Lời Chúa CN

TÌM HIỂU TÂN ƯỚC CHÚA NHẬT LỄ CHÚA CHỊU PHÉP RỬA NĂM B - 10/01/2021

BÀI ĐỌC 2 (Cv 10, 34-38)

 

"Chúa dùng Thánh Thần mà xức dầu tấn phong cho Người".

Trích sách Tông đồ Công vụ.

 

34 Bấy giờ ông Phê-rô lên tiếng nói: "Quả thật, tôi biết rõ Thiên Chúa không thiên vị người nào

 

35 Nhưng hể ai kính sợ Thiên Chúa và ăn ngay ở lành, thì dù thuộc bất cứ dân tộc nào, cũng đều được Người tiếp nhận.

 

36 "Người đã gửi đến cho con cái nhà Ít-ra-en lời loan báo Tin Mừng bình an, nhờ Đức Giê-su Ki-tô, là Chúa của mọi người.

 

37 Quý vị biết rõ biến cố đã xảy ra trong toàn cõi Giu-đê, bắt đầu từ miền Ga-li-lê, sau phép rửa mà ông Gio-an rao giảng.

 

38 Quý vị biết rõ: Đức Giê-su xuất thân từ Na-da-rét, Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu tấn phong Người. Đi tới đâu là Người thi ân giáng phúc tới đó, và chữa lành mọi kẻ bị ma quỷ kiềm chế, bởi vì Thiên Chúa ở với Người.

 

Đây, gần như là một cuộc cách mạng: Thánh Phê-rô không tuân theo lề thói: Không bao giờ vào nhà một người ngoại đạo, lại là nhà ông đại đội trưởng Rô-ma, Cô-nê-li-ô. Cũng thành thật mà nói rằng, chính Thánh Linh đã ép ông một chút. Vì phụng vụ không nói tới câu chuyện giữa Thánh Phê-rô và ông Cô-nê-li-ô, tôi xin kể vậy.

Hãy tưởng tượng hai nhà cách nhau chừng 50km, nhà ông Cô-nê-li-ô ở Xê-da-rê và nhà thánh Phê-rô ở Giô-pê (Hay là Gia-pha hay Ten-la-vi ngày nay). Trong hai nhà này có xảy ra những điều lạ và bất ngờ. Bắt đầu ở Xê-da-rê. Cô-nê-li-ô là gốc người Ý, sĩ quan của Vương Triều Rô-ma, đang đóng doanh trại tại thành phố ven biển Xê-da-rê, đó là bờ biển Địa Trung Hải của xứ Do Thái. Trước mắt người Do Thái, ông này là một người đáng kính, thánh thiện, hồi ấy người ta gọi là người «Kính Sợ Chúa». Tức là gần như nói ông này đã trở lại Đạo Do Thái, nhưng chưa đến nỗi được cắt bì. Người ta biết ông thường bố thí và trợ giúp đền thờ thành Xê-da-rê. Đấy là ông Cô-nê-li-ô trong nhà ông ở Xê-da-rê.

Một ngày kia, khoảng 3 giờ trưa ông chợt chứng kiến một linh thị: Một vị thiên thần của Thiên Chúa đứng trước mặt ông và nói: «Cô-nê-li-ô!». Ông run rẩy trả lời: «Ngài muốn chi con?» (Cv10, 3-4)Thiên thần trả lời: «Chúa nghe anh cầu nguyện, biết anh thường bố thí cho người nghèo, bây giờ hãy cho người đi tìm Phê-rô tại thành Giô-pê. Người của anh sẽ tìm dễ dàng vì Phê-rô ở ven bờ biển trong nhà một người làm nghề thuộc da, tên là Si-môn». (x Cv 10, 4-8). Thiên thần vừa biến mất, Cô-nê-li-ô sai hai bộ hạ thân tín cùng với một cận vệ đi về phía Giô-pê.

Họ đi bộ phải mất một ngày trời. Hôm sau, trước khi họ tới nơi, chính tại Giô-pê lại xảy ra những chuyện lạ.

Phê-rô lên gác cầu nguyện vì sắp đến trưa. Cũng tới giờ cơm ông cũng bắt đầu đói; và cũng chính lúc này ông cũng có một linh thị. Từ trời hạ xuống một cái lều đầy các thứ thú gia cầm; có một giọng nói vang lên: «Này Phê-rô hãy bắt một con làm thịt mà ăn!». Không thể nào một người Do Thái giữ đạo mà làm như thế! Trước hết phải phân biệt con nào là được phép ăn, con nào không. Vì thế Phrô trả lời ngay,

«Lạy Chúa con không bao giờ ăn thứ gì cấm, thứ gì ô uế».

«Cái gì Thiên Chúa phán là trong sạch, chẳng lẽ con là Phê-rô lại bảo là đồ không được ăn! Có phải loài người quyết định sao?»

Thánh Phao-lô sau này dạy cho dân thành Rô-ma: «14 Trong Chúa Giê-su, tôi biết và xác tín rằng không có gì tự nó là ô uế; có ô uế là chỉ đối với người cho nó là ô uế» (Rm 14, 14)

Thật là khó làm cho Phê-rô chấp nhận các lý lẽ đó, vì thế thánh Lu-ca kể lại cảnh này tái diễn ba lần. Và ngài còn thêm rằng Phê-rô cũng không bao giờ hiểu sau khi linh thị đó đã qua.

Chắc các bạn cũng đã đoán. Chính lúc ấy là những người của Cô-nê-li-ô vừa gõ cửa ở dưới nhà; và trên gác, Chúa Thánh Thần phán cùng Phê rô: «Người ta gọi con ở dưới, hãy theo những người này vì chính Ta đã gởi họ tới». (Cv 10, 20). Các bạn có thể đoán sau đó chuyện gì xảy ra. Phê-rô xuống nhà gặp những người khách, hỏi tự sự, và tiếp đón ân cần mời qua đêm để hôm sau lên đường đi Xê-da-rê. Xin lưu ý rằng Phê-rô không đi một mình, đem theo vài tín hữu đi cùng với mình. Ông đoán rằng chuyện này quan trọng lắm, nên Chúa Thánh Thần mới can thiệp vào, và nếu phải lấy một quyết định quan trọng gì, thì có nhiều người thì hơn- Lại thêm một ngày đường nữa trên hướng ngược lại về phía Xê-da-rê, hôm sau mới tới.

Cảnh tới nhà Co-nê-li-ô thật tuyệt: Co-nê-li-ô triệu tập kẻ trong, người ngoài để đón tiếp. Khi Phê-rô vừa tới, Co-nê-li-ô liền quỳ sụp xuống, nhưng Phê-rô thốt ra một câu tuyệt vời:

«Anh hãy đứng lên, tôi chỉ là con người như anh». Và đứng trước mọi người Phê-rô tuyên bố những gì anh đã hiểu được qua cuộc linh thị tại Giô-pê: «Chúa vừa làm cho tôi hiểu không bao giờ nên tuyên bố người nào xấu xa hay ô uế» (Rm 14, 14). Điều này có ngụ ý nói, hôm nay là lần đầu trong đời, tôi tự cho phép tôi, một người Do Thái, bước vào nhà một người ngoại đạo. Sau đó, đến lược Co-nê-li-ô cũng kể lại vì sao ông, theo lệnh thiên thần, cho mời Phê-rô đến nhà. Thì đây, chính lúc đó chúng ta nghe bài phát biểu của Thánh Phê-rô trong đầu bài đọc hôm nay:

"Quả thật, tôi biết rõ Thiên Chúa không thiên vị người nào. 35 Nhưng hễ ai kính sợ Thiên Chúa và ăn ngay ở lành, thì dù thuộc bất cứ dân tộc nào, cũng đều được Người tiếp nhận. 36 Người đã gửi đến cho con cái nhà Ít-ra-en lời loan báo Tin Mừng bình an»Nhưng từ nay, mọi người có thể nhận đức tin từ nơi Chúa Giê-su Ki-tô.

Các bạn cũng biết ông Phê-rô sau đó làm gì? Ông định giảng thật lâu như hôm Lễ Hiện Xuống:

44 «Ông Phê-rô còn đang nói những điều đó, thì Thánh Thần đã ngự xuống trên tất cả những người đang nghe lời Thiên Chúa.45 Những tín hữu thuộc giới cắt bì cùng đến đó với ông Phê-rô đều kinh ngạc vì thấy Thiên Chúa cũng ban Thánh Thần xuống trên cảcác dân ngoại nữa,46 bởi họ nghe những người này nói các thứ tiếng và tán dương Thiên Chúa. » (Cv 10 : 44-46a)

Kết cuộc, ông Phê-rô làm điều không thể tưởng tượng có thể được, nếu không có sự can thiệp của Chúa Thánh Thần: Ngài làm phép Rửa cho họ.

 "Những người này đã nhận được Thánh Thần cũng như chúng ta, thì ai có thể ngăn cản chúng ta lấy nước làm phép rửa cho họ?» (Cv 10 :47)

Chương trình của chúa Giêsu đã sắp xếp cho các Tông Đồ của Ngài, ngày Lễ Chúa Lên Trời đang thực hiện (Cv 1, 8):

«…nhưng anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giê-ru-sa-lem, trong khắp các miền Giu-đê, Sa-ma-ri và cho đến tận cùng trái đất.»

***

 

Phúc Âm ( Mc:1,7-11)

 

"Con là Con yêu dấu của Cha, Con đẹp lòng Cha".



Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

 

7 Ông Gio-an rao giảng rằng: "Có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người.

8 Tôi thì tôi làm phép rửa cho anh em trong nước, còn Người, Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần."

9 Hồi ấy, Đức Giê-su từ Na-da-rét miền Ga-li-lê đến, và được ông Gio-an làm phép rửa dưới sông Gio-đan.

10 Vừa lên khỏi nước, Người liền thấy các tầng trời xé ra, và thấy Thần Khí như chim bồ câu ngự xuống trên mình.

11 Lại có tiếng từ trời phán rằng: "Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con."

Chúa Giêsu chịu phép Rửa : đây là lần đầu tiên  Chúa xuất hiện trước công chúng, đánh dấu khởi đầu cuộc đời công khai của Ngài, lần đầu « vén màn » ( Mặc khải) trước mắt mọi người Ngài thật sự là ai. Ngọai trừ vài người, trước mắt mọi người, khi tới sông Gio-đan, Ngài chỉ là Giêsu thành Na-da-rét, một người như mọi người. 

9Hồi ấy, Đức Giê-su từ Na-da-rét miền Ga-li-lê đến, và được ông Gio-an làm phép rửa dưới sông Gio-đan.

Ong Gio-an loan báo: « 9Có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người »

8 Tôi thì tôi làm phép rửa cho anh em trong nước, còn Người, Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần."

Câu này có vẻ giản dị nhưng chính thực đó là một lời tuyên bố vĩ đại. Chúng ta biết rằng « rửa »tức là « dìm vào », như vậy có thể nói là « Tôi dìm bạn xuống nước, nhưng Ngài sẽ dìm bạn trong Chúa Thánh Thần ». Đối với dân Do Thái, nói thế có nghĩa là « Giêsu linh ứng lời hứa của Thiên Chúa ». Lời hứa đó mọi người thuộc nằm lòng ( Thánh Kinh), Ví dụ như Tiên Tri Giô-en khi xưa nói « ( Giô-en 3,1)  « Ta sẽ đổ thần khí Ta trên hết thảy người phàm. »

Sau đó ta lại thấy :

« 10 Vừa lên khỏi nước, Người liền thấy các tầng trời xé ra, và thấy Thần Khí như chim bồ câu ngự xuống trên mình. 

11 Lại có tiếng từ trời phán rằng: "Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con »

Muốn hiểu đoạn này của Tin Mừng, trước hết phải tưởng tượng cảnh sau đây : Dòng sông Gio-đan với Chúa Giêsu đứng dưới nước, dẫn đầu đoàn dân Chúa như Giô-suê khi xưa đưa đoàn dân Do Thái vượt sông Gio-đan tiến về đất hứa.  Các tầng trời cũng xé ra như Tiên tri Isaia ao ước  :

 « Phải chi Ngài xé trời mà ngự xuống,
cho núi non rung chuyển trước Thánh Nhan
 ».(Is 63 :19)

 Trời xé ra tức là không còn sự chia cách giữa trời và đất : Vũ trụ không còn là ngục tù cầm nhốt loài người từ khi « sợ Thiên Chúa », từ ngày đã nghi kị Chúa trong vườn địa đàng ; sự liên hệ giữa Thiên Chúa và con cái Ngài được tái lập. Vài năm sau màn của đền thờ Giê-ru-sa-lem lại bị xé ra, lúc Chúa Giêsu chết trên thánh giá.( Đối với dân Do Thái, màn tượng trưng cho vũ trụ vì nó chia ra không gian của loài ngời và không gian của Thiên Chúa). Còn Thánh Phaolô nói về cái chết đó như một lời ca tụng :  

«  19 Vì Thiên Chúa đã muốn
làm cho tất cả sự viên mãn
hiện diện ở nơi Người,

20 cũng như muốn nhờ Người
mà làm cho muôn vật
được hoà giải với mình.
Nhờ máu Người đổ ra trên thập giá,
Thiên Chúa đã đem lại bình an
cho mọi loài dưới đất
và muôn vật trên trời. »
( Côlôxê : 1,19-20)

Chúa Giêsu thấy đức Chúa Thánh Thần ngự xuống như con chim bồ câu. Tương tự như hơi thở đã thổi cho con người khi tạo dựng ; nay Thánh Linh ngự trên Người, một « Tạo Vật Mới », mọi người thấy nơi Người tất cả sứ mạng Cứu Độ. Tiên tri Isaia đã nói nhiều lần về Chúa Thánh Thần ngự trên đấng Mê-sia : 

« Thần khí ĐỨC CHÚA sẽ ngự trên vị này:
thần khí khôn ngoan và minh mẫn,
thần khí mưu lược và dũng mãnh,
thần khí hiểu biết và kính sợ ĐỨC CHÚA »
(Is :11,2)

  Và sứ vụ của đấng này cũng chính tiên tri Isaia đã tuyên bố :

 «Thần khí của ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng ngự trên tôi,
vì ĐỨC CHÚA đã xức dầu tấn phong tôi,
sai đi báo tin mừng cho kẻ nghèo hèn,
băng bó những tấm lòng tan nát,
công bố lệnh ân xá cho kẻ bị giam cầm,
ngày phóng thích cho những tù nhân »
(Is :61,1)

Và tiếng nói từ trời tuyên xưng Người là Con Thiên Chúa. :

 "Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con.".

Đây là một cách ám chỉ tới câu tuyên xưng vương cho vị tân vương của Tiên tri Na-than « Đối với nó, Ta sẽ là cha, đối với Ta, nó sẽ là con »( 2 Sa-mu-en 7,14a). Giêsu là Vua Mê-si-a. Phép Rửa đúng là một lễ phong vương. Còn hơn thế nữa, bên bờ sông Gio-đan, chức Con Thiên Chúa chỉ là Vua, nhưng sau Phục Sinh, còn có một ý nghĩa lớn lao hơn nữa : đó là mối quan hệ Phụ Tử giữa Chúa Giêsu và Đức Chúa Cha.

Trong nghi thức tuyên vương không dùng cụm chữ « Yêu dấu » (Con là Con yêu dấu ) . Có lẽ đây là ám chỉ về I-xa-ác, đứa con yêu dấu của Ap-ra-ham, đứa con mà ngài tự nguyện hiến tế…Còn lời tuyên xưng « Cha hài lòng về con » ( còn có nghĩa là Ta có thể thực hiện ý của Ta) , đây là điều trích dẫn về  I-xa-ác, nói đế đấng Mê-si-a- Người Tôi Trung.

1 « Đây là người tôi trung Ta nâng đỡ,
là người Ta tuyển chọn và quý mến hết lòng,
Ta cho thần khí Ta ngự trên nó;
nó sẽ làm sáng tỏ công lý trước muôn dân
.( Is : 42,1)

Chỉ viết vài hàng, thánh sử Mac-cô làm cho chúng ta sáng tỏ cả mầu nhiệm về Chúa Giêsu. Đấng đã hoàn tất mọi hy vọng trong Cựu Ước. Giao ước cho Người đầu tiên này trong công trình tạo dựng mới :

 « Người Con » ;

« I-xa-ác Ngày Nay » ;

« Đấng Mê-si-a Vua » ; 

« Người Tôi Trung-Mê-si-a ».

Không vì thế mà Ngài là một người đơn độc; trái lại phương pháp tiến hành của Ngài là trong lòng cả một dân tộc, và chính khi Ngài đồng hành với những người tội lỗi, lúc đó Ngài được tôn vinh là « Con » ; như Thánh Phao-lô sau này tuyên bố :

« Con của Người làm trưởng tử giữa một đàn em đông đúc »( Rm 8 : 29b) 

Bây giờ chúng ta đã hiểu và cũng sẽ không hỏi vì sao Chúa Giê-su không có tội mà chịu phép Rửa?. Chính cũng vì thế mà trung tâm của phép Rửa này không phải là tội lỗi…nhưng là để xác định tình phụ tử đối với Chúa Cha và liên đới với loài người, là anh em, ( Đó là « …chúng ta nên làm như vậy để giữ trọn đức công chính." ( Mt 3 :15))

Chúng ta thì nghĩ Phép Rửa là thanh tẩy, còn Chúa thì là Tình Yêu phụ tử và huynh đệ !.

Mầu nhiệm tình yêu và liên đới đó sẽ được hoàn tất trên Thánh Giá và thánh Mác-cô đã nhắc lại lời của Chúa Giêsu cho cho hai tông đồ khác Gia-cô-bê và Gio-an :

« Đức Giê-su bảo: "Các anh không biết các anh xin gì! Các anh có uống nổi chén Thầy sắp uống, hay chịu được phép rửa Thầy sắp chịu không? "( Mc 10 :38)

Phép rửa đã dìm chúng ta trong Thánh Thần, dìm chúng ta trong Tình Yêu của Chúa. Đó là ý nghĩa câu Đức Chúa Cha nói : «  "Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con. »

Thiên Chúa ban nhưng không qua Chúa Giêsu cho tất cả nhân loại ; chỉ cần chấp nhận Tình Yêu của Chúa ngự vào chúng ta.

***

 

 Tác giả: Marie-Noëlle Thabut                       
Nguồn: Sách L’ intelligence des Ecritures Socéval Editions


Dịch giả: E. Máccô Lương Huỳnh Ngân              

Hiệu đính: Phêrô Nguyễn Thế Hoằng                


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com