"Người thế nào, ta sẽ thấy Người như vậy"
Trích thư thứ nhất của Thánh Gio-an Tông Đồ
1 Anh em hãy xem Chúa Cha yêu chúng ta dường nào:
Người yêu đến nỗi
cho chúng ta được gọi là con Thiên Chúa
-mà thực sự chúng ta là con Thiên Chúa.
Sở dĩ thế gian không nhận biết chúng ta,
là vì thế gian đã không biết Người.
2 Anh em thân mến, hiện giờ chúng ta là con Thiên Chúa;
nhưng chúng ta sẽ như thế nào, điều ấy chưa được bày tỏ.
Chúng ta biết rằng khi Đức Ki-tô xuất hiện,
chúng ta sẽ nên giống như Người,
vì Người thế nào, chúng ta sẽ thấy Người như vậy.
3 Phàm ai đặt hy vọng như thế vào Đức Ki-tô
thì làm cho mình nên thanh sạch
như Người là Đấng thanh sạch.
« Anh em hãy xem Chúa Cha yêu chúng ta dường nào »(c1)Thánh Gio-an mời gọi chúng ta chiêm ngắm, bởi vì biết nhìn là chìa khóa mở ra cho đời sống đức tin chúng ta.Tất cả lịch sử nhân loại là một trường dạy cho con người cái nhìn. «…họ có trố mắt nhìn cũng chẳng thấy » (Mc4, 12), đấy là thảm họa con người, thường được các tiên tri nói đến. Chính xác phải thấy gì ? Tình yêu Thiên Chúa dành cho nhân loại, kế hoạch yêu thương, như Thánh Phao-lô nói. Thánh Gio-an chỉ nêu lên điều ấy trong những gì chúng ta vừa đọc. Tôi xin suy nghĩ về hai điểm : hệ thống chủ đề về cái nhìn và kế hoạch Thiên Chúa qua sự chiêm ngắm của Thánh Gio-an.
Về điểm đầu tiên, đề tài này được triễn khai trong toàn bộ Thánh Kinh, và luôn luôn cùng một hướng : biết nhìn, mở mắt, tức là khám phá dung nhan thật của Thiên Chúa tình yêu ; ngược lại cái nhìn có thể bị sai lệch. Chúng ta hãy nhớ lại một tài liệu mà thôi : câu truyện bất hủ A-đam và E-va trong vườn Địa Đàng. Đúng là một mẫu truyện về cái nhìn. Đây là một tài liệu được kể một cách tuyệt vời, trước hết bối cảnh được dựng lên : một mảnh vườn với vô số cây trái : « ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa khiến từ đất mọc lên đủ mọi thứ cây trông thì đẹp, ăn thì ngon, với cây trường sinh ở giữa vườn, và cây cho biết điều thiện điều ác.» (St2, 9) Sau đó Thiên Chúa cho phép ăn trái của tất cả các cây trong vườn (kể cả cây trường sinh) nhưng cấm ăn một thứ trái, trái từ cây biết điều lành và điều dữ. Lúc bấy giờ con rắn can thiệp vào và đặt một câu hỏi bề ngoài vô tư, chỉ vì tò mò thôi : « "Có thật Thiên Chúa bảo: "Các ngươi không được ăn hết mọi trái cây trong vườn không?» (St3, 1c)
Các bạn hẳn để ý, chỉ cần lắng tai nghe con rắn, là đủ cho cái nhìn của E-va bị lệch đi. Vì lẽ từ nay, cây có vấn đề bà nhìn ở giữa vườn không còn phải là cây trường sinh nữa, đó là sai hẳn sự thật. Điều này có vẻ vô can nhưng tác giả cố tình ghi nhận, dĩ nhiên rồi : «Trái các cây trong vườn, thì chúng tôi được ăn. Còn trái trên cây ở giữa vườn, Thiên Chúa đã bảo: "Các ngươi không được ăn, không được động tới, kẻo phải chết. » (St3, 2) Khi ấy con rắn muốn cám dỗ bà E-va, liền nói cho bà an tâm : « Chẳng chết chóc gì đâu! Nhưng Thiên Chúa biết ngày nào ông bà ăn trái cây đó, mắt ông bà sẽ mở ra, và ông bà sẽ nên như những vị thần biết điều thiện điều ác» (St3, 4-5). Và tài liệu tiếp, cũng trên hệ thống chủ đề cái nhìn : « Người đàn bà thấy trái cây đó ăn thì ngon, trông thì đẹp mắt, và đáng quý vì làm cho mình được tinh khôn. » (St3, 6a). Quả thật chỉ trong một câu mà có biết bao nhiêu từ ngữ về cái nhìn !
Các bạn hẳn biết, kế tiếp chuyện gì đã xảy ra : người đàn bà hái một trái, đưa cho chồng, và cả hai đều ăn. Lúc bấy giờ tài liệu ghi nhận : « Bấy giờ mắt hai người mở ra» (c7a), mở ra để nhìn thấy gì ?: « họ thấy mình trần truồng» (c7b). Không, họ không trở nên thần thánh gì, như Tên Dối trá nói trước đó, họ chỉ bắt đầu đau khổ sống sự trần truồng của họ, tức chủ yếu là sự bé nhỏ nghèo hèn của họ.
Có liên quan gì giữa sách đầu tiên của Thánh Kinh và bài Thánh Gio-an chúng ta đọc hôm nay ? Chỉ đơn giản là bài tường thuật về sự sa ngã của A-đam và E-va được xem như chìa khóa để hiểu sự đau khổ của nhân loại ; thế nhưng trái lại Thánh Gio-an nói « hãy xem », tức là « hãy xem, hãy học biết nhìn ». Không, Thiên Chúa cấm một điều, lý do không vì ghen tuông với con người. ; chỉ có lưỡi loài rắn độc mới có thể ám chỉ một điều quái ghở như thế. Đây là đề tài chủ yếu của Thánh Gio-an : « Chúa là tình yêu», trong cuộc sống thật con người không bao giờ ngờ vực như thế : « sự sống đời đời đó là họ nhận biết Cha, Thiên Chúa duy nhất và chân thật,»(Ga17, 3) Chúa nói trong Tin Mừng theo Thánh Gio-an.
Hôm nay, trong bài đọc này, Thánh Gio-an nói lên sự thật ấy, theo cách nói chúng ta phải học để biết nhìn : « Anh em hãy xem Chúa Cha yêu chúng ta dường nào: Người yêu đến nỗi cho chúng ta được gọi là con Thiên Chúa»(c1). Thánh Phao-lô trong thư cho giáo đoàn Ê-phê-sô, ngài cũng nói : « Theo ý muốn và lòng nhân ái của Người, Người đã tiền định cho ta làm nghĩa tử nhờ Đức Giê-su Ki-tô,»(1Ep). Điều ngài gọi là « kế họach yêu thương Thiên Chúa», sờ dĩ điều này thánh nhân gọi là « Kế họach yêu thương Thiên Chúa », tức là trong ấy qui tụ tất cả nhân loại nên một người duy nhất, đầu là Chúa Giê-su Ki-tô và chúng ta là chi thể của Người. Thánh Gio-an nói không khác gì hơn : Chúa Giê-su là Con hoàn hảo và chúng ta là chi thể của Người, vì lẽ ấy chúng ta được gọi là con Thiên Chúa. Và ngài nói rõ tiếp : « mà thực sự chúng ta là con Thiên Chúa» (c1), vì khi được rửa tội, chúng ta đã là thế, chúng ta được ghép vào Chúa Giê-su Ki-tô, Ngài làm cho chúng ta thành chi thể của Ngài. Thánh Phao-lô cũng chính xác nói như thế : « Quả thế, bất cứ ai trong anh em được thanh tẩy để thuộc về Đức Ki-tô, đều mặc lấy Đức Ki-tô» (Gl3, 27)
Cũng như Thánh Gio-an nói trong phần mở đầu Tin Mừng : « Còn những ai đón nhận, tức là những ai tin vào danh Người, thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa.»(Ga1, 12)Những kẻ ấy, ngay từ bấy giờ, được Chúa Thánh Thần dẫn lối và Thần Khí ấy dạy họ xem Chúa như Người Cha. « Để chứng thực anh em là con cái, Thiên Chúa đã sai Thần Khí của Con mình đến ngự trong lòng anh em mà kêu lên: "Áp-ba, Cha ơi!»(Ga4,6) Đó là ý nghĩa cụm chữ « hiểu biết Thiên Chúa » nơi Thánh Gio-an : nhận ra Ngài là Cha, đầy lòng yêu thương và nhân hậu, như từ thời Cựu Ước đã tin như thế.
Trong lúc chờ đợi, có những kẻ tin vào Chúa Giê-su Ki-tô và những kẻ từ chối không tin. Vì điều này hoàn toàn sáng tỏ cho tín hữu, nhưng đối với những người không có đức tin thật khó hiểu, hay tệ hơn, không thể tin được hoặc không có nghĩa lý gì - còn có thể nói quá chướng . Đây là một đề tài thường thấy nơi Thánh Gio-an : « Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận.»(Ga1, 11), nghĩa chữ đón nhận ở đây giống như trong câu : « Sở dĩ thế gian không nhận biết chúng ta, là vì thế gian đã không biết Người.» (1Ga3, 1) Nên hiểu : bởi vì thế gian chưa có diễm phúc mở mắt ra. Đối với những ai chưa biết, tức là chưa nhận ra Ngài là Cha, bổn phận chúng ta phải mặc khải cho họ bằng lời nói, bằng việc làm. Lúc ấy, khi Con Người hiện ra, cả nhân loại được biến đổi theo hình ảnh của Ngài. Chúng ta hiểu vì sao Chúa Giê-su nói với người phụ nữ Sa-ma-ri-ta-nô : « Nếu chị nhận ra ân huệ Thiên Chúa ban » (Ga4, 10)
***
Tác giả: bà Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: http://www.eglise.catholique.fr/
Dịch giả: Ernest Marco Huỳnh Lương