Lời Chúa CN

BÀI ĐỌC 1 CN XX THƯỜNG NIÊN NĂM B (Cn 9, 1-6) 19/08/2018

"Các ngươi hãy ăn bánh của ta, và hãy uống rượu ta đã pha cho các ngươi".

 

Trích sách Châm Ngôn.

 

1 Đức Khôn Ngoan đã xây cất nhà mình,
dựng lên bảy cây cột,

2 hạ thú vật, pha chế rượu, dọn bàn ăn
3 và sai các nữ tỳ ra đi.
Đức Khôn Ngoan còn lên các nơi cao trong thành phố
và kêu gọi :

4 "Hỡi người ngây thơ, hãy lại đây !"
Với người ngu si, Đức Khôn Ngoan bảo :

5 "Hãy đến mà ăn bánh của ta và uống rượu do ta pha chế !

6 Đừng ngây thơ khờ dại nữa, và các con sẽ được sống ;
hãy bước đi trên con đường hiểu biết."
Chống hạng người ngoan cố

 

Tất cả các dân tộc đều thu góp những suy nghĩ, những phương châm, và châm ngôn…những sự khôn ngoan dân gian, mọi người có thể hiểu, không hệ tại sinh ra ở đâu hay thuộc văn hoá nào. Ngoài ra, khắp nơi các trường phái triết học đề nghị những suy tưởng sâu sắc hơn. Ở It-ra-en từ thời vua Sa-lô-mon, dưới ảnh hưởng của văn minh Ai-cập, những kinh sư trong triều Giê-ru-sa-lem gom góp lại tất cả những kho báu ấy. Sách Châm Ngôn là kết quả của công trình sưu tập những suy tưởng từ gốc lịch sử và những thời đại kế tiếp, từ thời các Vua cho đến lúc lưu đày Ba-by-lon về (cuối thế kỷ thứ V). Các nhà hiền triết khác tiếp tục công trình này và trong ấy mà chúng ta có sách Huấn Ca , còn gọi la Si-rắc, vào khoảng năm 180 trước CN, và sách Khôn Ngoan của vua Sa-lô-mon, vào năm 50 trước CN.

Tất cả những châm ngôn hội lại, xét ra có rất nhiều điểm tương tự với những dân tộc láng giềng. Mặc dù vậy, sự khôn ngoan It-ra-en có những sắc thái đặc biệt, vì dân tộc này đã khám phá ra chỉ có Thiên Chúa mới biết sự Khôn Ngoan thật sự và tất cả tất cả sự khôn ngoan thế gian đến từ Ngài. Câu chuyện kể về lỗi ở A-đam, một cách đưa hình ảnh vào sự khám phá cơ bản ấy : Hiểu biết những gì làm cho chúng ta thật sự hạnh phúc hay đau khổ (cây sự sống) chỉ có Thiên Chúa mới có thể đạt tới, một mình con người không thể được.(St 2,8-3,24). Trái lại cây sự sống (Khôn Ngoan của Thiên Chúa) cho con người hưởng thường xuyên hoa trái của nó, một khi chấp nhận sống dưới lề luật của Thiên Chúa : câu chuyện trong sách Sáng Thế kể như thế ( Chương 2-3). Sách Châm Ngôn sao chép lại truyền thống ấy : « 13 Hạnh phúc thay người được trí khôn ngoan…18 Khôn ngoan chính là cây sự sống đối với người nào nắm được khôn ngoan. Giữ được khôn ngoan quả là hạnh phúc » (Cn 3, 13 ;18).

Còn hơn thế nữa, một khi đã chọn dân tộc nhỏ bé này để lập Giao Ước, Thiên Chúa đã mặc khải sự Khôn Ngoan của Ngài cho dân tộc ấy. Vì thế từ nay đó là đề tài cho niềm tự hào It-ra-en. Đối với thế giới, dân tộc này được Thiên Chúa ký thác sự Khôn Ngoan của Ngài : vì  ĐỨC CHÚA phán thế này: "22 Kẻ khôn ngoan, đừng tự hào mình khôn ngoan; kẻ hùng mạnh, đừng tự hào mình hùng mạnh; kẻ giàu có, đừng tự hào mình giàu có. 23 Ai tự hào thì hãy tự hào về điều này, là hiểu biết Ta, vì Ta là ĐỨC CHÚA, Đấng thực thi nhân nghĩa, công bình và chính trực trên mặt đất. Phải, Ta ưa thích những điều này. - Sấm ngôn của ĐỨC CHÚA. » (Gr 9,22-23) .

Kể từ nay sự khôn ngoan đã « cắm lều » (Hc 24,8) trên núi thánh Giê-ru-sa-lem. Ở đấy «1 Đức Khôn Ngoan đã xây cất nhà mình, dựng lên bảy cây cột » (Cn 9,1) (Con số 7, như chúng ta biết ám chỉ sự toàn vẹn). Điều này không làm cho chúng ta ngạc nhiên : Sự Khôn Ngoan cao quý đến nỗi có thể ví như một lâu đài, hay hơn thế nữa một đền thánh xây trên bảy cột trụ, nơi đấy các vua và các kinh sư là những người đầu tiên được Đức Khôn Ngoan ký gởi. Nhưng Ngài muốn trao tặng cho tất cả mọi người : trên đền thánh ấy Ngài quảng đại đề nghị một tiệc của Ngài : « 2 hạ thú vật, pha chế rượu, dọn bàn ăn » (Cn 9,2) và Ngài rao lớn lời mời gọi từ trên cao để chắc chắn mọi người đều nghe thấy : « 4 "Hỡi người ngây thơ, hãy lại đây !" Với người ngu si, Đức Khôn Ngoan bảo : 5 "Hãy đến mà ăn bánh của ta và uống rượu do ta pha chế ! » (9,4-5) .

Đoạn này hẳn gợi lên cho chúng ta bài dụ ngôn những quan khách được mời trong bữa tiệc của Chúa Giê-su : « 2 Nước Trời cũng giống như chuyện một vua kia mở tiệc cưới cho con mình.3 Nhà vua sai đầy tớ đi thỉnh các quan khách đã được mời trước, xin họ đến dự tiệc » . (Mt 22,2-3). Và chúng ta biết kết cuộc trong câu: « nhưng họ không chịu đến ». Vì chúng ta luôn luôn được tự do từ chối một lời mời. Trong sách các Châm Ngôn, lời mời gọi nhắm tới mọi người qua lại bên đường, : « 4 "Hỡi người ngây thơ, hãy lại đây !" Với người ngu si, Đức Khôn Ngoan bảo :5 "Hãy đến mà ăn bánh của ta và uống rượu do ta pha chế ». Từ chối lời mời là từ chối chấp nhận sự khôn ngoan, tức là ở lại trong « không khôn ngoan » tự nhiên của chúng ta. « Người thiếu suy xét » (Cn 19,2) là mỗi chúng ta, nếu chúng ta chỉ cậy vào tiềm năng riêng của chúng ta. Chúng ta chỉ tiến vào sự khôn ngoan được do ơn ban nhưng không của Thiên Chúa ; nhưng cũng phải chấp nhận lời mời gọi và bước đi vào con đường dẫn tới nhà Ngài : « 6 Đừng ngây thơ khờ dại nữa, và các con sẽ được sống ; hãy bước đi trên con đường hiểu biết. »

Chúng ta nhận ra đây đề tài hai con đường là biểu tượng cho những lựa chọn của sự tự do của chúng ta.(Xem bài suy niệm Thư Ê-phê-sô chương 4 trong chúa nhật thứ XVIII). Sách Đệ Nhị Luật thường triển khai đề tài này : « …như thế anh (em) sẽ được sống » (Đnl 30,20) ; « 15 Coi đây, hôm nay tôi đưa ra cho anh (em) chọn: hoặc là được sống, được hạnh phúc, hoặc là phải chết, bị tai hoạ.16Hôm nay tôi truyền cho anh (em) phải yêu mến ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), đi theo đường lối của Người, và tuân giữ các mệnh lệnh, thánh chỉ, quyết định của Người, để anh (em) được sống,… .17 Nhưng nếu anh (em) trở lòng và không vâng nghe, …18 thì hôm nay tôi báo cho anh (em) biết: chắc chắn anh (em) sẽ bị diệt vong. ( Đnl 30, 15-18). Chọn con đường tuân theo các điều răn của Chúa là con đường duy nhất dẫn đến hạnh phúc cho con người. Trái lại chọn con đường bất tuân là rơi xuống dốc dẫn tới sự chết.

Sách Châm Ngôn triển khai lại đề tài hai con đường một cách giàu hình tượng, điển hình hoá hai thái độ dưới góc độ nữ giới : « 1 Phụ nữ khôn ngoan xây dựng cửa nhà, phụ nữ dại dột tự tay phá đổ » (Cn 14,1). Người phụ nữ dại dột được miêu tả trong các câu sau bài đọc của chúng ta Chúa nhật này : « 13 Mụ Khờ Dại là một mụ đàn bà ầm ĩ, đần độn, chẳng hiểu biết chi » (Cn 9,13). Trong lúc ấy người phụ nữ khôn ngoan có thể nói : « 35 Vì gặp được ta là gặp sự sống, và hưởng ân lộc ĐỨC CHÚA ban cho. ; « 6 Đừng ngây thơ khờ dại nữa, và các con sẽ được sống ; hãy bước đi trên con đường hiểu biết » (Cn8,35 ; 9,6) . Bước đi trên con đường dẫn đến Thiên Chúa là sự khôn ngoan thật. Dại khờ nếu đi hướng ngược lại, và ngoảnh mặc với ánh sáng và sự sống.

Tái Bút : Chúng ta thấy ở đây sự khôn ngoan Thiên Chúa được nhân cách hoá. Thế nhưng không ai nhầm lẫn vì đây chỉ là một phúng dụ. Thuyết độc thần ở Cựu Ước rất nghiêm nhặt, không có vấn đề quan niệm rằng Chúa (ngay cả Chúa Thánh Thần) như một nhân vật thật sự.

 

***

 

Tác giả: bà Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: 
http://www.eglise.catholique.fr/
Dịch giả: Ernest Marco Huỳnh Lương


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com