"Người đã trao vương quốc lại cho Chúa Cha, để Thiên Chúa nên mỗi sự trong mọi sự."
Trích thư thứ nhất của Thánh Phao-lô Tông đổ gửi tín hữu Cô-rin-tô.
20 Nhưng không phải thế! Đức Ki-tô đã trỗi dậy từ cõi chết, mở đường cho những ai đã an giấc ngàn thu.
21 Vì nếu tại một người mà nhân loại phải chết, thì cũng nhờ một người mà kẻ chết được sống lại.
22 Quả thế, như mọi người vì liên đới với A-đam mà phải chết, thì mọi người nhờ liên đới với Đức Ki-tô, cũng được Thiên Chúa cho sống.
23 Nhưng mỗi người theo thứ tự của mình: mở đường là Đức Ki-tô, rồi khi Đức Ki-tô quang lâm thì đến lượt những kẻ thuộc về Người.
24 Sau đó mọi sự đều hoàn tất, khi Người đã tiêu diệt hết mọi quản thần, mọi quyền thần và mọi dũng thần, rồi trao vương quyền lại cho Thiên Chúa là Cha.
25 Thật vậy, Đức Ki-tô phải nắm vương quyền cho đến khi Thiên Chúa đặt mọi thù địch dưới chân Người.
26 Thù địch cuối cùng bị tiêu diệt là sự chết
28 Lúc muôn loài đã quy phục Đức Ki-tô, thì chính Người, vì là Con, cũng sẽ quy phục Đấng bắt muôn loài phải quy phục Người; và như vậy, Thiên Chúa có toàn quyền trên muôn loài.
Thánh Phao-lô dùng từ ngữ ít tượng hình hơn Tiên tri Ê-dê-ki-en, hay trong Thánh vịnh 22, nhưng đề tài vẫn giống nhau. Tiên tri Ê-dê-ki-en (Bài đọc 1) nói về Chúa và với chúng ta, là Ngài đối với loài người như một mục tử đem đàn chiên của mình đến những đồng cỏ xanh tươi nhất. Trong Thánh vịnh 22, đây là con chiên (nên hiểu là dân tộc It-ra-en) nói về người mục tử của mình, và ngạc nhiên thán phục vì sự quan tâm của ngài: «Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ. Người đưa tôi tới dòng nước trong lành» (Tv 22, 2) Từ đó, Thánh Phao-lô kết luận, không nên tách xa người mục tử ấy. Ngài sẽ đem chúng ta đến những vùng đất phì nhiêu để nghỉ ngơi. Anh em chưa thấy đâu, còn xa quá, anh em không thể nhìn xa, nhưng hãy tin tưởng nơi Ngài. Đối với chúng ta, tất cả vấn đề là ở đấy: Cậy trông vào dự án Thiên Chúa, dĩ nhiên một dự án vượt hẳn chúng ta (quá cao vời và quá vĩ đại đối với chúng ta). Từ chối tin tưởng, là anh em đi với A-đam…cậy trông là giống Chúa Giê-su Ki-tô.
Tôi xin nhắc lại dự án ấy của Thiên Chúa, theo như Thánh Phao-lô miêu tả trong thư gửi tín hữu thành Ê-phê-sô: «Người cho ta được biết thiên ý nhiệm mầu: thiên ý này là kế hoạch yêu thương Người đã định từ trước trong Đức Ki-tô. Đó là đưa thời gian tới hồi viên mãn là quy tụ muôn loài trong trời đất dưới quyền một thủ lãnh là Đức Ki-tô. Cũng trong Đức Ki-tô,» (Ep1, 9-10) Đó là cách nói, tất cả lịch sử nhân loại được gom trong dự án vĩ đại Thiên Chúa, làm tăng trưởng tiệm tiến một nhân loại, đến lúc chỉ còn làm thành một với Đức Giê-su Ki-tô. Thiên Chúa «đã định từ trước trong Đức Ki-tô»: Có nghĩa là vai trò Chúa Ki-tô đã được định trước từ muôn thuở.
Một dự án đã được định từ trước, không thể nào khác hơn được cho tới khi «hoàn tất», như cách Thánh Phao-lô nói ở đây: «24 Sau đó mọi sự đều hoàn tất,… rồi trao vương quyền lại cho Thiên Chúa là Cha» (c24); trong thư, thánh nhân viết cho tín hữu Ê-phê-sô, ngài nói: «thời gian tới hồi viên mãn». Ở đây, ngài nói: «vương quyền», trong thư gửi tín hữu Ê-phê-sô, thánh nhân nói Chúa Giê-su là: «thủ lãnh» nhân loại, có nghĩa là «đầu» của một thân thể; trong ấy, nhân loại là các chi thể. Nhưng dự án ấy, Thiên Chúa không thực hiện, nếu không có chúng ta; Ngài yêu cầu có sự liên kết với chúng ta. Thế nhưng, điều Thánh Kinh xác quyết về A-đam, là A-đam chống lại dự án Thiên Chúa. Hẳn anh em còn nhớ tường thuật về việc sa ngã (St2, 9) «ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa khiến từ đất mọc lên đủ mọi thứ cây trông thì đẹp, ăn thì ngon, với cây trường sinh ở giữa vườn, và cây cho biết điều thiện điều ác»; trước khi sa ngã, con người có thể ăn trái cây trường sinh, nhưng con người được cảnh báo không được ăn trái cây cho biết điều thiện điều ác, nếu không sẽ chết. Chúa nói: «ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa truyền lệnh cho con người rằng: "Hết mọi trái cây trong vườn, ngươi cứ ăn;17 nhưng trái của cây cho biết điều thiện điều ác, thì ngươi không được ăn, vì ngày nào ngươi ăn, chắc chắn ngươi sẽ phải chết» (St2, 16). Anh em hẳn nhận xét cây trường sinh không bị cấm; sau khi lỗi phạm, họ không được đến gần cây trường sinh nữa. Con rắn cho những lời khuyên sai trái, khiến họ ngờ vực dự án Thiên Chúa, họ ăn trái cây cho biết điều thiện điều ác, và họ bây giờ biết đến đau khổ và sự chết.
Chết như thế nào sau khi lỗi phạm? Tất cả vấn đề là ở đây. Khó tưởng tượng rằng sự chết thể lý không hiện hữu; thân xác chúng ta không được tạo nên để sống đời đời theo như lúc ban đầu, sự già đi thuộc về thể chất của xác, và một khi nói già thì sẽ có lúc chết, sau một thời gian ngắn hay dài. Có lẽ mầu nhiệm Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời hé mở cho chúng ta hiểu phần nào dự án Thiên Chúa, nếu con người không lỗi phạm. Đức Maria hoàn toàn là phàm nhân nhưng không bao giờ hành động như A-đam; Đức Mẹ cũng có số phận như mọi người nếu A-đam không sa ngã; nhưng Đức Mẹ cũng từng biết hiện tượng già đi và một ngày sẽ từ giã cõi đời trần thế như chúng ta; Đức Mẹ được đưa vào một giấc ngủ để vào một thế giới bên cạnh Thiên Chúa. Chúng ta gọi là «Đức Mẹ an giấc ngàn thu».
Đối với chúng ta là anh em với A-đam, chúng ta không chỉ an giấc ngàn thu như Đức Mẹ, nhưng là phải chết. Thánh Phao-lô nói rõ trong bài này: «tại một người mà nhân loại phải chết…như mọi người vì liên đới với A-đam mà phải chết» (c21, 22); trong thư gửi tín hữu thành Rô-ma ngài nói: «Vì một người duy nhất, mà tội lỗi đã xâm nhập trần gian, và tội lỗi gây nên sự chết» (Rm5, 12) Chúng ta có thể quả quyết hai điều: Thứ nhất, thân xác chúng ta không bao giờ được tạo nên với một lập trình sống đời đời trên cõi đất, và chúng ta có được một ánh sáng nào đó khi nhìn về Đức Mẹ; điều thứ hai, A-đam đã chống lại dự án Thiên Chúa, và sự biến đổi thân xác chúng ta, sự «an giấc ngàn thu» trở nên sự chết, kéo theo tất cả những đau khổ và xấu xa của thể xác. Sự chết, như chúng ta biết, rất đau đớn đi vào thế gian chính bởi vì nhân loại.
Nhưng nơi nào đưa chúng ta vào sức mạnh của sự dữ, Chúa có thể đem lại sự sống. Chúa Giê-su bị giết đi do lòng hận thù con người, nhưng Thiên Chúa cho Ngài phục sinh; chính Ngài, Đấng được phục sinh đầu tiên, Ngài sẽ đem chúng ta vào sự sống thật, trong ấy có tình yêu ngự trị. Ngài đã chịu đựng sức mạnh của hận thù và chết chóc của con người, và Ngài đối lại bằng sự từ bi và tha thứ; những nơi lỗi lầm, nơi ấy có đầy tràn tình yêu, như Thánh Phao-lô nói. Kể từ nay, Thiên Chúa ban cho toàn nhân loại Thần Khí tình yêu của Ngài…Chính vì điều ấy mà Chúa Giê-su đến sống giữa chúng ta: ban cho chúng ta sự sống và dạy chúng ta cũng biết hiến sự sống chúng ta: «Phần tôi, tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào» (Ga10, 10). Vì chúng ta được tạo dựng cho sự sống.
***
Tác giả: bà Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: http://www.eglise.catholique.fr/
Dịch giả: Ernest Marco Huỳnh Lương