Alleluia, alleluia.
- Người ta sống không nguyên bởi bánh, nhưng bởi một lời do miệng Thiên Chúa phán ra - Alleluia.
-----------------
Đó là giới răn thứ nhất, còn giới răn thứ hai cũng giống như giới răn thứ nhất.
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mác-cô.
28 Có một người trong các kinh sư đã nghe Đức Giê-su và những người thuộc nhóm Xa-đốc tranh luận với nhau. Thấy Đức Giê-su đối đáp hay, ông đến gần Người và hỏi: "Thưa Thầy, trong mọi điều răn, điều răn nào đứng đầu?"
29 Đức Giê-su trả lời: "Điều răn đứng đầu là: Nghe đây, hỡi Ít-ra-en, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất.
30 Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi.
31 Điều răn thứ hai là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Chẳng có điều răn nào khác lớn hơn các điều răn đó."
32 Ông kinh sư nói với Đức Giê-su: "Thưa Thầy, hay lắm, Thầy nói rất đúng. Thiên Chúa là Đấng duy nhất, ngoài Người ra không có Đấng nào khác.
33 Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực, và yêu người thân cận như chính mình, là điều quý hơn mọi lễ toàn thiêu và hy lễ."
34 Đức Giê-su thấy ông ta trả lời khôn ngoan như vậy, thì bảo: "Ông không còn xa Nước Thiên Chúa đâu!" Sau đó, không ai dám chất vấn Người nữa.
Tất cả các môn đệ Chúa Giê-su đều là người Do Thái, cũng như Ngài và đa số các tín hữu sơ khai.Vì thế không lạ gì, chúng ta nhận ra nhiều sự thống nhất tư tưởng giữa Chúa Giê-su và một số nguời đại diện Do Thái Giáo: thể hiện điều ấy trong bài này. Nguời kinh sư đi đến Chúa Giê-su không có ác ý; trái lại, trong những câu truớc trong bài Tin Mừng này, ông ta rất ngưỡng mộ lập truờng của Chúa.
Trong chương 11, và trong đầu chương 12, Thánh Mác-cô thuật lại một loạt các tranh luận với các đại diện giáo quyền. Trước hết là câu truyện Chúa đuổi các con buôn trong Đền Thánh (11, 15-17); biết như thế, các thượng tế và kinh sư tự hỏi làm thế nào để sát hại Ngài (c18) khi họ gặp Chúa Giê-su một lần nữa trong Đền. Các thượng tế, kinh sư và kỳ lão vặn hỏi Ngài dựa vào quyền gì mà hành động như thế (c28). Chúa Giê-su không trả lời thẳng mà liền giảng ngay bài dụ ngôn những người thợ vườn nho sát nhân. (12, 1-12) Các đối thủ của Ngài dư biết Chúa nhắm đến họ, và mơ rằng đây là dịp bắt được Ngài; chỉ vì sợ đám đông nên họ còn giữ họ lại. Họ nghĩ phải gài bẫy Chúa. Các câu hỏi kế tiếp lộ ra âm mưu của họ: phải nộp thuế cho Xê-da không? (Đó là câu hỏi của các người Pha-ri-sêu và người phe Hê-rô-đê; 12, 13-17); chuyện gì xảy ra sau ngày Phục sinh cho người phụ nữ có bảy đời chồng; (Đó là câu hỏi của những người phe Xa-đốc; 12, 18-27). Trong bầu khí thâm độc ấy, bỗng có một câu hỏi đầy thiện ý: các kinh sư nghe họ tranh luận và «28 Có một người trong các kinh sư đã nghe Đức Giê-su và những người thuộc nhóm Xa-đốc tranh luận với nhau. Thấy Đức Giê-su đối đáp hay» (12, 28). Chúng ta chứng kiến lần đầu tiên một cuộc đối thọai thật sự, mỗi bên nhìn nhận ý kiến đúng đắn của đối phương.. Nhưng quá rõ, người kinh sư này chỉ là một trường hợp cá biệt…
Câu hỏi này rất cổ điển, một cuộc đối thoại có vẻ bình thường. Nếu đếm đủ các chi tiết Luật Do Thái, có tất cả 613 điều răn, chỉ cần chọn ưu tiên nào để vặn hỏi. Vì thế họ mới có câu hỏi: «trong mọi điều răn, điều răn nào đứng đầu?» Như mọi khi, Chúa Giê-su lúc nào cũng trả lời dựa vào chính Lời Chúa, và Chúa cũng là một kinh sư giỏi, Ngài biết kết hợp hai bài liên hệ với nhau. Ở đây Ngài trích hai câu rất thông dụng: «"Điều răn đứng đầu là: Nghe đây, hỡi Ít-ra-en, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất.
30 Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi.
31 Điều răn thứ hai là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Chẳng có điều răn nào khác lớn hơn các điều răn đó." (29-31)» Vế đầu chỉ là bài kinh bất hủ của Ít-ra-en «Kinh Sê-ma Do Thái», đại loại như Kinh Tin Kính của Do Thái; vế thứ hai là một đoạn sách Lê-vi, ai trong giáo quyền cũng phải biết.
«Của Xê-da, trả về Xê-da» như Chúa Giê-su nói trước đó vài câu (12, 17), hai điều răn ấy là điều răn yêu thương, Ngài không thêm gì ở đây. «Kinh Sê-ma Do Thái» bảo phải yêu Thiên Chúa và chỉ Ngài mà thôi: đây là một đề tài thông thường trong Cựu Ước, yêu có nghĩa chỉ trông cậy vào Ngài, không vào một thần nào khác, có nghĩa rõ ràng là từ chối mọi thờ phượng bụt thần. Tình yêu ấy chỉ là tình yêu đáp trả lại tình yêu của Chúa, vì Ngài chọn dân này làm dân riêng của Ngài: «7 ĐỨC CHÚA đã đem lòng quyến luyến và chọn anh em, không phải vì anh em đông hơn mọi dân, thật ra anh em là dân nhỏ nhất trong các dân.8 Nhưng chính là vì yêu thương anh em, và để giữ lời thề hứa với cha ông anh em, mà ĐỨC CHÚA đã ra tay uy quyền đưa anh em ra và giải thoát anh em khỏi cảnh nô lệ, khỏi tay Pha-ra-ô, vua Ai-cập» (Đnl7, 7-8) … «Chính anh (em) đã được cho thấy những điều đó, để biết rằng ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa và ngoài Người ra không có thần nào khác nữa.» (Đnl4, 35). Nhưng tình yêu đâu có thể nào điều khiển được? Lòng nhiệt tình hăm hở thì không, nhưng trung thành thì được chứ, và đấy là vấn đề đặt ra ở đây: biến tình yêu làm lề luật là làm cho mọi điều răn phải liên hệ với giới răn này: kể từ nay, lề luật, bất cứ luật gì, tất cả phải phục vụ tình yêu Thiên Chúa, không thể thay thế giới răn này được; vì lẽ ấy mọi thuyết giáo dài dòng có thể chuyển hướng khỏi điều chính yếu, đấy là tình yêu.
Còn điều răn thứ hai Chúa nêu ra: «Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình.», đó là điều răn được ghi trong Sách Lê-vi, trong cái được gọi là «Luật Thánh thiện»: «Các ngươi phải thánh thiện, vì Ta, ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của các ngươi, Ta là Đấng Thánh.» (Lv19, 1). Thế nhưng, lạ lùng thay, chương này xoáy quanh sự thánh thiện của Thiên Chúa, chính điều này hiện diện rải rác trong một loạt điều răn tình yêu tha nhân, sự kiện này minh chứng rõ ràng, từ lâu trước khi Chúa Giê-su đến, hai tình yêu Thiên Chúa và tha nhân chỉ là một, đã có trong lý tưởng Ít-ra-en. Các Bia Lề Luật cũng thể hiện đòi hỏi ấy, bởi vì những điều răn đối với Thiên Chúa đứng ngay trước những điều răn đối với tha nhân. Các tiên tri từng biết bao lần triển khai nhiệm vụ thuộc về tình yêu tha nhân (và các kinh sư thời Chúa Giê-su, khác với những người Sa-đốc, thường rất thông thạo tài liệu các tiên tri ). Một trong những vị ấy, thời Chúa Giê-su chúng ta có thể đọc câu sau đây của Tiên tri Hô-sê: «Vì Ta muốn tình yêu chứ không cần hy lễ, thích được các ngươi nhận biết hơn là được của lễ toàn thiêu. Tội ác của Ít-ra-en xưa và nay» (Hs6,6). Người kinh sư trong bài này của chúng ta rõ ràng thuộc về lọai này. «Ông kinh sư nói với Đức Giê-su: "Thưa Thầy, hay lắm, Thầy nói rất đúng. Thiên Chúa là Đấng duy nhất, ngoài Người ra không có Đấng nào khác.
Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực, và yêu người thân cận như chính mình, là điều quý hơn mọi lễ toàn thiêu và hy lễ."» (c32.33).
Chúa Giê-su kết luận bằng một công thức khích lệ như trong các Mối Phúc Thật: «Ông không còn xa Nước Thiên Chúa đâu!» (Chúa ngụ ý nói «Phúc cho ông»). Nhân dịp này, chúng ta nhận ra điều thú vị là cách Chúa Giê-su rao giảng không phải loại như: anh em phải như thế này, phải như thế kia…, nhưng Chúa mạc khải chiều sâu những gì chúng ta phải sống: bởi vì ông đã hiều điều quan trọng là yêu thương, phúc cho ông và ông đã gần Nước Thiên Chúa. Đấy là cách Chúa Giê-su kết một loạt tranh luận bằng một nét tích cực, đó cũng là một đặc điểm của Thánh Mác-cô: «Ông không còn xa Nước Thiên Chúa đâu!»
Còn hai điều bí ẩn. Điều thứ nhất, sau khi Chúa Giê-su và người kinh sư thoả thuận, tại sao không có thể tránh Cuộc Thương Khó? Câu trả lời của Thánh Mác-cô là sau đây: các người cùng thời với Chúa Giê-su không chống những gì Chúa rao giảng, nhưng chống lại con người của Ngài. «Ông lấy quyền nào mà làm các điều ấy» (Mc11, 28). Bí quyết của Ngài là gì? Chúng ta nhận ra trong bài này vấn đề đặt ra trong nhà nguyện thành Na-da-rét (6, 1-6). Con ông thợ này tưởng mình là ai ?
Còn điều thứ hai, như sau đây: Chúa Giê-su mang lại điều gì mới vì tất cả đã có trong Lề Luật? Thật vậy tất cả đã có dưới hình thức mầm non trong Lề Luật Ít-ra-en, nhưng Chúa Giê-su đến để loan báo và hoàn tất giai đoạn cuối của Mạc Khải. Điều đầu tiên Ngài mở rộng ra vô tận khái niệm tha nhân. (Thánh sử Mác-cô cho chúng ta thấy nhiều lần Chúa Giê-su đấu tranh chống lại mọi hình thức loại trừ); điều thứ hai, Chúa Giê-su xuống thế gian để sống trong Ngài hai tình yêu không thể nào xa nhau ấy, tình yêu Thiên Chúa và tình yêu tha nhân, không trừ một ai. Sau cùng Ngài đến để chúng ta có thể thực hiện được bằng cách ban cho chúng ta Thánh Thần Chúa: «Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau» (Ga13, 35).
Chúa Giê-su vừa cho ông kinh sư một định nghĩa tuyệt vời về Nước Trời: trong ấy tình yêu là Vua, tình yêu Thiên Chúa nuôi dưỡng tình yêu tha nhân .
***
Tác giả: bà Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: Sách L’ intelligence des Ecritures Socéval Editions
***
Dịch giả: E. Máccô Lương Huỳnh Ngân
Hiệu đỉnh: Khổng Nhuận