Các bạn hãy nếm thử và hãy nhìn coi, cho biết Chúa thiện hảo nhường bao
2 Tôi sẽ không ngừng chúc tụng CHÚA,
câu hát mừng Người chẳng ngớt trên môi.
3 Linh hồn tôi hãnh diện vì CHÚA
xin các bạn nghèo nghe tôi nói mà vui lên.
4 Hãy cùng tôi ngợi khen ĐỨC CHÚA,
ta đồng thanh tán tụng danh Người.
5 Tôi đã tìm kiếm CHÚA, và Người đáp lại,
giải thoát cho khỏi mọi nỗi kinh hoàng.
6 Ai nhìn lên CHÚA sẽ vui tươi hớn hở,
không bao giờ bẽ mặt hổ ngươi.
7 Kẻ nghèo này kêu lên và CHÚA đã nhận lời,
cứu cho khỏi mọi cơn nguy khốn.
«8 Sứ thần của CHÚA đóng trại chung quanh để giải thoát những ai kính sợ Người.» Không có gì đáng ngạc nhiên, bài thánh vịnh này được hát sau khi nghe kể lại cuộc giải thoát huyền bí của Phêrô khỏi nhà ngục Giê-ru-sa-lem. Sách Công Vụ Tông Đồ kể lại rằng tất cả cộng đồng của thánh Phê-rô, Giáo Hội địa phương vừa mới được thành lập, hiệp ý cầu nguyện: «5 Đang khi ông Phê-rô bị giam giữ như thế, thì Hội Thánh không ngừng dâng lên Thiên Chúa lời cầu nguyện khẩn thiết cho ông» (Cv 12, 5).
«7 Kẻ nghèo này kêu lên và CHÚA đã nhận lời… » Đức tin là thế ấy: dám kêu lên Thiên Chúa và biết rằng cho dù trong trường hợp nào Chúa cũng nghe tiếng kêu của chúng ta. Chúa đã nghe tiếng kêu của cộng đồng và thánh Phê-rô được giải thoát. Không phải vì chúng ta có tinh thần chống đối; chúng ta cũng phải nhìn nhận rằng khi Chúa Giê-su trên thập giá không tránh được sự chết, và ngay thánh Phê-rô, vài năm sau, bị cầm tù tại Rô-ma rồi cũng bị hành quyết. Thế thì có phải Chúa không nghe thấy nữa chăng?
Đấy là các câu hỏi đươc đặt ra rất thường trong cuộc sống chúng ta, gần như mỗi ngày: Chúa ở đâu khi chúng ta đau khổ? Cầu nguyện để làm gì? Sở dĩ chúng ta không được nhậm lời, có phải vì chúng ta không biết cầu nguyện hay cầu nguyện chưa đủ chăng? Thật khổ thay, cạnh bên ta luôn luôn có những người khuyên chúng ta hãy cầu nguyện đi rồi mọi sự sẽ được ổn… Thế nhưng phải công nhận không phải luôn luôn được như thế. Ví dụ như để cầu xin chữa lành bệnh cho một bệnh nhân, biết bao tín hữu cầu nguyện, làm tuần cửu nhật, đi hành hương và bệnh nhân vẫn không được chữa lành…Có lẽ, câu trả lời về vấn đề cầu nguyện phải dựa trên ba điểm: Trước hết, Chúa nghe tiếng kêu của chúng ta; để đáp lại, Ngài ban Thánh Thần Chúa; điều thứ ba Chúa quy tụ anh em về cạnh chúng ta.
Điểm thứ nhất, Chúa nghe chúng ta kêu cầu. Chúng ta còn nhớ đoạn bụi gai bùng cháy, chương 3 sách Xuất Hành: «7 ĐỨC CHÚA phán: "Ta đã thấy rõ cảnh khổ cực của dân Ta bên Ai-cập, Ta đã nghe tiếng chúng kêu than vì bọn cai hành hạ. Phải, Ta biết các nỗi đau khổ của chúng» (Xh 3, 7) Người tín hữu chính là kẻ biết rằng bất cứ lúc nào Chúa cũng ở cạnh chúng ta; trong đau khổ, Ngài ở về bên «phía» ta, đó là điều Thánh vịnh 33 này muốn nói theo một cách khác: «5 Tôi đã tìm kiếm CHÚA, và Người đáp lại, giải thoát cho khỏi mọi nỗi kinh hoàng. 7 Kẻ nghèo này kêu lên và CHÚA đã nhận lời, cứu cho khỏi mọi cơn nguy khốn. 8 Sứ thần của CHÚA đóng trại chung quanh để giải thoát những ai kính sợ Người.»
Điểm thứ hai, Chúa nghe chúng ta kêu cầu và ban Thánh Thần Chúa cho chúng ta. Đây là ý nghĩa của đoạn Tin Mừng bất hủ, theo thánh Luca: «cứ gõ cửa thì sẽ mở cho». Chúng ta có khuynh hướng không đọc cho đến cùng đoạn Thánh Kinh này, và bị cám dỗ tin rằng nếu cầu nguyện sốt sắng thì mọi chuyện sẽ được ổn…Nhưng không phải Chúa Giê-su hứa như thế, chúng ta nên đọc cho hết câu: «9 Thế nên Thầy bảo anh em: anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho.10 Vì hể ai xin thì nhận được, ai tìm thì thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở cho.11 Ai trong anh em là một người cha, mà khi con xin cá, thì thay vì cá lại lấy rắn mà cho nó?12 Hoặc nó xin trứng lại cho nó bò cạp?13 Vậy nếu anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình của tốt của lành, phương chi Cha trên trời lại không ban Thánh Thần cho những kẻ kêu xin Người sao?» (Lc11, 9-13)
Thánh Luca nói khi chúng ta cầu nguyện, Chúa không làm tan biến mọi lo âu của chúng ta như tác động của một chiếc đũa thần; nhưng Ngài cho ta tràn ơn Thánh Thần Chúa, và với Ngài, chúng ta có thể đối đầu với những thử thách trong đời chúng ta. Mọi cầu nguyện mở cho ta tác động của Chúa Thánh Thần để có thể biến đổi tình thế. Đáp lại lời kêu xin của chúng ta, Thiên Chúa tác động đem lại mãnh lực cần thiết để thay đổi tình hình, giúp chúng ta vượt qua giây phút khó khăn. Chúng ta không còn lẻ loi và thật sự được giải thoát mọi lo lắng. «7 Kẻ nghèo này kêu lên và CHÚA đã nhận lời, cứu cho khỏi mọi cơn nguy khốn. 5 Tôi đã tìm kiếm CHÚA, và Người đáp lại, giải thoát cho khỏi mọi nỗi kinh hoàng». Bất cứ gặp tai họa gì, người tín hữu biết rằng Chúa nghe tiếng kêu cầu…và nỗi lo lắng sẽ tan biến.
Điểm thứ ba, Chúa quy tụ anh em lại quanh chúng ta. Đó là bài học thứ hai của bụi gai bùng cháy. Khi Chúa nói cho Mô-sê: «7 ĐỨC CHÚA phán: "Ta đã thấy rõ cảnh khổ cực của dân Ta bên Ai-cập, Ta đã nghe tiếng chúng kêu than vì bọn cai hành hạ. Phải, Ta biết các nỗi đau khổ của chúng». (Xh 3, 7) Cùng lúc, Chúa gợi lên cho Mô-sê lòng nhiệt tình cần thiết để khởi đầu cuộc giải phóng dân tộc khỏi ách nô lệ. «9 Giờ đây, tiếng rên siết của con cái Ít-ra-en đã thấu tới Ta; Ta cũng đã thấy cảnh áp bức chúng phải chịu vì người Ai-cập.10 Bây giờ, ngươi hãy đi! Ta sai ngươi đến với Pha-ra-ô để đưa dân Ta là con cái Ít-ra-en ra khỏi Ai-cập.» (Xh 3, 9-10)
Dân It-ra-en - và trước hết chính là dân này, trong các thánh vịnh luôn là dân It-ra-en nói - đã sống bao nhiêu trải nghiệm: đau khổ, kêu xin, cầu nguyện, và mỗi lần họ có thể làm chứng như thế; Thiên Chúa gửi đến điều tối cần là những ngôn sứ, những người cầm đầu dẫn dắt toàn dân nắm lấy vận mạng của mình. Ở đây, đúng là bài tường thuật kinh nghiệm lịch sử It-ra-en. Đức tin được thể hiện bằng cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa và con người: Con người kêu lên Chúa nỗi khốn cùng của mình, như ông Gióp… Chúa nghe thấy, giải thoát ông khỏi lo âu, con người đáp lại, nhưng lần này để tạ ơn. Sứ mạng của It-ra-en, suốt bao thế kỷ là để nói lên tiếng kêu van ấy; có thể nói như một bài hợp xướng, pha lẫn giữa đau khổ, ngợi khen và hi vọng. Vượt qua bao nhiêu thăng trầm của lịch sử, không có gì cản trở được lòng cậy trông của dân tộc It-ra-en. Đó chính là những gì biểu hiện người tín hữu: «2 Tôi sẽ không ngừng chúc tụng CHÚA, câu hát mừng Người chẳng ngớt trên môi. 3 Linh hồn tôi hãnh diện vì CHÚA xin các bạn nghèo nghe tôi nói mà vui lên »
***
Tác giả: Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: Sách L’ intelligence des Ecritures Socéval Editions
Dịch giả: E. Máccô Lương Huỳnh Ngân
Hiệu đính: Phê-rô Nguyễn Thế Hoằng.