Lời Chúa CN

TÌM HIỂU TÂN ƯỚC CHÚA NHẬT IV MÙA CHAY NĂM A - 22/03/2020

BÀI ĐỌC 2 (Ep 5, 8-14)

 

"Từ trong cõi chết, ngươi hãy đứng lên và Chúa Ki-tô sẽ chiếu sáng trên ngươi."

 

Trích thư Thánh Phao-lô Tông Đồ gửi tín hữu Ê-phê-sô.

 

8 Xưa anh em là bóng tối, nhưng bây giờ, trong Chúa, anh em lại là ánh sáng. Vậy anh em hãy ăn ở như con cái ánh sáng;

9 mà ánh sáng đem lại tất cả những gì là lương thiện, công chính và chân thật.

10 Anh em hãy xem điều gì đẹp lòng Chúa.

11 Đừng cộng tác vào những việc vô ích của con cái bóng tối, phải vạch trần những việc ấy ra mới đúng.

12 Vì những việc chúng làm lén lút, thì nói đến đã là nhục rồi.

13 Nhưng tất cả những gì bị vạch trần, đều do ánh sáng làm lộ ra;

14 mà bất cứ điều gì lộ ra, thì trở nên ánh sáng. Bởi vậy, có lời chép rằng:
Tỉnh giấc đi, hỡi người còn đang ngủ! Từ chốn tử vong, trỗi dậy đi nào!
Đức Ki-tô sẽ chiếu sáng ngươi!

 

«Tỉnh giấc đi, hỡi người còn đang ngủ! Từ chốn tử vong, trỗi dậy đi nào! Đức Ki-tô sẽ chiếu sáng ngươi!». Đây là một đoạn thánh ca rất thường nghe trong phụng vụ Lễ Rửa Tội. Câu này không do Thánh nhân viết ra, vì ngài nói «Bởi vậy, có lời chép rằng». Lời ngài nói «Bởi vậy… » làm cho tôi nghĩ rằng đây chỉ là cách dẫn giải bài thánh ca. Dường như thể, sau buổi lễ Rửa Tội, có ai đó đến đặt vài câu hỏi với nhà thần học đang phục vụ. Nhà thần học đó chính là Thánh Phao-lô. Các câu hỏi, đại để như lời bài hát trong Lễ Rửa Tội có ý nghĩa gì thế? Và Thánh Phao-lô trả lời…

Với Bí tích Rửa Tội của bạn, một đời sống mới bắt đầu, một đời sống hoàn toàn đổi mới: bạn trở nên một cây vừa mới trồng (nghĩa chữ tân tòng theo tiếng Hy-lạp), căn bản đã đổi mới so với cái gốc được ghép. Mỗi mùa xuân, tôi lại được chứng kiến kết quả của sự  việc này: hàng năm trong vườn nhà tôi, cây đỗ quyên trổ hoa đỏ thắm trên một gốc được ghép, gốc ấy là loại đỗ quyên hoa tím. Dĩ nhiên, qua màu hoa, rất dễ phân biệt đâu là hoa từ cây mới được ghép và đâu là chồi không được mong đợi từ gốc cây ghép.

Thánh Phao-lô nói: đối với phép Rửa Tội cũng giống hệt như thế: hoa trái của cây mới - hiểu là người được Rửa Tội - là những việc trong ánh sáng. Trước khi ghép (bí tích Rửa Tội), bạn là bóng tối, hoa trái của bạn là việc trong bóng tối. Cũng như việc xảy ra, làm cho các chồi hoa tím gốc cây đỗ quyên đâm ra, bạn bị cám dỗ trở lại những việc trước kia; lúc bấy giờ điều quan trọng là phải biết nhận ra.

Đối với Thánh Phao-lô, thật đơn giản: hoa trái của cây mới, là tất cả những gì nhân từ, công lý và bác ái. Ngược lại, những gì không phải nhân từ, công lý và bác ái, là những cái chồi không mong muốn của gốc cây cũ. Thế nhưng, ai có thể cho bạn sanh ra hoa trái của ánh sáng? Chúa Giê-su Ki-tô, vì Ngài là tất cả những gì nhân từ, công lý và bác ái. Cũng như một cây cần được ánh sáng để trổ hoa trái, bạn hãy hưởng ánh sáng của Ngài. Lời bài hát nói rõ, vừa là kỳ công Chúa Ki-tô và vừa là sự tham gia của con người: «Tỉnh giấc đi,… trỗi dậy đi nào!» (c.11). Điều thỉnh nguyện cầu xin là sự tự do con người. «Đức Ki-tô sẽ chiếu sáng ngươi!», chỉ có Ngài mới làm được. Đối với Thánh Phao-lô cũng như đối với các ngôn sứ Cựu Ước, ánh sáng là một ân huệ của Chúa. Vì thế nói rằng «Đức Ki-tô sẽ chiếu sáng ngươi!» là muốn nói hai điều. Thứ nhất, Đức Ki-tô là Thiên Chúa; điều thứ hai, cách duy nhất sống hài hòa với Thiên Chúa là sống cụ thể trong công lý, nhân từ và bác ái. Như Đức Giê-su nói: «Không phải chỉ nói lạy Chúa, lạy Chúa… » mà thực thi thánh ý Chúa Cha, Ngài luôn quan tâm đến con cái Ngài. Thì đây, dĩ nhiên, Thánh Phao-lô chắc chắn còn nhớ bài bất hủ của tiên tri I-sa-i-a, trong chương 58: «Nếu ngươi loại khỏi nơi ngươi ở gông cùm, cử chỉ đe doạ và lời nói hại người, (Thánh Phao-lô gọi là những việc làm tối tăm) 10 nếu ngươi nhường miếng ăn cho kẻ đói, làm thoả lòng người bị hạ nhục, thì ánh sáng ngươi sẽ chiếu toả trong bóng tối, và tối tăm của ngươi chẳng khác nào chính ngọ» Hay là: (Is 9b-10) «7Chẳng phải là chia cơm cho người đói, rước vào nhà những người nghèo không nơi trú ngụ; thấy ai mình trần thì cho áo che thân, không ngoảnh mặt làm ngơ trước người anh em cốt nhục? 8 Bấy giờ ánh sáng ngươi sẽ bừng lên như rạng đông,» (Is 58, 7-8)

Chúng ta được mời gọi phản chiếu vinh quang của Chúa, ánh sáng của Chúa. Như Thánh Phao-lô nói trong thư thứ hai gửi tín hữu Cô-rin-tô: «Tất cả chúng ta, mặt không che màn, chúng ta phản chiếu vinh quang của Chúa như một bức gương; như vậy, chúng ta được biến đổi nên giống cũng một hình ảnh đó, ngày càng trở nên rực rỡ hơn, như do bởi tác động của Chúa là Thần Khí.» (2Cr 3, 18). Chữ phản chiếu nói rõ lên chính Chúa Ki-tô là ánh sáng, làm cho chúng ta phản chiếu ánh sáng của Ngài. Phản chiếu ánh sánh của Chúa Ki-tô là sứ vụ của mọi người đã nhận phép Rửa: vì thế trong lễ Rửa Tội, người tân tòng nhận một ngọn nến thắp từ nến Phục Sinh, và mỗi lần Tưởng niệm Tuyên xưng Đức tin vào đêm Phục Sinh.  

Nhưng, luôn luôn ơn gọi ấy mang một sứ vụ. Thánh Phao-lô nói trong thư gửi tín hữu thành Phi-líp-phê: «14 Anh em hãy làm mọi việc mà đừng kêu ca hay phản kháng » [câu này Thánh nhân ngụ ý nhắc lại những lời «phản kháng», tức là thiếu lòng tin của người Do Thái trong sa mạc (Xh 17, 1-7)] 15 Như thế, anh em sẽ trở nên trong sạch, không ai chê trách được điều gì, và sẽ trở nên những người con vẹn toàn của Thiên Chúa, giữa một thế hệ gian tà, sa đoạ. Giữa thế hệ đó, anh em phải chiếu sáng như những vì sao trên vòm trời, 16 là làm sáng tỏ Lời ban sự sống» (Pl 2, 14-16). Chúng ta nhận ra ở đây sự so sánh giữa ánh sáng và sự sống, đối lại với bóng tối và sự chết: vì Chúa là tình yêu, và chỉ có tình yêu mới tạo nên sự sống và ánh sáng.

***

 

PHÚC ÂM (Ga 9, 1-41)

 

"Hắn đi rửa, rồi trở lại trông thấy rõ".

 

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Gio-an

 

1 Đi ngang qua, Đức Giê-su nhìn thấy một người mù từ thuở mới sinh.

2 Các môn đệ hỏi Người: "Thưa Thầy, ai đã phạm tội khiến người này sinh ra đã bị mù, anh ta hay cha mẹ anh ta?"

3 Đức Giê-su trả lời: "Không phải anh ta, cũng chẳng phải cha mẹ anh ta đã phạm tội. Nhưng sở dĩ như thế là để thiên hạ nhìn thấy công trình của Thiên Chúa được tỏ hiện nơi anh.

4 Chúng ta phải thực hiện công trình của Đấng đã sai Thầy, khi trời còn sáng; đêm đến, không ai có thể làm việc được.

5 Bao lâu Thầy còn ở thế gian, Thầy là ánh sáng thế gian."

6 Nói xong, Đức Giê-su nhổ nước miếng xuống đất, trộn thành bùn và xức vào mắt người mù,

7 rồi bảo anh ta: "Anh hãy đến hồ Si-lô-ác mà rửa" (Si-lô-ác có nghĩa là: người được sai phái). Vậy anh ta đến rửa ở hồ, và khi về thì nhìn thấy được.

8 Các người láng giềng và những kẻ trước kia thường thấy anh ta ăn xin mới nói: "Hắn không phải là người vẫn ngồi ăn xin đó sao?"

9 Có người nói: "Chính hắn đó!" Kẻ khác lại rằng: "Không phải đâu! Nhưng là một đứa nào giống hắn đó thôi!" Còn anh ta thì quả quyết: "Chính tôi đây!"

10 Người ta liền hỏi anh: "Vậy, làm sao mắt anh lại mở ra được như thế?"

11 Anh ta trả lời: "Người tên là Giê-su đã trộn một chút bùn, xức vào mắt tôi, rồi bảo: "Anh hãy đến hồ Si-lô-ác mà rửa. Tôi đã đi, đã rửa và tôi nhìn thấy."

12 Họ lại hỏi anh: "Ông ấy ở đâu?" Anh ta đáp: "Tôi không biết."

13 Họ dẫn kẻ trước đây bị mù đến với những người Pha-ri-sêu.

14 Nhưng ngày Đức Giê-su trộn chút bùn và làm cho mắt anh ta mở ra lại là ngày sa-bát.

15 Vậy, các người Pha-ri-sêu hỏi thêm một lần nữa làm sao anh nhìn thấy được. Anh trả lời: "Ông ấy lấy bùn thoa vào mắt tôi, tôi rửa và tôi nhìn thấy."

16 Trong nhóm Pha-ri-sêu, người thì nói: "Ông ta không thể là người của Thiên Chúa được, vì không giữ ngày sa-bát"; kẻ thì bảo: "Một người tội lỗi sao có thể làm được những dấu lạ như vậy?" Thế là họ đâm ra chia rẽ.

17 Họ lại hỏi người mù: "Còn anh, anh nghĩ gì về người đã mở mắt cho anh?" Anh đáp: "Người là một vị ngôn sứ!"

18 Người Do-thái không tin là trước đây anh bị mù mà nay nhìn thấy được, nên đã gọi cha mẹ anh ta đến.

19 Họ hỏi: "Anh này có phải là con ông bà không? Ông bà nói là anh bị mù từ khi mới sinh, vậy sao bây giờ anh lại nhìn thấy được?"

20 Cha mẹ anh đáp: "Chúng tôi biết nó là con chúng tôi, nó bị mù từ khi mới sinh.

21 Còn bây giờ làm sao nó thấy được, chúng tôi không biết, hoặc có ai đã mở mắt cho nó, chúng tôi cũng chẳng hay. Xin các ông cứ hỏi nó; nó đã khôn lớn rồi, nó có thể tự khai được."

22 Cha mẹ anh nói thế vì sợ người Do-thái. Thật vậy, người Do-thái đã đồng lòng trục xuất khỏi hội đường kẻ nào dám tuyên xưng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô.

23 Vì thế, cha mẹ anh mới nói: "Nó đã khôn lớn rồi, xin các ông cứ hỏi nó."

24 Một lần nữa, họ gọi người trước đây bị mù đến và bảo: "Anh hãy tôn vinh Thiên Chúa. Chúng ta đây, chúng ta biết ông ấy là người tội lỗi."

25 Anh ta đáp: "Ông ấy có phải là người tội lỗi hay không, tôi không biết. Tôi chỉ biết một điều: trước đây tôi bị mù mà nay tôi nhìn thấy được!"

26 Họ mới nói với anh: "Ông ấy đã làm gì cho anh? Ông ấy đã mở mắt cho anh thế nào?"

27 Anh trả lời: "Tôi đã nói với các ông rồi mà các ông vẫn không chịu nghe. Tại sao các ông còn muốn nghe lại chuyện đó nữa? Hay các ông cũng muốn làm môn đệ ông ấy chăng?"

28 Họ liền mắng nhiếc anh: "Có mày mới là môn đệ của ông ấy; còn chúng ta, chúng ta là môn đệ của ông Mô-sê.

29 Chúng ta biết rằng Thiên Chúa đã nói với ông Mô-sê; nhưng chúng ta không biết ông Giê-su ấy bởi đâu mà đến."

30 Anh đáp: "Kể cũng lạ thật! Các ông không biết ông ấy bởi đâu mà đến, thế mà ông ấy lại là người đã mở mắt tôi!

31 Chúng ta biết: Thiên Chúa không nhậm lời những kẻ tội lỗi; còn ai kính sợ Thiên Chúa và làm theo ý của Người, thì Người nhậm lời kẻ ấy.

32 Xưa nay chưa hề nghe nói có ai đã mở mắt cho người mù từ lúc mới sinh.

33 Nếu không phải là người bởi Thiên Chúa mà đến, thì ông ta đã chẳng làm được gì."

34 Họ đối lại: "Mày sinh ra tội lỗi ngập đầu, thế mà mày lại muốn làm thầy chúng ta ư?" Rồi họ trục xuất anh.

35 Đức Giê-su nghe nói họ đã trục xuất anh. Khi gặp lại anh, Người hỏi: "Anh có tin vào Con Người không?"

36 Anh đáp: "Thưa Ngài, Đấng ấy là ai để tôi tin? "

37 Đức Giê-su trả lời: "Anh đã thấy Người. Chính Người đang nói với anh đây."

38 Anh nói: "Thưa Ngài, tôi tin." Rồi anh sấp mình xuống trước mặt Người.

39 Đức Giê-su nói: "Tôi đến thế gian này chính là để xét xử: cho người không xem thấy được thấy, và kẻ xem thấy lại nên đui mù!"

40 Những người Pha-ri-sêu đang ở đó với Đức Giê-su nghe vậy, liền lên tiếng: "Thế ra cả chúng tôi cũng đui mù hay sao?"

41 Đức Giê-su bảo họ: "Nếu các ông đui mù, thì các ông đã chẳng có tội. Nhưng giờ đây các ông nói rằng: "Chúng tôi thấy", nên tội các ông vẫn còn!"

 

Hẳn các bạn đã nhận xét: Thánh Gio-an chịu khó giải thích cho chúng ta nghĩa của chữ Si-lô-ác, có nghĩa là: «người được sai phái». Thế nhưng, trong các trường hợp khác ngài không giải thích nghĩa của chữ ấy; có nghĩa là thánh nhân lần này đặt một tầm quan trọng đặc biệt: thật vậy, suốt câu truyện người mù bẩm sinh qui vào Chúa Giê-su Ki-tô, con Người của Ngài, sứ vụ của Ngài; cũng nên đặt vào vị trí các người đương thời với Chúa Giê-su. Tất cả vấn đề của họ, Ngài phải thật là Đấng «được Thiên Chúa sai đi» (2Cr 2, 17) hay không? Đấng mà mọi người trông đợi từ bao thế kỷ, hay là một kẻ bịp bợm. Đó là một vấn đề lớn đeo đuổi suốt đời Chúa Giê-su: Ngài có phải là Đấng Mê-si-a hay không?

Câu chuyện người mù bẩm sinh xảy ra tại Giê-ru-sa-lem trong thời gian Lễ Do Thái giáo, Lễ Lều, thật đúng là ngày lễ đượm tâm tình sốt sắng, nóng lòng chờ đợi Đấng Mê-si-a. Thánh Gio-an kể rằng, Chúa Giê-su, như mọi người Do Thái thánh thiện lên Giê-ru-sa-lem trong dịp này. Mặc cho mọi sự bắt đầu không hay đối với Ngài, cuộc xử án Ngài đã trong dự kiến: từ các cơ quan chính quyền đến người thường dân, tất cả xôn xao đặt câu hỏi về Ngài. Chúa có những kẻ thù ra mặt, có nhiều lần họ muốn bắt Ngài, kể cà ném đá Ngài. Nhưng, Ngài vẫn đến Giê-ru-sa-lem; này đây, Chúa đang trong Đền thờ, và đứng lên phát biểu.

Ngài cố gắng giải thích cho những đối thủ của Ngài hiểu tại sao Ngài hành động, và cho ai; nhưng, những lời giải thích càng làm cho trường hợp của Ngài trầm trọng thêm nữa! Vài ngày trước, Chúa cũng đã chữa lành một người khuyết tật, tại thành Giê-ru-sa-lem này; một ngày Sa-bát, ông Mô-sê đã truyền lệnh phải nghỉ hoàn toàn để dành ngày này vào việc nghiên cứu Thánh Kinh và cầu nguyện. Thế thì Ngài cho Mình là ai? Tệ hơn nữa, cũng trong dịp chữa lành ngày Sa-bát, Ngài dám nói với các người chống đối: hãy ngưng phán xét chỉ dựa vào bề ngoài, hãy học xét xử theo công chính! Trong lúc mọi người Do Thái đều biết, chỉ có mình Thiên Chúa mới có thể phán xét và chỉ có Ngài mới công chính. Bài Đọc 1 ngày Chúa nhật thứ tư Mùa Chay này nhắc lại cho chúng ta: «Thiên Chúa không nhìn theo kiểu người phàm: người phàm chỉ thấy điều mắt thấy, còn ĐỨC CHÚA thì thấy tận đáy lòng» (1Sm 16, 7). Nói những câu như thế là tự cho mình, ít nữa là người phát ngôn của Chúa, hay ngay cả Thiên Chúa chính là Ngài… Cuộc tranh luận cứ như thế càng thêm trầm trọng, người ta còn muốn cả ném đá Ngài. Sự kiện này, Chúa còn thoát được, nhưng ngày của Chúa đã đìểm. Ngài bước ra khỏi đền, lần này nữa, lại là ngày Sa-bát, và trên đường Ngài gặp người mù.

Cuộc gặp giữa Chúa Giê-su và người mù diễn ra trong ba giai đoạn. Ban đầu Chúa Giê-su nhào bùn đặt vào mắt người mù; Ngài tìm lại cử chỉ của người thợ làm đồ gốm. Dĩ nhiên, điều này nhắc đến Người thợ làm đồ gốm trong tường thuật Tạo Dựng; Thiên Chúa đã nắn ra con người từ bụi đất. Giai đoạn thứ hai, người mù đi rửa ở hồ Si-lô-ắc (có nghĩa là “được gởi đi”), chính lúc ấy, tác động chữa lành của Chúa Ki-tô mới hiệu nghiệm. Đương nhiên, chúng ta nghĩ đến phép Rửa Tội của chúng ta. Sau cùng, giai đoạn thứ ba, trong cuộc gặp gỡ lần thứ hai; lần này, Chúa Giê-su mở mắt người mù, cho thấy một ánh sáng khác, đó là đức tin. Trong tường thuật công trình Tạo Dựng cũng như thế, Thiên Chúa làm hai cử chỉ: Ngài nắn con người bằng bụi đất, cũng như Ngài nhào nặn các súc vật, nhưng chỉ nơi con người, Ngài mới thổi vào hơi thở sự sống. Đó là kỳ công của Thiên Chúa: trước tiên là Tạo Dựng, nhưng, nhất là đề nghị chia sẻ hơi thở với Ngài, chính sự sống của Ngài. Và điều ấy chỉ hoàn tất trong Chúa Giê-su Ki-tô.

Bây giờ, chúng ta trở về trường hợp người mù bẩm sinh; Chúa Giê-su làm cho trường hợp của Ngài càng trầm trọng hơn, và các cuộc tranh luận tiếp diễn. Thật vậy, chữa lành một người mù, đó là một hành động của Thiên Chúa. Trong sách Xuất Hành, có một câu mà mọi người Do Thái thuộc nằm lòng. Ông Mô- sê lo lắng sau khi được Chúa trao cho sứ vụ, ông nói: «con không phải là kẻ có tài ăn nói, vì con cứng miệng cứng lưỡi» (Xh 4, 10). Chúa trả lời: «Ai cho con người có mồm có miệng? Ai làm cho nó phải câm phải điếc, cho mắt nó sáng hay phải mù loà? Há chẳng phải là Ta, ĐỨC CHÚA, đó sao?» (Xh 4, 11). Chúa Giê-su vừa minh chứng Ngài chính là ánh sáng thế gian, ánh sánh chiếu cho mọi người; từ việc xuống thế của Ngài, như Thánh Gio-an nói trong phần mở đầu Tin Mừng ngài viết. Sau khi người mù được chữa lành, những người được rửa tội là những nhân chứng giữa thế gian; Giáo Hội sơ khai gọi họ là những người được «thiên khải».

***

 

Tác giả: Marie-Noëlle Thabut                       
Nguồn: Sách L’ intelligence des Ecritures Socéval Editions


Dịch giả: E. Máccô Lương Huỳnh Ngân               
Hiệu đính: Phêrô Nguyễn Thế Hoằng.                 


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com