Lời Chúa CN

BÀI ĐỌC 2 CHÚA NHẬT II THƯỜNG NIÊN – NĂM C (1 Cr 12, 4-11) 20/01/2019

"Cùng một Thánh Thần ban phát ơn riêng cho mỗi người theo như Người quy định".

 

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Cô-rin-tô.

 

4 Có nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thần Khí.

5 Có nhiều việc phục vụ khác nhau, nhưng chỉ có một Chúa.

6 Có nhiều hoạt động khác nhau, nhưng vẫn chỉ có một Thiên Chúa làm mọi sự trong mọi người.

7 Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người một cách, là vì ích chung.

8 Người thì được Thần Khí ban cho ơn khôn ngoan để giảng dạy, người thì được Thần Khí ban cho ơn hiểu biết để trình bày.

9 Kẻ thì được Thần Khí ban cho lòng tin; kẻ thì cũng được chính Thần Khí duy nhất ấy ban cho những đặc sủng để chữa bệnh.

10 Người thì được ơn làm phép lạ, người thì được ơn nói tiên tri; kẻ thì được ơn phân định thần khí; kẻ khác thì được ơn nói các thứ tiếng lạ; kẻ khác nữa lại được ơn giải thích các tiếng lạ.

11 Nhưng chính Thần Khí duy nhất ấy làm ra tất cả những điều đó và phân chia cho mỗi người mỗi cách, tuỳ theo ý của Người.

 

Thư gửi tín hữu thành Cô-rin-tô đã hơn hai mươi thế kỷ rồi, nhưng không có lấy một vết nhăn già nua! Trái lại, còn rất thời sự: Làm sao còn giữ là người tín hữu trong một thế giới có nhiều giá trị khác? Làm sao lọc ra được những tư tưởng đang thịnh hành, những tư tưởng nào tương hợp với đức tin Ki-tô? Làm sao chung sống với những người không có đạo Ki-tô mà không lỗi với đức ái, nhưng cũng «không mất linh hồn», như người ta thường nói? Thế giới chung quanh chúng ta nói tới giới tính và tiền của… làm sao phúc âm hoá họ? Khi xưa, cũng là những vấn nạn của tín hữu thành Cô-rin-tô vừa được ơn trở lại, sống chung quanh đa số là dân ngoại. Đó cũng là những trăn trở của chúng ta ngày nay, dù là đạo dòng hay đạo mới, đứng trước một xã hội không còn dành ưu tiên tin vào những giá trị Ki-tô.

Những giải đáp của Thánh Phao-lô liên quan đến tất cả chúng ta. Thánh nhân nói đến những chia rẽ trong cộng đồng, những vấn đề trong đời sống vợ chồng; đặc biệt hai vợ chồng không cùng đức tin, hướng đi phải giữ giữa những người thương mại hóa các tư tưởng mới: trong mỗi trường hợp ngài đặt mọi sự vào đúng chỗ đứng của nó. Nhưng, như mọi khi, ví dụ như trong thư gửi cho Ti-tô, chúng ta đọc tuần vừa qua, mỗi lần ngài đề cập đến những điều thực tế, ngài nhắc đến nền tảng của mọi sự, đó là Phép Rửa Tội đưa chúng ta vào một đời sống mới, đời sống Chúa Ba Ngôi. Trong bài hôm nay điều ấy đặc biệt rõ.

Những hàng đầu tiên nhắc lại chúng ta đã được rửa tội, như thánh Mát-thêu nói: «nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần». Ở đây thánh Phao-lô nói: anh em «4 Có nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thần Khí.5 Có nhiều việc phục vụ khác nhau, nhưng chỉ có một Chúa. (ngụ ý nói Chúa Giê-su) 6 Có nhiều hoạt động khác nhau, nhưng vẫn chỉ có một Thiên Chúa (ngụ ý nói Đức Chúa Cha) làm mọi sự trong mọi người» (C4-6). Dù chữ «Chúa Ba Ngôi» không được nói lên, vì trong vài hàng không thể nào nói rõ hơn vừa sự hiệp nhất, vừa sự khác biệt giữa Ba Vị trong Ba Ngôi Thiên Chúa. Qua phép Rửa Tội, chúng ta được dìm vào tình yêu Ba Ngôi ấy, và kể từ đó tình yêu kết tinh trong ta theo sự đa dạng của chúng ta. Thánh Phao-lô dùng hết sức để nhấn mạnh rằng chính tình yêu Chúa Ba Ngôi tác động nơi chúng ta: «11 Nhưng chính Thần Khí duy nhất ấy làm ra tất cả những điều đó và phân chia cho mỗi người mỗi cách, tuỳ theo ý của Người»

Tại Cô-rin-tô, cũng như trong thế giới dưới ảnh hưởng Hy-lạp, sự thông minh rất được ưa chuộng; ai cũng mơ ước được sự khôn ngoan, mọi người nói tới triết lý. Để trả lời những kẻ mơ ước khám phá sự khôn ngoan từ sự cố gắng chính mình và bằng những lý luận, ngài nói: Sự khôn ngoan thật sự, sự hiểu biết giá trị cao cả nhất, không ở trong những bài luận thuyết của chúng ta, nhưng từ món quà Chúa ban cho: «8 Người thì được Thần Khí ban cho ơn khôn ngoan để giảng dạy, người thì được Thần Khí ban cho ơn hiểu biết để trình bày». Không có gì đáng để tự hào, tất cả là quà nhưng không của Thiên Chúa. Trong bài có 7 lần lặp lại chữ «được ơn»! Nơi đây, thánh Phao-lô chỉ nói lên theo quan điểm Ki-tô những gì dân chúng đã được mặc khải từ lâu, tức là chỉ có Thiên Chúa mới biết, mới có thể khám phá ra sự khôn ngoan thật. Điều mới lạ trong bài giảng thánh Phao-lô là về Chúa Thánh Thần, ngài trình bày như một Nhân vị.

Sâu sắc hơn, thánh Phao-lô đánh dấu sự khác biệt hoàn toàn với những nghiên cứu triết học của kẻ này người khác. Ngài không đề nghị một trường phái mới, lại không thêm một trường phái nữa… Ngài tuyên bố Một Vị. Vì lẽ, những ân huệ phân phát cho mọi thành viên trong cộng đồng Ki-tô; không do quyền lực hay do sự hiểu biết, nhưng do sự hiện diện trong nội tâm: tên Thánh Thần Chúa được nêu lên tám lần trong đoạn này. Cuối cùng, bài này tuy viết cho dân thành Cô-rin-tô, nhưng không nói gì về họ, mà hoàn toàn nói về Thần khí tác động trong cộng đồng Ki-tô. Ngài nhẫn nại, bền bỉ không ngớt hướng chúng ta về Cha chúng ta (Ngài nhắc khéo chúng ta gọi «A-ba» - Cha) và hướng chúng ta về anh em.

Để cho mọi sự rõ ràng, thánh Phao-lô nhấn mạnh: «7 Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người một cách, là vì ích chung». Mọi người đều biết dân thành Cô-rin-tô thích những hiện tượng thánh thiêng lạ thường, nhưng thánh Phao-lô nhắc nhở họ mục tiêu duy nhất: lợi ích chung. Đó là mục tiêu của Thần khí, không gì khác hơn, vì Ngài là Tình Yêu. Vì thế, tôi có thể nói, trong tay Ngài chúng ta là những công cụ đa dạng, vô tận bởi ơn của Thiên Chúa là Một. Không phải ngẫu nhiên thánh Phao-lô dùng ba lần một chữ Hy-lạp (được dịch là «khác nhau») để nói đến tính đa dạng của các ân huệ, những chức năng, những tác động nhờ Thần Khí duy nhất: «4 Có nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thần Khí.5 Có nhiều việc phục vụ khác nhau, nhưng chỉ có một Chúa.6 Có nhiều hoạt động khác nhau, nhưng vẫn chỉ có một Thiên Chúa làm mọi sự trong mọi người».

Đó là điều tuyệt diệu sự khác nhau của chúng ta: Điều này làm cho chúng ta có thể thể hiện Tình Yêu Thiên Chúa, mỗi người một cách. Một trong những bài học rút ra từ bài này của thánh Phao-lô hẳn là biết thấy niềm vui trong sự khác biệt giữa chúng ta. Sự khác biệt ấy có muôn mặt của Tình Yêu, giúp chúng ta tác động theo sự cá biệt của mỗi người. Chúng ta hãy vui lên vì sự khác biệt chủng tộc, màu da, ngôn ngữ, năng khiếu, nghệ thuật, những sáng tác… Đó là tính phong phú của Giáo Hội, của thế giới với điều kiện sống sự khác biệt ấy trong tình yêu.

Cũng như một dàn nhạc: cùng một hứng thú… nhiều cách thể hiện khác nhau, nhiều nhạc cụ khác nhau để làm ra một bản hoà tấu… một bản hoàn tấu với điều kiện mọi người đều chơi cùng âm điệu. Khi chúng ta, tất cả không chơi cùng âm điệu mới chói tai! Bài hoà tấu ở đây là một bài tình ca, Giáo Hội có nhiệm vụ trình diễn cho thế giới: có thể nói bài «Tụng ca Tình yêu», cũng như bài «Tụng ca Niềm Vui của Beetthoven». Sự bổ sung cho nhau trong Giáo Hội không ở chỗ vai trò, chức vụ mỗi người; mà để Giáo Hội vận hành theo một chương trình cố định… sự thật quan trọng hơn nhiều và cũng tốt đẹp hơn nhiều: Đó là sứ vụ được trao phó cho mỗi người, để mặc khải Tình Yêu Thiên Chúa: đó là lý do duy nhất chúng ta hiện hữu.

 

***

 

Tác giả: Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: Sách L’ intelligence des Ecritures Socéval Editions


Dịch giả: E. Máccô Lương Huỳnh Ngân
Hiệu đính: Phê-rô Nguyễn Thế Hoằng.


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com