"Người chồng sẽ vui mừng vì vợ".
Trích sách Tiên tri Isaia.
1 Vì lòng mến Xi-on, tôi sẽ không nín lặng,
vì lòng mến Giê-ru-sa-lem, tôi nghỉ yên sao đành,
tới ngày đức công chính xuất hiện tựa hừng đông,
ơn cứu độ của thành rực lên như ngọn đuốc.
2 Rồi muôn dân sẽ được chiêm ngưỡng đức công chính của ngươi,
mọi đế vương sẽ được ngắm nhìn vinh quang ngươi tỏ rạng.
Người ta sẽ gọi ngươi bằng tên mới,
chính là tên miệng ĐỨC CHÚA đặt cho.
3 Ngươi sẽ là ngọc miện huy hoàng trong lòng bàn tay ĐỨC CHÚA,
sẽ là mũ triều thiên vương giả Thiên Chúa ngươi cầm ở tay.
4 Chẳng ai còn réo tên ngươi: "Đồ bị ruồng bỏ!"
Xứ sở ngươi hết bị tiếng là "Phận bạc duyên đơn."
Nhưng ngươi được gọi: "Ái khanh lòng Ta hỡi!"
Xứ sở ngươi nức tiếng là "Duyên thắm chỉ hồng."
Vì ngươi sẽ được ĐỨC CHÚA đem lòng sủng ái,
và Chúa lập hôn ước cùng xứ sở ngươi.
5 Như tài trai sánh duyên cùng thục nữ,
Đấng tác tạo ngươi sẽ cưới ngươi về.
Như cô dâu là niềm vui cho chú rể,
ngươi cũng là niềm vui cho Thiên Chúa ngươi thờ.
Nếu đây là bức thư tỏ tình, khó có bài nào hơn! Một vị hôn thê khó nói gì hơn cho người mình yêu. “Ái khanh lòng Ta hỡi!”- "Duyên thắm chỉ hồng”. Em đẹp như mũ triều thiên vương giả, trong tay anh… em là niềm vui của anh… Và các bạn hẳn chú ý đến những từ ngữ rất đẹp đầy ý thơ trong bài này. «1Vì lòng mến Xi-on, tôi sẽ không nín lặng, vì lòng mến Giê-ru-sa-lem, tôi nghỉ yên sao đành…3 Ngươi sẽ là ngọc miện huy hoàng trong lòng bàn tay ĐỨC CHÚA, sẽ là mũ triều thiên vương giả Thiên Chúa ngươi cầm ở tay… ngươi được gọi: "Ái khanh lòng Ta hỡi!" Xứ sở ngươi nức tiếng là “Duyên thắm chỉ hồng.”
Ai là vị hôn thê ấy, ai mà hết lời bày tỏ tình ý, những lời yêu thương không ngơi đi được: «…tôi sẽ không nín lặng», như những vị hôn thê trên đời không ngớt nói «anh yêu en…anh yêu em». Ai là vị hôn thê ấy? Chính là Thiên Chúa. Năm thế kỷ trước Chúa Giê-su, tiên tri I-sa-i-a đã nói như thế! Vì lẽ đó, người ta có thể gọi bài ấy là «bài thơ tình của Chúa». Nhưng I-sa-i-a cũng không phải người đầu tiên có sự táo bạo đó.
Thật vậy, những mặc khải đầu tiên của Thánh Kinh trong Cựu Ước, không dùng cách nói này. Mặc dù Thiên Chúa vẫn yêu nhân loại với tình yêu nồng nàn ấy ngay từ thuở ban đầu. Nhưng con người chưa sẵn sàng nghe như thế. Sự mặc khải Chúa là người Phối Ngẫu như Chúa Cha, chỉ được thực hiện sau nhiều thế kỷ qua Thánh kinh. Trước khi có Giao Ước giữa Thiên Chúa với dân Ngài, quan niệm ấy có vẻ nhập nhằng khó hiểu. Các dân tộc khác có khuynh hướng nhận ra các thần của họ giống hình ảnh con người, và lịch sử gia đình họ. Trong giai đoạn đầu của Mặc Khải, phải cho dân khám phá ra Thiên Chúa là đấng khác biệt, và đi vào giao ước với Ngài.
Ngôn sứ Hô-sê là người đầu tiên hồi thế kỷ thứ tám trước CN, đã so sánh dân It-ra-en là người vợ, và đánh giá thờ phượng bụt thần như ngoại tình. Sau đó: Giê-rê-mi-a, Ê-dê-ki-en, I-sa-i-a Hai và I-sa-i-a Ba (chúng ta đọc hôm nay) triển khai đề tài hôn lễ giữa Thiên Chúa và dân Ngài chọn. Vì thế chúng ta nhận ra nơi bài của các ngài; những từ ngữ của đám cưới, đám hỏi: những lời lẽ thương yêu, áo cưới, vòng hoa cô dâu, chung thuỷ và kể cả ghen tương, ngoại tình, trở lại xum họp với nhau.
Sau đây là vài trường hợp điển hình, ví dụ như trong Hô-sê: «18 Vào ngày đó… ngươi sẽ gọi Ta: "Mình ơi", chứ không còn gọi "Ông chủ ơi"nữa» (Hs 2, 18.21) và trong I-sa-i-a Hai «8Lúc lửa giận bừng bừng, Ta đã một thời ngoảnh mặt chẳng nhìn ngươi, nhưng vì tình nghĩa ngàn đời, Ta lại chạnh lòng thương xót» (Is 54, 5…8). Bài gây ấn tượng nhất hẳn là bài Diễm Ca. Đây là cuộc đối thoại dài của hai tình nhân, gồm bảy bài thơ. Thực sự mà nói, không có chỗ nào nói rõ lai lịch hai tình nhân, nhưng người Do Thái nhận ra như một dụ ngôn về tình yêu Thiên Chúa đối với nhân loại. Bằng chứng là họ đọc bài này trong dịp Lễ Vượt Qua, một lễ trọng của họ để tưởng niệm Giao Ước Thiên Chúa với dân Ngài chọn.
Bây giờ xin trở về bài đọc hôm nay, một trong thú tiêu khiển của vị hôn thê có vẻ là nêu lên những tên mới cho người yêu. Hẳn các bạn biết Tên gọi quan trọng như thế nào trong quan hệ giữa mỗi người với nhau. Người nào hay vật gì mà ta không biết gọi, không thể nào có được đối với ta… Biết gọi tên người nào là ta biết ít nhiều người ấy. Khi chúng ta chọn tên cho đứa trẻ sơ sinh, là điều rất tiêu biểu: Chúng ta đặt nơi nó nhiều hy vọng, nhìn kỹ có lẽ là cả một chương trình. Và khi quan hệ của chúng ta đối với một người thân tình hơn, có khi chúng ta đặt cho nhau một cái tên đặc biệt, chỉ hai người biết mà thôi. Trong đời sống lứa đôi, hay trong gia đình tên gọi riêng giữ một chỗ đứng quan trọng.
Thánh kinh thể hiện trải nghiệm nền tảng của đời sống nhân loại ấy, và gọi tên nhau có tầm quan trọng thật lớn. Nó nói lên mầu nhiệm con người, thể hiện cách thâm sâu của đấng ấy, ơn gọi và sứ vụ: có lúc được thể hiện ý nghĩa của cái tên những nhân vật chính. Ví dụ như, khi thiên sứ báo tin Chúa Giê-su sinh ra, nói rõ tên ấy có nghĩa là «Chúa cứu độ: «bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su.32 Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao» (Lc 1, 32). Và cũng có lúc, Chúa ban cho một người một cái tên mới khi trao một sứ vụ mới: Áp-ram thành ra Áp-ra-ham, Sa-rai thành Sa-ra, Gia-cóp thành It-ra-en và Si-mon trở nên Phê-rô.
Trong bài này, Chúa cho những tên mới cho Giê-ru-sa-lem: «4 "Đồ bị ruồng bỏ!… được gọi: "Ái khanh lòng Ta hỡi!"; Xứ sở… "Phận bạc duyên đơn."… được gọi: "Xứ sở…"Duyên thắm chỉ hồng." Thật vậy, dân Do Thái có lúc tưởng chừng bị Chúa ruồng bỏ. Chương 62 hôm nay được viết trong bầu khí vừa trở về sau cuộc lưu đày Ba-by-lon. Từ Ba-by-lon về năm 538, Đền Thờ chỉ được xây lại năm 521: Trong thời gian ấy, bầu khí ảm đạm và dân chúng có cảm tưởng bị bỏ rơi. Họ nghĩ, nếu Chúa chăm sóc chúng ta, mọi việc sẽ tốt đẹp hơn và công trình xây dựng tiến triển nhanh chóng hơn (chúng ta cũng có lúc nghĩ như thế, nếu có Chúa, chuyện ấy sẽ không xảy ra…) Để chống lại sự nản lòng loại ấy, I-sa-i-a được Chúa linh ứng, táo bạo viết bài tuyệt vời này: Không! Chúa không quên dân Ngài, và trở thành yêu quý của họ; một ngày gần đây mọi người sẽ biết: «5 Như tài trai sánh duyên cùng thục nữ, Đấng tác tạo ngươi sẽ cưới ngươi về. Như cô dâu là niềm vui cho chú rể, ngươi cũng là niềm vui cho Thiên Chúa ngươi thờ» (c 5)
***
Tác giả: Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: Sách L’ intelligence des Ecritures Socéval Editions
Dịch giả: E. Máccô Lương Huỳnh Ngân
Hiệu đính: Phê-rô Nguyễn Thế Hoằng.