"Nếu người hiến thân làm lễ vật đền tội, người sẽ thấy một dòng dõi trường tồn".
Trích sách Tiên tri Isaia.
10 ĐỨC CHÚA đã muốn người phải bị nghiền nát vì đau khổ.
Nếu người hiến thân làm lễ vật đền tội,
người sẽ được thấy kẻ nối dõi, sẽ được trường tồn,
và nhờ người, ý muốn của ĐỨC CHÚA sẽ thành tựu.
11 Nhờ nỗi thống khổ của mình,
người sẽ nhìn thấy ánh sáng và được mãn nguyện.
Vì đã nếm mùi đau khổ, người công chính, tôi trung của Ta,
sẽ làm cho muôn người nên công chính
và sẽ gánh lấy tội lỗi của họ.
Chúng ta hãy thử đọc bài này nhưng chưa nghĩ ngay tới Đức Giê-su-Ki-tô. Ngôn sứ I-sa-i-a viết bài này hồi thế kỷ thứ VI trước CN cho những đối tượng là người đương thời. Dĩ nhiên sau này người ta đọc lại và suy gẫm những lời này và khám phá ra những ý tưởng mới, những áp dụng mới nhưng trước tiên bài này mang lại một sứ điệp cho người sống cùng thời đại của ông, cho cuộc sống hiện tại của họ. Nếu không thì có ai nghe ông lúc ấy ? Ngày nay đời nào có người nghe một tiên tri phán những điều sẽ xảy ra năm 3000 ! Vì thế chúng ta thử tìm hiểu tiên tri I-sa-i-a muốn nói gì với những người đương thời của ông, nội dung sứ điệp có gì làm động viên họ.
Hơn nữa I-sa-i-a cũng như các ngôn sứ khác, nói từ những gì các ông nhận xét, từ những sự kiện cụ thể. Các vị thường dựa vào quá khứ nhưng để soi sáng thực tại, nói về tương lai nhưng để loan báo ( vì tương lai không được hoạch định trước) ; Các vị nói về tương lai nhưng tương lai đang thể hiện trong thực tại.
Điều duy nhất rõ ràng nơi đây trong vài câu là chúng ta đang trong bối cảnh của sự bách hại : một người « tôi trung » « phải bị nghiền nát ». Vì đoạn này được chép trong I-sa-i-a Hai (tức là từ chương I-sa-i-a 40 đến 52 ) , điều này giúp chúng ta phỏng đoán nội dung nói về cuộc lưu đày Ba-by-lon. Sự hiện diện của đau khổ có trong ấy, sự đau khổ của một dân tộc đã mất tất cả, đến độ họ nghĩ rằng Thiên Chúa bỏ rơi họ. Vì thế người ngôn sứ đến mang lại lẽ sống và hi vọng, những lý do để kiên trì chịu đựng mặc cho thế nào đi nữa. Ngài nói những khổ đau của anh em không vô ích, mà có một ý nghĩa, anh em có thể cho nó một ý nghĩa.
Ngôn sứ kể lại gương người Tôi Trung, nhưng không chỉ rõ là ai. Ai là Người Tôi Trung ấy ? Không có chỗ nào trả lời câu hỏi này. Danh hiệu ấy được xác định trong bốn bài, vì lẽ đó được gọi là « Bài ca Người Tôi Trung » trong sách I-sa-i-a 2. Có phải một người tử vì đạo trong cộng đồng Do Thái trong lúc lưu đày chăng ? Hay là cách nói cả công đồng Do Thái ? Không có gì rõ ràng. Điều chính xác nhất, trái lại, đó là sứ điệp I-sa-i-a gởi đến những người nghe ông. Sứ điệp ấy gồm ba điểm : Trước tiên là bên sự đau khổ của anh em, Thiên Chúa sát cánh đồng hành với anh em ; thứ hai sự đau khổ của anh em có ý nghĩa; thứ ba Thiên Chúa cần đến anh em để giải thoát nhân loại.
Điều thứ nhất, Thiên Chúa ở cạnh anh em. Đó là ý của câu đầu : « 10 ĐỨC CHÚA đã muốn người phải bị nghiền nát vì đau khổ » Có lẽ đó là câu khó nhất trong bài : Một phản nghĩa khủng khiếp nhất chúng ta không nên vấp phải. Đó là trong một giây phút có thể tin rằng có lẽ Chúa tìm lấy thú vui trong sự đau khổ của loài người. Làm sao dung hoà được với những gì chúng ta biết trước đó, Thiên Chúa là Tình Yêu… ? Ngay cả chúng ta, dù không mấy nhân từ chúng ta cũng không thể tìm một thú vui nào trong sự đau khổ của người khác ! Vì thế chúng ta không nên cho một ý nghĩa mà nội dung nó không muốn nói thế !...Không có chỗ nào nói chính Thiên Chúa nghiền nát Người Tôi Trung trong đau khổ…nhưng khi Người Tôi Trung bị nghiền nát trong đau khổ, Chúa luôn quan tâm đến kẻ ấy với một tình yêu không bao giờ ngơi.
Thật lạ kỳ, chúng ta khó khăn chấp nhận sự thật ấy, mặc dù đó là một sự thật có trong Thánh Kinh từ lâu : Chúa giàu lòng thương xót quan tâm đến mọi khổ đau. Mô-sê cũng đã hiểu Thiên Chúa đã nghe thấu tiếng kêu van của những kẻ khổ đau, bị ức hiếp. Đối với Mô-sê là cảnh nô lệ bên Ai-cập, đối với I-sa-i-a bảy trăm năm sau là cảnh lưu đày Ba-by-lon, nhưng I-sa-i-a không nói gì khác hơn Mô-sê. Nhưng trái lại, trong bảy trăm năm đức tin vào Thiên Chúa càng sâu sắc hơn, Đấng giải thoát, luôn muốn cứu nhân loại khỏi mọi ách nô lệ, mọi xiềng xích. Điều I-sa-i-a muốn nói ở đây là trong khi bị đau khổ nghiền nát, Người Tôi Trung là đối tượng của sự chọn lựa của Thiên Chúa. Đó là ý nghĩa của lòng thương xót, con tim bị thu hút bởi sự đau khổ. Sứ điệp I-sa-i-a gởi đến những kẻ bị lưu đày là : « trong đau khổ của anh em, Thiên Chúa không chống lại anh em, không ở bên phe những người nhục mạ anh em, Ngài ở cạnh anh em và luôn quan tâm đến anh em với một tình yêu không ngơi ». Điều ngụ ý không nói ra là trong cầu nguyện, nơi Ngài anh em sẽ múc lấy sức mạnh để chịu đựng : Hãy tìm sức mạnh đúng nơi đúng chỗ.
Điều thứ hai là anh em có thể cho sự đau khổ của anh em một ý nghĩa. Chúng ta không tìm nơi đây ý nghĩa của mầu nhiệm đau khổ, đó vẫn là một Mầu Nhiệm. Nhưng điều nói lên ở đây là trong sự đau khổ có một con đường của ánh sáng « 11 Nhờ nỗi thống khổ của mình,
người sẽ nhìn thấy ánh sáng ». Trong chữ « nghiền nát » có hình ảnh của cụm chữ « đập nát con tim » trong Ê-dê-ki-en ( Ed6,9), con tim bằng đá trở nên con tim bằng thịt…Trong sự đau khổ, đặc biệt từ con người gây ra bách hại, có thể phản ứng lại hoặc bằng chai cứng ( hận thù trả lại hận thù ) hoặc bằng tình yêu và tha thứ. Ngay cả ngày nay trong hoàn cảnh bệnh hoạn hay bạo lực, chúng ta thấy có những người đàn ông, đàn bà hay trẻ em biết tìm ra từ những đau khổ của họ một con đường của ánh sáng. Chúng ta có thể nói đó là phép lạ của sự thay đổi hoàn toàn ! Từ trong bất cứ sự dữ nào Chúa cũng có thể làm ra sự lành ! Đó mới tuyệt vời, mãnh lực của tình yêu Thiên Chúa.
Điều thứ ba, Chúa cần anh em để giải thoát nhân loại. « nhờ người, ý muốn của ĐỨC CHÚA sẽ thành tựu ». Đó là câu chính yếu của cả bài. Trong tất cả các Bài ca Người Tôi Trung ( rất tiếc cái tựa thường làm hiểu sai) không phải Người Tôi Trung là trung tâm, mà là thánh ý Thiên Chúa. Ý Chúa này, I-sa-i-a biết thế, trước kia ông Mô-sê cũng biết, đó là cứu nhân loại, giải thoát khỏi mọi xiềng xích và loại xiềng xích tệ hại nhất là hận thù, bạo lực, lòng ganh tị xói mòn con tim chúng ta. Cũng như khi Chúa nói với Ca-en « tội lỗi đang nằm phục ở cửa, nó thèm muốn ngươi; nhưng ngươi phải chế ngự nó. » ( St4,7). Ý Chúa muốn cứu nhân lọai được thực hiện nơi những tôi tớ Ngài, đó là điều I-sa-i-a muốn nói : « Nếu người hiến thân làm lễ vật đền tội,…và nhờ người, ý muốn của ĐỨC CHÚA sẽ thành tựu ». Điều này có nghĩa là - và nghĩ cho cùng, thật là tuyệt vời - một người hay một dân tộc có thể mang lấy công trình của Thiên Chúa ! « Nếu người ( Tôi Trung) hiến thân làm lễ vật đền tội », điều này có nghĩa là người ấy sống luôn với ý tưởng hiến thân, yêu mến và tin tưởng Thiên Chúa, từ đó thiên ý sẽ được thực hiện, có nghĩa là nhân loại sẽ tìm lại bình an : «11 Nhờ nỗi thống khổ của mình, người sẽ nhìn thấy ánh sáng và được mãn nguyện.Vì đã nếm mùi đau khổ, người công chính, tôi trung của Ta, sẽ làm cho muôn người nên công chính và sẽ gánh lấy tội lỗi của họ ». Điều I-sa-i-a nói ở đây là sự cứu rỗi của những đao phủ nằm trong tay những nạn nhân của họ. Chỉ có sự tha thứ của nạn nhân mới có thể chuyển đổi được người đao phủ.
***
Tác giả: bà Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: Sách L’ intelligence des Ecritures Socéval Editions
***
Dịch giả: E. Máccô Lương Huỳnh Ngân