Lời Chúa CN

TÌM HIỂU CỰU ƯỚC CHÚA NHẬT XXIII THƯỜNG NIÊN NĂM C 08/9/2019 - BÀI ĐỌC 1 (Kn 9, 13-18)

"Ai có thể suy tưởng được sự Thiên Chúa muốn"

 

Trích sách Khôn Ngoan

 

13 Lạy Chúa, nào có ai biết được ý định của Thiên Chúa?
Nào có ai hiểu được Đức Chúa muốn điều chi?

14 Chúng con vốn là loài phải chết,
tư tưởng không sâu, lý luận không vững.

15 Quả vậy, thân xác dễ hư nát này khiến linh hồn ra nặng,
cái vỏ bằng đất này làm tinh thần trĩu xuống
vì lo nghĩ trăm bề.

16 Những gì thuộc hạ giới,
chúng con đã khó mà hình dung nổi,
những điều vừa tầm tay,

đã phải nhọc công mới khám phá được,
thì những gì
thuộc thượng giới,
có ai dò thấu nổi hay chăng?

17 Ý định của Chúa, nào ai biết được, nếu tự chốn cao vời,
chính Ngài chẳng ban Đức Khôn Ngoan,
chẳng gửi thần khí thánh?

18 Chính vì thế mà đường lối người phàm
được sửa lại cho thẳng,
cũng vì thế mà con người được dạy
cho biết
những điều đẹp lòng Ngài,
và nhờ Đức Khôn Ngoan mà được cứu độ.

 

Sự Khôn Ngoan theo Thánh kinh có nghĩa là hiểu biết những gì làm cho chúng ta hạnh phúc hay không hạnh phúc, có thể nói là «nghệ thuật sống». Dân tộc It-ra-en và các dân tộc lân cận đã triển khai cả một hệ tư tưởng về đề tài này, hình như từ vương triều Sa-lô-mon. Nhưng sự đóng góp của dân It-ra-en rất độc đáo, gồm hai điểm. Đối với người thông thạo Thánh Kinh, trước hết chỉ có Thiên Chúa mới nắm được bí quyết của hạnh phúc nhân loại. Nhưng một khi con người tự cho mình có thể khám phá ra, thế nào rồi cũng sẽ dẫn đi nhầm đường: đó là bài học vườn Địa đàng. Nhưng điều thứ hai (may thay) Thiên Chúa mạc khải đầu tiên cho dân Ngài (sau đó cho cả nhân loại) bí quyết của hạnh phúc.

Đó là chính xác ý nghĩa của bài đọc hôm nay của chúng ta. Sứ điệp thứ nhất: bài học khiêm nhường. Ngôn sứ I-sa-i-a cũng có nói điều tương tự: «8 Thật vậy, tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi, và đường lối các ngươi không phải là đường lối của Ta» (Is 55, 8). Thật quá rõ ràng! Sách Khôn ngoan được viết rất lâu sau sách ngôn sứ I-sa-i-a, nhưng cũng nói lên điều này: «13 Lạy Chúa, nào có ai biết được ý định của Thiên Chúa? Nào có ai hiểu được Đức Chúa muốn điều chi?» (Kn 9, 13)Nói cách khác, xin đừng mơ hồ vì những điều chúng ta tự nghiệm ra, khác xa nghìn dặm với ý Chúa… Điều này lẽ ra phải làm cho chúng ta khiêm nhường; tưởng rằng quá dễ dàng chúng ta hiểu hết, và lắm khi phát biểu đầy tự tin… Nhưng không, phải khiêm nhường nhìn nhận rằng chúng ta không có một chút quan niệm gì về ý Chúa (dĩ nhiên ngoài những gì Ngài nói rõ cho chúng ta qua các ngôn sứ).

Chúng ta nghe ở đây như một tiếng vang của sách Gióp: «12 Nhưng khôn ngoan từ đâu ra, và trí hiểu ở chốn nào? ...23 Đường nẻo của khôn ngoan một mình Thiên Chúa tỏ, chính Người biết nơi ở của khôn ngoan» (G 28, 12...23). Sau đó vài chương (38 đến 41), Thiên Chúa nhắc lại cho ông Gióp về giới hạn của ông. Và sau khi Chúa giải thích, ông mới hiểu và nghiêng mình thú nhận: «Phải, con đã nói dù chẳng hiểu biết gì về những điều kỳ diệu vượt quá sức con» (G 42, 3).

Bây giờ, chúng ta trở về sách Khôn ngoan, và rất thú vị nhận thấy sự tương đối của việc hiểu biết nơi trí khôn con người; điều này được triển khai nhiều nhất trong những giới trí thức: Thật vậy, sách Khôn ngoan được viết trong thành phố A-lê-xan-ri-a, thời ấy là thủ đô của trí tuệ! Các môn khoa học, triết học rất phát triển, và thư viện thành A-lê-xan-ri-a vẫn còn lừng danh. Tác giả là người có đức tin, viết cho các nhà thông thái thời ấy, nhắc nhở họ những giới hạn của hiểu biết loài người: «14 Chúng con vốn là loài phải chết, tư tưởng không sâu, lý luận không vững».

Cũng nên nói rõ về câu 16: «16 Những gì thuộc hạ giới, chúng con đã khó mà hình dung nổi, những điều vừa tầm tay, đã phải nhọc công mới khám phá được, thì những gì thuộc thượng giới, có ai dò thấu nổi hay chăng?» Mới đọc, chúng ta có thể hiểu, khi nào đã hiểu hết hạ giới thì mới tìm hiểu được thượng giới. Chỉ vì quá xa vời hay quá khó… Nhưng thật ra, sách Khôn ngoan muốn nói điều khác hẳn: ở đây không phải chỉ vì vấn đề trình độ hiểu biết; như thể ngày nào đó, tiến lên, chúng ta sẽ khám phá ra những mầu nhiệm Thiên Chúa sau khi biết lý luận và thêm nỗ lực nghiên cứu của chúng ta. Nhưng thực ra, vấn đề khác từ bản chất; là người, chúng ta vẫn là người, có một hố sâu giữa con người và Thiên Chúa. Tác giả được mạc khải và khẳng định tính siêu việt của Thiên Chúa, tức là Thiên Chúa là Đấng Khác Biệt.

Phải biết sáng suốt nhìn nhận như thế, và từ bỏ tính tự phụ cho rằng ta biết hết, có thể giải thích hết mọi sự: Thiên Chúa là Đấng Khác Biệt. Như ngôn sứ I-sa-i-a nói, tư tưởng của Ngài không phải là tư tưởng của ta, nó vượt ngoài tầm của chúng ta: vì thế mới gọi là mầu nhiệm, cũng còn có thể hiểu là những bí mật của Thiên Chúa. 

Nhưng cũng vì thế - đây là bài học thứ hai - chính lúc chúng ta nhìn nhận sự bất lực của chúng ta, lúc ấy Thiên Chúa mạc khải cho chúng ta, những gì chúng ta tự mình không thể khám phá ra được. Ngài ban cho chúng ta Thần Khí (c17) «17 Ý định của Chúa, nào ai biết được, nếu tự chốn cao vời, chính Ngài chẳng ban Đức Khôn Ngoan, chẳng gửi thần khí thánh?», đó là điều thánh Phao-lô muốn nói trong Ê-phê-sô: «9 Người cho ta được biết thiên ý nhiệm mầu: thiên ý này là kế hoạch yêu thương Người đã định từ trước trong Đức Ki-tô» (Ep 1, 9)

Ngoài ra, bài đọc hôm nay triển khai một quan niệm về con người, một quan niệm thường ít thấy trong Thánh Kinh. Con người được chia ra làm hai yếu tố, một thần trí vô hình và một cái vỏ bên ngoài hữu hình (c15): «15 Quả vậy, thân xác dễ hư nát này khiến linh hồn ra nặng, cái vỏ bằng đất này làm tinh thần trĩu xuống vì lo nghĩ trăm bề». Chúng ta không quen cách nói như thế này, có tính cách nhị nguyên; thông thường Thánh Kinh thường nhấn mạnh tính đồng nhất của con người. Thật ra, tác giả sách Khôn ngoan (chúng ta đừng quên được viết trong môi trường Hy Lạp) dùng những từ ngữ quen thuộc của đọc giả Hy Lạp. Ở đây, tác giả không có ý miêu tả tính nhị nguyên của con người, nhưng là một cuộc đấu tranh nội tâm trong mỗi chúng ta; hiện thực này, thánh Phao-lô miêu tả tuyệt vời trong thư Rô-ma: «19 Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm». (Rm 7, 19).

Rút cục, bài hôm nay góp phần vào công trình vĩ đại Thánh Kinh, giúp khám phá hai điều chính yếu: Thiên Chúa vừa là Đấng Gần Gũi mà cũng vừa là Đấng Khác Biệt: «13 Lạy Chúa, nào có ai biết được ý định của Thiên Chúa? Nào có ai hiểu được Đức Chúa muốn điều chi? (c.13)… cùng một lúc, Ngài tỏ ra rất Gần Gũi con người: «…chính Ngài chẳng ban Đức Khôn Ngoan, chẳng gửi thần khí thánh?... vì thế mà con người được dạy cho biết những điều đẹp lòng Ngài, và nhờ Đức Khôn Ngoan mà được cứu độ» (c.17-18)

 

***

Tác giả: Marie-Noëlle Thabut                        
Nguồn: Sách L’ intelligence des Ecritures Socéval Editions


Dịch giả: E. Máccô Lương Huỳnh Ngân               
Hiệu đính: Phê-rô Nguyễn Thế Hoằng.               


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com