Lời Chúa CN

BÀI ĐỌC 1 CN II TN B (1Sm 3, 3b-10.19) 14/01/2018

"Lạy Chúa, xin hãy nói, vì tôi tớ Chúa đang nghe".

Trích sách Samuel quyển thứ nhất.

 

Sa-mu-en đang ngủ trong đền thờ ĐỨC CHÚA, nơi có đặt Hòm Bia Thiên Chúa

10 ĐỨC CHÚA đến, đứng đó và gọi như những lần trước: "Sa-mu-en! Sa-mu-en! " Sa-mu-en thưa: "Xin Ngài phán, vì tôi tớ Ngài đang lắng nghe."

11 ĐỨC CHÚA phán với Sa-mu-en: "Này Ta sắp làm một điều tại Ít-ra-en mà bất cứ ai nghe nói cũng phải ù cả hai tai.

12 Ngày ấy, để phạt Ê-li, Ta sẽ thực hiện mọi điều Ta đã phán về nhà nó, từ đầu đến cuối.

13 Ta báo cho nó là Ta vĩnh viễn kết án nhà nó vì lỗi của nó: Nó biết các con nó nguyền rủa Thiên Chúa mà đã không sửa dạy chúng.

14 Vì vậy Ta thề với nhà Ê-li: nhà Ê-li sẽ không bao giờ được xá lỗi, dù là bằng hy lễ hay lễ phẩm."

15 Sa-mu-en cứ ngủ cho đến sáng, rồi mở các cửa của Nhà ĐỨC CHÚA. Sa-mu-en sợ không dám kể lại thị kiến cho ông Ê-li.

16 Ông Ê-li gọi Sa-mu-en và nói: "Sa-mu-en, con ơi! " Cậu thưa: "Dạ, con đây! "

17 Ông nói: "Người đã phán với con điều gì? Thầy xin con đừng giấu thầy. Xin Thiên Chúa phạt con thế này và còn thêm thế kia nữa, nếu con giấu thầy một điều nào trong tất cả những lời Người đã phán với con."

18 Sa-mu-en kể lại cho ông mọi điều, không giấu ông điều nào. Ông nói: "Người là ĐỨC CHÚA. Xin Người cứ làm điều Người cho là tốt."

19 Sa-mu-en lớn lên. ĐỨC CHÚA ở với ông và Người không để cho một lời nào của Người ra vô hiệu »

 

Lẽ ra nên đọc hết sách Sa-mu-en: gần như một quyển tiểu thuyết, câu chuyện thật đẹp…nhưng  lúc nào cũng thế, sách Thánh không phải chỉ để kể một giai thoại, mà phải đọc kỹ, tìm hiểu ý nghĩa từng chữ. Chắc các bạn biết chuyện về Sa-mu-en ?. Đây là như một phép lạ vì mẹ ông là một người phụ nữ không còn khả năng sinh sản. Một ngày nọ trong cơn đau khổ, bà dâng lên một lời khấn. « Nếu tôi có được đứa con, tôi sẽ dâng nó để phục vụ Chúa ». Và Sa-mu-en được sinh ra. Dĩ nhiên bà Anna đã giữ lời hứa, thì đây bà giao vị chủ tế già Ê-li, ông là người gìn giữ đền thờ tại Si-lô ( Xin đừng nhầm với tiên tri Ê-li-a về sau này).Si-lô ngày nay là một bãi tro tàn phía bắc thành Giê-ru-sa-lem, nhưng trước kia là nơi tựu họp các chi tộc Ít-ra-en trong một thời. Xin nhắc nhanh lại lịch sử thành phố này. Có bốn giai đoạn trong lịch sử hình thành dân tộc Do Thái :

1-Ra đi khỏi Ai cập với ông Mô-Sê.

2-Vào đất hứa với Giô-su-ê.

3-Chinh phục đất hứa của 12 chi tộc với các người thời ấy gọi là các Thủ Lãnh.

4-Sau cùng là sự thiết lập triều đại vua Sa-un rồi đến vua Đa-vít.

Thời kỳ ra khỏi Ai-cập chúng ta tìm thấy những điều chính yếu trong sách Xuất Hành, Sách Dân Số và Đệ Nhị Luật; sự kiện vượt sông Gio-đan và tiến vào đất hứa là trong sách Giô-su-ê. Và việc các Thủ Lãnh của 12 bộ tộc chinh phục đất hứa được kể lại trong sách Thủ Lãnh. Các Sách Thánh Kinh hình như đã theo dòng lịch sử nhưng cũng có những đoạn được thêm vào sau các biến cố, như những suy tưởng hậu nghiệm.( A posteriori).

Chính trong sách Giô-suê chúng ta được nghe kể về Si-lô lần đầu tiên. Ngay sau khi dân Do Thái tiến vào đất hứa, giữa năm 1220 -1200 trước CN, Si-lô lúc ấy là một nơi tựu tập của Mười Hai Chi Tộc chung quanh Lều Hội Ngộ chứa Hòm Bia Giao Ước. Chính lúc này là lần đầu tiên Giô-su-ê chia lãnh thổ cho Mười Hai Chi Tộc của miền đất còn gọi là Ca-na-an. Mỗi Chi Tộc từ ấy khai hoang thêm cho lãnh thổ của mình. Rõ ràng là lúc ấy Si-lô được thiết lập là nơi phụng tự cho các Chi Tộc hằng năm đến hành hương nơi đây, cũng vì thế mà bà Anna ,vào năm 1050 ( 150 năm sau) trong một chuyến hành hương đã dâng lên lời khấn hứa đó. Sứ vụ của Sa-mu-en trong bài đọc hôm nay có thể được xác định vào năm 1040, Sa-mu-en  lúc ấy còn là một thiếu niên, nhưng sau này sẽ là một trong những nhân vật nỗi bật nhất trong lịch sử Do Thái, đó là vị Tư Tế sau cùng. Cho đến nỗi sau này Giê-rê-mia so sánh với chính ông Mô-sê ( Jr 5,1)  và trong Tv 99 cũng thế

6 Mô-sê cùng A-ha-ron trong hàng tư tế Chúa,
cũng như Sa-mu-en trong số người cầu khẩn Thánh Danh!
Các ngài cầu khẩn CHÚA, Chúa thương đáp lại.
(Tv99,6)

Thánh Kinh gồm có hai « sách Sa-mu-en » ; thật ra hai sách này không phải của ông. Hai sách được viết thật lâu sau khi ông chết. Bằng chứng là trong sách kể lại những sự kiện xảy ra sau khi ông qua đời ; sách này kể lại những biến cố khoảng giữa 1050 và 970 truớc CN. Sa-mu-en  tỏ ra vừa là một nhà lãnh đạo thiêng liêng vừa là một nhà chính trị. Ông đảm nhận nhiệm vụ tư tế, dâng lễ trong đền thờ nhưng cũng là quan toà xét xử. Sách  Sa-mu-en 1 nói : « 15 Ông Sa-mu-en làm thủ lãnh xét xử Ít-ra-en mọi ngày trong đời ông.16 Năm này qua năm nọ, ông đi một vòng Bết Ên, Ghin-gan, Mít-pa, và ông xét xử Ít-ra-en tại tất cả những nơi ấy.17 Rồi ông trở về Ra-ma vì nhà ông ở đó và ông xét xử Ít-ra-en ở đó. Tại đây ông dựng một bàn thờ để kính ĐỨC CHÚA. »( 1Sm 7 :15)

Chính ông đăng quang hai vị vua đầu tiên của Do Thái, Sa-un và Đa-vít, và ông đóng vai trò quan trọng trong triều đình: ông truyền lệnh của Thiên Chúa cho nhà vua, trong các dịp này ông được xem như một nhà Tiên Tri. Hai câu sau đây, câu trước và câu sau miêu tả sứ vụ của Sa-mu-en có nói rõ điều này :

Khởi đầu chương ba : « Thời ấy, lời ĐỨC CHÚA thì hiếm và thị kiến cũng không hay xảy ra. »(1Sm 3 :1b) 

«  Sa-mu-en lớn lên. ĐỨC CHÚA ở với ông và Người không để cho một lời nào của Người ra vô hiệu.20 Toàn thể Ít-ra-en, từ Đan tới Bơ-e Se-va, biết rằng ông Sa-mu-en được ĐỨC CHÚA tín nhiệm cho làm ngôn sứ của Người.21 ĐỨC CHÚA tiếp tục hiện ra ở Si-lô, vì ĐỨC CHÚA dùng lời của ĐỨC CHÚA mà tự mặc khải cho ông Sa-mu-en ở Si-lô, »(1Sm3 : 19-21)

Sở dĩ Thánh Kinh nhấn mạnh như thế vì thời ấy việc cảnh báo cho dân chúng biết, có nhiều tiên tri giả, là khẩn trương. Có người tự nhận mình là tiên tri nhưng không bao giờ được Chúa gọi. Một tiên tri thật như Sa-mu-en chỉ thông báo cho dân chúng Lời Chúa và chỉ Lời Chúa mà thôi. Có lẽ tác giả muốn cho dân chúng vững lòng tin trong thời đại khó khăn như thế nên ngài nhắc lại là Chúa đang thinh lặng, nhưng không quên chúng ta và tiếng gọi của Ngài vang dội…: Một cách nói là nếu  « Thời ấy, lời ĐỨC CHÚA thì hiếm và thị kiến cũng không hay xảy ra. »(1Sm 3 :1b), thế nhưng Chúa lại gọi một trong các đấng Tiên Tri vĩ đại nhất của Ngài.

Sau cùng dĩ nhiên, đoạn Thánh Kinh này đề nghị cho chúng ta một mẫu gương cho thời đại chúng ta. Thiên Chúa gọi ông Sa-mu-en là một khuôn mẫu đáp lại ơn gọi của Chúa, chấp nhận sứ vụ ngôn sứ. Sau đây là ba điều nên chú ý rút ra từ ơn gọi của Sa-mu-en cho mọi ơn gọi ngôn sứ :

Trước tiên về ơn gọi :  Sa-mu-en lúc được gọi còn là một trẻ con, khi Chúa gọi không cần lớn tuổi, mạnh khoẻ, không cần có quyền thế, nhiều khả năng ! Ở đây cũng là điều ngược đời : Chính là trong sự yếu đuối của con người mà Thiên Chúa được biểu lộ.  Giê-rê-mi-a cũng nói :

« Ôi! Lạy ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng, con đây còn quá trẻ, con không biết ăn nói! "       ( Giê-rê-mi-a 1 :6b)

Nhưng Chúa trả lời :

« Đừng nói ngươi còn trẻ!

Ta sai ngươi đi đâu, ngươi cứ đi;

Ta truyền cho ngươi nói gì, ngươi cứ nói.

 Đừng sợ chúng, vì Ta ở với ngươi để giải thoát ngươi »( Giê-rê-mi-a 1 7-8)

Về ơn gọi, không chỉ Sa-mu-en hiểu đó là được gọi nhưng chính vị chủ tế Ê-li. ông đã biết thế nên đã giúp Sa-mu-en nhận định ý Chúa. Đây cũng đúng là một mẫu gương mà tác giả muốn nêu lên từ ông Ê-li : Vị chủ tế nép mình xuống, không cản trở điều mà ông cho là một sáng kiến của Thiên Chúa ; ông soi sáng cho đứa trẻ để trả lời với Chúa.

Và sau cùng về sự đáp lời, thật là đơn sơ : Cụm chữ « Dạ, con đây » ( 1Sm, 3 :4) được lập lại bốn lần trước khi nói « Xin Ngài phán, vì tôi tớ Ngài đang lắng nghe »( Sm,3 10b) Đó là phản ảnh trong lòng hoàn toàn sẵn sàng, điều duy nhất mà Thiên Chúa cần để tiếp tục chương trình giao ước của Ngài với nhân loại. Câu sau đây cũng là một bài học cho mỗi chúng ta :

«  Sa-mu-en lớn lên. ĐỨC CHÚA ở với ông và Người không để cho một lời nào của Người ra vô hiệu ». Trong đời sống ơn gọi của mỗi người, chúng ta vững tin rằng không lúc nào vắng sự hiện diện của Chúa và quyền năng của Ngài.

Thoạt tiên, có vẻ không có liên quan giữa bài đọc một và Phúc Ấm thánh Gio-an trong chúa nhật hôm nay : cái bẩy là ở chỗ so sánh cách Chúa gọi Sa-mu-en và các Tông Đồ. Thực ra Sa-mu-en là hình ảnh Chúa Kitô, đấng đã ra đi theo tiếng gọi của Đức Chúa Cha. Chúng ta đang ở khúc quanh của  lịch sử. Thiên Chúa đang thi hành chương trình của Ngài. Sa-mu-en đăng quan hai vua Sa-un và Đavít, từ dòng dõi này sinh ra đấng Ki-tô. Chúa luôn lấy sáng kiến trước tiên nhưng lúc nào cũng cần sự đáp ứng của con người; từ đó bộ mặt của thế giới sẽ thay đổi. Chúa gọi vì ngài cần sự cộng tác của con người cho chương trình của Ngài : Ngài không thi hành mà không có ta hay mặc cho ta. Con người cần đến Lời Chúa thì Ngài cũng cần con người. Một cách tự phát, lần lược từ Ap-ra-ham, rồi Mô-sê, đến  Sa-mu-en cũng dùng một công thức của người có đức tin, một cách làm cho chương trình của Chúa khả thi : « Lạy Chúa con đây ».

Thật vậy, gần như một điều hiển nhiên là Sa-mu-en đã trả lời vì ông đã nghe. Mà ông đã nghe vì ông ở trong đền thánh. Bà Anna mẹ ông đã đem ông tới và ông Ê-li, ông đã chăm sóc Sa-mu-en . Phải chăng chúng ta phải hy sinh, để đem những người chúng ta chăm sóc có dịp bước qua ngững cửa đền thánh để được nghe Chúa gọi ?

***

Tác giả: bà Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: 
http://www.eglise.catholique.fr/
Dịch giả: Ernest Marco Huỳnh Lương


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com