Lời Chúa CN

PHÚC ÂM CN VI TN NĂM B (Mc 1, 40-45) 11/02/2018

Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a.

- Vị ngôn sứ vĩ đại đã xuất hiện giữa chúng ta, và Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người - Ha-lê-lui-a.

------------------

"Chứng phong hủi biến khỏi anh, và anh được sạch."

 

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô.

 

40 Khi ấy, có người mắc bệnh phong đến gặp Đức Giê-su, anh ta quỳ xuống van xin rằng : “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch.”

41 Đức Giê-su chạnh lòng thương giơ tay đụng vào anh và bảo : “Tôi muốn, anh hãy được sạch !” 

42 Lập tức, bệnh phong biến khỏi anh, và anh được sạch.

 43 Nhưng Người nghiêm giọng đuổi anh đi ngay,

 44 và bảo anh : “Coi chừng, đừng nói gì với ai cả, nhưng hãy đi trình diện tư tế ; và vì anh đã được lành sạch, thì hãy dâng những gì ông Mô-sê đã truyền, để làm chứng cho người ta biết.” 

45 Nhưng vừa đi khỏi, anh đã bắt đầu rao truyền và loan tin ấy khắp nơi, đến nỗi Đức Giê-su không thể công khai vào thành nào được, mà phải ở lại những nơi hoang vắng ngoài thành. Và dân chúng từ khắp nơi kéo đến với Người.\

 

Đây là chuyến đi truyền giáo đầu tiên của Chúa Giê-su, cho đến nay Ngài rao giảng tại Ca-phác-na-um, các thánh sử giới thiệu là thành phố được Chúa chọn để bắt đầu đời sống công khai của Ngài. Nơi đây Chúa làm nhiều phép lạ đến nỗi Ngài phải lánh đi và nói :

 « Chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng xã chung quanh, để Thầy còn rao giảng ở đó nữa » (Mc 1 : 38) Thánh Mac-cô còn viết thêm :

« Rồi Người đi khắp miền Ga-li-lê, rao giảng trong các hội đường của họ, và trừ quỷ »( Mc 1, 39)

Qua đó chúng ta biết Ngài đang ở Ga-li-lê, rất xa Ca-phác-na-um khi người phong hủi đến gần Ngài.

Thật ra truyện chúng ta vừa đọc kể lại hai cốt chuyện chứ không phải chỉ một mà thôi. Chuyện đầu tiên hiển nhiên là kể phép lạ người phong hủi được chữa lành. Da anh được lành hẳn và như thế anh được quay về sống với cộng đồng xã hội. Nhưng đồng thời câu chuyện người hủi được chữa lành bắt đầu một câu chuyện khác dài hơn nhiều, quan trọng hơn nhiều, đó là cuộc chiến không ngừng của Chúa Giê-su để mặc khải dung nhan thật sự của Chúa. Vì lẽ khi Ngài lấy quyết định chạm vào người phong hủi là Ngài đã bắt đầu một hành động táo bạo, có thể nói là gây tai tiếng.

Chắc chắn là thế, vì thánh Mác-cô dùng chữ  sạch  lành sạch tới bốn lần trong mấy dòng. Đó là để nói đến sự quan tâm thời đó. Trong sạch là điều kiện thiết yếu để đi vào tương quan với Chúa Chí Thánh. Các thành viên của Dân Chúa rất chú ý về điều này. Sách Lê-vi mà chúng ta được trích nghe trong bài Đọc Một hôm nay có nhiều chương nói về sự trong sạch. Thánh Mác-cô cũng nhắc lại vài chương sau bài Tin Mừng hôm nay:

«  Thật vậy, người Pha-ri-sêu cũng như mọi người Do-thái đều nắm giữ truyền thống của tiền nhân: họ không ăn gì, khi chưa rửa tay cẩn thận; thức gì mua ngoài chợ về, cũng phải rảy nước đã rồi mới ăn; họ còn giữ nhiều tập tục khác nữa như rửa chén bát, bình lọ và các đồ đồng »   ( Mc 7 :3-4)

Việc tìm sự trong sạch như thế dĩ nhiên đem tới tình trạng loại trừ những người bị cho là ô uế. Chẳng may thời đó người ta tin rằng cơ thể là hình ảnh của linh hồn, của bệnh hoạn, là chứng cứ của tội lỗi. Vì thế mọi người để gìn giữ trong sạch phải tránh đụng chạm đến những bệnh nhân. Đó là điều chúng ta thấy trong Bài đọc Một :

«  Bao lâu còn mắc bệnh, người ấy sẽ còn là ô uế. Người ấy phải ở riêng ra, chỗ ở của họ là một nơi bên ngoài trại »( Lv 13 : 46)

Điều này muốn nói là khi người hủi và Chúa Giê-su vô tình đến gần nhau là nhất định phải tránh nhau. Đó là muốn nói một điều kinh khủng thời bấy giờ là có thể bị loại trừ vì nhân danh Chúa.

Người hủi lẽ ra không được đến gần đấng Giê-su và Chúa Giê-su lẽ ra không được sờ vào người phong hủi. Người này lẫn người kia đều vi phạm luật truyền thống, và nhờ hai sự táo bạo đó, phép lạ mới được thực hiện ( Hay chính phép lạ thực hiện hai sự táo bạo ấy ?)

Người bị phong hủi có lẽ đã nghe phong thanh về thanh danh càng ngày càng lớn của đức Giê-su, vì thế thánh Mác-cô quả quyết rằng 28 « Lập tức danh tiếng Người đồn ra mọi nơi, khắp cả vùng lân cận miền Ga-li-lê ».( Mc 1 : 28) Anh ta nói với Chúa Giê-su như với đấng Mê-si-a. anh ta quỳ xuống van xin rằng : “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch.” Trước hết người ta chỉ quỳ gối trước mặt Thiên Chúa, kế đến , thời Chúa Giê-su mọi người chờ đọi một cách đầy nhiệt tâm đấng Mê-si-a xuất hiện, mọi người đều biết Ngài sẽ khởi đầu một kỹ nguyên  hạnh phúc phổ quát. Trong « Trời mới và đất mới » như Isa-i-a đã hứa « không còn nghe thấy tiếng than khóc kêu la »( Is 65 :19) 3 tặng cho những kẻ khóc than ở Xi-on tấm khăn đại lễ thay tro bụi,dầu thơm hoan lạc thay tang chế » (Is 61 : 3). Chính những thứ ấy người hủi cầu xin nơi Chúa : sự lành bệnh của thời Mê-si-a. Và Chúa Giê-su đã đáp lại sự chờ đợi đó : : “Tôi muốn, anh hãy được sạch !” 

Chúa Giê-su xác định ngay tức khắc chính Ngài là đấng mọi người trông đợi. Một ít lâu sau Ngài nói với các môn đệ ông Gioan Tẩy Giả :

 « Đức Giê-su trả lời: "Các anh cứ về thuật lại cho ông Gio-an những điều mắt thấy tai nghe:5 Người mù xem thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng »  ( Mt 11 :4-5)

Là kẻ nghèo hèn, người bệnh hủi nghèo thật, nghèo vì bệnh ngặt nghèo của anh ta, nghèo cũng vì thái độ khiêm nhu của anh : « Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch. » Chỉ cần lòng tin nhiệt tình như thế để làm cho Chúa hành động.

Phép lạ ấy của Chúa Giê-su đánh dấu giai đoạn đầu tiên của cuộc đấu tranh dài chống mọi sự loại trừ, vì Tin Mừng Ngài muốn loan báo mà người phong hủi truyền đi khắp nơi, là kể từ đây không ai sẽ bị tuyên án là ô uế và bị loại trừ nhân danh Thiên Chúa. Miêu tả một thế giới mới, trong đó người hủi được rửa sạch, thật là một « Tin Mừng »cho kẻ nghèo hèn : Chẳng các bệnh nhân và những người cùi hủi được chữa lành mà còn được rửa sạch, trong nghĩa là « Bạn của Chúa ».

Nếu muốn giống Thiên Chúa, muốn như Chúa «  nghe kẻ tù đày rên siết thở than
và phóng thích những người mang án tử »
(Tv 102 :21) thì không nên loại trừ một ai mà phải trái lại, đến gần mọi người. Giống Chúa Chí Thánh, không phải tránh chung đụng với kẻ khác, nhưng phải phát triển khả năng yêu thương. Đó chính là thái độ của Chúa Giê-su đối với người phong hủi( Mc 1 :40). Và thánh Phao-lô ( Trong Bài đọc 2 ngày CN hôm nay) mời gọi chúng ta chỉ cần bắt chước Chúa Giê-su 

« Anh em hãy bắt chước tôi, như tôi bắt chước Đức Ki-tô » ( 1 Cr 11: 1)

Để đi đến tận cùng điều răn yêu thương ( Yêu người thân cận như chính mình ) Chúa Giê-su đã bỏ qua hình thức của Lề Luật : Ngài vừa có một hành động hoàn toàn tự do, nhưng mọi người sẽ không hiểu, vì thế Ngài bảo người hủi được chữa lành phải im lặng.

Nhưng Người nghiêm giọng đuổi anh đi ngay,

 44 và bảo anh : “Coi chừng, đừng nói gì với ai cả, nhưng hãy đi trình diện tư tế ; và vì anh đã được lành sạch, thì hãy dâng những gì ông Mô-sê đã truyền, để làm chứng cho người ta biết.” 

Ngay từ đầu cuộc đời công khai của Chúa, cuộc đấu tranh đưa Ngài đến cái chết đã bắt đầu.

Cuộc Thương Khó đã bắt đầu bằng mấy hàng của bài này : Chúa Giê-su bị hạ xuống thấp hơn người phong hủi, thân thể bị ô uế bằng máu và nước miếng, bị loại trừ hơn ai hết, bị hành quyết ngoài thành thánh, là Con Mến Yêu của Đức Chúa Cha, chính là hình ảnh của Thiên Chúa : Đấng « Sạch »tuyệt vời nhất.

 

***

Tác giả: bà Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: 
http://www.eglise.catholique.fr/
Dịch giả: Ernest Marco Huỳnh Lương


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com