Lời Chúa CN

THÁNH VỊNH CHÚA NHẬT III THƯỜNG NIÊN - NĂM C (Tv18, 8.9.10.15) 27/01/2019

"Lạy Chúa, Lời Chúa là thần trí và là sự sống"

 

8 Luật pháp CHÚA quả là hoàn thiện, bổ sức cho tâm hồn.
Thánh ý CHÚA thật là vững chắc, cho người dại nên khôn.

9 Huấn lệnh CHÚA hoàn toàn ngay thẳng, làm hoan hỷ cõi lòng.
Mệnh lệnh CHÚA xiết bao minh bạch, cho đôi mắt rạng ngời.

10 Lòng kính sợ CHÚA luôn trong trắng, tồn tại đến muôn đời.
Quyết định CHÚA phù hợp chân lý, hết thảy đều công minh,

15 Lạy CHÚA là núi đá cho con trú ẩn,
là Đấng cứu chuộc con, cúi xin Ngài vui nhận
bấy nhiêu lời miệng lưỡi thân thưa,
và bao tiếng lòng con thầm thĩ
mong được thấu đến Ngài.

 

Chúng ta đã gặp nhiều lần thánh vịnh này, và chúng ta có dịp thấy tầm quan trọng của Lề Luật đối với It-ra-en, trong hướng rất tích cực và sự kính sợ Thiên Chúa cũng là một thái độ không kém tích cực vì đó là tình phụ tử. Chúng ta cũng đọc nhiều lần sách Cựu Ước, trong ấy Lề Luật được trình bày như một con đường: Nếu người con cái It-ra-en muốn hạnh phúc thì phải cẩn thận không chệch hướng qua bên trái hay qua bên phải.

Hôm nay chúng ta có thể tiếp tục suy nghĩ về ý nghĩa của Lề Luật đối với It-ra-en. Một nơi rất chuẩn cho việc này là sách Đệ-nhị-luật. Đó là sách được viết khá gần đây: lúc vương quốc Giu-đa mạo hiểm lánh xa cách sống theo Lề Luật. Chính vì thế, sách này viết lên như một tiếng chuông cảnh báo với đề tài «Nếu các bạn không muốn những gì ở vương quốc phương Bắc xảy ra nơi đây, thì ngay bây giờ nên thay đổi cách sống». Đó là cách nhắc lại tất cả những luật ông Mô-sê và những lời cảnh báo của ông. Trong ấy, là những suy niệm về vai trò của Lề Luật: Mục đích không có gì khác hơn là giáo dục dân chúng, đi đúng đường. Sở dĩ Chúa tha thiết muốn dân Ngài đi trong đường ngay lẽ phải, là vì đó là giải pháp duy nhất để sống hạnh phúc trong xã hội, và đảm nhận vai trò dân Chúa chọn đối với mọi quốc gia. Vua Giê-ru-sa-lem là Giô-si-gia-hu thực hiện một cuộc canh tân tôn giáo trong chiều sâu, khoảng năm 620 trước CN, bằng cách dựa vào sách Đệ-nhị-luật.

Có lẽ đối với chúng ta là một điều nghịch lý, nhưng trong Thánh Kinh mọi người đều biết Lề Luật là một khí cụ của tự do. Còn chúng ta, chúng ta có khuynh hướng xem Lề Luật như một sự gò bó. Hình ảnh được nêu lên là con diều hâu tập cho con nó bay: «9 Nhưng sở hữu của ĐỨC CHÚA chính là dân Chúa, nhà Gia-cóp là cơ nghiệp của Người. 10 Gặp thấy nó giữa miền hoang địa, giữa cảnh hỗn mang đầy tiếng hú rợn rùng, Chúa ấp ủ, Chúa lo dưỡng dục, luôn giữ gìn, chẳng khác nào con ngươi mắt Chúa. 11 Tựa chim bằng trên tổ lượn quanh, giục bầy con bay nhảy, xoè cánh ra đỡ lấy rồi cõng con trên mình» (Đnl 32, 9-11). Hình như con chim ưng tập cho con chúng bay như thế. Khi các chim con rơi xuống, chim cha hay mẹ bay lượn vòng lớn bên dưới để các con có thể bất cứ lúc nào đáp xuống cánh cha mẹ. Đó là một cách nói tuyệt vời Thiên Chúa ban cho con người Lề Luật để con người có thể tập chính mình lớn lên. Không có một chút gì là áp đặt, trái lại. Hơn nữa, sở dĩ Chúa giải thoát dân Ngài khỏi Ai-cập, là để Ngài chứng minh một lần duy nhất mà thôi, mục đích Thiên Chúa là giải thoát dân Ngài.

Đây là sứ điệp được truyền lại từ thế hệ này đến thế hệ khác: «20 Mai ngày khi con anh (em) hỏi anh (em) rằng: "Vì sao có các thánh ý, thánh chỉ, quyết định mà ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa chúng ta, đã truyền cho quý vị? "21 Anh (em) sẽ trả lời cho con anh (em): "Chúng ta xưa làm nô lệ cho Pha-ra-ô bên Ai-cập, nhưng ĐỨC CHÚA đã ra tay uy quyền đưa chúng ta ra khỏi Ai-cập.22 Trước mắt chúng ta, ĐỨC CHÚA đã thực hiện những điềm thiêng dấu lạ lớn lao và khủng khiếp, phạt Ai-cập, phạt Pha-ra-ô và tất cả triều đình vua ấy.23 Còn chúng ta, Người đã đưa ra khỏi đó, để dẫn chúng ta vào và ban cho chúng ta đất Người đã thề hứa với cha ông chúng ta.24 ĐỨC CHÚA đã truyền cho chúng ta đem ra thực hành tất cả những thánh chỉ này và kính sợ ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa chúng ta, để chúng ta được hạnh phúc mọi ngày và để Người cho chúng ta được sống, như ngày hôm nay» (Đnl 6, 20-24)

Khi vua Giô-si-gia-hu cố gắng đem dân chúng về đường ngay lẽ phải, ngài biết nên cho dân chúng hiểu rõ sách này, trong đó được lập đi lập lại rằng con đường ngắn nhất đưa đến tự do và hạnh phúc là sống trong đường ngay lẽ phải. Có ngụ ý nói, các anh em Phương Bắc bị bao vấn nạn, tại vì họ quên sự thật căn bản ấy. Thế nhưng không phải chỉ ơn cứu độ cho vương quốc phương Nam- điều quan tâm số một của Giô-si-gia-hu - nhưng còn là của cả nhân loại «18 Mọi dân tộc trên mặt đất» như trong (St 22, 18). Làm sao dân Chúa có thể chọn làm chứng tá cho Thiên Chúa đấng Giải Thoát, trong lúc chính họ không sống như một dân tộc tự do? Nếu họ lại sa vào những chước cám dỗ thường xuyên của nhân loại: «thờ lạy bụt thần; bất công xã hội, chiếm quyền của kẻ này, kẻ khác?»

Các tác giả Thánh Kinh thời nào cũng ý thức trách nhiệm ấy, Chúa giao cho dân Ngài, bằng cách đề nghị Giao Ước. «28 Có những điều ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa chúng ta, giữ kín cho mình; nhưng những điều này được mặc khải cho chúng ta và con cháu chúng ta đến muôn đời, để chúng ta đem ra thực hành những lời của Luật này» (Đnl 29, 28). Điều này khiến cho họ muôn vàn hãnh diện, nhưng không một chút kiêu căng, hơn nữa, nếu có chăng thì sách Đệ Nhị Luật lại nhắc nhở họ: «7 ĐỨC CHÚA đã đem lòng quyến luyến và chọn anh em, không phải vì anh em đông hơn mọi dân, thật ra anh em là dân nhỏ nhất trong các dân» (Đnl 7, 7), và hay là «6 Anh (em) phải biết rằng không phải vì anh (em) công chính mà ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), ban cho anh (em) miền đất tốt tươi ấy để anh (em) chiếm hữu; thật vậy, anh (em) là một dân cứng cổ.» (Đnl 9, 6)

Bài thánh vịnh nhắc lại bài học khiêm nhường: «Thánh ý CHÚA thật là vững chắc, cho người dại nên khôn», cách nói thật bóng bẩy chỉ có Chúa là khôn ngoan. Đối với chúng ta, không cần tin rằng chúng ta khôn, hãy để chúng ta được hướng dẫn. Từ đó khiêm nhường thực hiện hằng ngày Lề Luật có thể dần dần biến đổi cả một dân tộc. Như thánh vịnh này nói: «9 Huấn lệnh CHÚA hoàn toàn ngay thẳng, làm hoan hỷ cõi lòng». Thực hiện điều răn Thiên Chúa, dần dần chúng ta sẽ học sống như con Thiên Chúa, dần dần sống như anh em với tha nhân. Nói cách khác, chúng ta tập nhìn Thiên Chúa như người Cha và con người như anh em.

Vì thế, nên phải thực hiện một cách khiêm nhu và hằng ngày. Điều này trong tầm tay mọi người. Vua Giô-si-gia-hu khi xưa hẳn rất hài lòng lập lại để khuyến khích dân mình: «11 Quả thế, mệnh lệnh tôi truyền cho anh (em) hôm nay đây, không vượt quá sức lực hay ngoài tầm tay anh (em).12 Mệnh lệnh đó không ở trên trời, khiến anh (em) phải nói: "Ai sẽ lên trời lấy xuống cho chúng tôi và nói cho chúng tôi nghe, để chúng tôi đem ra thực hành?13 Mệnh lệnh đó cũng không ở bên kia biển, khiến anh (em) phải nói: "Ai sẽ sang bên kia biển lấy về cho chúng tôi và nói cho chúng tôi nghe, để chúng tôi đem ra thực hành?14 Thật vậy, lời đó ở rất gần anh (em), ngay trong miệng, trong lòng anh (em), để anh (em) đem ra thực hành.» (Đnl 30,11-14)

 

***

 

Tác giả: Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: Sách L’ intelligence des Ecritures Socéval Editions


Dịch giả: E. Máccô Lương Huỳnh Ngân
Hiệu đính: Phê-rô Nguyễn Thế Hoằng.

 


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com