"Lời cầu nguyện của kẻ khiêm nhường vọng lên tới các tầng mây"
Trích sách Huấn ca.
12 Vì Đức Chúa là Đấng xét xử,
Người chẳng thiên vị ai.
13 Người không vị nể mà làm hại kẻ nghèo hèn,
nhưng nghe lời kêu xin của người bị áp bức.
14 Người không coi thường lời khấn nguyện của kẻ mồ côi,
hay tiếng than van của người goá bụa.
16 Kẻ phục vụ Đức Chúa theo ý Người sẽ được Người chấp nhận,
lời họ kêu xin sẽ vọng tới các tầng mây.
17 Lời nguyện của người nghèo vượt ngàn mây thẳm.
Lời nguyện chưa tới đích, họ chưa an lòng.
18 Họ sẽ không rời đi bao lâu Đấng Tối Cao chưa đoái nhìn,
chưa xét xử cho người chính trực và thi hành công lý
Cũng nên nói sơ qua về Ben-xi-rắc, tác giả sách Huấn ca, sách này thường chúng ta ít khi đọc. Ben-xi-rắc cũng có tên Giê-su, ông chủ trì một trường khôn ngoan tại Giê-ru-sa-lem khoảng năm 180 trước CN, vì lẽ đó, ông còn có tên Ben-xi-rắc Khôn-Ngoan. Thời ấy xứ Pa-lét-tin bị Hy Lạp đô hộ, sau khi A-lê-xan-đê chiếm đóng năm 332. Quân Hy-lạp lúc ấy cai trị rất dễ dãi (nhưng chỉ ban đầu thôi: sau này chúng ta chứng kiến việc hành quyết An-ti-ô-khô Ê-pi-pha-nê, thời Ma-ca-bê)
Trong lúc Ben-xi-rắc chấp bút, bầu khí còn êm dịu; chánh quyền địa phương tôn trọng tập tục và tôn giáo người Do Thái. Nhưng thật trớ trêu - và là lý do thúc đẩy Ben-xi-rắc bắt đầu viết - sự tự do ấy không chỉ đem lại những điều lợi ích. Nhưng bề ngoài yên bình ấy che đậy một nguy cơ: sự chung đụng giữa hai nền văn minh Hy Lạp và Do Thái đe dọa sự tinh tuyền của đức tin Do Thái; có nguy cơ lẫn lộn mọi thứ, vì Do Thái giáo trái ngược hẳn với triết học và huyền thọai Hy Lạp.
Mẫu gương thời nay cho chúng ta vài khái niệm: Chúng ta cũng đang sống trong một bầu khí dễ dãi, bầu khí này dẫn đến một loại dửng dưng đối với tôn giáo. Như nhà xã hội học René Rémond nói, mọi chuyện xảy ra như có một gian hàng tự chọn các tư tưởng và giá trị, mỗi người chọn cho mình trong siêu thị ấy.
Một trong chủ đích của Ben-xi-rắc là truyền lại đức tin Do Thái, vì lẽ đó, toàn sách Huấn ca giới thiệu đức tin Do Thái tinh tuyền thời ấy; có thể nói đó là đức tin Do Thái, vào khỏang năm 180 trước CN.
Thế nhưng, năm 180 trước CN là cuối Cựu Ước rồi: tư tưởng của Ben-xi-rắc đến giai đoạn cuối trong chuỗi dài biến hoá của đức tin Ít-ra-en. Đức tin Do Thái không phải là hiệu quả của nghiên cứu triết lý, nhưng là một trải nghiệm Giao Ước với Thiên Chúa hằng sống. Chính từ những kỳ công của Thiên Chúa mà con người dần dần khám phá dung nhan thật của Ngài: không phải tư tưởng do con người tạo nên mà là một sự mặc khải tiệm tiến, nhưng cũng phải công nhận rất lạ lùng. Vì như tiên tri Hô-sê nói: «Ta là Thiên Chúa, chứ không phải người phàm.» (Hs 11, 9)
Đặc biệt như đề tài bài hôm nay, Chúa không xét bề ngoài. Đây như là tiếng vang, khi tiên tri Sa-mu-en nói với Gie-xê, cha của đứa trẻ mục đồng Đa-vít: «Đừng xét theo hình dáng … Thiên Chúa không nhìn theo kiểu người phàm: người phàm chỉ thấy điều mắt thấy, còn ĐỨC CHÚA thì thấy tận đáy lòng» (1Sm 16, 7). (c 13-14): «13 Người không vị nể mà làm hại kẻ nghèo hèn, nhưng nghe lời kêu xin của người bị áp bức. 14 Người không coi thường lời khấn nguyện của kẻ mồ côi, hay tiếng than van của người goá bụa». Sách Huấn ca còn có một hình ảnh tuyệt vời cũng trong chương này: «15 Nước mắt quả phụ lại không giàn giụa trên gò má» (Hc 35, 15)… Cách nói này đẹp vô cùng, thể hiện thái độ thắm thiết của Chúa đối với nỗi thống khổ của chúng ta. Nước mắt muốn tuôn xuống gò má người khác phải thật gần kề nhau! Đó là ý nghĩa của lòng thương xót: nói rằng Chúa có lòng thương xót, tức là Chúa rung động cùng với những đau khổ của ta (nghĩa đen tiếng Do-thái là «ruột gan rung động»). Người nghèo, người bị áp bức, kẻ mồ côi, đàn bà góa bụa: bốn trường hợp nói ở đây là bốn tình huống điển hình của sự nghèo khó trong xã hội Cựu Ước. Bốn hạng người kém may mắn mà Lề Luật bảo vệ: ngày nay chúng ta gọi là những tình huống bấp bênh điển hình. Mặc dù có luật bảo vệ những kẻ yếu mọn, nhưng chúng ta không phải lúc nào cũng có cái nhìn thiện cảm đối với những người trong tình trạng bấp bênh. Một cách tự nhiên, chúng ta bị thu hút hơn bởi những người ổn định trong xã hội.
Ben-xi-rắc nói cho chúng ta: này các bạn, tuy ngoài ý muốn, nhưng bạn thường xét người qua bề ngoài, nhưng Thiên Chúa, Ngài không phân biệt loài người. Điều Chúa nhìn là tấm lòng: «16 Kẻ phục vụ Đức Chúa theo ý Người sẽ được Người chấp nhận, lời họ kêu xin sẽ vọng tới các tầng mây». Thế nhưng, sách Huấn ca không muốn nói Chúa thích chọn người nghèo hơn! Tình yêu hoàn hảo không lựa chọn! Thật ra, trong những ngày đau khổ, chúng ta mới có khuynh hướng cầu nguyện tốt hơn. Nói cách khác, lúc ấy chúng ta ở trong bầu khí cầu nguyện tốt hơn: «17 Lời nguyện của người nghèo vượt ngàn mây thẳm. Lời nguyện chưa tới đích, họ chưa an lòng»
Phải hiểu từ ngữ không an lòng trong nghĩa mạnh nhất. Có sách dịch câu này: Lời nguyện của người nghèo vượt ngàn mây thẳm. Lời nguyện chưa tới đích, họ chưa ngưng nghỉ». Lời nguyện không ngưng nghỉ: điều này làm cho chúng ta nghĩ đến bài dụ ngôn tuần vừa qua Chúa dạy các Tông đồ. Chúng ta còn nhớ bà góa bám theo, van nài ông quan toà để sau rốt được thắng kiện.
Một khi ta ở trong tình trạng thật sự nghèo khó, thiếu thốn, khi không còn cứu cánh nào khác hơn là cầu nguyện; khi ấy, thật sự chúng ta cầu nguyện hết lòng, hoàn toàn hướng về Chúa, lòng chúng ta rộng mở để Chúa ngự vào. Theo Pháp ngữ, chữ «cầu nguyện» và «tình trạng bấp bênh» có cùng gốc ngôn ngữ. Có lẽ, đó là chìa khóa để hiểu: chúng ta thật sự cầu nguyện khi ý thức sự nghèo hèn và tình trạng bấp bênh của chúng ta. Nhưng cũng phải sẵn sàng phục vụ Chúa hết lòng.
Ở giữa bài hôm nay, có một câu nhỏ chứa đầy ẩn ý: “16 Kẻ phục vụ Đức Chúa theo ý Người sẽ được Người chấp nhận, lời họ kêu xin sẽ vọng tới các tầng mây”. Câu này nhắm tới những kẻ tưởng đạt công trạng với Chúa bằng những lễ lạc, dâng hiến đủ loại. Sách Huấn Ca nhắc lại lời giảng dạy các tiên tri: những lễ vật dù có quý giá mấy, các nghi lễ có hoành tráng mấy đi nữa, không thể thay thế tấm lòng. Ben-xi-rắc nói: «7 Hãy tôn vinh Đức Chúa với tấm lòng quảng đại, đừng bớt xén của đầu mùa tay con làm ra» (Hc 35, 7). Trái lại, những kẻ không còn gì trong tay, đừng sợ: «12 Vì Đức Chúa là Đấng xét xử, Người chẳng thiên vị ai.»
***
Tác giả: Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: Sách L’ intelligence des Ecritures Socéval Editions
Dịch giả: E. Máccô Lương Huỳnh Ngân
Hiệu đính: Phêrô Nguyễn Thế Hoằng.