Lời Chúa CN

TÌM HIỂU CỰU ƯỚC CHÚA NHẬT 25 THƯỜNG NIÊN NĂM A - 20/09/2020

BÀI ĐỌC 1 (Is 55, 6-9)

 

«Tư tưởng Ta không phải là tư tưởng các ngươi»

 

Trích sách tiên tri I-sa-i-a

 

6 Hãy tìm ĐỨC CHÚA khi Người còn cho gặp,
kêu cầu Người lúc Người ở kề bên.

7 Kẻ gian ác, hãy bỏ đường lối mình đang theo,
người bất lương, hãy bỏ tư tưởng mình đang có
mà trở về với ĐỨC CHÚA - và Người sẽ xót thương -,
về với Thiên Chúa chúng ta, vì Người sẽ rộng lòng tha thứ.

8 Thật vậy, tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi,
và đường lối các ngươi không phải là đường lối của Ta
- sấm ngôn của ĐỨC CHÚA.

9 Trời cao hơn đất chừng nào
thì đường lối của Ta cũng cao hơn đường lối các ngươi,
và tư tưởng của Ta cũng cao hơn tư tưởng các ngươi chừng ấy.

 

« 6 Hãy tìm ĐỨC CHÚA khi Người còn cho gặp, kêu cầu Người lúc Người ở kề bên.»: câu này không có nghĩa «hãy nhanh lên hay Ngài sẽ cách xa» đó là cách hiểu trái nghĩa, không nên vấp phải! Không có lúc nào Chúa không cho chúng ta gặp, không có lúc nào Chúa không gần gũi chúng ta! Phải hiểu như sau đây (và cũng là cách chuyển ngữ Kinh Thánh theo bản dịch Đa Tôn): «Hãy tìm Đức Chúa vì Người cho gặp, hãy kêu cầu vì Người ở cạnh bên». Chính chúng ta mới luôn xa cách Chúa. Và thật vậy, trong tự do, chúng ta có lúc xa Chúa đến nỗi không còn muốn tìm gặp Ngài nữa. Phải xét kỹ, trong tinh thần nào, bài này viết ra những dòng này. Tiên tri I-sa-i-a viết cho những kẻ hoàn toàn thất vọng. Bị đày sang Ba-by-lon, trong những điều kiện vô cùng khó khăn. Ít-ra-en có khuynh hướng nghĩ rằng bị Chúa bỏ rơi. Đến độ, họ tự hỏi làm thế nào dám hi vọng Chúa có thể tha thứ, khôi phục dân Ngài chọn. Nếu ai ngờ vực, nghi kỵ như thế. Phải nhất quyết quay lưng lại với lối suy nghĩ ấy: Tiên tri nói đó là những tư tưởng nham hiểm, độc ác; những tư tưởng lầm lẫn về Thiên Chúa và làm chúng ta xa cách Ngài. Tư tưởng thâm độc ấy, chính làm cho chúng ta nghĩ rằng Chúa không có thể gần gũi, không thể nào với tới Ngài được, là Chúa không thể tha thứ được. Đấy hẳn là một điều quan trọng của bài này. Không phải vì Chúa có vẻ thinh lặng là Ngài vắng mặt hay xa cách.

Ở đây cũng như thường thấy trong Thánh Kinh, đề tài con đường: Ngờ vực Chúa, tưởng tượng Ngài hung dữ, cứng rắn, báo thù, đó là cách chọn trái đường, làm cho chúng ta dần dần xa Ngài, và như thế. Bởi vỉ chúng ta không tin Ngài từ bi nhân hậu, chính chúng ta không đón nhận Ngài. Đứa trẻ dậy thì nghi ngờ cha mẹ, vì thế không hưởng được những biểu hiện lòng âu yếm của cha mẹ, thực ra lúc nào cha mẹ  cũng muốn trao cho nó; nó không thấy vì nó quay lưng lại với họ. Tiên tri I-sa-i-a nói: Hãy quay lại, hãy trở lại với Thiên Chúa, anh em sẽ tái khám phá ra Ngài thương xót anh em và Ngài giàu lòng tha thứ.

Sự mặc khải Thiên Chúa từ bi nhân hậu và hay tha thứ luôn hiện diện trong Cựu Ước, rất lâu trước khi Chúa Giê-su xuống thế. Chỉ cần đọc lại các sách tiên tri. Ví dụ như tiên tri Hô-sê, ngài có những câu tuyệt vời nói lên tư tưởng Thiên Chúa: «Trái tim Ta thổn thức, ruột gan Ta bồi hồi. 9 Ta sẽ không hành động theo cơn nóng giận…vì Ta là Thiên Chúa, chứ không phải người phàm. Ở giữa ngươi, Ta là Đấng Thánh, và Ta sẽ không đến trong cơn thịnh nộ.» (Hs11, 8-9) Theo Thánh Kinh chữ «Đấng Thánh» có nghĩa là Đấng Siêu Việt. Và vì lẽ đó, Chúa là Đấng Siêu Việt, Đấng Thánh: khi Ngài từ bi nhân hậu và giàu lòng tha thứ. Chúng ta hãy đọc tiên tri Giê-rê-mi-a: «Vì chính Ta biết các kế hoạch Ta định làm cho các ngươi - sấm ngôn của ĐỨC CHÚA -, kế hoạch thịnh vượng, chứ không phải tai ương, để các ngươi có một tương lai và một niềm hy vọng» (Gr29, 11), Và dĩ nhiên chúng ta nghĩ đến câu tuyệt vời của Thánh Kinh: «Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính.» (Mt5, 45)

Có cuộc đối thoại tuyệt vời trong sách Giô-na. Giô-na bất bình Chúa quá khoan dung đối với những hành vi ghê tởm của dân thành Ni-ni-vê, kẻ thù truyền kiếp của Ít-ra-en, ông trách Chúa quá tốt bụng: «Thật vậy, con biết rằng Ngài là Thiên Chúa từ bi nhân hậu, chậm giận và giàu tình thương, và hối tiếc vì đã giáng hoạ» (Gn4, 2) Và Chúa giải thích lý do: «Còn Ta, chẳng lẽ Ta lại không thương hại Ni-ni-vê, thành phố lớn, trong đó có hơn một trăm hai mươi ngàn người không phân biệt được bên phải với bên trái, và lại có rất nhiều thú vật hay sao?» (Gn4, 11) 

Sau cùng, không chỉ có các tiên tri mới quả quyết như thế. Trong sách Sử Biên chúng ta có thể đọc: «nếu dân Ta, dân vốn kêu cầu Danh Ta, mà biết hạ mình xuống khẩn nguyện và tìm kiếm Nhan Ta, từ bỏ những con đường xấu xa mà trở lại, thì Ta, từ trời, Ta sẽ nghe và thứ tha tội lỗi nó và sẽ phục hưng xứ sở của nó» (2Sb7, 14) Trong Thánh Kinh, ngay từ Cựu Ước đã có đầy những mặc khải về lòng tha thứ Thiên Chúa… Một khi được mặc khải như thế, chúng ta chỉ thấy điều ấy trong Thánh Kinh! Ngược lại, mỗi khi không thấy trong Lời Chúa loan báo lòng từ bi nhân hâu của Chúa lúc nào cũng ban cho, là khi ấy chúng ta không hiểu bài này rồi! Dân tộc Ít-ra-en được ưu đãi nhận được hai mặc khải song đôi tuyệt vời ấy: Chúa vừa là Đấng Siêu Việt Cực Thánh, vừa là Đấng thật Gần Gũi, Chúa «Từ bi nhân hậu và hay tha thứ» được mặc khải cho ông Mô-sê. ( Xh34, 6)     

Tiên tri I-sa-i-a tóm gọn mặc khải ấy trong một câu tuyệt vời: «Trời cao hơn đất chừng nào
thì đường lối của Ta cũng cao hơn đường lối các ngươi, và tư tưởng của Ta cũng cao hơn tư tưởng các ngươi chừng ấy
.» (Is55, 9). Khoảng cách vô tận giữa trời và đất là một hình ảnh  biểu đạt rất rõ để nói lên cho chúng ta Chúa tất nhiên là Đấng Siêu Việt. Đồng thời Ngài Rất Gần Gũi. Là Đấng «giàu lòng xót thuơng hay tha thứ». Và chính vì giàu lòng tha thứ, tiên tri I-sa-i-a mới nói khoảng cách giữa Thiên Chúa và chúng ta là vô tận, như trời và đất. Bài của chúng ta nói rõ Người sẽ rộng lòng tha thứ (c7)…Vì «tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi» (c8)  Tất cả nằm trong chữ  «vì », không may chữ này thường không được chú ý. Điều tiên tri I-sa-i-a muốn nói, ở đây là chúng ta không cùng âm vực với Chúa: Bản chất, là tình yêu, Ngài trên âm vực của cho nhưng không, là «ân sủng » - âm vực của tha thứ vô điều kiện; còn chúng ta, trên âm vực của tính toán, có qua có lại. Chúng ta muốn kẻ lành được thưởng và kẻ dữ bị phạt…Chúng ta nói «đạt được» nước trời, trong lúc ấy Chúa đề nghị chúng ta sống với quan hệ tình yêu, là bởi định nghĩa, tình yêu cho đi nhưng không. Trong vương quốc của tình yêu không có ngân hàng, không có ngân phiếu, chúng ta đều biết thế!

Nhận xét cuối cùng: «tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi» (c8). Khoảng cách vô tận giữa Thiên Chúa và chúng ta, giải thích sự bất cập ngôn ngữ chúng ta về Ngài! Vì thế, câu này phải được xem là một lời mời gọi chúng ta khiêm tốn và khoan dung: Khiêm tốn khi dám nói về Chúa, khoan dung khi nghe kẻ khác nói về Ngài. Ai trong chúng ta có thể nói đo được tư tưởng của Chúa?

***

 

THÁNH VỊNH (Tv144, 2-3.8-9, 17-18)

 

Đáp ca: Lạy Chúa, Chúa mở tộng bàn tay ra, và thi ân cho chúng con được no nê

 

8 CHÚA là Đấng từ bi nhân hậu,
Người chậm giận và giàu tình thương.

9 CHÚA nhân ái đối với mọi người,
tỏ lòng nhân hậu với muôn loài Chúa đã dựng nên.

15 Lạy Chúa, muôn loài ngước mắt trông lên Chúa,
và chính Ngài đúng bữa cho ăn.

16 Khi Ngài rộng mở tay ban,
là bao sinh vật muôn vàn thoả thuê.

17 CHÚA công minh trong mọi đường lối Chúa,
đầy yêu thương trong mọi việc Người làm.

18 CHÚA gần gũi tất cả những ai cầu khẩn Chúa,
mọi kẻ thành tâm cầu khẩn Người.

 

Không gì làm tiếng vang cho Bài đọc 1 hôm nay hay hơn bài Thánh vịnh này! Sách Tiên tri I-sa-i-a tóm tắt tất cả đức tin It-ra-en trong vài câu: Được mặc khải một Thiên Chúa đầy lòng từ bi nhân hậu, giàu lòng tha thứ, kêu gọi dân Ngài: «Hãy trở lại với Ta». Bài Thánh Vịnh là lời đáp của dân chúng trở lại với Chúa: «2 Ngày lại ngày, con xin chúc tụng Chúa và ca ngợi Thánh Danh muôn thuở muôn đời». Đúng là bài ca ngợi khen lòng tin trở lại.

Chúng ta không lạ gì bài này được chọn làm Kinh Mai Do Thái. Đối với một tín hữu Do Thái, buổi sáng (bình minh ngày mới) gợi lên buổi bình minh của ngày vĩnh hằng, ngày của thế giới mới, của tạo vật mới…Và nếu tìm hiểu sâu xa hơn tín lý Do Thái, sách Talmud (sách giáo khoa các giáo trưởng Do Thái vào những thế kỷ đầu sau CN) quả quyết rằng người nào đọc ba lần bài Thánh vịnh này, có thể chắc chắn «sẽ là con của thế giới mới».

Chúng ta đã có dịp đọc bài Thánh vịnh này và chiêm ngắm cấu trúc của nó. Nếu xem trong Thánh Kinh, bài này thuộc loại Thánh vịnh theo vần A-B-C. Cũng cần biết đây là thánh vịnh tạ ơn Giao Ước: Đó là cách nói trọn đời ta, từ A đến Z (theo tiếng Do Thái từ Aleph đến Tav) được chìm đắm trong Giao Ước, trong lòng trìu mến của Thiên Chúa. Điều thứ hai, đáng chú ý về hình thức, bài Thánh Vịnh là sự tương đồng từng hai câu một. Đáng được đọc hai bè, hay hát hai nhóm luân phiên nhau.

Nếu xét kỹ các câu được chọn hôm nay, chúng ta lưu ý hai điều: Thứ nhất, nội dung vừa súc tích vừa đầy đủ tất cả mặc khải của Chúa. Điều thứ hai, bài Thánh Vịnh này rất hài hoà và khớp với các Lời Chúa khác của phụng vụ Chúa nhật hôm nay.    

Trong Bài đọc 1 Sách Khôn ngoan nói: «23 Nhưng Chúa xót thương hết mọi người, vì Chúa làm được hết mọi sự. Chúa nhắm mắt làm ngơ, không nhìn đến tội lỗi loài người, để họ còn ăn năn hối cải.» Bài Thánh Vịnh, như tiếng vang: 9 CHÚA nhân ái đối với mọi người, tỏ lòng nhân hậu với muôn loài Chúa đã dựng nên.»

Trong câu 3: «3 CHÚA thật cao cả, xứng muôn lời ca tụng. Người cao cả khôn dò khôn thấu.», chữ cao cả thường dùng cho vua chúa, hơn nữa câu 1 nói: «Lạy Thiên Chúa con thờ là Vua của con». Vua ở đây không phải các vua chúng ta tìm thấy dưới trái đất. Một Vị Vua vừa toàn năng vừa nhân hậu: Ngài chỉ muốn chúng ta hạnh phúc…Đấy là sự mặc khải dân It-ra-en nhận được suốt lịch sử của họ. Khi nói tới quyền năng của vị Vua này khác với mọi vị vua, quyền năng ấy chỉ là tình yêu: «8 CHÚA là Đấng từ bi nhân hậu, Người chậm giận và giàu tình thương». Đây là câu tóm tắt tuyệt vời nhất tất cả mặc khải của Thánh Kinh. Tiên tri I-sa-i-a cũng nói: «Người… rộng lòng tha thứ.» (Is55, 7)…có nghĩa là các tư tưởng khác là sai trái…Ở đây, It-ra-en nói thế vì đã trải nghiệm: Biết bao lần, đặc biệt khi bị lưu đày Ba-by-lon, họ đã van xin và được Thiên Chúa thứ tha và trở lại với Ngài?...Từ nay, toàn dân trở về Đền Giê-ru-sa-lem vừa được xây lại, một lòng hát lên: Vâng, thật vậy: «18CHÚA gần gũi tất cả những ai cầu khẩn Chúa, mọi kẻ thành tâm cầu khẩn Người.» (Tv 144 (145), 18)

Họ biết sứ vụ là phải cất tiếng ca lớn lên để mọi người biết, lòng từ bi, giàu tha thứ của Chúa dành cho mọi người: «9 CHÚA nhân ái đối với mọi người, tỏ lòng nhân hậu với muôn loài Chúa đã dựng nên.». Tính cách hoàn vũ của công trình Thiên Chúa là đề tài suốt Cựu Ước: Chúa yêu thương cả nhân loại, và dự án tình yêu của Ngài, kế hoạch yêu thương của Ngài gồm cả nhân loại, tất cả tạo vật.

Để kết luận, nếu đọc trọn bài Thánh Vịnh này, chúng ta sẽ khám phá ra bài Thánh vịnh thật giống Kinh Lạy Cha. Ví dụ như Kinh Lạy Cha nói với Chúa như con nói với Cha hay là với đức Vua. Chúa như một người cha đầy lòng từ bi và tha thứ, như trong bài thánh vịnh, như một vị Vua mà chủ đích duy nhất đem hạnh phúc cho mọi người: «Lạy Cha…xin cho chúng con…xin tha thứ chúng con…nước Cha trị đến…xin cứu chúng con cho khỏi mọi sự dữ…ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên Trời… » vì, chúng ta đều biết, qua lời Thánh Phao-lô: Chúa là «Đấng muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý» (1Tm2, 4). Tới đây, chúng ta hiểu vì sao bài Thánh vịnh này được dân Do Thái chọn làm Kinh Mai trong Phụng Vụ, của dân đầu tiên được dạy gọi Thiên Chúa là Cha.

***

 

Tác giả: Marie-Noëlle Thabut                       
Nguồn: Sách L’ intelligence des Ecritures Socéval Editions


Dịch giả: E. Máccô Lương Huỳnh Ngân               
Hiệu đính: Phêrô Nguyễn Thế Hoằng                  


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com