"Anh em hãy làm hoà với Thiên Chúa : Đây là thời Thiên Chúa thi ân."
Bài trích thư thứ hai của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Cô-rin-tô.
5 20 Thưa anh em, chúng tôi là sứ giả thay mặt Đức Ki-tô, như thể chính Thiên Chúa dùng chúng tôi mà khuyên dạy. Vậy, nhân danh Đức Ki-tô, chúng tôi nài xin anh em hãy làm hoà với Thiên Chúa.
21 Đấng chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta, để làm cho chúng ta nên công chính trong Người.
6 1 Vì được cộng tác với Thiên Chúa, chúng tôi khuyên nhủ anh em : anh em đã lãnh nhận ân huệ của Thiên Chúa, thì đừng để trở nên vô hiệu.
2 Quả thế, Chúa phán rằng : Ta đã nhận lời ngươi vào thời Ta thi ân, phù trợ ngươi trong ngày Ta cứu độ. Vậy, đây là thời Thiên Chúa thi ân, đây là ngày Thiên Chúa cứu độ.
Thánh Phao-lô nói « …anh em hãy làm hoà với Thiên Chúa. » ( 5, 20) nói làm hoà là đã bất hoà. Bất hoà thế nào được, trong lúc suốt Cựu Ước Chúa phát biểu bằng đủ cách là Ngài không bao giờ quở trách loài người. ?
« 8 CHÚA là Đấng từ bi nhân hậu,
Người chậm giận và giàu tình thương,
9 chẳng trách cứ luôn luôn,
không oán hờn mãi mãi.
10 Người không cứ tội ta mà xét xử,
không trả báo ta xứng với lỗi lầm.
11 Như trời xanh trổi cao hơn mặt đất,
tình Chúa thương kẻ thờ Người cũng trổi cao.
12 Như đông đoài cách xa nhau ngàn dặm,
tội ta đã phạm, Chúa cũng ném thật xa ta.
13 Như người cha chạnh lòng thương con cái,
CHÚA cũng chạnh lòng thương kẻ kính tôn.
14 Người quá biết ta được nhồi nắn bằng gì,
hẳn Người nhớ: ta chỉ là cát bụi. » (Tv 102 (103)
Hay là
« 7 Kẻ gian ác, hãy bỏ đường lối mình đang theo,
người bất lương, hãy bỏ tư tưởng mình đang có
mà trở về với ĐỨC CHÚA - và Người sẽ xót thương -,
về với Thiên Chúa chúng ta, vì Người sẽ rộng lòng tha thứ » (Is 55,7)
Hay là
« 23 Nhưng Chúa xót thương hết mọi người,
vì Chúa làm được hết mọi sự.
Chúa nhắm mắt làm ngơ, không nhìn đến tội lỗi loài người,
để họ còn ăn năn hối cải. » (Is, 55,7)
« 16 Chính do sức mạnh của Chúa
mà Chúa hành động công minh,
và vì Chúa làm bá chủ vạn vật,
nên Chúa nương tay với muôn loài. » ( Kn 11,23…12,16)
Các nhân vật trong Thánh Kinh cũng đã trải qua các kinh nghiệm đó : đầu tiên là vua Đa-vít. Không phải Chúa không biết bàn tay ông đã dấy máu ( Sau vụ giết U-ri-gia, chồng của Bết-sa-bê 2S,12) thế mà Ngài gửi tiên tri Na-than đến nói như thế này: « Ta đã cho ngươi nhà Ít-ra-en và Giu-đa. Nếu bấy nhiêu mà còn quá ít, thì Ta sẽ ban thêm cho ngươi gấp mấy lần như thế nữa »(2S,12).
Đâu phải Chúa không biết, sở dĩ vua Sa-lô-môn lên được ngôi là đã phải giết hết cả các địch thủ, thế nhưng Ngài cũng nghe lời cầu khẩn của tiên tri Ga-ba-ôn và nhậm lời ban cho mọi thứ còn hơn những gì vị vua trẻ ấy dám cầu xin.( 1V,3). Hơn thế nữa, chính tên của Chúa là Đấng Giàu Lòng Thương Xót, có nghĩa khi chúng ta càng khốn cùng thì Ngài càng yêu thương chúng ta. Chúa không quở trách loài người , nhưng thánh Phao-lô nói tới hoà giải, vì từ khi thế gian là thế gian ( Thánh Phao-lô nói « từ A-đam » cũng có nghĩa ấy), con người buộc tội Thiên Chúa. Điều tuyệt vời nơi sách sáng thế ( St 2-3) là gán cho con rắn cái câu buộc tội Thiên Chúa « 4 Rắn nói với người đàn bà: "Chẳng chết chóc gì đâu!5 Nhưng Thiên Chúa biết ngày nào ông bà ăn trái cây đó, mắt ông bà sẽ mở ra, và ông bà sẽ nên như những vị thần biết điều thiện điều ác."6 ( St 2,4) ( Nói cách khác hơn là Chúa ganh với loài người, không muốn ban cho điều tốt lành cho con người). Đó là ẩn ý của tác giả viết sách Sáng Thế, điều nghi kỵ đó không phải tự nhiên đối với con người, vì thế có thể chữa được.. Vì thế thánh Phao-lô nói ở đây : « …nhân danh Đức Ki-tô, chúng tôi nài xin anh em hãy làm hoà với Thiên Chúa. »(2Cr,20b)
Và Chúa đã làm gì để cất khỏi lòng chúng ta sự bất đồng đó, sự nghi ngờ đó « 21 Đấng chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta, để làm cho chúng ta nên công chính trong Người » (2Cr 5,21) : Chúa Giê-su không hề có tội, Ngài không có giây phút nào nghi ngờ nơi Đức Chúa Cha. Trong một đọan Thánh Kinh khác, thánh nhân nói « 8 Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự. » ( Pl 2,8), tức là cậy trông ngay khi bị đau khổ và phải chịu chết. Ngài cố gắng chia sẻ với loài người lòng cậy trông ấy và mặc khải Thiên Chúa chỉ là Tình yêu, tha thứ và cứu giúp kẻ hèn yếu. Điều trớ trêu nhất là chính vì thế mà Ngài bị kết án phạm thượng, bị liệt kê vào hàng tội lỗi, và bị hành quyết như một tên cướp. ( Đnl 21,23)
Sự đui mù của con người ập vài Ngài, nhưng Chúa vẫn để như thế, vì đó là là cách duy nhất cho con người xác tín về lòng « nhiệt tình cho dân Ngài », như lời của tiên tri Giô-en. Tội lỗi của con người chạm phải tận trong da thịt Chúa Giê-su, nào bạo lực, hận thù, từ chối những mặc khải của Ngài. Trên gương mặt Đức Giêsu bị đóng đinh trên thánh giá, chúng ta có thể ngắm nhìn sự tàn bạo của tội lỗi đi đến đâu… nhưng cũng thấy sự nhân từ và tha thứ của Người. Từ ngắm nhìn điều đó có thể phát xuất ra sự trở lại của chúng ta mà thánh Phao-lô gọi lả « Trở nên công chính ». « Chúng sẽ ngước nhìn lên Ta. Chúng sẽ khóc than Đấng chúng đã đâm thâu, . » ( Dacaria 12,10) Điều này được thánh Gio-an nhắc lại trong ( Ga 19,37) để khám phá trong sự kiện Chúa Giê-su tha thứ cho các đao phủ, chính hình ảnh Thiên Chúa ( vì Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha.( Ga 14,9) )
Chỉ còn loan báo cho thế gian « chúng tôi là sứ giả của Thiên Chúa », thánh Phao-lô nói như một sứ giả được gởi cho anh em mình. Từ nay chúng ta hãy tiếp tục lã nhận sứ mạng đó. Có lẽ sứ điệp đó được chứa đựng trong câu Thánh Kinh trích trong thư thánh Phao-lô « Quả thế, Chúa phán rằng: Ta đã nhận lời ngươi vào thời Ta thi ân, phù trợ ngươi trong ngày Ta cứu độ. Vậy, đây là thời Thiên Chúa thi ân, đây là ngày Thiên Chúa cứu độ »( 2Cr 6,2). Đó cũng là câu của tiên tri I-sa-ia trong một trong Bài Ca Người Tôi Trung : «8 ĐỨC CHÚA phán thế này: Ta đã nhận lời ngươi vào thời Ta thi ân, phù trợ ngươi trong ngày Ta cứu độ. Ta đã gìn giữ ngươi, đặt ngươi làm giao ước giữa Ta với dân, để phục hồi xứ sở, để chia lại những gia sản đã bị tàn phá, 9 để nói với người tù: "Hãy đi ra", với những kẻ ngồi trong bóng tối: "Hãy ra ngoài." » ( Is 49,8-9)
Sứ vụ của dân It-ra-en, Người Tôi Trung của Thiên Chúa được giới thiệu như một sứ giả cứu độ. Bây giơ đến phiên Chúa Ki-tô giao cho Giáo Hội loan báo cho thế gian tội lỗi được thứ tha .
***
Tác giả: bà Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: http://www.eglise.catholique.fr/
Dịch giả: Ernest Marco Huỳnh Lương