Lời Chúa CN

TÌM HIỂU CỰU ƯỚC CHÚA NHẬT XXII THƯỜNG NIÊN NĂM C 01/9/2019 BÀI ĐỌC 1 (Hc 3, 17-18.28-29)

"Con hãy hạ mình, thì con sẽ được đẹp lòng Chúa"

 

Trích sách Huấn ca

 

17 Con ơi, hãy hoàn thành việc của con một cách nhũn nhặn,
thì con sẽ được mến yêu hơn người hào phóng.

18 Càng làm lớn, con càng phải tự hạ,
như thế, con sẽ được đẹp lòng Đức Chúa.

20 Vì quyền năng Đức Chúa thì lớn lao:
Người được tôn vinh nơi các kẻ khiêm nhường.

28 Kẻ kiêu ngạo lâm cảnh khốn cùng thì vô phương cứu chữa,
vì sự xấu xa đã ăn sâu mọc rễ trong nó.

29 Người sáng trí để tâm nghiên cứu các ẩn dụ,
kẻ khôn ngoan ao ước có tai thính để nghe.
Bác ái đối với người nghèo

 

Bài này có thể sáng nghĩa cho người đọc hơn nếu bắt đầu bằng câu cuối: «29 Người sáng trí để tâm nghiên cứu các ẩn dụ, kẻ khôn ngoan ao ước có tai thính để nghe». Người sáng trí, người khôn ngoan là hình ảnh lý tưởng của mọi người ở It-ra-en và cho mọi dân tộc. Một dân tộc bé nhỏ này, được sinh ra sau bao nhiêu dân tộc láng giềng lừng danh (Cho dù đã có thể gọi là một dân tộc lúc mới thoát khỏi Ai-cập) được đặc ân (Nhờ ơn Mạc Khải) biết rằng: «1 Tất cả sự khôn ngoan đều phát xuất từ Đức Chúa, và khôn ngoan vẫn ở với Người đến muôn đời.» (Hc 1, 1). Như vậy phải hỏi chính Thiên Chúa, tại sao Ngài là Đấng tự do phán quyết lại ban cho dân It-ra-en này, giao gửi những bí mật của sự khôn ngoan*

(* Sự khôn ngoan là nghệ thuật sống và là phương cách sống hạnh phúc. Điều này chẳng những áp dụng cho mỗi cá nhân nhưng cũng có giá trị cho mọi người, cho cả nhân loại.)

Điều này được nói lên bằng những hình ảnh rất đẹp trong sách Huấn-ca: «8 Bấy giờ, Đấng tác thành vạn vật truyền lệnh cho Ta, Đấng tạo thành Ta dựng lều cho Ta ở. Người phán: "Hãy cắm lều ở Gia-cóp, hãy hưởng phần sản nghiệp ở Ít-ra-en.» (Hc 24, 8). It-ra-en là dân tộc, mỗi ngày tìm kiếm sự khôn ngoan: «14 Nơi Thánh Điện, tôi hằng cầu xin, và cho đến mãn đời, tôi vẫn tìm kiếm đức khôn ngoan.» (Kn 51, 14). Thánh vịnh 1 cũng nói rõ, từ đó họ tìm được hạnh phúc: «… vui thú với lề luật CHÚA, nhẩm đi nhẩm lại suốt đêm ngày».

Nói rằng họ nhẩm đi nhẩm lại suốt đêm ngày, tức là họ luôn hướng lòng về sự khôn ngoan. Sau này, bằng cách khác Chúa Giê-su cũng nói như thế: «Ai tìm sẽ có được». Thế nhưng, cũng phải tìm, tức là nhìn nhận chúng ta không biết hết, chúng ta luôn thiếu một điều gì đó. Ngôn sứ Ben Si-rắc (Sách Huấn ca) đã sáng lập tại Giê-ru-sa-lem khoảng năm 180 trước CN, một nơi, ngày nay chúng ta gọi là Trường Thần học. Để quảng bá cho trường, ông nói: «23 Hỡi những người không được giáo huấn, hãy đến gần tôi và thụ huấn với tôi» (Hc 51, 23). Dĩ nhiên, chỉ những người muốn hiểu biết mới ghi tên học. Nếu tưởng rằng mình đã biết hết thì sẽ không thấy ích gì đến theo các khóa học, những cuộc hội thảo, hay đọc sách. Trái lại, con cái thật sự It-ra-en mở to tai nghe ngóng: biết rằng mọi sự khôn ngoan đến từ Thiên Chúa, để cho Chúa giáo huấn mình: «29 Người sáng trí để tâm nghiên cứu các ẩn dụ, kẻ khôn ngoan ao ước có tai thính để nghe. Bác ái đối với người nghèo» (c29). Dân It-ra-en biết rõ bài học này, nên họ đọc kinh (Sê-ma It-ra-en) nhiều lần trong ngày. (Đnl 6, 4)

Chúng ta thấy rằng phải có sự khiêm nhường! Có nghĩa là phải biết lắng nghe những lời khuyên bảo, các khuyến cáo và các điều răn. Ngược lại, kẻ kiêu căng bịt tai không muốn nghe. Làm như vậy là quên rằng, nhà đóng kín rèm cửa, ánh nắng sẽ không chiếu vào! Quá dễ hiểu! «28 Kẻ kiêu ngạo lâm cảnh khốn cùng thì vô phương cứu chữa, vì sự xấu xa đã ăn sâu mọc rễ trong nó» (c28). Tóm lại, kẻ kiêu ngạo là một bệnh nhân vô phương cứu chữa: bởi vì họ tự cho mình đã đủ cả, đóng kín lòng mình lại, làm sao Chúa ngự vào?

Bài dụ ngôn người Pha-ri-sêu và người thu thuế là một tiếng vang đặc biệt cho đề tài này. Các điều người Pha-ri-sêu làm có chi đáng khen ngợi đâu? Nhưng anh ta thoả mãn như thế; người khiêm nhường nhìn nhận mình bé nhỏ, nghèo nàn, biết rằng tất cả những gì mình có là từ Thiên Chúa trao ban, vì thế họ chỉ trông cậy nơi Ngài, và chỉ nơi Ngài mà thôi, sẵn sàng nhận mọi ân huệ và sự tha thứ của Chúa… và như thế là họ toại nguyện. Người Pha-ri-sêu không cần chi cả, mình có đầy đủ mọi sự, khi đến đền thờ tới ra về không có gì thay đổi. Còn người thu thuế về đến nhà thấy mình hoàn toàn đổi mới: «4 Khôn ngoan đã được tác thành trước vạn vật, sự hiểu biết anh minh đã có tự muôn đời… 10 nơi mọi phàm nhân, theo lòng quảng đại của Người, và Người đã rộng ban khôn ngoan cho những ai yêu mến Người» (Hc 1, 4...10). Sau đó vài câu, tác giả nói thay cho It-ra-en: «16 Chỉ lắng tai một chút mà tôi đã hấp thụ được, và tìm thấy cho bản thân một giáo huấn dồi dào» (51, 16). Ngôn sứ nói về niềm vui người khiêm nhường được Chúa tràn ân sủng: «19 Nhờ ĐỨC CHÚA, những kẻ hèn mọn sẽ ngày thêm phấn khởi, và vì Đức Thánh của Ít-ra-en, những người nghèo túng sẽ nhảy múa tưng bừng» (Is 29, 19). Chúa Giê-su thì có một câu tuyệt vời: «Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn» (Mt 11, 25/Lc 10, 21)

Với những kẻ này, những người hèn mọn, Chúa sẽ làm nên những điều vĩ đại: Ngài sẽ gọi phục vụ cho công trình của Ngài. Ví dụ như ngôn sứ I-sa-i-a miêu tả trải nghiệm của Người Tôi Trung: «4 ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng đã cho tôi nói năng như một người môn đệ, để tôi biết lựa lời nâng đỡ ai rã rời kiệt sức. Sáng sáng Người đánh thức, Người đánh thức tôi để tôi lắng tai nghe như một người môn đệ. 5 ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng đã mở tai tôi, còn tôi, tôi không cưỡng lại, cũng chẳng tháo lui.» (Is 50, 4-5).

Bây giờ chúng ta hiểu ông Mô-sê đã tìm đâu ra sức mạnh và lòng kiên trì để phục vụ không mệt mỏi chương trình của Thiên Chúa. Sách Dân số tiết lộ bí mật của ông: «3 Ông Mô-sê là người hiền lành nhất đời» (Ds 12, 3). Chúa Giê-su, Người Tôi Tớ Thiên Chúa hoàn hảo nhất nói rằng: «vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường» (Mt 11, 29). Và khi thánh Phao-lô chia sẻ về trải nghiệm thiêng liêng của ngài, thánh nhân có thể nói: «30 Nếu phải tự hào, thì tôi sẽ tự hào về những yếu đuối của tôi… Ơn của Thầy đã đủ cho anh, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối." Thế nên tôi rất vui mừng và tự hào vì những yếu đuối của tôi, để sức mạnh của Đức Ki-tô ở mãi trong tôi» (2Cr 11, 30;12, 9)

Cuối cùng, sự khiêm nhường không chỉ là một nhân đức, nhưng là điều thiết yếu để sống, điều kiện ắt phải có.

 

***

 

Tác giả: Marie-Noëlle Thabut                        
Nguồn: Sách L’ intelligence des Ecritures Socéval Editions


Dịch giả: E. Máccô Lương Huỳnh Ngân               
Hiệu đính: Phê-rô Nguyễn Thế Hoằng.                


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com