Lời Chúa CN

BÀI ĐỌC 2 LỄ VỌNG GIÁNG SINH - Năm B (Cv13, 16-17.22-25) 24/12/2017

"Thánh Phaolô làm chứng về Chúa Kitô, con vua Đavít".

Trích sách Công Vụ Tông đồ

 

16 Ông Phao-lô đứng dậy, giơ tay xin mọi người lưu ý, rồi nói:

17 Thiên Chúa của dân Ít-ra-en đã chọn cha ông chúng ta, đã làm cho dân này thành một dân lớn trong thời họ cư ngụ ở đất Ai-cập, và đã giơ cánh tay mạnh mẽ của Người mà đem họ ra khỏi đó.

22 Sau khi truất phế vua Sa-un, Người đã cho ông Đa-vít xuất hiện làm vua cai trị họ. Người đã làm chứng về ông rằng: Ta đã tìm được Đa-vít, con của Gie-sê, một người đẹp lòng Ta và sẽ thi hành mọi ý muốn của Ta.

23 Từ dòng dõi vua này, theo lời hứa, Thiên Chúa đã đưa đến cho Ít-ra-en một Đấng Cứu Độ là Đức Giê-su.

24 Để dọn đường cho Đức Giê-su, ông Gio-an đã rao giảng kêu gọi toàn dân Ít-ra-en chịu phép rửa tỏ lòng sám hối.

25 Khi sắp hoàn thành sứ mệnh, ông Gio-an đã tuyên bố: "Tôi không phải là Đấng mà anh em tưởng đâu, nhưng kìa Đấng ấy đến sau tôi, và tôi không đáng cởi dép cho Người.

Đây là một trong những lần cuối Thánh Phao-lô còn tự do rao giảng trong các Thánh đường, và nói với những người anh em cùng chủng tộc. Chúng ta nhận ra đây biệt tài của ngài vẽ lên bức bích họa của dự án Thiên Chúa: Từ ông Ap-ra-ham đến Chúa Giê-su qua vua Đa-vít và ông Gio-an Tẩy Giả. Ngài cũng ý tứ xác định rằng, ông Gio-an thuộc về thời chuẩn bị Đấng Mê-si-a đến. Chúng ta đang trong sách Công Vụ Tông đồ mà tác giả là Thánh Lu-ca; cũng cùng một Thánh sử trong Tin Mừng, ngài chép lại lời Chúa Giê-su trong đề tài này: «Cho đến thời ông Gio-an, thì có Lề Luật và các ngôn sứ; còn từ thời đó, thì Tin Mừng Nước Thiên Chúa được loan báo, và ai cũng dùng sức mạnh mà vào.» (Lc16, 6)  

Đọc Thánh Phao-lô, chúng ta có cảm tưởng ngài còn hy vọng làm cho nhiều anh em ngài hoán cải «Thưa anh em, là con cái thuộc dòng giống Áp-ra-ham, và thưa anh em đang hiện diện nơi đây, là những người kính sợ Thiên Chúa, lời cứu độ này được gửi tới chúng ta» (Cv13, 26). Rõ ràng ông Gio-an Tẩy Giả thuộc về thời lời rao giảng dành ưu tiên, nếu không muốn nói độc quyền cho dân It-ra-en: Vì thế, ông Gio-an đề nghị phép rửa những người tỏ lòng sám hối cho «toàn dân Ít-ra-en» (c24)

Trong Tin Mừng theo Thánh Lu-ca, ngài nói rõ ông Gio-an Tiền Hô thuộc về các ngôn sứ của Cựu Ước: «Năm thứ mười lăm dưới triều hoàng đế Ti-bê-ri-ô, thời Phong-xi-ô Phi-la-tô làm tổng trấn miền Giu-đê, Hê-rô-đê làm tiểu vương miền Ga-li-lê, người em là Phi-líp-phê làm tiểu vương miền I-tu-rê và Tra-khô-nít, Ly-xa-ni-a làm tiểu vương miền A-bi-lên, Kha-nan và Cai-pha làm thượng tế, có lời Thiên Chúa phán cùng con ông Da-ca-ri-a là ông Gio-an trong hoang địa» (lc3, 1-2). Những chi tiết lịch sử được Thánh Lu-ca nêu lên ở đây, nhắc chúng ta đến phần đầu các sách tiên tri: «Những lời này, ĐỨC CHÚA đã phán với ông từ năm thứ mười ba triều vua Giô-si-gia-hu; vua này là con vua A-môn và là vua Giu-đa,3 qua triều vua Giơ-hô-gia-kim là con vua Giô-si-gia-hu và là vua Giu-đa» (Gr1, 2)

Trong câu: «… Thiên Chúa phán cùng…ông Gio-an trong hoang địa.» (Lc3, 2), câu này bản  Việt ngữ chúng ta dịch gần bản gốc hơn: «có lời Thiên Chúa phán cùng con ông Da-ca-ri-a là ông Gio-an trong hoang địa», đúng như bản dịch Thánh Kinh tiếng Hy-lạp phần sách Tiên tri Giê-rê-mi-a (Gr1,1) cũng như trong sách Hô-sê (Hs1,1). Thánh Lu-ca cố tình làm như thế: Ngài muốn giới thiệu tức khắc ông Gio-an (người chúng ta gọi là Gio-an Tẩy-giả) như một ngôn sứ đích thực.

Ngay từ đầu sách Tin Mừng, ngài cũng đã tường thuật ông Gio-an được sanh ra một cách nhiệm mầu, từ cha là ông Da-ca-ri-a và mẹ là Ê-li-sa-bét. Gio-an Tẩy Giả là con một tư tế, điều này bình thường vào thời ấy, như những người Do Thái nghiêm túc, ông giữ khoảng cách với đền Giê-ru-sa-lem. Ông mời anh em vào sa mạc với ông, để tìm lại sự sốt sắng của ngôn sứ Giô-suê và dân chúng Do Thái lúc vượt qua sông Gio-đan. Làm như thế, ông kiện toàn sứ vụ một ngôn sứ đích thực: «ông Gio-an đã rao giảng kêu gọi toàn dân Ít-ra-en chịu phép rửa tỏ lòng sám hối.» (c24) Sám hối là đề tài rao giảng được các Ngôn sứ ưa chuộng đặc biệt.

Định nghĩa sứ vụ của ông Gio-an Tẩy giả đúng nhất, là theo lời cha của ông, lúc Gio-an vừa sinh ra «Hài Nhi hỡi, con sẽ mang tước hiệu là ngôn sứ của Đấng Tối Cao: con sẽ đi trước Chúa, mở lối cho Người, bảo cho dân Chúa biết: Người sẽ cứu độ là tha cho họ hết mọi tội khiên.» (Lc1, 76-77). Ông đi trước Chúa nhưng không phải là Chúa. Mối quan hệ giữa những môn đệ ông Gio-an và của Chúa Giê-su sau này, có lúc khá phức tạp, vì trong suốt Tân Ước, đoạn nào cũng nhấn mạnh ông là Đấng Tiền Hô Đấng Mê-si-a; ông loan báo ánh sáng nhưng không phải là ánh sáng; ông làm phép rửa bằng nước sông Gio-đan, trong lúc Đấng Ki-tô dìm tín hữu trong lửa Chúa Thánh Thần.

Thánh Phao-lô cũng không ra ngoài thông lệ ấy. Như chúng ta đọc sau đây: «Thiên Chúa đã đưa đến cho Ít-ra-en một Đấng Cứu Độ là Đức Giê-su. Để dọn đường cho Đức Giê-su, ông Gio-an đã rao giảng kêu gọi toàn dân Ít-ra-en chịu phép rửa tỏ lòng sám hối. Khi sắp hoàn thành sứ mệnh, ông Gio-an đã tuyên bố: "Tôi không phải là Đấng mà anh em tưởng đâu, nhưng kìa Đấng ấy đến sau tôi, và tôi không đáng cởi dép cho Người.» (Cv13, 23b-25). Chúng ta đang ở An-ti-ô-khi-a miền Pi-xi-đi-a. Sau này, ở Ê-phê-sô ngài cũng một lần nữa xác định: «Ông Gio-an đã làm một phép rửa tỏ lòng sám hối, và ông bảo dân tin vào Đấng đến sau ông, tức là Đức Giê-su» (Cv19, 4) Để kết luận, có lẽ chúng ta cũng nên bày tỏ lòng ngưỡng mộ bằng những lời chính Chúa Giê-su nói về ông: «Khi những người ông Gio-an sai đến đã ra về, Đức Giê-su bắt đầu nói với đám đông về ông Gio-an rằng: "Anh em đi xem gì trong hoang địa? Một cây sậy phất phơ trước gió chăng?25 Hẳn là không! Thế thì anh em đi xem gì? Một người mặc gấm vóc lụa là chăng? Nhưng kẻ áo quần lộng lẫy, đời sống xa hoa thì ở trong cung trong điện.26 Thế thì anh em đi xem gì? Một vị ngôn sứ chăng? Đúng thế đó; mà tôi nói cho anh em biết: đây còn hơn cả ngôn sứ nữa!27 Chính ông là người Thiên Chúa đã nói tới trong Kinh Thánh rằng: Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con, người sẽ dọn đường cho Con đến! "Tôi nói cho anh em biết: trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, không có ai cao trọng hơn ông Gio-an; tuy nhiên kẻ nhỏ nhất trong Nước Thiên Chúa còn cao trọng hơn ông» (Lc7 24, 28)

***

 

Tác giả: bà Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: 
http://www.eglise.catholique.fr/
Dịch giả: Ernest Marco Huỳnh Lương


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com