«Đấng hiện hữu sai tôi đến với anh em»
Trích sách Xuất Hành.
1 Bấy giờ ông Mô-sê đang chăn chiên cho bố vợ là Gít-rô, tư tế Ma-đi-an. Ông dẫn đàn chiên qua bên kia sa mạc, đến núi của Thiên Chúa, là núi Khô-rếp.
2 Thiên sứ của ĐỨC CHÚA hiện ra với ông trong đám lửa từ giữa bụi cây. Ông Mô-sê nhìn thì thấy bụi cây cháy bừng, nhưng bụi cây không bị thiêu rụi.
3 Ông tự bảo: "Mình phải lại xem cảnh tượng kỳ lạ này mới được: vì sao bụi cây lại không cháy rụi?"
4 ĐỨC CHÚA thấy ông lại xem, thì từ giữa bụi cây Thiên Chúa gọi ông: "Mô-sê! Mô-sê!" Ông thưa: "Dạ, tôi đây!"
5 Người phán: "Chớ lại gần! Cởi dép ở chân ra, vì nơi ngươi đang đứng là đất thánh."
6 Người lại phán: "Ta là Thiên Chúa của cha ngươi, Thiên Chúa của Áp-ra-ham, Thiên Chúa của I-xa-ác, Thiên Chúa của Gia-cóp." Ông Mô-sê che mặt đi, vì sợ nhìn phải Thiên Chúa.
7 ĐỨC CHÚA phán: "Ta đã thấy rõ cảnh khổ cực của dân Ta bên Ai-cập, Ta đã nghe tiếng chúng kêu than vì bọn cai hành hạ. Phải, Ta biết các nỗi đau khổ của chúng.
8 Ta xuống giải thoát chúng khỏi tay người Ai-cập, và đưa chúng từ đất ấy lên một miền đất tốt tươi, rộng lớn, miền đất tràn trề sữa và mật
10 Bây giờ, ngươi hãy đi! Ta sai ngươi đến với Pha-ra-ô để đưa dân Ta là con cái Ít-ra-en ra khỏi Ai-cập."
13 Ông Mô-sê thưa với Thiên Chúa: "Bây giờ, con đến gặp con cái Ít-ra-en và nói với họ: Thiên Chúa của cha ông anh em sai tôi đến với anh em. Vậy nếu họ hỏi con: Tên Đấng ấy là gì? Thì con sẽ nói với họ làm sao? "
14 Thiên Chúa phán với ông Mô-sê: "Ta là Đấng Hiện Hữu." Người phán: "Ngươi nói với con cái Ít-ra-en thế này: "Đấng Hiện Hữu sai tôi đến với anh em."
15 Thiên Chúa lại phán với ông Mô-sê: "Ngươi sẽ nói với con cái Ít-ra-en thế này: ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của cha ông anh em, Thiên Chúa của Áp-ra-ham, Thiên Chúa của I-xa-ác, Thiên Chúa của Gia-cóp, sai tôi đến với anh em. Đó là danh Ta cho đến muôn thuở, đó là danh hiệu các ngươi sẽ dùng mà kêu cầu Ta từ đời nọ đến đời kia."
Lịch sử ông Mô-sê bắt đầu như một câu truyện thần tiên. Hơn nữa, tên ông nhắc lại cho chúng ta điều ấy: Mô-sê về mặt văn học, có nghĩa là «thoát chết đuối». Sanh ra tại Ai cập, thời các vua Pha-ra-ông, trong một gia đình Do Thái di dân. Vài thế kỷ trước, cuộc di dân xảy ra nhân một mùa hạn hán, và lúc ban đầu mọi việc đều suông sẻ. Những thế kỷ sau,người Do Thái sinh sôi nảy nở đông đúc; khi Mô-sê được sinh ra, việc ấy bắt đầu làm cho chính quyền lo lắng.
Họ được giữ ở lại, nhưng bị cấm sinh trưởng; một phương tiện thực hiện dễ dàng: bà nữ hộ sinh có lệnh phải giết tất cả các đứa trẻ trai sơ sinh. Chúng ta đều biết Mô sê được thoát một cách kì diệu như thế nào, khỏi cái chết đã định trước, được con gái vua Pha-ra-ông nuôi và lớn lên trong triều đình. Nhưng ông không quên nguồn gốc của mình: luôn bị chia sẻ giữa hai tình cảm, một bên là gia đình đã nuôi mình, một bên là anh em cùng giống nòi. Bất lực và phẫn nộ; một ngày nọ, Mô-sê lấy quyết định chọn lựa: nhân dịp chứng kiến sự tàn bạo đối với người Do Thái, ông ra tay giết một người Ai-cập. Chấm dứt cuộc đời trong cung điện, bị bắt buộc chạy trốn thoát khỏi sự trả thù của quân Ai-cập. Ông lẩn vào sa mạc Sinai, nơi đây ông gặp và cưới cô gái người Ma-đi-an tên Xíp-pô-ra, con ông Gít-rô.
Bài đọc chúng ta bắt đầu từ đó: «Bấy giờ ông Mô-sê đang chăn chiên cho bố vợ là Gít-rô, tư tế Ma-đi-an. Ông dẫn đàn chiên qua bên kia sa mạc, đến núi của Thiên Chúa, là núi Khô-rếp.» (c1). Trong các sách Kinh thánh, núi Khô-rếp là núi thánh của các chi tộc Miền Bắc, trong lúc các chi tộc miền Nam gọi đó là Sinai. Dù tên gì đi nữa, đó là cái nôi sinh ra dân tộc Ít-ra-en.
Người Chúa chọn mạc khải trên núi ấy là Mô-sê, lúc ấy ông đang trong tình trạng tốt nhất để gặp Chúa và lãnh nhận ơn gọi của mình: ông chạnh lòng thương các anh em khốn khổ của mình, can đảm nhận các điều bất trắc, chọn lựa đứng về phe họ, giết một tên Ai-cập để cứu một người Do Thái; nhưng ông cũng ý thức được sự bất lực của mình: một hành động duy nhất của ông là một thất bại. Từ nay ông là một người bị ruồng bỏ, và những anh em đồng loại không công nhận ông có một quyền lực chi cả. Đấy là một người đáng thương hại tiến gần bụi gai lạ lùng.
Câu truyện tuyệt vời này là điều chính yếu đối với niềm tin Ít-ra-en – và từ đó, đối với chúng ta nữa, xin hãy đừng quên. Sau đây là vài nét cốt lõi.
Đây là một Mặc khải song đôi của Thiên Chúa, Ngài vừa là Đấng Siêu việt, vừa là Đấng Gần gũi chúng ta. Siêu việt vì ta chỉ có thể đến gần với lòng kính sợ và tôn trọng, và đồng thời là Đấng gần Gũi, thấu hiểu mọi đau khổ của dân Ngài và làm nảy sinh một người giải thoát họ. Chúng ta bắt đầu bằng những câu biểu hiện tính cực thánh của Thiên Chúa, và sự kính trọng vô ngần của con người trước sự hiện diện của Ngài: ví dụ như câu: «Thiên sứ của ĐỨC CHÚA hiện ra với ông trong đám lửa từ giữa bụi cây», thật tiêu biểu cho điều này. Để nói sự hiện diện của Chúa trong bụi gai, sách viết vòng vo. «Thiên sứ của Đức Chúa» là cách dè dặt để nói về Thiên Chúa. Không thể nào tưởng tượng ông Mô-sê có thể thấy Thiên Chúa. Hay những cách nói sau đây: «Chớ lại gần! Cởi dép ở chân ra, vì nơi ngươi đang đứng là đất thánh» (c5), hay sau đó: «Ông Mô-sê che mặt đi, vì sợ nhìn phải Thiên Chúa.» (c6b) Đồng thời, Chúa mặc khải là Đấng thật Gần Gũi con người, luôn lắng nghe những đau khổ của họ: «Ta đã thấy rõ cảnh khổ cực của dân Ta bên Ai-cập, Ta đã nghe tiếng chúng kêu than vì bọn cai hành hạ. Phải, Ta biết các nỗi đau khổ của chúng.» (c7)
Điều chủ yếu thứ hai của bài này: Thiên Chúa kết hiệp con người vào dự án của Ngài. Chính Chúa xuất hiện ra cho Mô-sê, nhưng bài này không phải vô tình viết rằng ông Mô sê đi vòng: «Ông tự bảo: "Mình phải lại xem cảnh tượng kỳ lạ này mới được: vì sao bụi cây lại không cháy rụi?"
4 ĐỨC CHÚA thấy ông lại xem, thì từ giữa bụi cây Thiên Chúa gọi ông» (c3-4) Chính Thiên Chúa lấy quyết định giải thoát dân Ngài, nhưng Thiên Chúa muốn kết hiệp Mô-sê vào để thực hiện công trình Ngài: «Ta xuống giải thoát chúng khỏi tay người Ai-cập… Bây giờ, ngươi hãy đi! Ta sai ngươi đến với Pha-ra-ô để đưa dân Ta là con cái Ít-ra-en ra khỏi Ai-cập» (c8…10)
Sau cùng, chúng ta suy nghĩ về ý nghĩa của cái Tên bất hủ của Chúa: «Ta là Đấng Hiện Hữu.» (c14). Đây là một hình thức của động từ «là» mà không ai có thể giải thích rõ ràng. Trước hết, cũng cần phải viết làm sao, chúng ta chỉ biết 4 chữ phụ YHWH và không biết chữ cái. Kế đến, ngữ pháp những động từ tiếng Do Thái hoàn toàn xa lạ với chúng ta. Sau cùng, và là điểu quan trọng nhất – chính vì Thiên Chúa là Đấng Siêu Việt, ngay cả tên Ngài cũng vượt vô tận tầm mức chúng ta.
Cụm chữ Ta là Đấng Hiện Hữu gồm một ý tưởng hiện hữu trọn vẹn: «Ta là» (Chỉ có Chúa mới đáng nói «Ta LÀ»), có nghĩa luôn luôn thường trực: Ta từng là, Ta là, và Ta sẽ là, sau cùng để nói lên ý niệm trải nghiệm, để sống cùng (Ta là Đấng sẽ là), ngụ ý nói «với con», tức là con sẽ khám phá ra trong lịch sử đời con. Thật vậy, dân tộc Ít-ra-en chưa bao giờ có thể diễn tả một cách chính đáng Tên của Chúa; nhưng họ cảm nhận xuyên suốt lịch sử dân tộc, sự hiện diện của Thiên Chúa giải thoát họ.
***
Tác giả: Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: Sách L’ intelligence des Ecritures Socéval Editions
Dịch giả: E. Máccô Lương Huỳnh Ngân
Hiệu đính: Phê-rô Nguyễn Thế Hoằng.