Lời Chúa CN

BÀI ĐỌC 1 CN II MÙA VỌNG NĂM C (Br 5, 1-9) 09/12/2018

"Chúa sẽ tỏ bày huy hoàng của Chúa trong ngươi".

Trích sách Tiên tri Barúc. 

1 Hỡi Giê-ru-sa-lem, hãy cởi bỏ áo tang khổ nhục,
và mặc lấy ánh vinh quang vĩnh cửu Thiên Chúa ban cho ngươi;

2 hãy khoác vào mình áo choàng công chính của Thiên Chúa;
và đội lên đầu triều thiên vinh quang
Đấng Vĩnh Hằng ban tặng.

3 Vì Thiên Chúa sẽ cho khắp cả hoàn cầu
thấy hào quang rực rỡ của ngươi.

4 Mãi mãi Người sẽ gọi ngươi
là "Bình an xây dựng trên công chính",
và "Vinh quang phát xuất từ lòng kính sợ Thiên Chúa".

5 Vùng lên, Giê-ru-sa-lem hỡi,
hãy đứng ở nơi cao, và hướng nhìn về phía đông:
Kìa xem con cái ngươi từ đông sang tây tụ họp về
theo lời Đấng Thánh đã truyền dạy.
Được Thiên Chúa nhớ đến, chúng hớn hở mừng vui.

6 Xưa chúng bị quân thù áp giải,
phải rời ngươi, không xe không ngựa.
Nay Thiên Chúa lại đưa chúng trở về với ngươi,
chúng được kiệu đi vinh quang rực rỡ, khác chi một ngai vàng.

7 Vì Thiên Chúa đã ra lệnh phải bạt thấp núi cao
và gò nỗng có tự lâu đời,
phải lấp đầy thung lũng cho mặt đất phẳng phiu,
để Ít-ra-en tiến bước an toàn
dưới ánh vinh quang của Thiên Chúa.

8 Theo lệnh của Thiên Chúa, rừng xanh và đủ loại quế trầm
sẽ toả bóng che rợp Ít-ra-en,

9 vì Thiên Chúa sẽ dẫn Ít-ra-en đi trong hoan lạc,
dưới ánh sáng vinh quang của Chúa,
cùng với lòng từ bi và sự công chính của Người.

 

Nhà văn hào Racine (Pháp) kể lại: Có một lần mời nhà thơ La Fontaine đến tham dự một buổi phụng vụ tối trong Tuần Thánh, đêm ấy có một đoạn sách Ba-rúc được đọc, La Fontaine hỏi : « Anh có đọc Sách Ba-rúc chưa ? Đó là một bậc anh tài vĩ đại ! » Thật vậy, đối với một người ưa thích thơ, Ba-rúc là một quyển sách tuyệt vời, thế nhưng biết tác giả là ai, là một chuyện khác.

Đúng ra, có một người tên là Ba-rúc, thư ký của ngôn sứ Giê-rê-mi-a, trước khi Giê-ru-sa-lem bị quân của Na-bu-cô-đô-nô-so chiếm đóng, tức là đầu thế kỷ thứ VI trước CN, thế mà những câu đầu của Sách này quả quyết rằng tác giả là Ba-rúc. Thật ra, tác giả chỉ là một nặc danh, sanh sau nhiều thế kỷ! (Sách chúng ta đọc, có lẽ xuất hiện hai thế kỷ sau Chúa Giê-su Ki-tô). Ngày nay chúng ta không hiểu được thói quen lúc bấy giờ, để ngưỡng mộ một tác giả nổi tiếng, người ta viết sách và lấy danh tác giả ấy.

Điều đáng ngạc nhiên thứ hai, sở dĩ tác giả dùng chữ ký của Ba-rúc mà còn chép nhiều lời từ ngôn sứ I-sa-i-a. Vì lẽ đó, chúng ta có cảm tưởng đã nghe đâu đó rồi khi đọc sách Ba-rúc. Đây cũng là một hình thức của thể văn, xưa kia hoàn toàn được chấp nhận. Một người con tinh thần hậu dụê vài thế kỷ sau, nhắc lại như một tiếng vang: Là một cách nào đó, làm sống lại niềm tin vào lời hứa của Thiên Chúa. Mọi người đọc lại chuyện ngày xưa giữa những sự kiện đương thời đang sống. Không phải là hình thức đạo văn. Đây là một cách tuyên xưng đức tin, xác thực những lời hứa. Chúng ta cũng đã gặp hiện tượng này trong một bài chen vào sách Giê-rê-mi-a, nhiều thế kỷ sau khi ông qua đời.

Tất cả các bài chép từ I-sa-i-a thuộc về thời kỳ lưu đày Ba-by-lon, từ sách I-sa-i-a thứ Hai hoặc I-sa-i-a thứ Ba. Có bài nói về tương lai huy hoàng của Giê-ru-sa-lem, có bài tiên báo ngày trở về.

Chúng ta hãy bắt đầu suy nghĩ về những lời hứa trở về quê hương trong I-sa-i-a:      « 3Có tiếng hô: "Trong sa mạc, hãy mở một con đường cho ĐỨC CHÚA, giữa đồng hoang, hãy vạch một con lộ thẳng băng cho Thiên Chúa chúng ta. 4Mọi thung lũng sẽ được lấp đầy, mọi núi đồi sẽ phải bạt xuống, nơi lồi lõm sẽ hoá thành đồng bằng, chốn gồ ghề nên vùng đất phẳng phiu » (Is 40, 3-4) hay là:

« 11 Mọi núi non của Ta, Ta sẽ biến thành đường sá,những con lộ của Ta, Ta sẽ đắp cao » (Is 49, 11)

Và Ba-rúc nói như tiếng vang trong câu 7: « 7 Vì Thiên Chúa đã ra lệnh phải bạt thấp núi cao và gò nỗng có tự lâu đời, phải lấp đầy thung lũng cho mặt đất phẳng phiu, để Ít-ra-en tiến bước an toàn dưới ánh vinh quang của Thiên Chúa ».

Một chỗ khác cũng được triển khai song song như thế:

 I-sa-i-a nói (Is 41, 19): « 19 Và trong vùng hoang địa, Ta sẽ trồng bá hương, keo, sim với ô-liu; trên những dải đất hoang, Ta sẽ cho mọc lên một trật nào trắc bá, nào du, nào hoàng dương »

Trong lúc sách Ba-rúc chép trong hai câu 8 và 9: « 8 Theo lệnh của Thiên Chúa, rừng xanh và đủ loại quế trầm sẽ toả bóng che rợp Ít-ra-en, 9 vì Thiên Chúa sẽ dẫn Ít-ra-en đi trong hoan lạc, dưới ánh sáng vinh quang của Chúa, cùng với lòng từ bi và sự công chính của Người »

I-sa-i-a viết trong I-sa-i-a Hai: (Is 49, 18) « 18 Hãy rảo mắt chung quanh mà nhìn: Kìa, hết thảy chúng tụ tập, kéo nhau đến với ngươi! Ta lấy mạng sống Ta mà thề, sấm ngôn của ĐỨC CHÚA: Chúng sẽ như món đồ quý giá cho ngươi dùng trang điểm, sẽ như đai lưng cho ngươi thắt tựa cô dâu ».

Trong lúc I-sa-i-a Ba viết (Is 60, 4) « 4 Đưa mắt nhìn tứ phía mà xem, tất cả đều tập hợp, kéo đến với ngươi: con trai ngươi từ phương xa tới, con gái ngươi được ẵm bên hông ».

Và đây, tiếng vang trong sách Ba-rúc (câu 5-6): « 5 Vùng lên, Giê-ru-sa-lem hỡi, hãy đứng ở nơi cao, và hướng nhìn về phía đông: Kìa xem con cái ngươi từ đông sang tây tụ họp về
theo lời Đấng Thánh đã truyền dạy. Được Thiên Chúa nhớ đến, chúng hớn hở mừng vui 6 Xưa chúng bị quân thù áp giải, phải rời ngươi, không xe không ngựa. Nay Thiên Chúa lại đưa chúng trở về với ngươi, chúng được kiệu đi vinh quang rực rỡ, khác chi một ngai vàng.»

 Chúng ta hãy nghe sách I-sa-i-a Hai nói về tương lai vinh quang của Giê-ru-sa-lem : 
« 1 Hỡi Xi-on, thức dậy, thức dậy đi, hãy biểu dương sức mạnh!Hỡi thành thánh Giê-ru-sa-lem, hãy mặc lễ phục huy hoàng!». (Is 52, 1). Và mỗi năm chúng ta nghe trong ngày Lễ Hiển Linh bài ca bất hủ (c1. 5): « 5 Vùng lên, Giê-ru-sa-lem hỡi…1 Hỡi Giê-ru-sa-lem, hãy cởi bỏ áo tang khổ nhục, và mặc lấy ánh vinh quang vĩnh cửu Thiên Chúa ban cho ngươi ».

Có lẽ chúng ta nên dừng lại để suy gẫm về những câu kỳ diệu này: « và mặc lấy ánh vinh quang vĩnh cửu Thiên Chúa ban cho ngươi » đây là cách nói không hơn không kém: «trở thành những kẻ mặc lấy sự toả sáng của Thiên Chúa !»

Dĩ nhiên chúng ta có thể tự hỏi, vì lý do gì sách Ba-rúc được viết rất lâu sau sách I-sa-i-a và lập lại các lời hứa ấy? Cuộc lưu đày Ba-by-lon đã chấm dứt từ lâu! Không cần chi phải nhắc lại những lời hứa hồi hương, cho những kẻ bị lưu đày thế kỷ thứ sáu trước Công Nguyên. Vậy, sách Ba-rúc chép lại những đề tài và những từ ngữ của ngôn sứ thời xưa để cho ai? Thật ra, sách Ba-rúc viết ra cho những người Do Thái còn « bị đày »  là những người Do Thái tha hương rải rác khắp nơi, còn dưới sự thống trị của Hy-lạp và Rô-ma. Họ có cảm tưởng như bị đày đọa khỏi Giê-ru-sa-lem. Các ngôn sứ biết rằng, mặc cho những biến đổi của lịch sử, kế hoạch của Thiên Chúa dành cho Giê-ru-sa-lem và nhân loại thế nào rồi cũng sẽ được hoàn tất.

Cũng như I-sa-i-a, Ba-rúc rao giảng trong thời kỳ dân nản lòng và ảm đạm. Đấy là một bài học về niềm tin và sự cậy trông cho chúng ta. Tất cả những thảm kịch của thời buổi chúng ta, dù bi đát đến đâu không nên để làm suy giảm sinh lực chúng ta….Trái lại phải làm cho tăng lên trong ta gấp bội.

 

***

Tác giả:  Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: Sách L’ intelligence des Ecritures  Socéval Editions


Dịch giả: E. Máccô  Lương Huỳnh Ngân

Hiệu đính : Nguyễn Thế Hoằng.


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com