"Ai kính sợ Chúa, thì thảo kính cha mẹ".
Trích sách Huấn Ca.
3 Ai thờ cha thì bù đắp lỗi lầm,
4 ai kính mẹ thì tích trữ kho báu.
5 Ai thờ cha sẽ được vui mừng vì con cái,
khi cầu nguyện, họ sẽ được lắng nghe.
6 Ai tôn vinh cha sẽ được trường thọ,
ai vâng lệnh Đức Chúa sẽ làm cho mẹ an lòng.
7 Người đó phục vụ các bậc sinh thành
như phục vụ chủ nhân.
14 Vì lòng hiếu nghĩa đối với cha sẽ không bị quên lãng,
và sẽ đền bù tội lỗi cho con.
15 Thiên Chúa sẽ nhớ đến con, ngày con gặp khốn khó,
và các tội con sẽ biến tan
như sương muối biến tan lúc đẹp trời.
16 Ai bỏ rơi cha mình thì khác nào kẻ lộng ngôn,
ai chọc giận mẹ mình, sẽ bị Đức Chúa nguyền rủa.
17 Con ơi, hãy hoàn thành việc của con một cách nhũn nhặn,
thì con sẽ được mến yêu hơn người hào phóng.
Bài Huấn Ca của Ben-si-rắc nhấn mạnh đến sự hiếu thảo cha mẹ, có thể gợi ý cho chúng ta thời ấy uy quyền của cha mẹ không còn như trước nữa. Lối sống của xã hội đang thay đổi và Ben-Si-rắc thấy cần phải chỉnh đốn. Chúng ta đang ở thế kỷ thứ II trước Công Nguyên, khoảng năm 180. Ben-Si-rắc điều khiển một trường khôn ngoan (ngày nay chúng ta gọi một trường triết học) tại Giê-ru-sa-lem. Đó là thời dưới ách đô hộ của Hy-lạp, các vua rất phóng khoáng và người Do Thái có thể tiếp tục hoàn toàn tuân giữ Lề Luật (Tình hình có thay đổi đôi chút dưới thời An-ti-ô-khô Ê-pi-pha-nê). Chính sự yên tĩnh ấy làm cho Ben-Si-rắc lo ngại, vì một cách quỷ quyệt, nhiều lối suy nghĩ mới được phổ biến. Dần dần, sống chung đụng với người ngoại, có nguy cơ suy nghĩ và sống như họ. Đề tài chúng ta quan tâm hôm nay, cấu trúc gia đình, để truyền lại đức tin và các nghi thức giữ Đạo Do Thái cho con cháu là điều tối quan trọng. Bài chúng ta đọc, trước tiên là một biện hộ cho gia đình, là nơi quan trọng, nếu không phải là nơi duy nhất để truyền lại các giá trị căn bản.
Đây cũng là một bình luận tuyệt vời, một cách phát biểu khác của điều răn thứ Tư. Chúng ta còn nhớ dưới hình thức giáo lý trẻ thơ «Muốn sống lâu phải thảo kính cha mẹ». Sau đây là hình thức sơ khai trong Sách Sáng Thế: «12 Ngươi hãy thờ cha kính mẹ, để được sống lâu trên đất mà ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của ngươi, ban cho ngươi» (St 20, 12). Sách Đệ Nhị Luật thêm: «để được hạnh phúc trên đất mà ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa ngươi, ban cho ngươi» (Đnl 5, 16).
Năm mươi năm sau, cháu nội ông Ben-si-rắc dịch lại tác phẩm của ông mình có thêm hai câu để minh chứng sự hiếu thảo cha mẹ. Thật giản dị, chúng ta có được sự sống cũng nhờ họ, là công cụ của Thiên Chúa ban sự sống: «27 Cha con, con hãy hết lòng tôn kính, và đừng quên ơn mẹ đã mang nặng đẻ đau. 28 Hãy luôn nhớ công ơn dưỡng dục sinh thành, công ơn ấy, con sẽ lấy chi đáp đền cho cân xứng? (Hc 7, 27-28) Dĩ nhiên điều răn ấy đi đôi với điều hợp lý: gia đình là tế bào và cũng là điều kiện tối cần cho một xã hội cân bằng. Hiện nay chúng ta đã có quá nhiều trải nghiệm của những tình trạng bi đát về tâm lý cũng như về xã hội do các gia đình rạn nứt. Nhưng trong thâm sâu, chúng ta hiểu rằng giấc mơ gia đình hài hoà cũng thuộc về chương trình của Thiên Chúa.
Duy có cách trình bày giới răn (và phần bình giải của Ben-Si-rắc) có vẻ lạ kỳ. Điều này làm cho chúng ta có cảm tưởng như một tính toán: «6 Ai tôn vinh cha sẽ được trường thọ», cũng như chúng ta nói: nếu ai sống tốt đẹp Chúa sẽ đền đáp lại. Sự thật không phải tính toán với Chúa, vì đối với Thiên Chúa mọi sự là hồng ân, tức là nhưng không! Thế nhưng, một khi Chúa ban cho Lề Luật là để con người hạnh phúc. Lề luật là con đường duy nhất dẫn đến hạnh phúc và tự do. Chúa đã giải thoát dân Ngài và chỉ lối, có thể nói Chúa đặt những biển chỉ đường đánh dấu hướng đi để dẫn dân Ngài đến tự do và hạnh phúc. Các chữ: «đường đi», «lối đi» thường được dùng khi đề cập đến lề luật.
Nếu có thời gian, các bạn có thể đọc thêm sách Đệ Nhị Luật, đặc biệt chương 6; trong ấy có chép lời nguyện bất hủ của dân Ít-ra-en «hãy lắng nghe Ít-ra-en». Các bạn sẽ ngạc nhiên, bài này nhấn mạnh lề luật là con đường dẫn tới hạnh phúc và tự do. Sau đây là vài câu của sách Đệ-Nhị Luật: «18Anh (em) phải làm điều ĐỨC CHÚA coi là ngay thẳng và tốt lành, để anh (em) được hạnh phúc và được vào chiếm hữu miền đất tốt tươi mà ĐỨC CHÚA đã thề hứa với cha ông anh (em)» (Đnl 6, 18). Một sự ngạc nhiên khác, câu: «3 Ai thờ cha thì bù đắp lỗi lầm»; trước hết, tôi có thể nói, câu này chứng minh bài được viết gần đây: Phải trải qua nhiều thế kỷ trong kế hoạch sư phạm Thiên Chúa, qua các ngôn sứ, để loài người khám phá ra hy lễ toàn thiêu; không phải là con đường duy nhất để hoà giải với Thiên Chúa, như xưa kia họ nghĩ. Con đường duy nhất để hoà giải với Thiên Chúa, là hoà giải với người lân cận. Nơi đây, tôi nghe văng vẳng như một tiếng vang câu của Hô-sê: «6 Vì Ta muốn tình yêu chứ không cần hy lễ, thích được các ngươi nhận biết hơn là được của lễ toàn thiêu. (Hs 6, 6) .
Có thể hiểu Ben-Si-rắc muốn nói: Anh em muốn tôn vinh Thiên Chúa à? Rất dễ, hãy thảo kính cha mẹ, hãy sống tình nghĩa phụ tử với cha mẹ; là anh em sống tình nghĩa phụ tử với Thiên Chúa. Các bạn đều biết trong mười điều răn - mười lời nói - chỉ có hai điều là những lệnh tích cực: Câu về ngày Sa-bát và về thảo kính cha mẹ: «8 Ngươi hãy nhớ ngày sa-bát, mà coi đó là ngày thánh» (St 20, 8) và «12 Ngươi hãy thờ cha kính mẹ» (St 20, 12); tất cả các điều răn khác đều tiêu cực, và chỉ những giới hạn không được vượt qua.
13 Ngươi không được giết người.
14 Ngươi không được ngoại tình.
15 Ngươi không được trộm cắp.
16 Ngươi không được làm chứng gian hại người v v …
Nhưng chỉ có một lệnh tích cực tóm tắt tất cả các điều răn. Chúng ta tìm thấy câu ấy trong Cựu Ước, trong sách Lê-vi: «Ngươi phải yêu đồng loại như chính mình» (Lv 19, 18); thế nhưng, người đồng loại, đúng nghĩa của nó là cha mẹ chúng ta. Trong những ngày lễ hôm nay, là dịp các quan hệ gia đình được thắt chặt hay được tái khám phá, bài hôm nay hẳn được chọn đúng thời điểm.
***
Tác giả: Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: Sách L’ intelligence des Ecritures Socéval Editions
Dịch giả: E. Máccô Lương Huỳnh Ngân
Hiệu đính: Nguyễn Thế Hoằng.