Lời Chúa CN

TÌM HIỂU CỰU ƯỚC CN XXXII THƯỜNG NIÊN NĂM C 10/11/2019 - BÀI ĐỌC 1 (2Mcb 7, 1-2.9-14)

«Vua vũ trụ sẽ làm cho chúng tôi được sống lại trong cuộc sống đời đời»

 

Bài trích sách Ma-ca-bê.

 

1 Có bảy anh em bị bắt cùng với bà mẹ. Vua An-ti-ô-khô cho lấy roi và gân bò mà đánh họ, để bắt họ ăn thịt heo là thức ăn luật Mô-sê cấm.

2 Thay mặt cho anh em mình, một người lên tiếng nói: "Vua muốn tra hỏi chúng tôi cái gì? Vua muốn biết điều gì? Chúng tôi sẵn sàng thà chết chẳng thà vi phạm luật pháp của cha ông chúng tôi."

9 Khi sắp trút hơi thở cuối cùng, anh nói: "Vua là một tên hung thần, vua khai trừ chúng tôi ra khỏi cuộc đời hiện tại, nhưng bởi lẽ chúng tôi chết vì Luật pháp của Vua vũ trụ, nên Người sẽ cho chúng tôi sống lại để hưởng sự sống đời đời."

10 Sau người này, đến lượt người thứ ba bị tra tấn. Vừa được yêu cầu anh liền thè lưỡi, can đảm đưa tay ra,

11 và khẳng khái nói: "Tôi có được lưỡi này, tay này, là do Chúa Trời ban. Nhưng vì luật Chúa Trời, tôi coi khinh những thứ đó, và tôi hy vọng nhờ Chúa Trời, tôi sẽ lấy lại được."

12 Nhà vua và quần thần phải sửng sốt vì lòng can đảm của người thanh niên đã dám coi thường đau khổ.

13 Người này chết rồi, người ta cũng tra tấn hành hạ người thứ tư như vậy.

14 Khi sắp tắt thở, anh nói như sau: "Thà chết vì tay người đời đang khi dựa vào lời Thiên Chúa hứa mà hy vọng sẽ được Người cho sống lại. Còn vua, vua sẽ không được sống lại để hưởng sự sống đâu."

Bài này đánh dấu một giai đoạn chủ yếu đức tin Ít-ra-en được phát triển. Đây là lần đầu tiên kẻ chết sống lại được khẳng định. Chúng ta đang vào năm 165 trước CN, thời gian khủng khiếp, dân Chúa bị vua An-ti-ô-khô Ê-pi-pha-nê bách hại. Ông hẳn mắc bệnh hoang tưởng tự đại, muốn được tôn thờ như một vị thần. Buộc dân Do Thái từ chối đức tin, ông bắt họ tỏ ra bằng những cử chỉ bất tuân luật Mô-sê : không giữ luật Sa-bát, dâng lễ cúng cho các thần khác Thiên Chúa Ít-ra-en, không tuân giữ luật ăn uống Ít-ra-en… Nhiều người Do Thái trung thành phải tử vì đạo: thà chết còn hơn bất trung với Luật Thiên Chúa; thế nhưng, lạ thay, chính ngay trong sự bách hại ấy, lại nảy sinh lòng tin vào sự Phục Sinh. Có một sự thật hiển nhiên được phát hiện, có thể tóm lược sau đây: bởi lẽ chúng ta chết vì trung thành với Thiên Chúa, Ngài là Đấng trung tín sẽ ban lại sự sống cho chúng ta.

Hôm nay, chúng ta đọc một đoạn lịch sử bảy người tử vì đạo, bảy anh em bị tra tấn và hành quyết do An-ti-ô-khô Ê-pi-pha-nê. Chính sự mặc khải tuyệt vời vào lòng tin Phục Sinh đã nâng đỡ họ: «bởi lẽ chúng tôi chết vì Luật pháp của Vua vũ trụ, (ngụ ý nói Vua Vũ Trụ thật sự) nên Người sẽ cho chúng tôi sống lại để hưởng sự sống đời đời» (c.9b). Ở đây, chúng ta nhận ra một xác tín về Phục Sinh; một sự phục sinh rất xác thịt; một trong bảy anh em nói: «Tôi có được lưỡi này, tay này, là do Chúa Trời ban. Nhưng vì luật Chúa Trời, tôi coi khinh những thứ đó, và tôi hy vọng nhờ Chúa Trời, tôi sẽ lấy lại được» (c.11)

Gần như, đây là lần đầu tiên lòng tin ấy được quả quyết trong Thánh Kinh. {* Hình như lời đầu tiên nói về sự Phục Sinh được thấy trong Sách Tiên Tri Đa-ni-en (Đn 12, 2-3), cũng chính vào thời bách hại khủng khiếp của  An-ti-ô-khô Ê-pi-pha-nê ; bảy anh em ở đây đã múc ý tưởng từ đó (Sách Mác-ca-bê còn được gọi sách các Thánh Tử Đạo Ít-ra-en), câu này gợi lên giai đoạn lịch sử ấy sau sách Đa-ni-en}. Cho đến lúc bấy giờ, ít ai đề cập đến đời sau ; tất cả quan tâm về đời sống hiện nay, mối quan hệ dưới trần thế giữa Thiên Chúa và dân Ngài. Mối quan hệ ấy được gọi là Giao Ước. Điều đáng quan tâm là thực tại của dân Chúa chứ không phải tương lai cá nhân… Sau sự chết, thân xác được đặt trong mồ «nằm xuống với cha ông» như công thức thường nghe nói. Thời ấy, người ta tin rằng chỉ còn cái bóng được lưu lại dưới «âm phủ», nơi của thinh lặng, tối tăm, quên lãng, ngủ li bì.

Dần dần, Thiên Chúa được mặc khải là Thiên Chúa của sự sống, và người ta bắt đầu hy vọng nhân loại sẽ được giải thoát khỏi sự chết. Ví dụ như khi Tiên Tri I-sa-i-a nói: «Người sẽ vĩnh viễn tiêu diệt tử thần. ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng sẽ lau khô dòng lệ trên khuôn mặt mọi người, và trên toàn cõi đất, Người sẽ xoá sạch nỗi ô nhục của dân Người. ĐỨC CHÚA phán như vậy» (Is 25, 8). Nhưng từ lâu, một xác chết sống lại là điển hình một việc không thể nào có được. Cũng như Tiên Tri Ê-dê-ki-en, dùng hình ảnh ấy để nói lên một điều gì khó tin, phục hưng một dân tộc (ngài không nói về cá nhân) ; Ê-dê-ki-en tuyên bố vào thời kỳ bi đát bị đày sang Ba-by-lon: trong khi dân chúng mất hết mọi thứ, vị Tiên Tri loan báo ngược lại với mọi hiện tượng bề ngoài, sự bộc phát của một dân tộc phục hưng. Thật vậy, dân chúng sẽ sống, họ sẽ tìm lại sức lực, họ sẽ trỗi dậy. Để dám nói như thế, Ê-dê-ki-en dựa vào đức tin: Thiên Chúa không thể nào không giữ lời hứa, dân Chúa chọn vẫn là dân Chúa chọn. Ê-dê-ki-en loan báo sự trỗi dậy ấy bằng hình ảnh: ngài miêu tả một bãi chiến trường mênh mông đầy xương cốt, ngổn ngang thây của một đạo binh chiến bại ; ai cũng biết không bao giờ họ sống lại ; thế nhưng, này đây, tôi nói cho anh em nghe (đây là lời Tiên Tri Ê-dê-ki-en) dân của anh em giống như thế đó: tất cả bị huỷ diệt như những cái thây ấy, với cách nhìn thế gian không còn gì hy vọng… thế nhưng, sự thật như Chúa là Thiên Chúa sự sống, dân sẽ trỗi dậy, giống như những bộ xương ấy bỗng nhiên được thịt bọc, da bao cơ bắp, như máu chảy lại trong huyết quản. Trong cách nhìn bất hủ ấy được gọi thị kiến những bộ xương khô (Êd Ch 37), cũng chưa phải là sự phục sinh cá nhân: Chúa Thánh Thần đã loan báo qua miệng Ngôn Sứ Ê-dê-ki-en những lời vượt khỏi ý thức của ngài.

Chúng ta nhận ra nơi bài Mác-ca-bê này một giai đoạn tiền phong của đức tin Ít-ra-en: sự mặc khải về xác loài người phục sinh, chỉ khả thi sau một thời gian dài trải nghiệm về lòng tín trung với Thiên Chúa. Thế rồi bất chợt, Thiên Chúa tín trung là điều trở nên hiển nhiên, Ngài không bao giờ bỏ ta, bỏ ta cho sự chết… chính khi chúng ta chịu chết vì trung thành với Ngài.

Đây thật là một giai đoạn chủ yếu trên con đường mặc khải về Thiên Chúa ; nhưng chỉ là một giai đoạn thôi: một giai đoạn tạm thời, rồi sau sẽ bị vượt qua. Cho đến bây giờ, chỉ có sự phục sinh người công chính ; những kẻ đã chết vì trung tín với Chúa, Chúa của tín trung sẽ làm cho họ sống lại. Đó là điều người em thứ tư nói: «Thà chết vì tay người đời đang khi dựa vào lời Thiên Chúa hứa mà hy vọng sẽ được Người cho sống lại. Còn vua, vua sẽ không được sống lại để hưởng sự sống đâu» (c.14). Còn phải nhiều thế kỷ để Chúa nhẫn nại dạy dỗ, đến khi lòng tin vào sự phục sinh kẻ chết được xác quyết không giới hạn. Ngày nay, chúng ta quả quyết như thế trong «Kinh Tin Kính»: «tôi tin xác loài người ngày sau sống lại; tôi tin hằng sống vậy». Sở dĩ chúng ta quả quyết như thế cũng nhờ bảy anh em vô danh (sách Mác-ca-bê) tử vì đạo năm 165 trước CN dưới thời An-ti-ô-khô Ê-pi-pha-nê.   

 

***

 

Tác giả: Marie-Noëlle Thabut                    
Nguồn: Sách L’ intelligence des Ecritures Socéval Editions


Dịch giả: E. Máccô Lương Huỳnh Ngân            
Hiệu đính: Phêrô Nguyễn Thế Hoằng.             


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com