"Người công chính sẽ sống được nhờ trung tín"
Trích sách Tiên tri Kha-ba-cúc.
2 Cho đến bao giờ, lạy ĐỨC CHÚA,
con kêu cứu mà Ngài chẳng đoái nghe,
con la lên: "Bạo tàn!" mà Ngài không cứu vớt?
3 Sao Ngài bắt con phải chứng kiến tội ác hoài,
còn Ngài cứ đứng nhìn cảnh khổ đau?
Trước mắt con, toàn là cảnh phá phách, bạo tàn,
chỗ nào cũng thấy tranh chấp và cãi cọ.
2 ĐỨC CHÚA trả lời và nói với tôi: "Hãy viết lại thị kiến
và khắc vào tấm bia cho ai nấy đọc được xuôi chảy.
3 Đó là một thị kiến sẽ xảy ra vào thời ấn định.
Nó đang tiến nhanh tới chỗ hoàn thành,
chứ không làm cho ai thất vọng.
Nếu nó chậm tới, thì cứ đợi chờ,
vì thế nào nó cũng đến, chứ không trì hoãn đâu.
4 Này đây, ai không có tâm hồn ngay thẳng sẽ ngã gục,
còn người công chính thì sẽ được sống,
nhờ lòng thành tín của mình."
Ngày nay, tiên tri Ha-ba-cúc không còn hợp thời nữa, không như trong Tân Ước, lời ngài được trích dẫn nhiều lần. Ví dụ như câu sau đây của Đức Trinh Nữ Maria, trong Bài Ca Ngợi Khen: «47 thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi» (Lc 1, 47), đã có từ nhiều thế kỷ trước trong sách Ha-ba-cúc (Hb 3, 18) «18 Nhưng phần tôi, tôi nhảy mừng vì ĐỨC CHÚA, hỷ hoan vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi». Cũng từ sách Ha-ba-cúc, Thánh Phao-lô ghi lại, và nêu lên nhiều lần một câu rất quan trọng mà chúng ta được nghe trong Bài đọc hôm nay: «người công chính thì sẽ được sống, nhờ lòng thành tín của mình»; ví dụ như trong (Rm 1, 17) hay (Ga 3, 11). Vì thế sách này rất đáng cho chúng ta đọc.
Chỉ là một quyển sách thật nhỏ, có ba chương, với khoảng hai mươi câu mỗi chương, thế mà là một áng văn tình cảm đầy màu sắc phong phú! Từ lời than vãn đến bạo lực, từ kêu cầu cứu đến hớn hở vui mừng. Có những lời kêu tuyệt vọng làm cho chúng ta nghĩ đến ông Gióp: «2 Cho đến bao giờ, lạy ĐỨC CHÚA, con kêu cứu mà Ngài chẳng đoái nghe, con la lên: "Bạo tàn!" mà Ngài không cứu vớt?». Thế nhưng lòng cậy trông vẫn còn đó; khi Thánh Phê-rô mời gọi kiên nhẫn, thánh nhân cũng dùng những lời cảm hứng từ sách Ha-ba-cúc: «9 Chúa không chậm trễ thực hiện lời hứa,… » (2Pr 3, 9).
Những câu đầu hôm nay là lời kêu la: «2 Cho đến bao giờ, lạy ĐỨC CHÚA, con kêu cứu mà Ngài chẳng đoái nghe, con la lên: "Bạo tàn!" mà Ngài không cứu vớt?». Đây là một lời kêu tuyệt vọng, xin cầu cứu trước những chuỗi dài bạo lực không ngơi, và nhất là tuyệt vọng vì sự thinh lặng của Thiên Chúa. Tiếng kêu này luôn vẫn còn tính cách thời sự đến ngày hôm nay. Trong bài này, như trong sách Gióp, cũng như trong nhiều Thánh vịnh, Thánh Kinh cho phép con người nói lên những lời không thích đáng, như con người dám đòi hỏi với Chúa.
Bạo lực Ha-ba-cúc nói ở đây là kẻ thù Ba-by-lon. Ngài gọi là người «Can-đê» - được hiểu đó là lực lượng vũ trang của vua Na-bu-cô-đô-nô-xo. Chúng ta đang ở vào khoảng năm 600 trước CN. Kẻ thù số một, trước đó không bao lâu là người Át-sua thành Ni-ni-vơ; nhưng họ bị thua thảm bại, từ nay Ba-by-lon là một vương quốc hùng mạnh đang lên trong vùng Trung Đông. Từ ngày thế gian, là thế gian những cảnh ghê tợn của chiến tranh vẫn tái diễn như thế. Chúng ta nghe kêu lên ở đây: «3 Sao Ngài bắt con phải chứng kiến tội ác hoài, còn Ngài cứ đứng nhìn cảnh khổ đau? Trước mắt con, toàn là cảnh phá phách, bạo tàn, chỗ nào cũng thấy tranh chấp và cãi cọ».
Nhưng không vì thế mà Ha-ba-cúc mất lòng tin, Ngài nói thêm: «1 Tôi sẽ… canh chừng xem Người nói với tôi điều gì» (Hb 2, 1) Trong câu này, có ít nữa hai điều; trước tiên là người canh gác chờ hừng đông đến. Đây là đề tài bài Thánh vịnh 129 (130), (c.6) «6 Hồn tôi trông chờ Chúa, hơn lính canh mong đợi hừng đông»; điều trước tiên là lòng cậy trông, điều thứ hai là: ý thức rằng lời kêu gọi của mình khá táo bạo: ngôn sứ Ha-ba-cúc đòi hỏi nơi Chúa, và ngài chờ đợi Chúa sẽ khiển trách.
Điều rất thú vị là Ha-ba-cúc không bị khiển trách. Trong cách trả lời, Thiên Chúa không trách chi, Chúa chỉ mời gọi nhẫn nại và tin tưởng. Những giờ phút chiến thắng của quân thù không kéo dài mãi mãi. «2 ĐỨC CHÚA trả lời và nói với tôi: "Hãy viết lại thị kiến và khắc vào tấm bia cho ai nấy đọc được xuôi chảy. 3 Đó là một thị kiến sẽ xảy ra vào thời ấn định. Nó đang tiến nhanh tới chỗ hoàn thành, chứ không làm cho ai thất vọng. Nếu nó chậm tới, thì cứ đợi chờ, vì thế nào nó cũng đến, chứ không trì hoãn đâu». Bây giờ, hôm nay, Ha-ba-cúc chưa miêu tả thị kiến – đó là đề tài chương kế tiếp – nhưng chúng ta cũng có thể đoán là giải thoát những người bị áp bức.
Nhưng, Chúa vẫn không trả lời thẳng vấn đề, Ngài không cho biết tại sao, có lúc Ngài như không nghe những lời cầu khẩn của chúng ta. Ngài chỉ xác định một lần nữa, Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi chúng ta… Vì thế, sứ điệp của Ha-ba-cúc dường như muốn nói rằng: trong những cơn thử thách dù kinh khủng mấy đi nữa, con đường duy nhất có thể cho người tín hữu là giữ lòng cậy trông vào Thiên Chúa. Chấp nhận không thể hiểu được nhưng không đổ lỗi cho Chúa. Tất cả những thái độ khác chỉ hủy hoại chúng ta: ngờ vực Chúa chỉ làm cho chúng ta đau khổ thêm.
Có lẽ, đó là ý nghĩa của câu chót: «người công chính thì sẽ được sống, nhờ lòng thành tín của mình», hay nói cách khác “chính cậy trông vào Thiên Chúa làm cho chúng ta sống; ngờ vực hay phẫn nộ chỉ hủy hoại chúng ta thôi”. Nhưng, sở dĩ Thánh Kinh còn giữ những lời kêu tuyệt vọng hay cả những lời trách Thiên Chúa, là vì một tín hữu có quyền kêu lên lời than tuyệt vọng và lòng nao nức muốn bạo lực sớm ngưng nghiền nát họ.
Bây giờ chúng ta cùng suy nghĩ về câu cuối: «4 Này đây, ai không có tâm hồn ngay thẳng sẽ ngã gục, còn người công chính thì sẽ được sống, nhờ lòng thành tín của mình». Kẻ không có tâm hồn ngay thẳng là Ba-by-lon, kiêu căng vì những chiến thắng, và tưởng có thể xây dựng cho mình một sự trù phú lâu dài; người công chính biết chỉ có Chúa mới ban cho sự sống. Về điều này, một mẫu gương bất hủ trong lịch sử It-ra-en là Áp-ra-ham: khi ông từ bỏ xứ sở, gia đình ra đi chỉ vì lời gọi của Thiên Chúa, ông không biết Chúa muốn ông đi đâu, về phương trời nào. Kinh Thánh nói về ông rằng: «6 Ông tin ĐỨC CHÚA, và vì thế, ĐỨC CHÚA kể ông là người công chính» (St 15, 6).Một lần nữa, chỉ vì lời gọi của Thiên Chúa, Áp-ra-ham sẵn sàng hiến tế đứa con duy nhất của mình, ông không hiểu, nhưng tiếp tục tin tưởng vào Đấng đã cho ông đứa con duy nhất của mình… Và một lần nữa, đức tin của ông, cho ông và con ông được sống
(St 22).
Điều đáng chú ý sau cùng: khi Ha-ba-cúc nói về quân Ba-by-lon, ông gọi là người «Can-đê» (tức là xứ I-rắc ngày nay); nhưng chúng ta đừng quên, Áp-ra-ham là người Can-đê… Trong lúc đó, Áp-ra-ham được xem là người công chính, bởi vì ông đã thể hiện lòng tin của mình vào Thiên Chúa; trong lúc đó, những người đồng loại của ông vài thế kỷ sau, bị xem như không có tâm hồn ngay thẳng. Chúng ta có thể kết luận rằng, sự công chính không phải do nguồn gốc, chủng tộc, cắt bì hay tôn giáo, nhưng chỉ là do thái độ tâm hồn. Vì thế, chúng ta nên nhớ, khi gặp những tín hữu các tôn giáo khác…
Phần phụ thêm:
«2 ĐỨC CHÚA trả lời và nói với tôi: "Hãy viết lại thị kiến và khắc vào tấm bia cho ai nấy đọc được xuôi chảy». Khắc vào tấm bia, hay ghi lại những điều gì thấy cần nhớ lại, chúng ta có thể hiểu như một lời nhắn nhủ của Thiên Chúa: «Hỡi các con đừng bao giờ quên». Chúa thinh lặng, nhưng không bao giờ vắng mặt, Ngài luôn ở bên ta.
***
Tác giả: Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: Sách L’ intelligence des Ecritures Socéval Editions
Dịch giả: E. Máccô Lương Huỳnh Ngân
Hiệu đính: Phêrô Nguyễn Thế Hoằng.