Lời Chúa CN

Phúc Âm CN VII PHỤC SINH B. Lễ Thăng Thiên ( Mc 16,15-20) 17/05/2015

 

"Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo."

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô

 

15 Người nói với các ông: "Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo.

16 Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án.

17 Đây là những dấu lạ sẽ đi theo những ai có lòng tin: nhân danh Thầy, họ sẽ trừ được quỷ, sẽ nói được những tiếng mới lạ.

18 Họ sẽ cầm được rắn, và dù có uống nhằm thuốc độc, thì cũng chẳng sao. Và nếu họ đặt tay trên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khoẻ."

19 Nói xong, Chúa Giê-su được đưa lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa.

20 Còn các Tông Đồ thì ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng.

 

Tin Mừng theo thánh Mác-cô kết thúc giống như lúc mở đầu bằng chữ « Phúc Âm »(Có nghĩa là Tin Mừng) , chữ này được lặp lại ba lần trong chương thứ nhất và hai lần trong bài hôm nay. Trong bản dịch bằng Pháp ngữ câu 20 :« 20 Còn các Tông Đồ thì ra đi rao giảng (Tin Mừng)  khắp nơi ». Phúc Âm bắt đầu như thế này : « 1 Khởi đầu Tin Mừng Đức Giê-su Ki-tô, Con Thiên Chúa »( Mc 1,1), xa hơn một chút thánh Mác-cô viết : « 15 Người nói: "Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng." ( Mc 1,15). Việc lặp lại như thế dĩ nhiên là cố ý, cùng một chữ cho đến cuối bài, có ngụ ý rằng các Tông Đồ nay tiếp tục sứ vụ : « 20 Còn các Tông Đồ thì ra đi rao giảng ( Tin Mừng)  khắp nơi ». Chính Chúa Giê-su trao cho các Tông Đồ sứ vụ Ngài từng đảm nhiệm cho tới ngày nay : « Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo ». Và liền sau đó Ngài nói rõ nội dung Tin Mừng ấy « 16 Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án ». Nói cách khác, nhân loại được cứu độ chỉ với một điều kiện là tin vào Đức Giê-su Ki-tô mà thôi. Mối bòng bong hận thù, chiến tranh, lòng ganh tị, bạo lực không phải là một định mệnh dành cho nhân loại, từ thế kỷ này sang thế kỷ khác. Chúa Giê-su Ki-tô đã bẻ gãy cái mối bòng bong ấy. Sau Ngài chúng ta có thể sống tự do với điều kiện phải giống như Ngài.

Đó là ý nghĩa của chữ « tin » tức là « dính liền, dính vào, buộc vào ». Cũng như Chúa Giê-su nói : « ở trong »  Ngài, hay như cành nho dính vào thân nho. : « .4 Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em. Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy. 5 Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được.» ( Ga 15,4-5). Giờ đây chúng ta có thể hiểu phần thứ hai của câu : « còn ai không tin, thì sẽ bị kết án » .Chúng ta không phải dưới máy chém của một vị thẩm phán muốn kết án ai thì kết án. Nhưng chúng ta trong tay của một người Cha sẵn sàng mở vòng tay đón tiếp những ai đồng hành cùng Đứa Con Đầu Lòng của Thiên Chúa. Thế nhưng Ngài để chúng ta tự do : Chúng ta có thể từ chối và tự cắt lìa với suối nguồn của ơn Cứu Độ.

Thì đây các Tông Đồ được gởi đi khắp nơi trên thế giới mang tin cứu độ. Các điều rao giảng được cùng với những chứng cứ xác thực kèm theo : « 20 Còn các Tông Đồ thì ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng ». Chúa Giê-su đã hứa với các ông : « 17 Đây là những dấu lạ sẽ đi theo những ai có lòng tin: nhân danh Thầy, họ sẽ trừ được quỷ, sẽ nói được những tiếng mới lạ.18 Họ sẽ cầm được rắn, và dù có uống nhằm thuốc độc, thì cũng chẳng sao. Và nếu họ đặt tay trên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khoẻ ».

Thật vậy, sách Công Vụ Tông Đồ cũng thuật lại những sự kiện tương tợ như thế : « 5 Ông Phi-líp-phê xuống một thành miền Sa-ma-ri và rao giảng Đức Ki-tô cho dân cư ở đó. 6 Đám đông một lòng chú ý đến những điều ông Phi-líp-phê giảng, bởi được nghe đồn và được chứng kiến những dấu lạ ông làm. 7 Thật vậy, các thần ô uế vừa kêu lớn tiếng vừa xuất khỏi nhiều người trong số những kẻ bị chúng ám. Nhiều người tê bại và tàn tật được chữa lành » ( Cv 8,5-7). Việc nói nhiều thứ tiếng được nhiều người chứng kiến vào ngày Lễ Ngũ Tuần (2,4) tại nhà người Đại Đội Trưởng Cô-nê-li-ô (10,46) hay lúc thánh Phao-lô đến Ê-phê-sô. : « 6 Và khi ông Phao-lô đặt tay trên họ, thì Thánh Thần ngự xuống trên họ, họ nói tiếng lạ và nói tiên tri… » ( Cv 19,6). Sau cùng, thánh Lu-ca kể rằng khi thánh Phao-lô tới đảo Malte, ngài bị rắn độc cắn nhưng thoát nạn : « 3 Ông Phao-lô vơ được một mớ cành khô và đang bỏ vào lửa, thì một con rắn độc bị nóng bò ra, cuốn vào tay ông…5 Nhưng ông giũ con vật vào lửa mà không hề hấn gì » ( 28,3…5). Không vì thế mà Chúa Giê-su truyền cho các tín hữu ma thuật thần kỳ : « 19 Đây, Thầy đã ban cho anh em quyền năng để đạp lên rắn rết, bọ cạp và mọi thế lực Kẻ Thù, mà chẳng có gì làm hại được anh em. 20 Tuy nhiên, anh em chớ mừng vì quỷ thần phải khuất phục anh em, nhưng hãy mừng vì tên anh em đã được ghi trên trời » ( Lc10, 19-20). Những điều lạ ấy là dấu hiệu sự tạo dựng mới đã khởi đầu. Tới đây chúng ta nghe như một tiếng vang lời Tiên Tri rất nổi tiếng của I-sa-i-a : « 6 Bấy giờ sói sẽ ở với chiên con, beo nằm bên dê nhỏ. Bò tơ và sư tử non được nuôi chung với nhau, một cậu bé sẽ chăn dắt chúng. 7 Bò cái kết thân cùng gấu cái, con của chúng nằm chung một chỗ, sư tử cũng ăn rơm như bò. 8 Bé thơ còn đang bú giỡn chơi bên hang rắn lục, trẻ thơ vừa cai sữa thọc tay vào ổ rắn hổ mang. 9 Sẽ không còn ai tác hại và tàn phá trên khắp núi thánh của Ta, vì sự hiểu biết ĐỨC CHÚA sẽ tràn ngập đất này, cũng như nước lấp đầy lòng biển » ( Is 11,6-9)

Chính thánh Mác-cô này cũng đã ám chỉ giấc mơ xưa về đời sống hài hoà khi viết đoạn Chúa Giê-su bị cám dỗ, thánh sử viết rằng Chúa Giê-su sống chung với thú rừng ( Mc 1,13).

Bài nói về Chúa Thăng Thiên thật sự có thể tóm ngắn gọn bằng vài chữ : « 19 Nói xong, Chúa Giê-su được đưa lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa », nhưng đối với những ai đọc Tin Mừng theo thánh Mác-cô dòng chữ này mang một ý nghĩa lớn lao, gợi lại những lời hứa của Cựu Ước về đấng Mê-si-a. Đặc biệt lời tiên tri Đa-ni-en, Con Người đến từ đám mây lãnh nhận : « quyền thống trị, vinh quang và vương vị » ( Đn 7,14).  Người nghe chính Đức Chúa Cha đọc câu trao vương quyền : « Hãy ngự bên hữu của Ta » .

Phụ bản : Đền Thánh Giê-ru-sa lem, tượng trưng cho sự hiện diện của Chúa, được xây phía Bắc đền vua. Như thế từ sân điện nhìn về phương Đông, ngai vua ở bên phải của Chúa.

***

 


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com