Alleluia Alleluia
Chúc tụng Đức Vua, Đấng nhân danh Chúa mà đến, bình an trên trời,
và vinh quang trên các tầng trời. - Alleluia.
-----------------
"Các ngươi hãy xin thì sẽ được".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
1 Có một lần Đức Giê-su cầu nguyện ở nơi kia. Người cầu nguyện xong, thì có một người trong nhóm môn đệ nói với Người: "Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện, cũng như ông Gio-an đã dạy môn đệ của ông."
2 Người bảo các ông: "Khi cầu nguyện, anh em hãy nói:
"Lạy Cha, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển,
Triều Đại Cha mau đến,
3 xin Cha cho chúng con
ngày nào có lương thực ngày ấy;
4 xin tha tội cho chúng con,
vì chính chúng con cũng tha
cho mọi người mắc lỗi với chúng con,
và xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ."
5 Người còn nói với các ông: "Ai trong anh em có một người bạn, và nửa đêm đến nhà người bạn ấy mà nói: "Bạn ơi, cho tôi vay ba cái bánh,
6 vì tôi có anh bạn lỡ đường ghé lại nhà, và tôi không có gì dọn cho anh ta ăn cả";
7 mà người kia từ trong nhà lại đáp: "Xin anh đừng quấy rầy tôi: cửa đã đóng rồi, các cháu lại ngủ cùng giường với tôi, tôi không thể dậy lấy bánh cho anh được?
8 Thầy nói cho anh em biết: dẫu người kia không dậy để cho người này vì tình bạn, thì cũng sẽ dậy để cho người này tất cả những gì anh ta cần, vì anh ta cứ lì ra đó.
9 "Thế nên Thầy bảo anh em: anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho.
10 Vì hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở cho.
11 Ai trong anh em là một người cha, mà khi con xin cá, thì thay vì cá lại lấy rắn mà cho nó?
12 Hoặc nó xin trứng lại cho nó bò cạp?
13 Vậy nếu anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình của tốt của lành, phương chi Cha trên trời lại không ban Thánh Thần cho những kẻ kêu xin Người sao?"
Một hôm có một môn đệ thưa với Chúa: «Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện» Chúa trả lời bằng cách cho một mẫu lời cầu nguyện cho người Ki-tô hữu. Nhưng hãy làm như Chúa nói: «Thế thì của Xê-da, trả về Xê-da» (Mt 22, 21). Ngài mời gọi chúng ta tìm lại nguồn gốc Do Thái những lời kinh Ngài dạy chúng ta; vì trên thực tế những lời này không phải chính Ngài nói ra, mà từ phụng vụ Do Thái và xa hơn, từ Thánh Kinh Do Thái. Bắt đầu bằng những từ ngữ của Thánh Kinh: «Cha, Tên, Thánh, Nước Cha Trị đến, Lương thực, Tội, Cám dỗ…». Tất cả mọi từ ngữ ấy mang nặng ý nghĩa của những mặc khải tiệm tiến của Thiên Chúa cho dân Ngài.
Chú thích BBT: Chúng ta không có bản dịch chính thức các lời kinh Do Thái thời Chúa Giê-su, trong những bản kinh Do Thái tiếng Pháp cho thấy rất nhiều chỗ giống nhau với Kinh Lạy Cha
Những lời kinh Do Thái và thái độ thiêng liêng xuất phát từ những kinh nguyện ấy là cội nguồn sách Cựu Ước. Chúng ta hãy bắt đầu bằng hai lời nguyện xin trong Kinh Lạy Cha (có ba lời xin trong Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu): lời kinh rất có tính cách sư phạm, dẫn chúng ta quay về Thiên Chúa và dạy chúng ta kêu lên «Danh Cha», «Nước Cha»; giáo dục những ước vọng chúng ta và kết hiệp vào sự tăng trưởng «Nước Cha». Bởi vì đây là một bài học cầu nguyện, hay có thể nói một phương pháp dạy cầu nguyện (cũng đừng quên khởi đầu là câu hỏi của người môn đệ: «Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện»)
Một cách tương đối, chúng ta có thể so sánh với phương pháp học ngoại ngữ: trước hết phương pháp mời gọi mỗi ngày thêm một ít cố gắng, lặp lại dần dần mỗi ngày, lần lần chúng ta được thấm nhuần, cuối cùng biết được ngoại ngữ ấy. Thì đấy, nếu chúng ta theo phương pháp Chúa Giê-su, nhờ Kinh Lạy Cha; cuối cùng chúng ta cũng sẽ nói được tiếng Thiên Chúa. Chữ đầu tiên của tiếng Thiên Chúa ấy hẳn là: «Lạy Cha». Cụm chữ «Lạy Cha» đặt ngay chúng ta vào mối tương quan phụ tử với Ngài; đây cũng là cách phát biểu cổ điển trong Cựu Ước. Ví dụ như trong Giê-rê-mi-a: «Ta đã nói: ngươi sẽ gọi Ta: "Cha ơi!" Và ngươi sẽ không lìa xa Ta nữa» (Gr 3, 19). Và trong I-sa-i-a: «16 Quả chính Ngài là Cha chúng con!... Lạy ĐỨC CHÚA, Ngài mới là Cha, là Đấng cứu chuộc chúng con: đó là danh Ngài từ muôn thuở» (Is 63, 16)
Hai lời xin đầu tiên thuộc về Danh Cha và Nước Cha: «Danh Cha cả sáng». Trong Thánh Kinh, Tên tượng trưng cho Người. Nói rằng Chúa là Thánh tức là Ngài Trên Hết Mọi Sự. Chúng ta không thể thêm gì hơn vào mầu nhiệm Tên Ngài. Điều nguyện xin «Danh Cha cả sáng» có nghĩa là xin Cha làm cho mọi người nhận ra Cha là Thiên Chúa. «Nước Cha trị đến», lời xin này một khi được lặp lại hằng ngày, làm cho ta trở thành những công nhân xây dựng Nước Trời. Vì lẽ, chúng ta biết ý của Chúa là «kế hoạch yêu thương» như lời thánh Phao-lô nói: nhân loại quy tụ vào tình yêu của Chúa sẽ là vua mọi tạo vật: «Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất» (St 1, 27). Và các tín hữu nóng lòng chờ đợi một ngày, rồi Thiên Chúa cũng sẽ được công nhận thật sự là vua muôn loài trên Trái Đất: Tiên tri Da-ca-ri-a đã tuyên bố: «ĐỨC CHÚA sẽ là vua cai trị toàn cõi đất; ngày ấy, ĐỨC CHÚA sẽ là Đức Chúa duy nhất và Danh Người là Danh duy nhất» (Dr 14, 9). Phương pháp thực tiễn dạy chúng ta học tiếng của Thiên Chúa sẽ làm cho chúng ta trở nên những người ao ước trước tiên là Danh Chúa; chính Thiên Chúa được nhìn nhận tôn vinh, yêu mến, và mọi người nhìn Ngài là Cha mình. Chúng ta sẽ là những kẻ say mê rao giảng Tin Mừng, những kẻ say mê Nước Chúa.
Ba ơn xin kia (bốn ơn theo thánh Mát-thêu) gồm đời sống thường nhật của chúng ta: «Xin Cha cho chúng con… Xin tha tội cho chúng con… Xin chớ để chúng con…», chúng ta biết rằng Ngài không ngừng hoàn tất những điều đó cho chúng ta, nhưng chúng ta tự đặt mình vào tư thế kẻ lãnh nhận. «Xin cho chúng con lương thực hằng ngày»: bánh Man-na rơi mỗi sáng trong sa mạc (St 16) dạy cho dân chúng tin tưởng từng ngày. Lời xin này nhắc nhở chúng ta chớ quá lo lắng cho ngày mai (Mt 6, 34) và nhận thức ăn mỗi ngày như một ân phúc của Chúa. Khi đọc «cho chúng con» điều này dạy chúng ta cũng chia sẻ lòng quan tâm của Cha cho tất cả con cái Ngài.
«Xin Cha tha tội cho chúng con, như chúng con cũng tha cho những kẻ xúc phạm chúng con». Sự tha thứ của Chúa không hệ tại vào thái độ của chúng ta, lòng tha thứ huynh đệ của chúng ta không mua được sự tha thứ của Chúa, nhưng đây là con đường duy nhất dẫn ta vào sự tha thứ của Chúa, dù sao cũng đã được nhận trước rồi: lòng kẻ nào đóng mình lại sẽ không thể lãnh nhận ơn của Chúa.
«Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ»: cách dịch này bị phản đối vì có thể làm cho hiểu cám dỗ đến từ Thiên Chúa, điều này không thể được. Như thánh Gia-cô bê nói «13 Khi bị cám dỗ, đừng ai nói: "Tôi bị Thiên Chúa cám dỗ, vì Thiên Chúa không thể bị cám dỗ làm điều xấu, và chính Người cũng không cám dỗ ai» (Gc 1, 13). Ơn này có nghĩa là xin đừng sa chước cám dỗ của ma quỷ. Cám dỗ quan trọng nhất là ngờ vực Thiên Chúa.
Biết bao nhiêu ơn xin! Tất cả đời chúng ta, tất cả đời mọi người đều như thế: hình như nói tiếng của Thiên Chúa là biết xin ơn. Chúng ta tự hỏi: có phải là người tử tế lúc nào cũng cầu xin được ơn? Câu trả lời là, chẳng những lời cầu xin được phép mà còn còn được khuyên làm như thế. Nghĩ cho cùng, đây là cơ hội học nhân đức khiêm nhường và cậy trông. Bài học nhỏ bé chúng ta được tiếp: nhưng cũng phải nói không phải xin bất cứ thứ gì: lương thực, tha thứ, chống lại cám dỗ. Chúng ta sẽ học biết ao ước cho mỗi người đủ ăn (Lương thực vật chất và những gì nhân lọai cần đến); sau đó ước mơ duy nhất của chúng ta là tha thứ và được tha thứ; trong các cơn cám dỗ (thế nào cũng có) chúng ta sẽ học biết giữ gìn đi đúng hướng: chúng ta sẽ xin Ngài làm chủ chiếc thuyền. Xin lưu ý, chúng ta sẽ thoát khỏi cái «tôi» ích kỷ của chúng ta: tất cả những thứ chúng ta cầu xin, chúng ta xin cho chúng ta, mỗi người cầu xin cho cả nhân loại.
Cũng đừng quên bài học của Chúa Giê-su có ở chương thứ hai: bài dụ ngôn người bạn quấy rầy, mời gọi chúng ta không ngừng cầu nguyện. Khi chúng ta cầu nguyện, chúng ta hướng về Thiên Chúa, chúng ta đến gần Ngài và lòng chúng ta mở ra cho Chúa Thánh Thần. Với lòng xác tín rằng: «Cha trên trời… ban Thánh Thần cho những kẻ kêu xin Người». Các vấn đề của chúng ta không vì thế được giải quyết như chiếc đũa thần; nhưng từ nay, chúng ta không sống đơn độc nữa với những vấn nạn của chúng ta, chúng ta sống cùng với Chúa.
***
Tác giả: Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: Sách L’ intelligence des Ecritures Socéval Editions
Dịch giả: E. Máccô Lương Huỳnh Ngân
Hiệu đính: Phê-rô Nguyễn Thế Hoằng.