“Mầu nhiệm được giữ kín từ đời đời, nay được tỏ bày.”
Bài trích thơ Thánh Phao-lô Tông đồ gởi tín hữu Rô-ma.
25 Vinh danh Thiên Chúa, Đấng có quyền năng làm cho anh em được vững mạnh theo Tin Mừng tôi loan báo, khi rao giảng Đức Giê-su Ki-tô. Tin Mừng đó mặc khải mầu nhiệm vốn được giữ kín tự ngàn xưa
26 nhưng nay lại được biểu lộ như lời các ngôn sứ trong Sách Thánh. Theo lệnh của Thiên Chúa, Đấng hằng có đời đời, mầu nhiệm này được thông báo cho muôn dân biết, để họ tin mà vâng phục Thiên Chúa.
27 Chỉ mình Thiên Chúa là Đấng khôn ngoan thượng trí. Kính dâng Người mọi vinh quang đến muôn thuở muôn đời, nhờ Đức Giê-su Ki-tô. A-men.
Đây là những câu cuối của thư Thánh Phao-lô gửi tín hữu thành Rô-ma, kết luận của một thánh thư dài. Vì thế ta không lạ gì nhận ra nơi đây một vinh tụng ca (công thức ngợi khen) thật trịnh trọng. Trong bản tiếng Hy-lạp, thật sự chỉ có một câu, vạch lại những nét chính của bích họa lịch sử loài người, trong ấy hiện ra dự án Thiên Chúa. Đây là cốt lõi, đề tài trung tâm của bức thánh thư, và cũng là tất cà thần học của Thánh Phao-lô. Dự án bất hủ Thiên Chúa ấy, được thiết lập từ muôn thuở, được tiệm tiến mạc khải cho loài người, cho toàn nhân loại được hạnh phúc: «Tin Mừng đó mặc khải mầu nhiệm vốn được giữ kín tự ngàn xưa, nhưng nay lại được biểu lộ như lời các ngôn sứ trong Sách Thánh. Theo lệnh của Thiên Chúa, Đấng hằng có đời đời, mầu nhiệm này được thông báo cho muôn dân biết, để họ tin mà vâng phục Thiên Chúa.» (25b,26)
Cụm chữ «thông báo cho muôn dân biết, để họ tin mà vâng phục Thiên Chúa.» có lẽ cũng làm cho chúng ta ngạc nhiên. Thật ra cụm chữ «tin để mà vâng phục» rất được dùng trong Thánh Kinh, nội dung cũng như hình thức. Trong hình thức dùng hai từ trùng nghĩa: Tin đồng nghĩa với vâng lời, nhưng trong Thánh Kinh mang một ý nghĩa tuyệt vời, vâng phục, có nghĩa là tin tưởng. Trong động từ tiếng La-tinh «ob-audire» có chữ «audire» (lắng nghe); trong Thánh Kinh, vâng lời, có nghĩa là yêu thương lắng nghe, vì sống tin cậy lẫn nhau; đơn giản, đó là đức tin. «Ngày hôm nay, ước gì anh em nghe tiếng Chúa!» (Tv94, 7) có nghĩa là ngày nay anh em còn tin tưởng nơi Chúa không? Và hơn nữa, tiếng Hy-lạp dịch đoạn này: «vâng lời của đức tin» thật ra có nghĩa «đức tin là vâng phục». Đây là một đề tài không đổi thay trong Thánh Kinh, ngay trong kinh Tin Kính Do Thái «Shema it-ra-en» (Đnl6, 4): «nghe» tức là tin tưởng, đừng bao giờ quên Thiên Chúa đã giải thoát ngươi và luôn muốn ngươi tự do; vì thế ngươi có thể tin tưởng nơi Ngài. Cả hai điều đều như nhau.
Vấn đề dẫn những dân ngọai đến đức tin vâng phục (có nghĩa là đến đức tin theo nghĩa đen, đến lòng tin cậy). Đây cũng là một đề tài của Thánh Kinh: Dự án Thiên Chúa có tính cách hoàn vũ. Người ta thường nói Thánh Phao-lô là Tông đồ các dân ngọai, nhưng trước ngài thật lâu, Cựu Ước xác định rằng ơn cứu độ của Thiên Chúa gồm toàn nhân loại. Chúng ta hãy nhớ lại Lời Chúa phán cho Ap-ra-ham «Mọi dân tộc trên mặt đất sẽ cầu chúc cho nhau được phúc như dòng dõi ngươi, chính bởi vì ngươi đã vâng lời Ta.» (St12) Đây là một mạc khải xuyên suốt Thánh Kinh, đề tài này được lặp đi lặp lại, nhất là thời kỳ sau lưu đày Ba-by-lon. Ví dụ như trong sách Tiên tri I-sa-i-a: «những ai giữ ngày sa-bát mà không vi phạm, cùng những ai tuân thủ giao ước của Ta, đều được Ta dẫn lên núi thánh và cho hoan hỷ nơi nhà cầu nguyện của Ta.» (Is56, 6,7); hay trước thời lưu đày, trong sách Tiên tri Giê-rê-mi-a: «Này chính Ta là ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của mọi phàm nhân» (Gr32, 27), và trong sách Tiên tri Giô-en «Ta sẽ đổ thần khí Ta trên hết thảy người phàm.» (Ge3, 1). Sở dĩ Thánh Kinh phải nhấn mạnh và nhắc lại nhiều lần, có lẽ vì chúng ta có khuynh hướng quên đi. Ngày nay cũng không phải thừa khi lặp lại cho những Ki-tô hữu như chúng ta.
Thánh Phao-lô cũng trong chiều hướng ấy: «trong Đức Ki-tô Giê-su và nhờ Tin Mừng, các dân ngoại được cùng thừa kế gia nghiệp với người Do-thái, cùng làm thành một thân thể và cùng chia sẻ điều Thiên Chúa hứa.» (Ep3, 6) Đã đành dân ngoại được thừa hưởng cùng gia nghiệp, một lần nữa như Cựu Ước lặp lại, nhưng điều mới lạ ở đây, tất nhiên đó là sự kiện Thánh nhân dựa vào Đức Giê-su Ki-tô. «trong Đức Ki-tô Giê-su và nhờ Tin Mừng, các dân ngoại được cùng thừa kế gia nghiệp với người Do-thái»
Thánh nhân gọi đó là mầu nhiệm được mạc khải, và ngài dùng một từ ngữ chúng ta quen thuộc: «khải hoàn», có nghĩa là «vén màn che». Một mạc khải vô cùng quan trọng của Cựu Ước là Thiên Chúa Siêu Việt trở thành Thiên Chúa Thật Gần Gũi: Chính vì Ngài là Đấng Siêu Việt, dự án Ngài không trong khả năng của trí khôn con người; nhưng bởi vì Ngài là Đấng Thật Gần Gũi, Ngài mạc khải cho chúng ta, Ngài vén màn lên cho chúng ta, hay nóì đúng hơn, Ngài mời chúng ta vào cùng tham gia.
Thánh Phao-lô thật sự là người thừa kế của mọi chiêm niệm Thánh Kinh; ngài ngạc nhiên thán phục trước Thiên Chúa Siêu Việt. Trong thư cho tín hữu thành Rô-ma ngài kêu lên: «Sự giàu có, khôn ngoan và thông suốt của Thiên Chúa sâu thẳm dường nào! Quyết định của Người, ai dò cho thấu! Đường lối của Người, ai theo dõi được!34 Thật vậy, ai đã biết tư tưởng của Chúa? Ai đã làm cố vấn cho Người?35 Ai đã cho Người trước, để Người phải trả lại sau?36 Vì muôn vật đều do Người mà có, nhờ Người mà tồn tại và quy hướng về Người. Xin tôn vinh Thiên Chúa đến muôn đời! A-men.» (Rm11, 33-36) Ngài cũng ngạc nhiên thán phục trước Thiên Chúa Thật gần gũi: «Tin Mừng đó mặc khải mầu nhiệm vốn được giữ kín tự ngàn xưa nhưng nay lại được biểu lộ như lời các ngôn sứ trong Sách Thánh. Theo lệnh của Thiên Chúa, Đấng hằng có đời đời, mầu nhiệm này được thông báo cho muôn dân biết, để họ tin mà vâng phục Thiên Chúa.» (c25b,26) Hay còn nữa, trong thư gửi tín hữu thành Cô-rin-tô: «chúng tôi giảng dạy lẽ khôn ngoan nhiệm mầu của Thiên Chúa đã được giữ bí mật, lẽ khôn ngoan mà Thiên Chúa đã tiền định từ trước muôn đời, cho chúng ta được vinh hiển» (1Co2, 7) Sau đó một thời gian, trong thư gửi tín hữu thành Cô-lô-xê có một công thức ngắn gọn: «mầu nhiệm đã được giữ kín từ bao thời đại và qua bao thế hệ, nhưng nay đã được tỏ ra cho dân thánh của Thiên Chúa» (Cl1, 26)
Khi Thánh Phao-lô nói «mầu nhiệm đã được giữ kín…nhưng nay đã được tỏ ra» ngài có ý nói đến thời đại mới do Chúa Ki-tô khởi đầu. Ngài chia lịch sử loài người làm hai giai đoạn, trước và sau khi Chúa Ki-tô đến. Mầu nhiệm Thiên Chúa được mạc khải suốt lịch sử, nhưng trước kia không toàn diện và một cách tiệm tiến. Kể từ nay, mầu nhiệm ấy được hoàn toàn mạc khải nơi Chúa Giê-su Ki-tô; chúng ta chỉ cần mở mắt ra, chúng ta sẽ nhận ra thiên tài cấu trúc của Thánh Phao-lô: Ngài kết thúc bức thư như đầu thư (nơi đây chúng ta có lối văn theo thể vùi hay có thể nói song song). Chúng ta còn nhớ những hàng đầu bức thư: «Tôi là Phao-lô, tôi tớ của Đức Ki-tô Giê-su; tôi được gọi làm Tông Đồ, và dành riêng để loan báo Tin Mừng của Thiên Chúa.2 Tin Mừng ấy, xưa Người đã dùng các ngôn sứ của Người mà hứa trước trong Kinh Thánh.3 Đó là Tin Mừng về Con của Người là Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta.» (Rm1, 1-3)
***
Tác giả: bà Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: http://www.eglise.catholique.fr/
Dịch giả: Ernest Marco Huỳnh Lương