Lời Chúa CN

THÁNH VỊNH CHÚA NHẬT I MÙA CHAY- NĂM C (Tv 90, 1-2. 10-15) 10/03/2019

"Lạy Chúa, xin hãy ở cùng con trong lúc gian truân"

 

1 Hỡi ai nương tựa Đấng Tối Cao
và núp bóng Đấng quyền năng tuyệt đối,

2 hãy thưa với CHÚA rằng:
"Lạy Thiên Chúa, Ngài là nơi con náu ẩn,
là đồn luỹ chở che, con tin tưởng vào Ngài."

10 Bạn sẽ không gặp điều ác hại,
và tai ương không bén mảng tới nhà,

11 bởi chưng Người truyền cho thiên sứ
giữ gìn bạn trên khắp nẻo đường,

12 và thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng
cho bạn khỏi vấp chân vào đá.

13 Bạn có thể giẫm lên hùm thiêng rắn độc,
đạp nát đầu sư tử khủng long.

14 Chúa phán: "Kẻ gắn bó cùng Ta sẽ được ơn giải thoát,
người nhận biết danh Ta sẽ được sức phù trì.

15 Khi kêu đến Ta, Ta liền đáp lại
lúc ngặt nghèo có Ta ở kề bên.
Ta giải cứu và ban nhiều vinh dự,

 

Bài Thánh vịnh này có vẻ như là cuộc đàm thoại giữa ba người. Có lúc là It-ra-en nói: «1 Lạy Thiên Chúa, Ngài là nơi con náu ẩn, là đồn luỹ chở che, con tin tưởng vào Ngài.»- có lúc là các thầy tư tế nói khi đến cửa Đền Thánh: «10 Bạn sẽ không gặp điều ác hại, và tai ương không bén mảng tới nhà, 11 bởi chưng Người truyền cho thiên sứ giữ gìn bạn trên khắp nẻo đường»- và cuối cùng, chính Chúa nói: "Kẻ gắn bó cùng Ta sẽ được ơn giải thoát, người nhận biết danh Ta sẽ được sức phù trì. 15 Khi kêu đến Ta, Ta liền đáp lại lúc ngặt nghèo có Ta ở kề bên. Ta giải cứu và ban nhiều vinh dự».

Chúng ta hãy đọc lại theo thứ tự: Con « nương tựa Đấng Tối Cao và núp bóng Đấng quyền năng tuyệt đối,…Lạy Thiên Chúa, Ngài là nơi con náu ẩn, là đồn luỹ chở che, con tin tưởng vào Ngài». Các bạn hẳn chú ý, chỉ trong hai câu đầu có bốn danh hiệu dành cho Chúa, (Ghi chú người dịch: rất rõ trong tiếng Do Thái, khi chuyển ngữ mất đi nhiều sự khác biệt đó): Đấng Tối Cao (Elyôn), Đấng Quyền Năng (El Shađai), Thiên Chúa (YHWH), Ngài-Chúa (Elohim). Các dân tộc khác, thời ấy gọi các thần của họ bằng ba trong bốn tên đó (Elyon; El Shađai và Elohim), It-ra-en cũng dùng những danh từ ấy để gọi Chúa của mình. Thế nhưng, dân tộc này là dân tộc duy nhất trên đời, có thể gọi bằng tên thứ tư, đó là cái tên bất hủ được Thiên Chúa mặc khải cho Mô-sê từ bụi gai bốc cháy: YHWH. Như chính Chúa nói trong sách Xuất hành: «3 Ta đã hiện ra với Áp-ra-ham, I-xa-ác và Gia-cóp với tư cách là Thiên Chúa Toàn Năng, nhưng Ta đã không cho họ biết danh của Ta là ĐỨC CHÚA.» (Xh 6, 3)

Tất cả chương đầu triển khai sự an toàn của người tín hữu: «nương tựa Đấng Tối Cao; núp bóng Đấng quyền năng tuyệt đối; đồn luỹ chở che con tin tưởng vào Ngài». Nơi nương tựa tối cao trong các Thánh vịnh, có ý nói đến đền Giê-ru-sa-lem; trong lúc bóng che, có hai nghĩa: trước hết là các cánh của các thiên thần dựng trên thùng Bia Giao Ước, và thứ hai là áng mây che dân Chúa trong sa mạc suốt cuộc xuất hành. Điều này được hiểu đến độ đồng nghĩa với sự che chở của Chúa cho đến ngày thiên thần Gáp-ri-en nói với thiếu nữ thành Na-da-rét: «Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa» (Lc1, 35)

Câu cuối đoạn đầu: «Ngài là nơi con náu ẩn, là đồn luỹ chở che, con tin tưởng vào Ngài.» nghe như lời tuyên xưng đức tin, nhưng đây chính là một lời xác quyết - ngụ ý nói: không từ chối chống lại các bụt thần – vì phải luôn luôn tuyên xưng; không bao giờ từ bỏ nương náu dưới bóng Đấng Toàn Năng. Hơn nữa, chúng ta sẽ thấy, khi suy niệm bài Phúc Âm về Chúa Giê-su bị Cám Dỗ (trong bài Phúc Âm Chúa nhật hôm nay), thái độ của Chúa rất thích hợp với các câu này của bài Thánh Vịnh: Chúa Giê-su luôn lấy Thiên Chúa làm nơi nương náu.

Cuộc đấu tranh chống các bụt thần thường được triển khai trong các thánh vịnh.Ví dụ như Tv 83/84: «11 Một ngày tại khuôn viên thánh điện quý hơn cả ngàn ngày. Thà con ở cổng đền Thiên Chúa vẫn còn hơn sống trong trại ác nhân!» (Tv 84, 11). Chúng ta có thể ngạc nhiên thấy đề tài này rất thường trong toàn bộ Thánh kinh, nhưng rõ ràng đó là cuộc chiến lâu dài của các ngôn sứ (nhưng chúng ta có thể nói, chúng ta đã thắng chưa?). Bụt thần luôn luôn đổi mới theo dòng thời gian, suốt thế kỷ này sang thế kỷ khác của lịch sử nhân loại.

Hai đoạn thơ kế tiếp bài đọc của chúng ta là bài giảng của các tư tế cho các tín hữu đến Đền. Một khi dân chúng đã hứa không từ bỏ ẩn náu dưới sự chở che của Thiên Chúa, thì đây là Lời mặc khải của Chúa:

«10 Bạn sẽ không gặp điều ác hại,  và tai ương không bén mảng tới nhà,

11 bởi chưng Người truyền cho thiên sứ giữ gìn bạn trên khắp nẻo đường,

12 và thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng cho bạn khỏi vấp chân vào đá.

13 Bạn có thể giẫm lên hùm thiêng rắn độc, đạp nát đầu sư tử khủng long»

Sứ điệp này có hai phần. Thứ nhất sự toàn thắng đã chắc chắn rồi (Đó là hình ảnh các thú dữ bị chà đạp): «có thể giẫm lên hùm thiêng rắn độc, đạp nát đầu sư tử khủng long». Thứ hai– và điều này quan trọng hơn nhiều - sự vinh thắng ấy được bảo đảm vì Chúa không ngớt chở che dân Ngài: «11 bởi chưng Người truyền cho thiên sứ giữ gìn bạn trên khắp nẻo đường,12 và thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng cho bạn khỏi vấp chân vào đá». Trong những buổi cầu nguyện với Thánh kinh, hai đoạn thơ này, đầu tiên nói lên mối liên quan đến dân tộc It-ra-en, nhưng dần dần mang sứ vụ cứu độ hoàn vũ; vì kẻ thắng được các đau khổ, đe dọa nhân loại sẽ là Đấng Mê-si-a. Vì thế không lạ gì bài Phúc Âm về cuộc Chúa bị cám dỗ, trở về bài Thánh Vịnh này. Nhưng trớ trêu thay: trong bài miêu tả Chúa Giê-su bị Cám Dỗ, chính miệng quỷ cám dỗ thốt lên những lời của bài kinh cầu nguyện dân It-ra-en.

Các câu sau cùng, tác giả để cho Chúa nói:

«14 Chúa phán: "Kẻ gắn bó cùng Ta sẽ được ơn giải thoát, người nhận biết danh Ta sẽ được sức phù trì.

15 Khi kêu đến Ta, Ta liền đáp lại lúc ngặt nghèo có Ta ở kề bên. Ta giải cứu và ban nhiều vinh dự,»

Xin có một lời ghi chú về câu sau này: «lúc ngặt nghèo có Ta ở kề bên». Người đọc Thánh kinh khám phá ra Thiên Chúa, không phải kẻ gạt ra các thử thách bằng một cây đũa thần… nhưng là một Đấng đồng hành «cùng» chúng ta trong mọi thử thách. Nguyên văn là «Ta với nó, trong ngặt nghèo», đó chính là ý nghĩa của chữ «Ê-ma-nu-en», có nghĩa là «Chúa ở cùng chúng ta».

Rốt cuộc bài thánh vịnh hôm nay, là một mẫu gương cho mọi phụng vụ: Tiến vào Đền Thánh, rồi có lời chúc phúc lành. Khi chúng ta kết hiệp cùng một cộng đồng cầu nguyện, chúng ta múc từ đó sức mạnh của nơi ấy. Chúng ta sẽ nghe tuyên xưng Lời Chúa và ra về tràn đầy ân sủng của Đấng đồng hành với chúng ta trong thử thách. Vì thế đó là lẽ tự nhiên, Giáo Hội đề nghị chúng ta bài Thánh Vịnh này đầu Mùa Chay. Đó là lời mời thật tốt đẹp để chúng ta nương náu dưới bóng Đấng Toàn Năng. Từ đó, chúng ta rút ra bài học, không nên do dự trong Mùa Chay, đến múc lấy nghị lực dưới bóng nhà thờ.

 

***

 

Tác giả: Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: Sách L’ intelligence des Ecritures Socéval Editions


Dịch giả: E. Máccô Lương Huỳnh Ngân
Hiệu đính: Phê-rô Nguyễn Thế Hoằng.


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com