"Đức Giê-su, Đấng vừa lìa bỏ các ông và được rước lên trời,
cũng sẽ ngự đến y như các ông đã thấy Người lên trời."
Trích sách Tông đồ Công vụ.
1 Thưa ngài Thê-ô-phi-lô, trong quyển thứ nhất, tôi đã tường thuật tất cả những việc Đức Giê-su làm và những điều Người dạy, kể từ đầu
2 cho tới ngày Người được rước lên trời. Trước ngày ấy, Người đã dạy bảo các Tông Đồ mà Người đã tuyển chọn nhờ Thánh Thần.
3 Người lại còn dùng nhiều cách để chứng tỏ cho các ông thấy là Người vẫn sống sau khi đã chịu khổ hình: trong bốn mươi ngày, Người đã hiện ra nói chuyện với các ông về Nước Thiên Chúa.
4 Một hôm, đang khi dùng bữa với các Tông Đồ, Đức Giê-su truyền cho các ông không được rời khỏi Giê-ru-sa-lem, nhưng phải ở lại mà chờ đợi điều Chúa Cha đã hứa, "điều mà anh em đã nghe Thầy nói tới,
5 đó là: ông Gio-an thì làm phép rửa bằng nước, còn anh em thì trong ít ngày nữa sẽ chịu phép rửa trong Thánh Thần."
6 Bấy giờ những người đang tụ họp ở đó hỏi Người rằng: "Thưa Thầy, có phải bây giờ là lúc Thầy khôi phục vương quốc Ít-ra-en không? "
7 Người đáp: "Anh em không cần biết thời giờ và kỳ hạn Chúa Cha đã toàn quyền sắp đặt,
8 nhưng anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giê-ru-sa-lem, trong khắp các miền Giu-đê, Sa-ma-ri và cho đến tận cùng trái đất."
9 Nói xong, Người được cất lên ngay trước mắt các ông, và có đám mây quyện lấy Người, khiến các ông không còn thấy Người nữa.
10 Và đang lúc các ông còn đăm đăm nhìn lên trời phía Người đi, thì bỗng có hai người đàn ông mặc áo trắng đứng bên cạnh
11 và nói: "Hỡi những người Ga-li-lê, sao còn đứng nhìn lên trời? Đức Giê-su, Đấng vừa lìa bỏ các ông và được rước lên trời, cũng sẽ ngự đến y như các ông đã thấy Người lên trời."
Chúng ta đang đọc phần đầu sách Công Vụ Tông Đồ. Những câu đầu làm liên tưởng ngay đến Tin Mừng theo thánh Lu-ca vì cũng gởi lời tới ông Thê-ô-phi-lô nào đó. Điều này làm cho chúng ta xác tín rằng sách Đệ Nhị Luật và Tin Mừng theo thánh Lu-ca là cùng một tác giả. Một tài liệu đề cập lúc khởi đầu, tài liệu kia thuật lại đoạn kết, tức là miêu tả về Chúa Giê-su lên trời. Mặc dù thế chúng ta nhận thấy có vài điều không ăn khớp với nhau khi đọc các bài cho Năm C. Sách thứ nhất (Tin Mừng) nói về sứ mạng rao giảng của Chúa Giê-su, quyển thứ hai nói về sứ vụ rao giảng của các Tông Đồ, từ đó mới lấy tên Công Vụ Tông Đồ.
Chúng ta có thể triển khai sâu xa hơn tính cách tương đồng của hai tài liệu : Từ đầu tới cuối câu truyện xảy ra tại Giê-ru-sa-lem, trung tâm của thế giới Do Thái với Giao Ước đầu tiên, và Giao Ước Mới chỉ là tiếp tục Giao Ước đầu tiên, và kết thúc tại Rô-ma, điểm gặp của mọi con đường thời ấy. Giao Ước mới vượt khỏi ranh giới xứ It-ra-en. Đối với thánh Lu-ca hẳn đây là tác động của Chúa Thánh Thần. Ngài cũng là Thần Linh của Chúa Giê-su, và cũng là Đấng linh ứng cho các Tông Đồ, từ ngày Lễ Ngũ Tuần. Cũng vì thế người ta còn gọi sách Công Vụ là « Tin Mừng Chúa Thánh Thần ».
Chúa Giê-su đã chuẩn bị cuộc đời rao giảng của Ngài bằng bốn mươi ngày trong sa mạc sau khi nhận Phép Rửa, còn để chuẩn bị cho Giáo Hội Ngài cũng như thế : « 3 trong bốn mươi ngày, Người đã hiện ra nói chuyện với các ông về Nước Thiên Chúa ». Trong một buổi ăn cuối cùng, Ngài cho những huấn dụ : một mệnh lệnh, một lời hứa, một sứ vụ gởi đi.
Lệnh được ban thật đáng ngạc nhiên : hãy chờ, bất động « Đức Giê-su truyền cho các ông không được rời khỏi Giê-ru-sa-lem, nhưng phải ở lại mà chờ đợi điều Chúa Cha đã hứa » ( Cv 1,4). Các lời hứa của Cha được thực hiện tại Giê-ru-sa-lem, điều này không làm cho mười một Tông Đồ ngạc nhiên, vì tất cả là người Do Thái. Các lời tiên đoán về kế hoạch của Thiên Chúa phải chăng cũng đã được các tiên tri loan báo nhiều nhất tại Giê-ru-sa-lem ? Ví dụ như, chúng ta còn nhớ tiên tri I-sa-i-a : «1 Đứng lên, Giê-ru-sa-lem, bừng sáng lên! Vì ánh sáng của ngươi đến rồi. Vinh quang của ĐỨC CHÚA như bình minh chiếu toả trên ngươi.2 Kìa bóng tối bao trùm mặt đất, và mây mù phủ lấp chư dân; còn trên ngươi ĐỨC CHÚA như bình minh chiếu toả, vinh quang Người xuất hiện trên ngươi. 3 Chư dân sẽ đi về phía ánh sáng của ngươi, vua chúa hướng về ánh bình minh của ngươi mà tiến bước.» ( Is 60,1-3) Hay nơi khác : « 1 Vì lòng mến Xi-on, tôi sẽ không nín lặng, vì lòng mến Giê-ru-sa-lem, tôi nghỉ yên sao đành, tới ngày đức công chính xuất hiện tựa hừng đông, ơn cứu độ của thành rực lên như ngọn đuốc. 2 Rồi muôn dân sẽ được chiêm ngưỡng đức công chính của ngươi, mọi đế vương sẽ được ngắm nhìn vinh quang ngươi tỏ rạng. Người ta sẽ gọi ngươi bằng tên mới, chính là tên miệng ĐỨC CHÚA đặt cho.» ( Is 62,1-2)
Thánh Lu-ca xác định các lời hứa : «Tôi, tôi làm phép rửa cho anh em trong nước, nhưng có Đấng mạnh thế hơn tôi đang đến, tôi không đáng cởi quai dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần và lửa » (Lc 3,16) Điều này cũng đã quen thuộc với các tông đồ, các vị còn nhớ cả câu sau đây của tiên tri Giô-en : « Sau đó, Ta sẽ đổ thần khí Ta trên hết thảy người phàm » ( Ge3,1), cả tiên tri Da-ca-ri-a nữa : « Ngày ấy, một dòng suối sẽ vọt ra cho nhà Đa-vít và dân cư Giê-ru-sa-lem để tẩy trừ tội lỗi và ô uế. 10 Ta sẽ đổ ơn xuống cho nhà Đa-vít và dân cư Giê-ru-sa-lem, giúp chúng biết sống đẹp lòng Ta và tha thiết cầu nguyện » ( Dcr 13,1 ;12,10) . E-dê-ki-en cũng nói : « 25 Rồi Ta sẽ rảy nước thanh sạch trên các ngươi và các ngươi sẽ được thanh sạch, các ngươi sẽ được sạch mọi ô uế và mọi tà thần…27 Chính thần trí của Ta, Ta sẽ đặt vào lòng các ngươi, Ta sẽ làm cho các ngươi đi theo thánh chỉ, tuân giữ các phán quyết của Ta và đem ra thi hành. » ( Ed 36,25…27)
Về câu hỏi sau đây của các Tông Đồ : «Thưa Thầy, có phải bây giờ là lúc Thầy khôi phục vương quốc Ít-ra-en không? » câu hỏi này không phải là không đúng chỗ đâu. Các ngài đã hiểu « ngày của Chúa » đã đến. Câu trả lời của Chúa Giê-su cũng không làm cho chúng ta ngạc nhiên, vì Thiên Chúa cần con người để thực hiện công trình của Ngài. Công trình cứu độ của Thiên Chúa đã đến nhờ Chúa Giê-su Ki-tô, thế nhưng phải còn có con người tự nguyện vào tham dự. Muốn như thế họ cũng phải biết : đó là sứ vụ và trách nhiệm của các Tông Đồ. Thần Khí được ban cho họ trong mục đích đó. : « 8 nhưng anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy ». Điều này tức là giữa lúc Thần Khí đến cho đến khi Nước Trời được vĩnh viễn thiết lập phải mất một thời hạn, đó là thời gian để cho anh em làm chứng nhân : thời gian ấy sẽ dài vì phải loan báo Tin Mừng cho khắp nhân loại. : « . Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giê-ru-sa-lem, trong khắp các miền Giu-đê, Sa-ma-ri và cho đến tận cùng trái đất ». Sách Công Vụ cũng theo một dàn bài như thế.
Cũng như sáng ngày Phục Sinh : « có hai người đàn ông y phục sáng chói » ( Lc 24,4) đã làm cho các phụ nữ thoát ra khỏi cảnh đứng trầm tư và hai ông nói với các bà : « Sao các bà lại tìm Người Sống ở giữa kẻ chết 6 Người không còn đây nữa, nhưng đã trỗi dậy rồi.» (Lc24,5b-6a) Ngày Chúa Thăng Thiên hai người mặc áo trắng cũng đóng vai trò đó đối với các Tông Đồ : « "Hỡi những người Ga-li-lê, sao còn đứng nhìn lên trời? Đức Giê-su, Đấng vừa lìa bỏ các ông và được rước lên trời, cũng sẽ ngự đến y như các ông đã thấy Người lên trời" » Ngài sẽ trở lại, chúng ta xác tín như thế, vì vậy chúng ta đọc trong mỗi lần chúng ta dâng Thánh Lễ « chúng con mong đợi ngày hồng phúc, ngày trở lại của Chúa Giêsu Kitô Đấng Cứu Độ chúng con » .
***
Tác giả: bà Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: http://www.eglise.catholique.fr/
Dịch giả: Ernest Marco Huỳnh Lương