Lời Chúa CN

TÌM HIỂU CỰU ƯỚC CHÚA NHẬT XXV TN NĂM C 22/9/2019 - BÀI ĐỌC 1 (Am 8, 4-7)

"Chống lại những kẻ lấy tiền mua người nghèo"

 

Trích sách Tiên tri Amos 

 

4 Hãy nghe đây, hỡi những ai đàn áp người cùng khổ
và tiêu diệt kẻ nghèo hèn trong xứ.

Các ngươi thầm nghĩ:
"Bao giờ ngày mồng một qua đi, cho ta còn bán lúa;
bao giờ mới hết ngày sa-bát, để ta bày thóc ra?
Ta sẽ làm cho cái đấu nhỏ lại, cho quả cân nặng thêm;
Ta sẽ làm lệch cán cân để đánh lừa thiên hạ.

6 Ta sẽ lấy tiền bạc mua đứa cơ bần,
đem đôi dép đổi lấy tên cùng khổ;
cả lúa nát gạo mục, ta cũng đem ra bán."

7 ĐỨC CHÚA đã lấy thánh danh
là niềm hãnh diện của Gia-cóp mà thề:
Ta sẽ chẳng bao giờ quên một hành vi nào của chúng.

 

Thời điểm lúc bấy giờ hẳn rất nghiêm trọng, vì thế tiên tri A-mốt cuối bài dùng một công thức cực kỳ trịnh trọng: «7 ĐỨC CHÚA đã lấy thánh danh là niềm hãnh diện của Gia-cóp mà thề». Mà niềm hãnh diện của It-ra-en chính là Ngài; nói cách khác, Chúa lấy chính danh Ngài mà thề. Trong Thánh Kinh cũng có những lời lẽ như thế. Ví dụ như: «miệng đã nói ra, Ta chẳng nuốt lời» (Tv 89, 35); hay là: «14 Nếu anh em nhân danh Thầy mà xin Thầy điều gì, thì chính Thầy sẽ làm điều đó» (Ga 14, 14). Điều này rất hữu lý, khi con người thề điều gì, họ nêu danh một đấng cao hơn họ. Chúa thì chỉ có thể thề với chính Danh Nghĩa của Ngài! Ai có thể cao trọng hơn chính Thiên Chúa?

Thế Thiên Chúa thề điều gì «7 ĐỨC CHÚA đã lấy thánh danh là niềm hãnh diện của Gia-cóp mà thề: Ta sẽ chẳng bao giờ quên một hành vi nào của chúng». Đó là hành vi chỉ đi tìm tiền của trên đầu trên cổ người khác. A-mốt là vị tiên tri của thế kỷ thứ VIII trước CN, lúc ấy đất Pa-lét-tin bị chia ra làm hai vương quốc. A-mốt, một mục tử nhỏ bé một làng Miền Nam (Tê-cu-a), gần Bê-lem, được Chúa chọn đi rao giảng Miền Bắc; còn được gọi xứ Sa-ma-ri, cùng tên với thủ đô Miền Bắc. Chúng ta đang trong thời của vương quyền vua Giê-rô-bô-ham II, khoảng năm 750 trước CN. Lúc ấy một triều đại trù phú về mọi mặt… Ít ra là trong ý tưởng của mọi người… Tất cả mọi người nghĩ như thế, trừ một người, chính là ngôn sứ A-mốt.

Thật vậy, Sa-ma-ri thời ấy trải qua một thời kỳ giàu có về mặt kinh tế; lẽ ra, mức sống của mọi tầng lớp dân chúng phải khá ra, nhưng trong giai đoạn trù phú này không phải ai cũng được thụ hưởng; trái lại, A-mốt phải công nhận có người làm giàu từ sự nghèo đi của kẻ khác. Đơn giản, chỉ vì những món hàng thiết yếu trong cuộc sống như bánh mì các bữa ăn và giày dép mang hằng ngày, đều trong tay những lái buôn kém đạo đức.Có những trường hợp, đến nỗi những kẻ khổ cùng không còn giải pháp nào tránh chết đói, chết rét, phải bán mình làm nô lệ (c.6): «6 Ta sẽ lấy tiền bạc mua đứa cơ bần, đem đôi dép đổi lấy tên cùng khổ; cả lúa nát gạo mục, ta cũng đem ra bán».

Hơn nữa, mỗi khi có tranh chấp vì gian lận, hay bịp bợm trắng trợn, nhiều toà án ban hành những bản án luôn luôn lợi cho phe người giàu, ép phía người nghèo. Vì lẽ ấy, A-mốt phải nói trong chương 5 câu 7: «7 Khốn cho những ai biến lẽ phải thành ngải đắng và vứt bỏ công lý xuống đất đen» (Am5, 7). Công lý bị bôi nhọ, ngôn sứ tuyên bố phán xét của Thiên Chúa: vị tiên tri ban bố một bản cáo trạng thật sự: ngài nêu lên những sự kiện rõ ràng, và sau cùng tuyên bố lời cáo buộc.

Trước hết là những sự kiện: «4 Hãy nghe đây, hỡi những ai đàn áp người cùng khổ và tiêu diệt kẻ nghèo hèn trong xứ. 5 Các ngươi thầm nghĩ: Bao giờ ngày mồng một qua đi, cho ta còn bán lúa; bao giờ mới hết ngày sa-bát, để ta bày thóc ra?». Ngày đầu tháng, còn được gọi là «ngày trăng mới». Chúng ta quen với dương lịch, nên không biết lúc nào là trăng tròn, trăng khuyết. Pa-lét-tin theo Ấm lịch, một tháng có hai mươi tám ngày: tháng bắt đầu bằng trăng mới và trăng tròn nhằm giữa tháng (Việt nam ta gọi là ngày rằm). Ngày đầu của trăng mới là ngày lễ: không được làm lụng, đi lại, không được phép bán buôn. Đó là ngày lý tưởng để nghỉ, không kiếm lợi nhuận, giống như ngày Sa-bát. (Mỗi thứ Bảy)

Hoãn lại mọi công việc để hướng con người về Thiên Chúa. Nhưng ở đây, ngày ấy, họ nóng lòng mong cho chóng qua; vì từ nay, con người có một chủ mới, đó là Tiền Của. Dĩ nhiên, đối với một kẻ chỉ mong kiếm tiền, ngày nghỉ là ngày chán ngán nhất: một ngày mất đi. Sự kiện này, giải thích lời phê phán của tiên tri A-mốt: «4 Hãy nghe đây, hỡi những ai đàn áp người cùng khổ và tiêu diệt kẻ nghèo hèn trong xứ. 5 Các ngươi thầm nghĩ: Bao giờ ngày mồng một qua đi, cho ta còn bán lúa; bao giờ mới hết ngày sa-bát, để ta bày thóc ra?». Dĩ nhiên, A-mốt không nhắm tất cả các người buôn bán, không nói chung khiển trách ngành thương mại. Ngài nói đến trong bài này, những lái buôn bất lương, buôn bán đối với họ không là một dịch vụ, giá bán quá đáng, dùng cán cân gian dối (c.5b): «Ta sẽ làm cho cái đấu nhỏ lại, cho quả cân nặng thêm; Ta sẽ làm lệch cán cân để đánh lừa thiên hạ»

Cán cân bị lệch có hai nghĩa: trên mặt thực tế, cán cân xảo trá bị bẻ cong làm cân sai hết; nhưng thâm sâu hơn, các cán cân trong xã hội này bị méo mó. Cuối cùng, A-mốt trách dân chúng Sa-ma-ri sống cả đời trong bất công: cán cân sai lệch, công lý sa đọa, mấy ngày lễ tuy cũng được nghỉ, nhưng gần như bị ép buộc, lòng không vui, mọi sự đều sai lệch.

Và đây là cáo trạng: «7 ĐỨC CHÚA đã lấy thánh danh là niềm hãnh diện của Gia-cóp mà thề: Ta sẽ chẳng bao giờ quên một hành vi nào của chúng». Nên hiểu câu này như sau: bạn làm giàu bất chính, bạn dễ quên những tội đại ác của bạn, và các toà án theo phe bạn; nhưng Thiên Chúa phán đó là những điều không nên quên. Không nên sống quen trong bất công.

Nhưng không vì thế mà hiểu bài này theo nghĩa không phải của nó: lời dọa «Ta sẽ chẳng bao giờ quên một hành vi nào của chúng», không có nghĩa, Thiên Chúa nhớ mãi những lỗi lầm của chúng ta. Tất cả các bài học về tha thứ của Cựu Ước nói lên điều trái lại. Nhưng A-mốt cố tình cảnh báo một cách trịnh trọng, vì có một bài học hệ trọng: điều đầu tiên Chúa muốn cho dân Ngài sống trong công lý. Một người cha trên đời này, cũng không thể chịu được các con mình bị bóc lột bởi chính anh em chúng. Huống chi trong xã hội loài người chúng ta, chỉ có bất công và bần cùng đủ mọi thứ, thì chỉ có thể xúc phạm Thiên Chúa thôi! Sở dĩ A-mốt thô bạo như thế, vì từ một trăm năm nay, vương quốc Miền Bắc rất hãnh diện loại được thờ phượng bụt thần, bỏ hết những cuộc dâng lễ cho các thần Ba-an. Nhưng thật ra, điều ngôn sứ trách đồng bào mình là, nay rơi vào một bụt thần còn độc hại hơn nữa, đó là tiền của.

Có lẽ, thời nay cũng cần có những A-mốt giữa chúng ta! Nhưng không biết chúng ta có nghe không.

 

***

 

Tác giả: Marie-Noëlle Thabut                          
Nguồn: Sách L’ intelligence des Ecritures Socéval Editions


Dịch giả: E. Máccô Lương Huỳnh Ngân                 
Hiệu đính: Phê-rô Nguyễn Thế Hoằng.                 

 


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com