Lời Chúa CN

BÀI ĐỌC 2 CN XIV THƯỜNG NIÊN NĂM B (2Cr 12, 7-10) 08/07/2018

"Tôi rất vui sướng khoe mình về những sự yếu hèn của tôi,
để sức mạnh của Đức Kitô ngự trong tôi".

 

Trích thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

 

7 Và để tôi khỏi tự cao tự đại vì những mặc khải phi thường tôi đã nhận được, thân xác tôi như đã bị một cái dằm đâm vào, một thủ hạ của Xa-tan được sai đến vả mặt tôi, để tôi khỏi tự cao tự đại.

8 Đã ba lần tôi xin Chúa cho thoát khỏi nỗi khổ này.

9 Nhưng Người quả quyết với tôi: "Ơn của Thầy đã đủ cho anh, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối." Thế nên tôi rất vui mừng và tự hào vì những yếu đuối của tôi, để sức mạnh của Đức Ki-tô ở mãi trong tôi.

10 Vì vậy, tôi cảm thấy vui sướng khi mình yếu đuối, khi bị sỉ nhục, hoạn nạn, bắt bớ, ngặt nghèo vì Đức Ki-tô. Vì khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh.

 

Cũng như tiên tri Ê-dê-ki-en, thánh Phao-lô nhận được những thị kiến và những mặc khải đặc biệt, cả hai đều múc từ ơn nghị lực đó để tiếp tục sứ vụ. Không để trở nên kiêu ngạo, ngài không ngừng nhắc lại phải khiêm nhu : « Tôi bảo thật các ông: không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình » ( Lc 4,24) đây cũng là một thành ngữ được biết và thông dụng trong It-ra-en trước khi Chúa Giê-su đến. Nhưng hình như thánh Phao-lô có một lý do khác để vẫn sống khiêm nhường. Theo các thư ngài viết, ngài được luôn nhắc nhở đến sự bé nhỏ của mình : « 7 Và để tôi khỏi tự cao tự đại vì những mặc khải phi thường tôi đã nhận được, thân xác tôi như đã bị một cái dằm đâm vào, một thủ hạ của Xa-tan được sai đến vả mặt tôi, để tôi khỏi tự cao tự đại » ( 2Cr, 12,7).

Trên thực tế chúng ta không bao giờ biết chuyện gì xảy ra về câu « thân xác tôi như đã bị một cái dằm đâm vào » : Tất cả những giả thuyết đều có người đề nghị, nhưng thánh Phao-lô không bao giờ cho biết rõ. Chúng ta có thể kể ra vài giả thuyết. Trước hết chính ngài cũng thú nhận từng mang bệnh : « 13 Anh em biết: nhân khi thân xác bị đau ốm, tôi đã loan báo Tin Mừng cho anh em lần đầu tiên.14 Mặc dù thân xác tôi là một dịp thử thách cho anh em, anh em đã không khinh, không tởm; trái lại anh em đã tiếp đón tôi như một sứ giả của Thiên Chúa, như Đức Ki-tô Giê-su.15 Vậy hạnh phúc của anh em lúc đó, bây giờ đâu rồi ? Thật thế, tôi xin làm chứng cho anh em rằng: nếu có thể, hẳn anh em đã móc mắt hiến cho tôi. ( Gl 4,13-15)

Một nguồn đau khổ khác, hẳn là lúc bị những anh em cùng huyết thống với mình lại từ chối Tin Mừng. Ngài đã nói rất dài về sự kiện này trong thư cho dân thành Rô-ma : « 1 Có Đức Ki-tô chứng giám, tôi xin nói sự thật, tôi không nói dối và lương tâm tôi, được Thánh Thần hướng dẫn, cũng làm chứng cho tôi rằng:2 lòng tôi rất đỗi ưu phiền và đau khổ mãi không ngơi.3 Quả vậy, giả như vì anh em đồng bào của tôi theo huyết thống, mà tôi có bị nguyền rủa và xa lìa Đức Ki-tô, thì tôi cũng cam lòng » ( Rm 9,1-3)  

Cũng có thể có một nguồn đau khổ khác, thầm lặng, liên lỉ, vì ý thức lỗi phạm, ray rứt, lúc ban đầu đã bách hại người Ki-tô. Không thể nào xoá đi được trong ký ức. Tất cả những hành động bách hại ấy ( Cv 7,58 ; 9,1 ; 22,4) , bây giờ chính ngài lại là nạn nhân, trong niềm kiêu hãnh lãnh chịu vì đức Ki-tô, nhưng cùng một lúc lại gợi lên một tình cảm xấu hổ.  Chỉ còn một lối thoát : khiêm nhường nhìn nhận sự yếu đuối của mình và hiến dâng con người mình đúng như vậy dưới quyền xử dụng của Chúa Ki-tô trong công trình rao giảng Tin Mừng của Ngài. Bằng sự trả giá đó, ngài trải nghiệm mãnh lực của Chúa Ki-tô ảnh hưởng dường nào trên những ai hành động như thế : « 10 Vì vậy, tôi cảm thấy vui sướng khi mình yếu đuối, khi bị sỉ nhục, hoạn nạn, bắt bớ, ngặt nghèo vì Đức Ki-tô. Vì khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh » ( 2Cr 12,10)

Hơn nữa, ngài biết hơn bất cứ ai, sự bị bách hại không thể nào tránh được cho các Tông Đồ. Về việc này, ngài có thể nói bằng những trải nghiệm bản thân : ngay sau khi được ơn trở lại và bắt đầu đi rao giảng tại Đa-mát, bản thân ngài bị hành hung, để giải thoát, anh em phải đặt ngài trong cái thúng và thả xuống từ trên cao bức tường thành : « ( Cv 9,20-25) . Vài câu sau cũng trong thư ấy, ngài tóm tắt lại những gì phải gánh chịu vì đi rao giảng : « 24 Năm lần tôi bị người Do-thái đánh bốn mươi roi bớt một;25 ba lần bị đánh đòn; một lần bị ném đá; ba lần bị đắm tàu; một đêm một ngày lênh đênh giữa biển khơi!26 Tôi còn hơn họ, vì phải thực hiện nhiều cuộc hành trình, gặp bao nguy hiểm trên sông, nguy hiểm do trộm cướp, nguy hiểm do đồng bào, nguy hiểm vì dân ngoại, nguy hiểm ở thành phố, trong sa mạc, ngoài biển khơi, nguy hiểm do những kẻ giả danh là anh em.27 Tôi còn phải vất vả mệt nhọc, thường phải thức đêm, bị đói khát, nhịn ăn nhịn uống và chịu rét mướt trần truồng.28 Không kể các điều khác, còn có nỗi ray rứt hằng ngày của tôi là mối bận tâm lo cho tất cả các Hội Thánh! » ( 2Cr11, 24-28) Giọng này của thánh nhân có thể làm cho chúng ta có cảm tưởng gần như ngài khoe khoang : và đúng như vậy vì những thử thách là nơi thể hiện trước mắt mọi người là nguồn sinh lực thật sự, nhưng không phải của thánh nhân mà do sự nâng đỡ thường xuyên của sự hiện diện đấng Ki-tô trong ngài.

Sự tương phản- điều có thể gọi là « yếu đuối và sức mạnh » của các Tông Đố- chỉ làm quay hướng về vinh quang của Thiên Chúa và nhờ thế, sức mạnh của sự Phục Sinh được thể hiện. Vì thế một cách nghịch lý khác thường thánh Phao-lô hãnh diện tuyên xưng sự yếu đuối của ngài. : «30 Nếu phải tự hào, thì tôi sẽ tự hào về những yếu đuối của tôi »  ( 2Cr 11,30). Ngài thường lặp lại trong thư này  ( 2Cr4,8-11). Ngay từ đầu, ví dụ như : « 8 Thật thế, thưa anh em, chúng tôi không muốn để anh em chẳng hay biết gì về nỗi gian truân chúng tôi đã gặp bên A-xi-a: chúng tôi đã phải chịu đựng quá mức, quá sức chúng tôi, đến nỗi chúng tôi không còn hy vọng sống nổi.9Nhưng chúng tôi đã mang án tử nơi chính bản thân rồi, để chúng tôi không tin tưởng vào chính mình, mà vào Thiên Chúa, Đấng làm cho kẻ chết trỗi dậy » ( 2Cr1, 8-9).

 Và sau đó trong chương 6 « 4 Trái lại, trong mọi sự, chúng tôi luôn chứng tỏ mình là những thừa tác viên của Thiên Chúa: gian nan, khốn quẫn, lo âu,5 đòn vọt, tù tội, loạn ly, nhọc nhằn, vất vả, mất ăn mất ngủ, chúng tôi đều rất mực kiên trì chịu đựng.6 Chúng tôi còn chứng tỏ điều đó bằng cách ăn ở trong sạch, khôn khéo, nhẫn nhục, nhân hậu, bằng một tinh thần thánh thiện, một tình thương không giả dối,7 bằng lời chân lý, bằng sức mạnh của Thiên Chúa. Chúng tôi lấy sự công chính làm vũ khí tấn công và tự vệ,8 khi vinh cũng như khi nhục, lúc được tiếng tốt cũng như khi mang tiếng xấu. Bị coi là bịp bợm, nhưng kỳ thực chúng tôi chân thành;9 bị coi là vô danh tiểu tốt, nhưng kỳ thực chúng tôi được mọi người biết đến; bị coi là sắp chết, nhưng kỳ thực chúng tôi vẫn sống; coi như bị trừng phạt, nhưng kỳ thực không bị giết chết;10 coi như phải ưu phiền, nhưng kỳ thực chúng tôi luôn vui vẻ; coi như nghèo túng, nhưng kỳ thực chúng tôi làm cho bao người trở nên giàu có; coi như không có gì, nhưng kỳ thực chúng tôi có tất cả ». (2Cr6, 4-10). Bài hôm nay cũng trong ý đó.

Khi thánh Phao-lô cầu nguyện ba lần, giống như Thầy của ngài trong vườn Giét-sê-ma-ni để tránh những đau khổ đó.  «  8 Đã ba lần tôi xin Chúa cho thoát khỏi nỗi khổ này », nhưng Chúa chỉ trả lời vỏn vẹn bằng câu sau đây « Ơn của Thầy đã đủ cho anh, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối. ».

 

***

 

Tác giả: bà Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: 
http://www.eglise.catholique.fr/
Dịch giả: Ernest Marco Huỳnh Lương


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com