"Khi ấy dân ngươi sẽ được cứu thoát".
Trích sách Tiên tri Đaniel.
1 "Thời đó, Mi-ca-en sẽ đứng lên. Người là vị chỉ huy tối cao, là đấng vẫn thường che chở dân ngươi. Đó sẽ là thời ngặt nghèo chưa từng thấy, từ khi có các dân cho đến bây giờ. Thời đó, dân ngươi sẽ thoát nạn, nghĩa là tất cả những ai được ghi tên trong cuốn sách của Thiên Chúa.
2 "Trong số những kẻ an nghỉ trong bụi đất, nhiều người sẽ trỗi dậy: người thì để hưởng phúc trường sinh, kẻ thì để chịu ô nhục và bị ghê tởm muôn đời
.3 Các hiền sĩ sẽ chói lọi như bầu trời rực rỡ, những ai làm cho người người nên công chính, sẽ chiếu sáng muôn đời như những vì sao.
Có ít nhất là hai điều khẳng định quan trọng của ngôn sứ Đa-ni-en trong vài hàng này. Trước hết, là một lời khích lệ hướng về những người đương thời đang trải qua một giai đoạn khủng khiếp. Điều thứ hai, là lời tuyên xưng đức tin ngày sau sống lại của người chết.
Điều thứ nhất, một lời khích lệ cho người đương thời…khi ông nói : « Đó sẽ là thời ngặt nghèo chưa từng thấy, từ khi có các dân cho đến bây giờ » câu này ông dùng động từ theo thể tương lai, nhưng đó chỉ là nhìn bên ngoài, theo nghĩa đen. Thật vậy, vì lúc bấy giờ đang thời kỳ ngoại bang chiếm đóng và bách hại, không thể cho lưu thông các sách đối lập mà không ngụy trang. Vì thế mọi người giả vờ nói về quá khứ hay tương lai, không bao giờ về thực tại. Nhưng các đọc giả không lầm. Họ biết rõ rằng, sách Đa-ni-en họ đang cầm trong tay là viết cho họ, trong thực tại. Và cũng chính là những điều họ cần đến.
« …thời ngặt nghèo chưa từng thấy, từ khi có các dân cho đến bây giờ » đó là điều thực tại họ đang sống và vượt xa tất cả những điều hãi hùng đã trải qua. Từ khi A-lê-xan-đê Đại Đế đánh chiếm những vùng đất mênh mông, họ sống dưới quyền thống trị của Hy-lạp. Người hậu duệ xa của A-lê-xan-đê, nay nắm quyền ở Pa-lét-tin, đương thời với ngôn sứ Đa-ni-en (tức là khoảng năm 170 trước CN), nay là một người nọ tên An-ti-ô-khô Ê-pi-pha-nê, là một ông vua nổi tiếng một cách đáng buồn trong ký ức người Do Thái. Tên của ông gắn liền với cả một chương trình : Ông tên An-ti-ô-khô đệ IV, tự Ê-pi-pha-nê, có nghĩa rất khiêm nhường là « Chúa Mạc Khải » nhưng ông ta bị ghét tại An-ti-ô-kha đến nỗi người ta gọi ông là Ê-pi-ma-nê, có nghĩa là, thằng « Điên, người mắc bệnh hoang tưởng tự đại ».
An-ti-ô-khô tiến hành một cuộc bách hại ghê gớm : Ông ta cấm mọi người hành đạo Do Thái và bắt buộc tôn vinh ông như họ làm cho Thiên Chúa. Từ nay ông là trung tâm của đền thờ và trong đời sống tôn giáo. Đối với người Do Thái, sự chọn lựa quá rõ ràng : hoặc tuân phục hoặc trung thành với đức tin, trong trường hợp này, là đối đầu với tra tấn và cái chết. Về phương diện hung dữ thì An-ti-ô-khô có biệt tài. Luôn luôn trong những trường hợp này, có hai thái độ : vài người khuất phục vì cuộc thử thách quá khó, nhưng nhiều người chọn trung thành với đức tin của cha ông, với Giao Ước cùng Thiên Chúa. Vậy, lời khích lệ của Đa-ni-en dành cho tất cả những kẻ phải đối đầu với trường hợp lương tâm. Đa-ni-en nói : « Mi-ca-en, tổng lãnh Thiên Thần, gìn giữ các bạn…nhìn bên ngoài, dưới đất này tất cả những gì thấy được, tất cả những gì các bạn đang sống có vẻ là thất bại, sự chết của những anh em ưu tú nhất, những điều ghê tởm…đó là chiến thắng của những kẻ gieo rắc sự dữ và khủng bố. Nhưng cuối cùng các bạn mới là những người chiến thắng vĩ đại nhất ! Cuộc chiến diễn ra vừa ở dưới đất, vừa ở trên trời : còn các bạn, các bạn chỉ thấy những gì ở dưới đất này, nhưng trên trời, xin hãy nhớ, thiên quân đã chiến thắng cho các bạn ».
« 1 "Thời đó, Mi-ca-en sẽ đứng lên. Người là vị chỉ huy tối cao, là đấng vẫn thường che chở dân ngươi. Đó sẽ là thời ngặt nghèo chưa từng thấy, từ khi có các dân cho đến bây giờ. Thời đó, dân ngươi sẽ thoát nạn, nghĩa là tất cả những ai được ghi tên trong cuốn sách của Thiên Chúa ». Phải nghe rõ chữ «Đó sẽ là ». Thật vậy, một lần nữa, tiên tri là một người nhắc lại cho dân chúng, Thiên Chúa gần gũi những ai trong cơn tuyệt vọng. Điều đặc biệt của sách Đa-ni-en trình bày lịch sử con người - trong bài này là Dân trong Giao Ước - như một cuộc chiến khổng lồ : một cuộc chiến mà kẻ thắng được biết trước.
Đấy là những lời khích lệ cho những người còn sống. Nhưng có những người đã chết trong cơn bão táp của cuộc bách hại : họ đã hi sinh mạng sống của mình để không bội phản Chúa Hằng Sống. Đây là một điều nghịch lý !...Thế nhưng, trong trường hợp đó, đối với Đa-ni-en điều này trở nên hiển nhiên : Chúa không thể nào bỏ rơi mãi mãi những người chấp nhận chết vì Ngài. Thật vậy, họ đã chết rồi, nhưng họ sẽ phục sinh. Đây là một sự chinh phục mới của sự Mặc Khải : điều này đáng ban cho Tiên Tri Đa-ni-en tước hiệu là người đầu tiên đã nhìn thấy ánh sáng đặc biệt của đức tin. Dĩ nhiên sau hai ngàn năm đạo Kitô, chữ « Phục Sinh » thuộc về những từ ngữ thông thường của chúng ta. Nhưng thời điểm của Đa-ni-en, trước đó không bao giờ có ai đề cập đến. Như thường lệ, chúng ta nên đặt mình trên con đường lịch sử dài của phương pháp sư phạm Thánh Kinh và sự phát triển tiệm tiến của đức tin It-ra-en. Trong nhiều thế kỷ, sự phục sinh cá nhân không bao giờ được đặt ra : người ta quan tâm đến một dân tộc chứ không ở một cá nhân : đến thực tại và tương lai của một dân tộc chứ không vào ngày mai của một người nào. Vì thế điều quan trọng của một người là dựa vào dòng dõi của mình : tương lai của mình có thể tin tưởng được là vào các con cháu.
Để có thể tin vào sự phục sinh cá nhân phải hội nhập hai yếu tố. Thứ nhất là quan tâm vào số phận của một người, cho chính họ (không chỉ cho một dân tộc) ; Thứ hai là tin vào Thiên Chúa không bỏ mặc cho sự chết.
Về yếu tố đầu tiên, sự chú ý vào số phận của một cá nhân chỉ xuất hiện dần dần trong lịch sử It-ra-en. Đó là một thành quả, một tiến bộ rất muộn. Chúng ta biết rằng trách nhiệm cá nhân chỉ có từ Xuất Hành.
Về yếu tố thứ hai, lòng tin vào sự trung thành với Thiên Chúa chỉ đến từ trải nghiệm, vì thế cũng rất tiệm tiến. Sự xác thực rằng Chúa quan tâm và chỉ muốn điều lành cho con người - từ đó không bao giờ bỏ rơi con người - bắt đầu xuất hiện và phát triển dần theo nhịp những sự kiện thực tế của lịch sử dân Chúa chọn. Chính trải nghiệm lịch sử của Giao Ước đã nuôi dưỡng đức tin It-ra-en. Một Thiên Chúa chỉ muốn con người tự do, khỏi mọi hình thức nô lệ, không thể để con người trong vòng xiềng xích của sự chết. Dần dần, điều hiển nhiên ấy bùng lên một cách chính xác ngày mà những tín hữu trung kiên với Chúa hằng sống, đến độ họ hy sinh mạng sống cho Ngài. Điều nghịch lý khác thường, đến nỗi sự chết của họ đối với anh em họ là nguồn cội của lòng tin vào sự sống đời đời. «3 Các hiền sĩ sẽ chói lọi như bầu trời rực rỡ, những ai làm cho người người nên công chính, sẽ chiếu sáng muôn đời như những vì sao. »
Đói với những người tử vì đạo, rõ ràng : họ sẽ phục sinh trong đời sống vĩnh cửu. Nhưng những người còn lại như thế nào? Một trong những câu của Tiên Tri Đa-ni-en vang lên như một bản án cuối cùng : « 2 "Trong số những kẻ an nghỉ trong bụi đất, nhiều người sẽ trỗi dậy: người thì để hưởng phúc trường sinh, kẻ thì để chịu ô nhục và bị ghê tởm muôn đời ». Rất có thể, tác giả sách Đa-ni-en chỉ dự định có sự phục sinh cho người công chính, những người khác phải ở trong sự chết muôn đời. Nhưng có những giai đoạn khác trong sự khám phá dự án của Thiên Chúa. Ngày nay, chúng ta biết sự phục sinh được hứa cho mọi xác phàm, vì nhân loại không bị phân chia làm hai, người hiền và người dữ. Không ai có thể hoàn toàn hiền mà cũng không ai hoàn toàn dữ. Chính từ trong chúng ta mới có sự chọn lựa, phân chia. Tất cả những gì thuộc về tình yêu đến từ Thiên Chúa, sẽ sống đời đời.
***
Tác giả: Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: Sách L’ intelligence des Ecritures Socéval Editions
Dịch giả: E. Máccô Lương Huỳnh Ngân.