Alleluia, alleluia!
- Chúa phán: "Nếu ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy,
và Chúng Ta sẽ đến và ở trong người ấy". - Alleluia.
-----------------------
"Thịt Ta thật là của ăn, và Máu Ta thật là của uống".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
51 Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống."
52 Người Do-thái liền tranh luận sôi nổi với nhau. Họ nói: "Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được? "
53 Đức Giê-su nói với họ: "Thật, tôi bảo thật các ông: nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình.
54 Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết,
55 vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống.
56 Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy.
57 Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi, cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy.
58 Đây là bánh từ trời xuống, không phải như bánh tổ tiên các ông đã ăn, và họ đã chết. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời."
59 Đó là những điều Đức Giê-su đã nói khi giảng dạy trong hội đường, ở Ca-phác-na-um.
Sau bài giảng này rất nhiều người bỏ đi không còn theo Chúa Giê-su nữa : điều Ngài vừa nói khó chấp nhận được. Khi ấy Ngài quay sang Nhóm Mười Hai và hỏi họ : « Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ đi hay sao? » (C67). Ông Si-môn Phê-rô liền đáp: « Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời » (C68)
Đó là điều ngược đời của đức tin : những lời khó hiểu với tính cách thế gian, nhưng mang lại sự sống. Chúng ta nên theo con đường thánh Phê-rô : sống những lời ấy, để những lời ấy nuôi dưỡng, thấm vào trong lòng chúng ta, không đòi hỏi phải giải thích. Đây là một bài học quan trọng : không phải tìm trong sách vở, tài liệu cách giải thích Thánh Thể. Tốt hơn là tham dự, và để cho Chúa Ki-tô dẫn chúng ta vào mầu nhiệm sự sống.
Chữ được lập lại nhiều lần trong bài này là sự sống : « bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống » (6,51). Sách Do Thái cũng nói rõ : « 5Vì vậy, khi vào trần gian…con đến để thực thi ý Ngài, như Sách Thánh đã chép về con » (Dt10,5…7). Ý Thiên Chúa là gì ?. Chúng ta biết, đó là mọi người được sống. Đời sống này là món quà Chúa ban nhưng không cho mọi người. « 1 Đến cả đi, hỡi những người đang khát, nước đã sẵn đây! Dầu không có tiền bạc, cứ đến mua mà dùng; đến mua rượu mua sữa, không phải trả đồng nào. 2 Sao lại phí tiền bạc vào của không nuôi sống, tốn công lao vất vả vào thứ chẳng làm cho chắc dạ no lòng? Hãy chăm chú nghe Ta, thì các ngươi sẽ được ăn ngon, được thưởng thức cao lương mỹ vị. 3 Hãy lắng tai và đến với Ta, hãy nghe thì các ngươi sẽ được sống » (Is 55,1-3).
Những gì nuôi sống chúng ta là món quà chính Chúa Ki-tô hiến cho chúng ta, món quà ấy chúng ta gọi là sự hy sinh của Chúa. Thế nhưng không nên hiểu lầm về ý nghĩa chữ « hy sinh ». Suốt lịch sử Thánh Kinh, chúng ta chứng kiến sự thay đổi hoàn toàn, có thể gọi là sự hoán chuyển của khái niệm hy sinh. Chúng ta có thể nhận ra nhiều giai đoạn của tâm lý sư phạm của Thánh Kinh trải dài qua nhiều thế kỷ.
Trong thời kỳ sơ khai của lịch sử, dân Do Thái cũng như nhiều dân tộc khác hiến tế với lễ vật bằng máu, người hay súc vật. Một cách bộc phát họ nghĩ, để tiếp cận Thiên Chúa phải kết hiệp với Ngài (chữ La-tinh hy sinh là « sacrum facere » có nghĩa là làm điều thiêng liêng), phải sát sanh. Nghĩ cho cùng, muốn đi vào thế giới của Thiên Chúa, phải trả lại những gì của Thiên Chúa, là sự sống. Vì vậy phải sát sinh.
Giai đoạn đầu tiên của tâm lý sư phạm là tuyệt cấm dâng người làm lễ vật. Điều này xảy ra ngay lúc vừa mới tiếp cận với dân Chúa chọn. Điều cấm này được ban cho Áp-ra-ham :« 12 Người nói: "Đừng giơ tay hại đứa trẻ, đừng làm gì nó! » (St 22,12). Từ lúc ấy với Áp-ra-ham điều này không bao giờ được đặt lại vấn đề. Mỗi khi cần đến, các tiên tri đều nhắc lại là dùng người tế lễ là một điều đáng ghê tởm trước mắt Thiên Chúa. Ngay từ thời ông Ap-ra ham, Thánh Kinh đã mở ra một chân trời mới (Buổi dâng lễ của vua Men-ki-xê-đê) và giới thiệu như một mẫu gương hiến tế cho Thiên Chúa Tối Cao bằng chỉ bánh và rượu. (St14). Thế nhưng họ vẫn dùng tế lễ bằng máu trong nhiều thế kỷ nữa. Chúa vẫn nhẫn nại với chúng ta ; như thánh Phê-rô nói « đối với Chúa, một ngày ví thể ngàn năm, ngàn năm cũng tựa một ngày » (2Pr 3,8)
Giai đoạn thứ hai là ông Mô-sê dẫn dân chúng vượt qua. Tuy vẫn giữ các nghi lễ của cha ông bằng hiến tế súc vật, nhưng ông cho nó một ý nghĩa mới. Kể từ nay, điều quan trọng nhất là Giao ước với Thiên Chúa, đấng Cứu Độ. Sau đó có tâm lý sư phạm của các tiên tri : đối với các ngài điều quan trọng không ở các lễ vật mà ở tấm lòng của người dâng lễ, tấm lòng biết yêu thương. Các ngài không tiếc lời nào cho những kẻ đến trình diện trước Thiên Chúa, tay đầy lễ vật mà đối xử tệ với anh em. « …tay các ngươi đầy những máu » (Is 115) Tiên tri I-sa-i-a nói ( Ngụ ý, tay đầy máu mà không dấu nổi tay hành hạ anh em mình). Còn tiên tri Hô- sê nói một câu bất hủ mà sau này Chúa Giê-su lặp lại: « 6 Vì Ta muốn tình yêu chứ không cần hy lễ » (Hs 6,6). Tiên tri Mi-kha thì tóm tắt một cách tuyệt vời bài học ấy : "Hỡi người, bạn đã được nói cho hay điều nào là tốt, điều nào ĐỨC CHÚA đòi hỏi bạn: đó chính là thực thi công bình, quý yêu nhân nghĩa và khiêm nhường bước đi với Thiên Chúa của bạn." (Mk 6,8)
Giai đoạn cuối của phương pháp sư phạm ấy là những bài ca Người Tôi Trung tuyệt diệu của I-sa-i-a thứ hai. Qua bốn bài ấy chúng ta khám phá ra thế nào là những lễ vật Thiên Chúa chờ đợi nơi chúng ta. Hiến tế, hy sinh (làm cho linh thiêng), đi vào hiệp nhất với Thiên Chúa cả sự sống ; không phải sát sinh ; nhưng phải sống và làm cho anh em mình được sống bằng cách phục vụ họ.
Tân Ước thường giới thiệu Chúa Giê-su như Người Tôi Trung của I-sa-i-a. Tất cả cuộc sống của Ngài đã hoàn toàn hiến dâng từ ngày đến với thế gian, như sách Do Thái chép. Tất cả đời sống của Ngài là một hy lễ hoàn hảo, như Thánh Kinh muốn khắc sâu vào trí não nhân loại : « bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống » (C51). Kể từ nay trong sự sống Chúa Ki-tô trao ban, chúng ta đón nhận sự sống của chính Thiên Chúa. « 57 Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi, cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy » (C57). Điều sau cùng chúng ta phải hoán chuyển là không tìm điều « thần thiêng » nữa, mà đón nhận Sự Sống Chúa ân ban.
***
Tác giả: bà Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: http://www.eglise.catholique.fr/
Dịch giả: Ernest Marco Huỳnh Lương