Hỡi Ít-ra-en, hãy nghe đây: Ngươi hãy yêu mến Chúahết lòng ngươi.
Trích sách Đệ Nhị Luật.
2 Như vậy anh (em) cũng như con cháu anh (em) sẽ kính sợ ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), mọi ngày trong suốt cuộc đời, tuân giữ tất cả những chỉ thị và mệnh lệnh của Người mà tôi truyền cho anh (em), và anh (em) sẽ được sống lâu.
3 Hỡi Ít-ra-en, hãy nghe và lo đem những điều ấy ra thực hành; như vậy anh (em) sẽ được hạnh phúc và trở nên thật đông đảo, trong miền đất tràn trề sữa và mật, như ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của cha ông anh (em), đã phán với anh (em).
4 Nghe đây, hỡi Ít-ra-en! ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa chúng ta, là ĐỨC CHÚA duy nhất.
5 Hãy yêu mến ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), hết lòng hết dạ, hết sức anh (em)
.6 Những lời này tôi truyền cho anh (em) hôm nay, anh (em) phải ghi tạc vào lòng
Bài này hẳn là một trong những bài quan trọng nhất Cựu Ước. Sự kiện nằm trong vị trí các sách Thánh Kinh đầu tiên của chúng ta, không có nghĩa rằng bài được viết lúc ban đầu; trái lại, đây là kết quả suy tưởng qua nhiều thế kỷ sau khi ra khỏi Ai-cập. Để thật sự đi sâu vào ý nghĩa của bài này phải biết (tốt nhất có thể) lịch sử sách Đệ Nhị Luật. Chúng ta đang vào khoảng năm 1250 trước CN với ông Mô-sê và cuộc giải thoát khỏi Ai-cập. Nhập cư vào Đất Hứa vào khoảng năm 1200; mười hai chi tộc chia đất và chiếm hữu vùng đất của họ. Mỗi người tự lo cho mình, nhưng giữ chung một mối liên hệ là lòng tin vào Thiên Chúa, Đấng đã giải thoát họ khỏi Ai-cập. Ông Mô-sê không để lại một tài liệu nào về đời ông; ông chỉ sở hữu hai Bia Lề Luật bằng đá, nhưng người ta truyền miệng nhau những lời răn dạy từ đời này sang đời kia.
Khi thế kỷ thế kỷ này sang thế kỷ khác qua đi, có lúc người ta thấy nhu cầu viết lại những yếu tố quan trọng. Tùy các tài liệu ấy viết ra ở đâu, mỗi tài liệu mang sắc thái đặc biệt thuộc về nơi ấy. Điều gì viết trong hoàng cung vua Sa-lô-mon vào thế kỷ thứ X mang một sắc thái khác với các bài viết hồi thế kỷ thứ VIII trong vương quốc Miền Bắc, trong ấy thường vang lên những lời rất khắt khe của các ngôn sứ A-mốt hay Hô-sê. Có lẽ trong vòng thân cận của hai vị này, được nảy sinh trọng tâm của quyển Đệ Nhị Luật ngày hôm nay. Trong lúc vương quốc Miền Bắc bị quân Át-sua tàn phá, các người Lê-vi trốn về Giê-ru-sa-lem, đem theo những gì quý giá nhất, đó là những cuộn sách còn giữ lại những giáo huấn từ ông Mô-sê do các ngôn sứ còn truyền lại. Lúc bấy giờ họ thêm vào những bài học rút ra từ những thảm kịch diễn ra trong Miền Bắc này: phải chi những anh em Miền Nam có thể nghe theo lời ông Mô-sê và các tiên tri, họ sẽ tránh được những đau khổ cho chính họ, không như những người đi trước.
Sau này, các tài liệu ấy còn trải qua nhiều cuộc phiêu lưu: được dấu kín trong Đền Giê-ru-sa-lem, dưới thời một ông vua phạm thượng, và được tìm lại gần như ngẫu nhiên, năm 622, dưới vương triều vua Giô-át, vị vua thánh đức này dựa vào những lời dạy từ các tài liệu ấy để khởi đầu một cuộc canh tân tôn giáo. Thế rồi, khi các tai họa giáng xuống vương quốc Miền Nam (Vua Na-bu-kô-đô-nô-so chiếm Giê-ru-sa-lem năm 587) đây là lúc phải rút ra bài học để khi đi đày trở về nước: dù Đất được Chúa hứa nhưng cũng phải tỏ ra xứng đáng. Từ đó chữ «hãy nghe đây» rất được nhấn mạnh trong các bài giảng, gần như là những lời cảnh báo.
Có lẽ đó là cách sách Đệ Nhị Luật trước mắt của chúng ta được sinh ra theo dòng thời gian và theo lịch sử đầy biến động của dân Chúa chọn (tên của nó bằng tiếng Hy-lạp có nghĩa là «Luật thứ hai», bởi vì, một cách nào đó, là cách phát biểu lần thứ hai của các giới răn từ ông Mô-sê) Bây giờ chúng ta đã biết rõ để có thể hiểu bài của chúng ta ngày hôm nay.
Thật vậy, đây là cách ôn lại thời Xuất Hành và những lời dạy của ông Mô-sê, sau khi ngài đã qua đời từ lâu, nhưng đây là lúc cấp bách phải nhắc lại trong Miền Nam này những điều Giao Ước đòi hỏi và lắng nghe một cuộc đối thoại trong chiều sâu: « 3 Hỡi Ít-ra-en, hãy nghe và lo đem những điều ấy ra thực hành; như vậy anh (em) sẽ được hạnh phúc và trở nên thật đông đảo, trong miền đất tràn trề sữa và mật, như ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của cha ông anh (em), đã phán với anh (em). Nghe đây, hỡi Ít-ra-en! ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa chúng ta, là ĐỨC CHÚA Duy nhất.» (c3-4)
Câu sau cùng: «Nghe đây, hỡi Ít-ra-en! ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa chúng ta, là ĐỨC CHÚA duy nhất» trở thành lời cầu nguyện hằng ngày của dân Do Thái. Đối với họ là lời kinh quan trọng như Kinh Lạy Cha của chúng ta. Câu này quan trọng đến nỗi chữ đầu (Nghe đây) và chữ cuối (Duy nhất) được viết hoa trong các Thánh Kinh. Đó là lời kinh bất hủ «Sê-ma Ít-ra-en. Đó là lời kinh được đọc sáng và chiều từ ba bốn tuổi. Tất cả định mệnh của Ít-ra-en nằm trong câu ấy, có lẽ từ hai chữ chồng lên nhau (Nghe đây và Duy nhất). Ít-ra-en, dân được chọn, nếu chúng ta còn nhớ, cái tên này gắn liền với một cuộc chiến hi hữu! Vì sau một đêm trực chiến với thiên thần (trong khúc sông cạn Giáp-bốc, một nhánh sông Gio-đan, xứ Giót - đa - ni hiện nay) ông Gia-cóp nhận từ đối thủ tên «Ít-ra-en», có nghĩa chính xác, được ghi trong sách Sáng Thế «Người ta sẽ không gọi tên ngươi là Gia-cóp nữa, nhưng là Ít-ra-en, vì ngươi đã đấu với Thiên Chúa và với người ta, và ngươi đã thắng.» (St32, 29). Sách Đệ Nhị Luật này luôn nhắc lại phải «Nghe» Thiên Chúa cho cái dân tộc lúc nào cũng muốn đối lại với Thiên Chúa, tranh đấu với Thiên Chúa (như ông Mô-sê nói cái dân cứng cổ). Chính cái dân này không ngớt phải bị bắt buộc nhìn nhận cam chịu và nghe theo, mới có thể có được tự do và hạnh phúc.
Nói «cam chịu» không quá đáng chút nào! Tài liệu biểu lộ nét này rất rõ ràng. Sau đây là vài dòng tuyệt vời: «Những lời này tôi truyền cho anh (em) hôm nay, anh (em) phải ghi tạc vào lòng.7 Anh (em) phải lặp lại những lời ấy cho con cái, phải nói lại cho chúng, lúc ngồi trong nhà cũng như lúc đi đường, khi đi ngủ cũng như khi thức dậy,8 phải buộc những lời ấy vào tay làm dấu, mang trên trán làm phù hiệu,9 phải viết lên khung cửa nhà anh (em), và lên cửa thành của anh (em).» (Đnl6, 6-9). Đây là một cách rất đẹp để nói rằng trong mỗi lúc, trong bất cứ việc gì đang làm, tâm trí người tín hữu phải luôn gắn bó với những điều răn được ban, vì hạnh phúc của họ. Nhân dịp này chúng ta lưu ý tầm quan trọng của việc truyền lại đức tin cho con cháu: «Như vậy anh (em) cũng như con cháu anh (em) sẽ kính sợ ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), mọi ngày trong suốt cuộc đời, tuân giữ tất cả những chỉ thị và mệnh lệnh của Người mà tôi truyền cho anh (em)» (c2)
Cụm chữ «ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của cha ông anh (em)» cũng gợi lên sự truyền đức tin từ bao thế kỷ. Đây hẳn là một trong bí quyết tồn tại của đức tin Do Thái trải qua suốt lịch sử.
Những lời viết trong sách Đê-nhị-luật được tuân giữ, có thể nói từng chữ qua cách thực hiện đeo «bùa» (Do thái gọi là Tefillin); gói vuông bằng da đen được các tín hữu đeo trên trán và trên cánh tay để đọc kinh mỗi ngày. Trong những gói vuông ấy chứa đựng những cuộn giấy được ghi những kinh trong đó có kinh Sê-ma Ít-ra-en [«phải buộc những lời ấy vào tay làm dấu, mang trên trán làm phù hiệu, (Đnl6, 8)]
Cũng như thế cái gọi là «Mezouna» theo tiếng Do Thái, đó là một gói nhỏ treo trên cửa nhà và trên cửa vào các thành phố «phải viết lên khung cửa nhà anh (em), và lên cửa thành của anh (em)» (Đnl6, 9). Ngay cả ngày hôm nay, sự trung tín dân tộc được chọn vẫn được thấy trong cách thực hiện những điều ấy hằng ngày. Ít-ra-en không bao giờ quên lời kêu gọi của Đệ-nhị-luật.
***
Tác giả: bà Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: Sách L’ intelligence des Ecritures Socéval Editions
***
Dịch giả: E. Máccô Lương Huỳnh Ngân
Hiệu đỉnh: Khổng Nhuận