều nhắc lại Giao Ước bất diệt giữa Thiên Chúa và dân Ngài, một Giao Ước xây dựng trên tha thứ liên tục. Dân tộc Ít-ra-en và mỗi thành viên đều biết rõ được tha thứ liên tục ; hơn nữa sách Huấn ca nói rằng Giao Ước được thể hiện qua sự tha thứ liên tục ; giao ước của Đấng Tối Cao nói trong sách Huấn ca là sự tha thứ được lập đi lập lại bất tận. Thế làm sao hiểu được câu đáng ngạc nhiên này ? : « 1 Kẻ báo thù sẽ chuốc lấy báo thù của Đức Chúa, tội lỗi nó, Người xem xét từng ly.» (c1) hay là « 2 Hãy bỏ qua điều sai trái cho kẻ khác,
thì khi bạn cầu khẩn, tội lỗi bạn sẽ được tha.» (c2) biết rằng lô-gíc của Thiên Chúa không phải lô-gíc của chúng ta. ! Đối với Chúa chúng ta ở trong lô-gíc của ơn ban nhưng không, và không tính toán có qua có lại.. Hai lô-gíc này hoàn toàn không thể đi đôi với nhau !
Thì đấy là giải thích. Khi tôi báo oán kẻ làm hại tôi, tôi xử sự có qua có lại, làm như thế tôi đóng lòng tôi lại với ơn nhưng không từ Thiên Chúa. Chúng ta hãy lấy lại ví dụ cái thác nước : nếu tôi đặt một chai nước giữa thác, nước sẽ được đong đầy tràn chai…với điều kiện nắp chai được mở ! Nếu tôi từ chối tha thứ cho kẻ khác, tôi từ chối đi vào tương quan của lô-gíc ơn nhưng không, của lòng từ bi Thiên Chúa… giống như tôi đặt cái chai giữa thác nước, nắp thì đậy lại. Vâng, sự tha thứ của Chúa luôn được ban cho, nhưng chúng ta được hưởng sự tha thứ ấy chỉ khi lòng chúng ta mở ra cho lòng từ bi Thiên Chúa.
***
Tác giả: bà Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: http://www.eglise.catholique.fr/
Dịch giả: Ernest Marco Huỳnh Lương