"Ta sẽ quy tụ phần còn lại của đoàn chiên Ta, và cho chúng có những chủ chăn".
Trích sách Tiên tri Giêrêmia.
1 Khốn thay những mục tử làm cho đoàn chiên Ta chăn dắt phải thất lạc và tan tác - sấm ngôn của ĐỨC CHÚA –
2 Vì thế, ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa Ít-ra-en, phán như sau để lên án các mục tử, những người chăn dắt dân Ta: chính các ngươi đã làm cho đoàn chiên của Ta phải tan tác; các ngươi đã xua đuổi và chẳng lưu tâm gì đến chúng. Này Ta sẽ để ý đến các hành vi gian ác của các ngươi mà trừng phạt các ngươi - sấm ngôn của ĐỨC CHÚA.
3 Chính Ta sẽ quy tụ đoàn chiên Ta còn sót lại từ khắp mọi miền Ta đã xua chúng đến. Ta sẽ đưa chúng về đồng cỏ của chúng; chúng sẽ sinh sôi nảy nở thật nhiều.
4 Ta sẽ cho xuất hiện các mục tử để lãnh đạo chúng; họ sẽ chăn dắt chúng. Chúng sẽ không còn phải hãi hùng, kinh khiếp và bị bỏ rơi nữa. Sấm ngôn của ĐỨC CHÚA.
5 Này, sẽ tới những ngày - sấm ngôn của ĐỨC CHÚA -
Ta sẽ làm nẩy sinh cho nhà Đa-vít
một chồi non chính trực.
Vị vua lên ngôi trị vì sẽ là
người khôn ngoan tài giỏi
trong xứ sở, vua sẽ thi hành điều chính trực công minh.
6 Thời bấy giờ, Giu-đa sẽ được cứu thoát,
Ít-ra-en được sống yên hàn.
Danh hiệu người ta tặng vua ấy
sẽ là: "ĐỨC CHÚA, sự công chính của chúng ta."
Phép ẩn dụ về người mục tử rất thông dụng cho các dân tộc ở Trung Đông, khi nói về các vua. Vương trượng của vua thật sự chỉ là cây gậy người chăn chiên. Ở It-ra-en hình ảnh này ứng dụng thật thích hợp cho vua Đa-vít, vốn là người chăn chiên, và điều này được tiếp tục gợi lên cho các con cháu ngài : một người mục tử nhân lành là người biết lo cho sự an toàn và trù phú của đoàn chiên, của dân chúng.
Than ôi ! Lịch sử các triều đại thường đầy biến động, chỉ có vài người mục tử nhân lành, còn số người mục tử không nhân lành lại thường nhiều hơn. Sách Sa-mu-en trao cho chúng ta một hình ảnh khắt khe về thể chế các vua, nhưng đậm nét thực tế : « 11 Ông nói: "Đây là quyền hành của nhà vua sẽ cai trị anh em. Các con trai anh em, ông sẽ bắt mà cắt đặt vào việc trông coi xe và ngựa của ông, và chúng sẽ chạy đàng trước xe của ông.12 Ông sẽ đặt chúng làm người chỉ huy một ngàn và chỉ huy năm mươi, sẽ bắt chúng cày đất cho ông, gặt lúa cho ông, chế tạo vũ khí cho ông và dụng cụ cho xe của ông.13 Các con gái anh em, ông sẽ bắt vào làm thợ chế nước hoa, nấu ăn và làm bánh.14 Đồng ruộng, vườn nho, vườn cây ô-liu tốt nhất của anh em, ông sẽ lấy mà cho bề tôi của ông.15 Lúa thóc và vườn nho của anh em, ông sẽ đánh thuế thập phân mà cho các thái giám và bề tôi của ông.16 Các tôi tớ nam nữ, các người trai tráng khá nhất của anh em, các con lừa của anh em, ông sẽ bắt mà dùng vào việc của ông.17 Chiên dê của anh em, ông sẽ đánh thuế thập phân. Còn chính anh em sẽ làm nô lệ cho ông.18 Ngày ấy, anh em sẽ kêu than vì vua của anh em mà anh em đã chọn cho mình, nhưng ngày ấy ĐỨC CHÚA sẽ không đáp lời anh em » ( 1 Sm 8,11-18) Tiếc thay, trong nhiều trường hợp cách miêu tả này không có gì quá đáng. Vì thế các tiên tri mới nổi cơn thịnh nộ, đặc biệt là Giê-rê-mi-a.
Bài chúng ta đọc hôm nay nhắm tới các vua trị vì sau cùng tại Giê-ru-sa-lem trong thời bị đày sang Ba-by-lon. « 1 Khốn thay những mục tử làm cho đoàn chiên Ta chăn dắt phải thất lạc và tan tác…; các ngươi đã xua đuổi và chẳng lưu tâm gì đến chúng. ». Thế nhưng Chúa « để ý đến », vì cuối cùng người chăn chiên duy nhất của It-ra-en chính là Thiên Chúa : « CHÚA là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì » được hát trong Tv 22(23). Trong những lúc tồi tệ nhất, biết bao nhiêu lần các tiên tri đã chép lại sự đau khổ của Chúa thấy đoàn chiên của mình phân tán ? Vì sự quan tâm duy nhất của Ngài là quy tụ chúng lại, và với lòng tin các tiên tri xác tín rằng Ngài sẽ thành công : Một ngày kia, dù có xa xôi mấy đi nữa cũng sẽ có một vị vua nhân lành được xuất hiện.
Từ Cựu Ước, hình ảnh một vị mục tử nhân lành là một biểu hiện về đấng Mê-si-a mọi người mong chờ. Ví dụ như theo tiên tri Mi-kha : «1 Phần ngươi, hỡi Bê-lem Ép-ra-tha, ngươi nhỏ bé nhất trong các thị tộc Giu-đa, từ nơi ngươi, Ta sẽ cho xuất hiện một vị có sứ mạng thống lãnh Ít-ra-en. Nguồn gốc của Người có từ thời trước, từ thuở xa xưa.2 Vì thế, Đức Chúa sẽ bỏ mặc Ít-ra-en cho đến thời một phụ nữ sinh con. Bấy giờ những anh em sống sót của người con đó sẽ trở về với con cái Ít-ra-en.3 Người sẽ dựa vào quyền lực ĐỨC CHÚA, vào uy danh ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của Người mà đứng lên chăn dắt họ. Họ sẽ được an cư lạc nghiệp, vì bấy giờ quyền lực Người sẽ trải rộng ra đến tận cùng cõi đất. Người sẽ chiến thắng Át-sua » (Mk 5,1-3) Bài chúng ta cũng trong chiều hướng ấy. « 4 Ta sẽ cho xuất hiện các mục tử để lãnh đạo chúng; họ sẽ chăn dắt chúng. Chúng sẽ không còn phải hãi hùng, kinh khiếp và bị bỏ rơi nữa » Có lẽ không còn mấy ai tin nữa nên Giê-rê-mi-a phải cam kết nhiều lần (năm lần trong các câu này) rằng đây là Lời đến từ Thiên Chúa với khẩu hiệu « sấm ngôn của ĐỨC CHÚA ».
Sau đó lời hứa ấy được thể hiện bằng một hình ảnh khác : hình ảnh một « mầm non ». Chữ « mầm » ít thấy dùng trong Thánh Kinh, nhưng nó mang một ý nghĩa quan trọng. Dĩ nhiên, trước tiên chữ « mầm mọc lên » (xamah, tiếng Do Thái) gợi lên sự sinh trưởng của hạt giống, động từ này được dùng trong sách Sáng Thế « 9 ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa khiến từ đất mọc lên đủ mọi thứ cây trông thì đẹp » ( St 2,9). Nhưng các tiên tri ( I-sa-i-a;Giê-rê-mi-a; Đa-cari-a) dùng chữ này như một hình ảnh biểu tượng một niềm ước vọng thật đặc biệt. Đó là lời hứa cho vua Đa-vít sẽ được hoàn tất, hay nói cách khác, sự xuất hiện của đấng Mê-si-a. Vì lẽ ấy chữ « mầm » hay « mầm của vua Đa-vít » trở thành đồng nghĩa với đấng Mê-si-a. Đời sống càng khó khăn thì các Tiên Tri càng cố gắng gìn giữ niềm hi vọng. Bài này cùng mang một ý nghĩa ấy : « điều chính trực ; sự công chính ; sống yên hàn » đó là ước vọng của dân chúng và cũng là những gì đấng Mê-si-a sẽ mang đến.
Cái tên của kẻ thủ phạm và là vì vua bất hạnh Sít-đi-gia, bị trói giải về Ba-by-lon năm 587, có nghĩa là « Chúa là Đấng Công Chính », thế mà ông ta hoàn toàn bất trung với cái tên của ông, mang danh một chương trình thật tốt đẹp. Giê-rê-mi-a tuyên bố một cách mỉa mai rằng đấng Mê-si-a sẽ lấy tên ấy để phục vụ toàn dân : « Danh hiệu người ta tặng vua ấy
sẽ là: "ĐỨC CHÚA, sự công chính của chúng ta » ( Gr 23,6)
***
Tác giả: bà Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: http://www.eglise.catholique.fr/
Dịch giả: Ernest Marco Huỳnh Lương