"Mọi cái sinh ra bởi Thiên Chúa đều chiến thắng thế gian."
Bài trích thư thứ nhất của Thánh Gio-an tông đồ
1 Phàm ai tin rằng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô,
kẻ ấy đã được Thiên Chúa sinh ra.
Và ai yêu mến Đấng sinh thành,
thì cũng yêu thương kẻ được Đấng ấy sinh ra.
2 Căn cứ vào điều này, chúng ta biết được
mình yêu thương con cái Thiên Chúa:
đó là chúng ta yêu mến Thiên Chúa
và thi hành các điều răn của Người.
3 Quả thật, yêu mến Thiên Chúa
là tuân giữ các điều răn của Người.
Mà các điều răn của Người có nặng nề gì đâu,
4vì mọi kẻ đã được Thiên Chúa sinh ra đều thắng được thế gian.
Và điều làm cho chúng ta thắng được thế gian,
đó là lòng tin của chúng ta.
5 Ai là kẻ thắng được thế gian,
nếu không phải là người tin rằng
Đức Giê-su là Con Thiên Chúa?
6 Chính Đức Giê-su Ki-tô là Đấng đã đến, nhờ nước và máu;
không phải chỉ trong nước mà thôi,
nhưng trong nước và trong máu.
Chính Thần Khí là chứng nhân,
và Thần Khí là sự thật.
Chúng ta đã đọc bài này vài tuần trước, nhân ngày Chúa Giê-su nhận phép Rửa, và chúng ta đã ghi nhận bối cảnh nào thánh Gio-an viết bài này ( Ghi chú : Chúng ta kể như thoả thuận với nhau tiếp tục cho là thánh Gio-an viết bài này, nhưng chính thực là do một môn đệ của thánh sử Tông Đồ viết). Thánh Gio-an cảnh báo các ki-tô hữu thời ấy có nhiều luồng tư tưởng bóp méo đức tin Ki-tô. Rõ ràng có chó sói trong chuồng chiên !
Để giúp các tín hữu đang hoang mang không biết phải nghĩ ra sao trước nhiều điều người ta nói, vì thế thánh Gio-an thảo ra một loại như Kinh Tin Kính tối thiểu. Trong các câu chúng ta đang suy niệm ngài nhấn mạnh ba điểm :
Điểm thứ nhất : Giê-su thành Na-da-rét là Con Thiên Chúa.
Điểm thứ hai : người tín hữu, Ki-tô hữu cũng là con Thiên Chúa, kể từ nay kẻ ấy có một đời sống mới, đời sống của con Thiên Chúa.
Điểm thứ ba : đời sống mới ấy được tóm gọn là mến Chúa và yêu người.
Ba điểm chính yếu ấy được loan báo ngay trong câu đầu :
«1 Phàm ai tin rằng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, kẻ ấy đã được Thiên Chúa sinh ra.
Và ai yêu mến Đấng sinh thành, thì cũng yêu thương kẻ được Đấng ấy sinh ra » ( tức là những con cái khác của Thiên Chúa)
Chúng ta suy nghĩ điểm thứ nhất : « Đấng Giê-su thành Na-da-rét chính là Con Thiên Chúa » Ý nghĩ đó là cốt lõi của cuộc tranh luận ! Các tín hữu tiên khởi bị dân Do Thái bách hại ; điều này tự nhiên thôi ! Đối với đạo Do Thái, họ là một giáo phái, phải nhất định ngăn ngừa không cho phát triển. Một vấn đề lớn thường hay bị lãng quên ngay trong lòng các cộng đồng Ki-tô hữu. Giữa ki-tô hữu với nhau, họ tranh luận không ngơi về mầu nhiệm Con Người Chúa Giê-su. Điều này chứng minh rằng các tranh luận về Thần học không chỉ có từ ngày nay.
Thánh Gio-an không có tham vọng giải thích một người như Đấng Giê-su, bằng xương bằng thịt như mọi người, chết như mọi người, mà lại là đấng Ki-tô, được Thiên Chúa sai đến, Con Thiên Chúa. Không một người nào có thể hiểu hay dám giải thích mầu nhiệm không ai có thể thấu được tư tưởng của Thiên Chúa : Đối với tri thức của con người, tư tưởng của Thiên Chúa không thể tưởng tượng được…Thế nhưng thánh Gio-an mạnh dạn quả quyết rằng Đấng Giê-su vừa thật sự là Thiên Chúa vừa thật sự là Người. Nếu một ai chỉ thấy nơi Ngài hoặc là Người hoặc là Chúa, chính là cắt Ngài ra , không còn gì là Ki-tô hữu nữa. Cũng trong thư thứ nhất Thánh Gio-an chương 1, ngài đã nói :
«…3 còn thần khí nào không tuyên xưng Đức Giê-su, thì không bởi Thiên Chúa » ( 1 Ga 4,3)
Hay là :
« 22 Ai là kẻ dối trá, nếu không phải là kẻ chối rằng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô? ( 1Ga 2,22)
Chúng ta đã thấy trong bài suy niệm về Phép Rửa, câu :
« 6 Chính Đức Giê-su Ki-tô là Đấng đã đến, nhờ nước và máu; không phải chỉ trong nước mà thôi, nhưng trong nước và trong máu ».
Ấy là một cách xác định nhân tính của Chúa Ki-tô. Chữ « đến » ở đây chính là chỉ tới nhập thể. Còn cụm chữ « không phải chỉ trong nước mà thôi, nhưng trong nước và trong máu » có nghĩa là không nên chỉ nhớ đến sự kiện vinh quang của Phép Rửa mà từ chối sự sỉ nhục của thập giá. Chúng ta đã thấy lời xác quyết này trong Tin Mừng theo thánh Gio-an. Ví dụ ngài đã ghi nhận lời nói của ông Gioan Tẩy Giả trong lúc làm Phép Rửa cho Chúa :
« 32 Ông Gio-an còn làm chứng: "Tôi đã thấy Thần Khí tựa chim bồ câu từ trời xuống và ngự trên Người.33Tôi đã không biết Người. Nhưng chính Đấng sai tôi đi làm phép rửa trong nước đã bảo tôi: "Ngươi thấy Thần Khí xuống và ngự trên ai, thì người đó chính là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần."34 Tôi đã thấy, nên xin chứng thực rằng Người là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn." ( Ga 1, 32-34)
Điểm thứ hai chúng ta suy nghĩ : người tín hữu, Ki-tô hữu cũng là con Thiên Chúa, kể từ nay kẻ ấy có một đời sống mới, đời sống của con Thiên Chúa. Đối với thánh Gio-an đây là một điều kinh ngạc, thán phục trước những gì thánh Phao-lô gọi là « kế hoạch yêu thương » của Thiên Chúa.
« 1 Anh em hãy xem Chúa Cha yêu chúng ta dường nào: Người yêu đến nỗi cho chúng ta được gọi là con Thiên Chúa -mà thực sự chúng ta là con Thiên Chúa. Sở dĩ thế gian không nhận biết chúng ta, là vì thế gian đã không biết Người.
2 Anh em thân mến, hiện giờ chúng ta là con Thiên Chúa; nhưng chúng ta sẽ như thế nào, điều ấy chưa được bày tỏ. Chúng ta biết rằng khi Đức Ki-tô xuất hiện, chúng ta sẽ nên giống như Người, vì Người thế nào, chúng ta sẽ thấy Người như vậy ». ( 1Ga 3,1-2)
Đây cũng giống như trong Tin Mừng theo Thánh Gio-an:
«9 Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người. 12 Còn những ai đón nhận, tức là những ai tin vào danh Người, thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa. 13 Họ được sinh ra, không phải do khí huyết, cũng chẳng do ước muốn của nhục thể, hoặc do ước muốn của người đàn ông, nhưng do bởi Thiên Chúa. » ( Ga 1,9 ; 12-13)
Điểm thứ ba chúng ta suy nghĩ : « đời sống mới ấy được tóm gọn là mến Chúa và yêu người. » Một lần nữa chúng ta được đánh động trong Thánh Kinh hai điều không thể phân chia nhau đó là đức tin và tình yêu. Đây không phải là một bài học luân lý mà một trắc nghiệm về lý lịch : « ai yêu mến Đấng sinh thành, thì cũng yêu thương kẻ được Đấng ấy sinh ra »
Đối với Thánh Gio-an là điều hiển nhiên . Ví dụ cũng ngay trong thư này, chương 4
« 7 Anh em thân mến, chúng ta hãy yêu thương nhau, vì tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa. Phàm ai yêu thương, thì đã được Thiên Chúa sinh ra, và người ấy biết Thiên Chúa. » ( 1Ga 4,7)
Tình yêu tha nhân là điều tất nhiên của đức tin. Tại sao thế ? Giản dị thôi !Vì nguồn cội của đức tin là Thánh Linh và tình yêu cũng xuất phát từ Thánh Linh, và chính Thánh Linh đã ban cho ta đức tin và dẫn đưa chúng ta đến sự thật trên hết các sự thật như Chúa Giê-su nói : làm cho con tim chúng ta có thể rung động, yêu thương vì chính Ngài là Tình Yêu. Nhờ đức tin, chúng ta là con Thiên Chúa, và tha nhân cũng đều là con Thiên Chúa, họ là anh em với chúng ta, và chúng ta nhìn họ với cặp mắt của Chúa.
Đối với những người cho rằng điều quá tốt đẹp nhưng không thực tế, Thánh Gio-an trả lời rằng : « 5 Ai là kẻ thắng được thế gian, nếu không phải là người tin rằng. Đức Giê-su là Con Thiên Chúa? » ( 1Ga, 5,5) Tức là từ nay anh em sống không như thế gian sống không có Chúa, anh em sống theo cách của Chúa. Từ nay trên địa cầu có thể yêu thương nhau …vì đối với Thiên Chúa không có gì là không thể được.
***
Tác giả: bà Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: http://www.eglise.catholique.fr/
Dịch giả: Ernest Marco Huỳnh Lương