"Anh em hãy tìm những sự trên trời, nơi Đức Kitô ngự".
Trích thư thứ nhất của Thánh Phao-lô Tông đồ gửi tín hữu Cô-rin-tô.
1 Anh em đã được trỗi dậy cùng với Đức Ki-tô, nên hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Ki-tô đang ngự bên hữu Thiên Chúa.
2 Anh em hãy hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới, chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới.
3 Thật vậy, anh em đã chết, và sự sống mới của anh em hiện đang tiềm tàng với Đức Ki-tô nơi Thiên Chúa.
4 Khi Đức Ki-tô, nguồn sống của chúng ta xuất hiện, anh em sẽ được xuất hiện với Người, và cùng Người hưởng phúc vinh quang.
Thật tình, có lúc thánh Phao-lô làm cho chúng ta sửng sốt! Ngài bắt đầu nói: «1 Anh em đã được trỗi dậy » để rồi ba hàng sau đó lại nói: « 3 Thật vậy, anh em đã chết »… Có lẽ phải tin rằng nhưng ngôn từ của thánh nhân không có cùng nghĩa với chúng ta! Nếu các bạn và tôi hôm nay ở đây, tức là chúng ta đang sống… tức là chưa chết và dĩ nhiên chưa sống lại! … hay là chính vì hôm nay các chữ ấy đã đổi nghĩa. Hôm nay chúng ta đang sống một ngày thật đặc biệt, một ngày không như mọi ngày: đây là sáng ngày Lễ Phục Sinh, kể từ nay không còn như trước nữa. Đấy chính là điều thánh Phao-lô muốn nói cho chúng ta.
Điều thứ hai bài này nhấn mạnh: « 2 Anh em hãy hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới, chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới ». Thế nhưng cũng cùng một thánh Phao-lô này lại nói vài hàng sau bài này: «17 Anh em có làm gì, nói gì, thì hãy làm hãy nói nhân danh Chúa Giê-su và nhờ Người mà cảm tạ Thiên Chúa Cha » (Cl 3, 17). Thế thì không phải khinh miệt những thực tế thế gian! Chúa đã trao ban cho chúng ta, không để chúng ta khinh bỉ nó! Ở đây cũng lại vấn đề ngôn ngữ. Thánh nhân gọi: «những gì thuộc thượng giới », đó là nhưng gì ngài gọi, trong vài câu sau là: lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hoà và nhẫn nại(Cl 3,12), và những gì ngài gọi là: « những gì thuộc hạ giới », tức là « gian dâm, ô uế, đam mê, ước muốn xấu và tham lam… » (Cl3, 5b). Thực ra không phải những gì thuộc về thượng giới hay hạ giới, đây là cách cư xử , cách sống ở đời… Trọn đời sống ta phải chịu căng thẳng giữa hai áp lực đối ngược nhau ấy: sự canh tân đời sống chúng ta, sự phục sinh của chúng ta đã được Chúa Ki-tô hoàn tất, và chúng ta chỉ cần thu lượm từng chút, từng chút những thực tế sâu xa ấy, áp dụng cụ thể vào suốt chuỗi đời chúng ta.
Nếu đọc xa hơn bài này chúng ta sẽ gặp câu sau đây: « anh em đã mặc lấy con người mới »(Cl 3, 9b) và xa hơn vài hàng: «anh em phải có lòng bác ái: đó là mối dây liên kết tuyệt hảo » (Cl 3, 14b). Có lẽ cách suy niệm hay nhất bài này có thể tóm gọn vào hai vế: một đàng« anh em đã »: là điều anh em có rồi, vế thứ hai «anh em phải »: là điều cần phải làm…
Chúng ta nhận ra sự giằng co giữa hai lực trong các bài giảng thánh Phao-lô, đặc biệt trong thư cho tín hữu Cô-lô-xê này: « 21 Cả anh em nữa, xưa kia anh em là những người xa lạ, là thù địch của Thiên Chúa vì những tư tưởng và hành động xấu xa của anh em. 22 Nhưng nay nhờ Đức Giê-su là con người bằng xương bằng thịt đã chịu chết, Thiên Chúa cho anh em được hoà giải với Người. 23 Anh em chỉ cần giữ vững đức tin, cần được xây dựng vững chắc, kiên quyết và đừng vì nao núng mà lìa bỏ niềm hy vọng anh em đã nhận được khi nghe loan báo Tin Mừng. (Cl 1, 21-22. 23) ; 6 Vậy như anh em đã nhận Đức Ki-tô Giê-su làm Chúa, thì hãy tiếp tục sống kết hợp với Người. 7 Anh em hãy bén rễ sâu và xây dựng đời mình trên nền tảng là Đức Ki-tô Giê-su, hãy dựa vào đức tin mà anh em đã được thụ huấn, và để cho lòng chan chứa niềm tri ân cảm tạ. 8 Hãy coi chừng chớ để ai gài bẫy anh em bằng mồi triết lý và những tư tưởng giả dối rỗng tuếch theo truyền thống người phàm và theo những yếu tố của vũ trụ chứ không theo Đức Ki-tô. (Cl 2, 6-8) 12 Anh em đã cùng được mai táng với Đức Ki-tô khi chịu phép rửa, lại cùng được trỗi dậy với Người, vì tin vào quyền năng của Thiên Chúa, Đấng làm cho Người trỗi dậy từ cõi chết. (Cl 2, 12).
Không phải sống cuộc sống khác , nhưng sống khác hơn cuộc sống thường nhật. Chính thế gian này được Chúa hứa vào Nước Trời, vì thế không phải khinh miệt nó nhưng phải sống trong ấy như cái mầm của Nước Trời.
***
Tác giả: bà Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: http://www.eglise.catholique.fr/
Dịch giả: Ernest Marco Huỳnh Lương