"Chính Người là của lễ đền tội, không những cho chúng ta mà thôi, nhưng còn cho cả thế gian".
Trích thư thứ nhất của Thánh Gioan Tông đồ.
1 Hỡi anh em là những người con bé nhỏ của tôi,
tôi viết cho anh em những điều này,
để anh em đừng phạm tội.
Nhưng nếu ai phạm tội,
thì chúng ta có một Đấng Bảo Trợ trước mặt Chúa Cha:
đó là Đức Giê-su Ki-tô, Đấng Công Chính.
2 Chính Đức Giê-su Ki-tô là của lễ đền bù tội lỗi chúng ta,
không những tội lỗi chúng ta mà thôi,
nhưng còn tội lỗi cả thế gian nữa.
3 Căn cứ vào điều này,
chúng ta nhận ra rằng chúng ta biết Thiên Chúa:
là chúng ta tuân giữ các điều răn của Người.
4 Ai nói rằng mình biết Người
mà không tuân giữ các điều răn của Người,
đó là kẻ nói dối, và sự thật không ở nơi người ấy.
5 Còn hễ ai giữ lời Người dạy,
nơi kẻ ấy tình yêu Thiên Chúa đã thực sự nên hoàn hảo.
Thánh Gio-an triển khai ở đây ba niềm xác tín :
1/- Chúng ta tất cả đều tội lỗi
2/- Chúng ta đều là những kẻ tội lỗi được tha thứ
3/- Chính nhờ đức Giê-su mà chúng ta được tha thứ.
Trước hết, chúng ta là kẻ tội lỗi. Mặc dù tội lỗi không phải là đề tài chính trong mọi cuộc đối thoại, nhưng chúng ta thường nói “không ai hoàn hảo đâu”. Sở dĩ thánh Gio-an nói « Hỡi anh em là những người con bé nhỏ của tôi, tôi viết cho anh em những điều này, để anh em đừng phạm tội » tức là ngài muốn nói đời sống là một cuộc chiến. Tất cả chúng ta đều có hai mặt, một phía bóng tối, một phía ánh sáng. Mỗi người chúng ta có thể nói như thánh Phao-lô: «15 Thật vậy, tôi làm gì tôi cũng chẳng hiểu: vì điều tôi muốn, thì tôi không làm, nhưng điều tôi ghét, thì tôi lại cứ làm » ( Rm 7,15). Trong I-sa-i-a cũng thế, tiên tri I-sa-i-a vĩ đại, ý thức sự thánh thiện của Thiên Chúa cũng nói:«Vì tôi là một người môi miệng ô uế » ( Is 6,4) và thánh Gio-an cũng trong thư thứ nhất này, nhận xét rằng :
19 « Chúng ta biết rằng chúng ta thuộc về Thiên Chúa, còn tất cả thế gian đều nằm dưới ách thống trị của Ác thần » ( 1 Ga 5,19)
Chúng ta không thể che mặt trước sự thật ấy và tự cho mình trong sạch.! Vài hàng trước bài đọc hôm nay thánh Gio-an viết một cách rõ ràng: 8 « Nếu chúng ta nói là chúng ta không có tội, chúng ta tự lừa dối mình, và sự thật không ở trong chúng ta » ( 1Ga 1,8)
Niềm xác tín thứ hai : Thánh kinh cũng cho ta một loan báo quan trọng là chúng ta không phải là kẻ tội lỗi mà là những kẻ được tha thứ. Chúa Giê-su luôn nói cho những người gặp gỡ Chúa : « Các tội của con được tha ». Trong Kinh Tin Kính chúng ta không đọc « tôi tin tôi là kẻ tội lỗi » nhưng chúng ta đọc « Tôi tin phép Tha Tội » .
Kết luận của thư này là :
« 13 Tôi đã viết những điều đó cho anh em là những người tin vào danh Con Thiên Chúa, để anh em biết rằng anh em có sự sống đời đời » ( 1Ga 5,13)
Cốt lõi tính cách sư phạm của Thánh Kinh là đem con người từ mặc cảm tội lỗi tới đón nhận, với lòng khiêm nhu và biết ơn sự tha thứ của Chúa. Chúng ta có một ví dụ điển hình trong Tv 51, bắt đầu bằng « 5 Vâng, con biết tội mình đã phạm, lỗi lầm cứ ám ảnh ngày đêm. » ( Tv 50,5) ( tâm tình tội lỗi ) , nhưng sau đó « 6 Con đắc tội với Chúa, với một mình Chúa dám làm điều dữ trái mắt Ngài.» ( ở đây bắt đầu hoán cải ).
Ở đây có lẽ là lời vua Đa-vít nói sau khi giết chết U-ri-gia, chồng của tình nhân của ông, bà Bá-sê-va. Thái độ tạ tội thật sự không phải là đếm các tội của chúng ta nhưng là đón nhận sự thứ tha của Chúa, sự thứ tha này luôn luôn đi trước. Từ người cha nhân hậu tiếp đón đứa con hoang đàng tới câu Chúa nói với người phụ nữ ngoại tình, Tin Mừng chỉ lập lại những gì Cựu Ước đã chép, tức là sự tha thứ của Thiên Chúa lúc nào cũng ban cho không. Cảm giác tội lỗi giam hãm chúng ta, có thể nói nó còn làm vẩn đục cuộc đời chúng ta. Sự thật giải thoát chúng ta : sự thật ấy, chúng ta là kẻ tội lỗi và Thiên Chúa là tình yêu, là tha thứ ; chúng ta được tha thứ.
Đó chính là lời quả quyết của thánh Gio-an :
« 8 Nếu chúng ta nói là chúng ta không có tội, chúng ta tự lừa dối mình, và sự thật không ở trong chúng ta… » ( 1Ga1,8)
« 9 Nếu chúng ta thú nhận tội lỗi,Thiên Chúa là Đấng trung thành và công chính sẽ tha tội cho chúng ta, và sẽ thanh tẩy chúng ta sạch mọi điều bất chính. » ( 1Ga 1,9)
Sau cùng niềm xác tín thứ ba của thánh Gio-an được phát biểu trong bài hôm nay là : « Nhưng nếu ai phạm tội,thì chúng ta có một Đấng Bảo Trợ trước mặt Chúa Cha: đó là Đức Giê-su Ki-tô, Đấng Công Chính. 2 Chính Đức Giê-su Ki-tô là của lễ đền bù tội lỗi chúng ta, không những tội lỗi chúng ta mà thôi, nhưng còn tội lỗi cả thế gian nữa » ( 1Ga 2,1-2)
Với tâm thức chúng ta ngày nay câu Đức Giê-su Ki-tô là của lễ đền bù tội lỗi chúng ta, rất khó hiểu. Muốn rõ nên quay trở lại phụng vụ Do Thái, đương thời với thánh sử Gio-an. Suốt thời Cựu Ước, dân Do Thái ý thức mình tội lỗi, bất trung với Giao Ước, và muốn nối lại Giao Ước, họ hiến tế các lễ vật, thường là súc vật trong Đền Thánh Giê-ru-sa-lem. Thánh Gio-an nói, kể từ nay nghi lễ ấy đã lỗi thời, đấng Giê-su là lễ vật duy nhất hiến tế để nối lại vĩnh viễn Giao Ước giữa Thiên Chúa và loài người. Khi thánh Gio-an chỉ « Chiên Thiên Chúa đấng gánh tội trần gian », chính thật là điều đó.
Sách Do Thái còn quả quyết « 8 Trước hết, Đức Ki-tô nói: Hy lễ và hiến tế, lễ toàn thiêu và lễ xá tội, Chúa đã chẳng ưa, chẳng thích, mà đó chính là những thứ của lễ được dâng tiến theo Lề Luật truyền.9 Rồi Người nói: Này con đây, con đến để thực thi ý Ngài. Thế là Người bãi bỏ các lễ tế cũ mà thiết lập lễ tế mới.10 Theo ý đó, chúng ta được thánh hoá nhờ Đức Giê-su Ki-tô đã hiến dâng thân mình làm lễ tế, chỉ một lần là đủ » ( Dt 10, 8-10)
Thánh Gio-an cũng nói như thế một cách bóng bảy hơn trong đoạn tẩy sạch đền thờ. Khi Chúa tuyên bố « 19 Đức Giê-su đáp: "Các ông cứ phá huỷ Đền Thờ này đi; nội ba ngày, tôi sẽ xây dựng lại." ( Ga2, 19) Thánh Gio-an bình luận « 21 Nhưng Đền Thờ Đức Giê-su muốn nói ở đây là chính thân thể Người » ( Ga2 ,21)
Lịch sử nhân loại bước sang một giai đoạn mới với Chúa Giê-su : không phải trong đền Giê-ru-sa-lem mà chúng ta được nhận sự tha thứ của Chúa, nhưng trong sự hiệp nhất với đấng Ki-tô chịu nạn chịu chết và phục sinh. Một sự hiệp nhất ban tặng cho tất cả mọi người :
« 23 Nhưng khi viết, ông được kể là người công chính, thì không phải chỉ nói về ông,24 mà còn nói về cả chúng ta nữa: chúng ta sẽ được kể là công chính, vì tin vào Đấng đã làm cho Đức Giê-su, Chúa chúng ta, sống lại từ cõi chết;25 Đức Giê-su chính là Đấng đã bị trao nộp vì tội lỗi chúng ta và đã được Thiên Chúa làm cho sống lại để chúng ta được nên công chính » ( Rm 4, 23-25)
Chúa Giê-su cũng xác định nhiều lần như thế, đặc biệt lúc sáng lập Bí Tích Thánh Thể :
« "Tất cả anh em hãy uống chén này,28 vì đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra cho muôn người được tha tội » ( Mt 26,27)
Thế nhưng cụm từ « của lễ đền bù tội lỗi » có thể làm hiểu sai nghĩa. Nếu chúng ta đọc lại thư Do Thái cụm từ này có nghĩa trái hẳn lại : không phải Chúa Giê-su hành động thứ tha tội chúng ta, nhưng chính bản thân Ngài, mà Ngài chẳng hề có tội, chẳng bao giờ lìa khỏi Đức Chúa Cha, Ngài luôn luôn « hướng về Chúa Cha »(như phần mở đầu của Tin Mừng), tức là vĩnh viễn đối thoại với tình yêu với Thiên Chúa, với Đức Chúa Cha. Đồng thời Ngài cũng gần chúng ta để an ủi chúng ta , nâng đỡ chúng ta. Thánh Gio-an dùng chữ « Đấng Bảo Trợ »để chỉ từ nay mối bang giao được dệt nên giữa Thiên Chúa và loài người « …chúng ta có một Đấng Bảo Trợ trước mặt Chúa Cha ». Cũng như lời kinh phụng vụ hòa giải thật tuyệt vời : « …Cánh tay ngài dang ra giữa trời và đất, dấu hiệu không bao giờ phai của Giao Ước » (Người dịch xin chú ý : câu này không chính xác về từ ngữ Kinh Tạ Ơn I trong Phụng Vụ)
***
Tác giả: bà Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: http://www.eglise.catholique.fr/
Dịch giả: Ernest Marco Huỳnh Lương