“Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Người: các ngươi đừng cứng lòng”
1 Hãy đến đây ta reo hò mừng CHÚA,
tung hô Người là Núi Đá độ trì ta,
2 vào trước Thánh Nhan dâng lời cảm tạ,
cùng tung hô theo điệu hát cung đàn.
6 Hãy vào đây ta cúi mình phủ phục,
quỳ trước tôn nhan CHÚA là Đấng dựng nên ta.
7 Bởi chính Người là Thiên Chúa ta thờ,
còn ta là dân Người lãnh đạo,
là đoàn chiên tay Người dẫn dắt.
Ngày hôm nay, ước gì anh em nghe tiếng Chúa!
8 [Người phán]: "Các ngươi chớ cứng lòng
như tại Mơ-ri-va, như ngày ở Ma-xa trong sa mạc,
9 nơi tổ phụ các ngươi đã từng thách thức
và dám thử thách Ta, dù đã thấy những việc Ta làm.
Sau khi nghe ở Bài đọc 1, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nghe lời Chúa thật sự truyền từ các ngôn sứ, ở đây không lạ gì có tiếng vang: «7bNgày hôm nay, ước gì anh em nghe tiếng Chúa!» Lý do dân It-ra-en này thường không ngoan ngoãn nghe các tiên tri, ngay trong sa mạc có những lúc lấn cấn với cả ông Mô-sê. Chính vì thế, Thánh vịnh này phảng phất kinh nghiệm tiêu cực xảy ra trong sa mạc.
Trong thánh vịnh hôm nay, nguyên văn trong Thánh Kinh là: «8 [Người phán]: Các ngươi chớ cứng lòng như tại Mơ-ri-va, như ngày ở Ma-xa trong sa mạc, 9 nơi tổ phụ các ngươi đã từng thách thức và dám thử thách Ta, dù đã thấy những việc Ta làm.»
Thực ra Mơ-ri-va và Ma-xa không có trong bản đồ nào. Câu truyện đã xảy ra tại Rê-phi-đim (Ngày nay gọi là Oua-đi Phay-ran). Dân chúng dựng lều trại nghỉ ở đó nhưng không có nước; giữa dân chúng và Mô-sê dần dần lên giọng với nhau: cho dựng lều một nơi không có nước uống, đó là muốn họ chết khát hết. Họ nghĩ như thế. Khỏi nói cũng biết loại kết án như vậy, Mô-sê cảm nhận như một lời nguyền rủa tồi tệ; phần ông lúc nào cũng tin cậy nơi Chúa. Nếu Ngài đã đem tới đây thì chắc chắn Ngài có cách cho họ sống, và để đáp lại lòng tin của Mô-sê cũng như tha thứ sự nghi ngờ của dân chúng, Chúa cho nước phun ra từ một tảng đá. Đánh dấu nơi đáng ghi nhớ đó, Mô-sê đặt chỗ đó cái tên kép là Mơ-ri-va và Ma-xa, có nghĩa là «thử thách và gây sự» vì đã gây sự với Chúa.
Biết như thế câu sau đây nói lên đầy ý nghĩa
«Các ngươi chớ cứng lòng như tại Mơ-ri-va, như ngày ở Ma-xa trong sa mạc, 9 nơi tổ phụ các ngươi đã từng thách thức và dám thử thách Ta, dù đã thấy những việc Ta làm.»
Chỉ trong câu ngắn gọn ấy, đủ tóm tắt cuộc hành trình đức tin của chúng ta, cho mỗi cá nhân cũng như trong cộng đồng; có thể nói một cách đầy đủ «Vấn đề cậy trông». Cứ mỗi lần gặp khó khăn, dân It-ra-en lại đặt câu hỏi «Chúa có ở cùng chúng ta hay không». Có nghĩa là chúng ta nên cậy trông ở Chúa không? Chúng ta có nên dựa vào Chúa không? Tin chắc là mỗi lần khó khăn Chúa có giúp chúng ta vượt qua không… ?
Thánh Kinh nói tin, giản dị là cậy trông. Vấn đề cậy trông được đặt ra ở Mơ-ri-va và Ma-xa là một trong những điều cốt lõi về dân It-ra-en; bằng chứng là điều này được kể thoáng qua trong nhiều bài đọc trong Kinh Thánh. Ví dụ như chữ «đức tin», chữ Do Thái có nghĩa là «dựa vào Thiên Chúa» - cũng từ đây mới có chữ Amen, có nghĩa là «cứng- vững» có thể dịch là «tin như sắt đá». Ví dụ như I-sa-i-a nói với vua A-khát «Nếu các ngươi không vững tin, thì các ngươi sẽ không đứng vững» (Is 7, 9b)
Có một loạt sách được triển khai chung quanh chữ «nghe» vì khi tin cậy nơi ai, người ta nghe người ấy. Từ đó có lời nguyện Do Thái «Sê-ma It-ra-en»:
«Hãy nghe đây It-ra-en, Thiên Chúa, Chúa các ngươi là MỘT. Hãy yêu Chúa các ngươi hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực… » Ngươi yêu, tức là phải cậy trông.
Muốn nghe, thì phải mở tai ra mà nghe (Trong Thánh Kinh ta thường thấy chữ nghe, đó là muốn nói hãy tin cậy vào Chúa). Ví dụ như trong Thánh Vịnh 39 (40)
«7 Chúa chẳng thích gì tế phẩm và lễ vật, nhưng đã mở tai con»; Hay trong Bài Ca Người Tôi Trung (Is 50, 4-5) «Sáng sáng Người đánh thức, Người đánh thức tôi để tôi lắng tai nghe như một người môn đệ. 5 ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng đã mở tai tôi, còn tôi, tôi không cưỡng lại, cũng chẳng tháo lui.»
Chữ Vâng lời, cũng tương tự như thế. Tiếng Hy-lạp hay tiếng Do-thái cũng từ một gốc cùng động từ Nghe, tức là tin tưởng, trông cậy vào. Chữ Pháp cũng thế, chữ Vâng lời ( Obeir) cũng từ một gốc La-tin là Nghe ( Audire) .
Trông cậy vào đức tin dựa vào trải nghiệm… Đối với dân It-ra-en, tất cả bắt nguồn từ việc được giải thoát khỏi Ai-cập. Đó là điều Thánh-vịnh này muốn nói về «những việc Ta làm»: «…dù đã thấy những việc Ta làm.»
Trải nghiệm đó, thế kỷ này kế tiếp thế kỷ khác được gìn giữ trong trí nhớ để nâng đỡ đức tin: Chúa đưa dân ngài ra khỏi ách nô lệ, chẳng nhẽ để cho họ chết đói hay chết khát trong sa mạc. Vì thế có thể dựa Ngài như tựa vào một tảng đá… «tung hô Người là Núi Đá độ trì ta», không phải chỉ là câu thơ, mà là một lời tuyên xưng đức tin. Một đức tin dựa trên trải nghiệm trong sa mạc, tại Ma-xa và Mơ-ri-va, nơi dân Ngài nghi ngờ về Chúa không cho dân Ngài sống sót… Thế nhưng, Chúa đã làm cho tảng đá phun ra nước; kể từ đó, để tưởng nhớ sự kiện trên, Chúa được gọi là «Tảng đá» của dân It-ra-en.
Sự chọn lựa quyết tâm cậy trông ấy phải được chọn mỗi ngày: «Ngày hôm nay, ước gì anh em nghe tiếng Chúa!». Phải đọc câu này với một ý nghĩa giải thoát: mỗi ngày là một ngày mới, ngày hôm nay mọi việc lại có thể được. Mỗi ngày, chúng ta có thể cố gắng «nghe» và «tin tưởng»; vì lẽ đó, Thánh vịnh 94 được đọc mỗi sáng trong Phụng Vụ từng giờ, và dân Do Thái đọc hai lần mỗi ngày kinh tuyên xưng đức tin của họ (Sê-ma It-ra-en), kinh này bắt đầu bằng «Hãy nghe đây». Và «Bài Ca Người Tôi Trung» nói lên điều này: (Is 50, 4) «ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng đã cho tôi nói năng như một người môn đệ, để tôi biết lựa lời nâng đỡ ai rã rời kiệt sức. Sáng sáng Người đánh thức, Người đánh thức tôi để tôi lắng tai nghe như một người môn đệ»
Sau cùng tôi xin lưu ý Thánh vịnh luôn luôn dùng số nhiều 7bNgày hôm nay, ước gì anh em nghe tiếng Chúa! Mọi người đều ý thức mạnh mẽ là thuộc về dân được chọn:
«còn ta là dân Người lãnh đạo», đây là toàn dân It-ra-en đứng ra làm chứng tá. Trong suốt lịch sử của họ, hình như họ nói cho số nhiều: 6Hãy vào đây ta cúi mình phủ phục, quỳ trước tôn nhan Chúa là Đấng dựng nên ta. Không cần biết đức tin của mỗi người ra sao, chúng ta đang đề cập đến những vấn đề mà Giáo hội đang gặp hiện nay. Trong Thánh Kinh, cả một dân tộc đến cùng Chúa: «1Hãy đến đây ta reo hò mừng Chúa, tung hô Người là Núi Đá độ trì ta»
***
Tác giả: Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: Sách L’ intelligence des Ecritures Socéval Editions
Dịch giả: E. Máccô Lương Huỳnh Ngân
Hiệu đính: Phê-rô Nguyễn Thế Hoằng.