Lời Chúa CN

Bài đọc 1 : LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG - B ( Cv 2,1-11) 24/5/2014

 

"Các vị được tràn đầy Chúa Thánh Thần và bắt đầu lên tiếng nói".

Trích sách Tông đồ Công vụ.

 

1 Khi đến ngày lễ Ngũ Tuần, mọi người đang tề tựu ở một nơi,

2 bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ đang tụ họp.

3 Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một.

4 Và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tuỳ theo khả năng Thánh Thần ban cho.
5 Lúc đó, tại Giê-ru-sa-lem, có những người Do-thái sùng đạo, từ các dân thiên hạ trở về.

6 Nghe tiếng ấy, có nhiều người kéo đến. Họ kinh ngạc vì ai nấy đều nghe các ông nói tiếng bản xứ của mình.

7 Họ sửng sốt, thán phục và nói: "Những người đang nói đó không phải là người Ga-li-lê cả ư?

8 Thế sao mỗi người chúng ta lại nghe họ nói tiếng mẹ đẻ của chúng ta?

9 Chúng ta đây, có người là dân Pác-thi-a, Mê-đi, Ê-lam, Mê-xô-pô-ta-mi-a, Giu-đê, Cáp-pa-đô-ki-a, Pon-tô, và A-xi-a,

10 có người là dân Phy-ghi-a, Pam-phy-li-a, Ai-cập, và những vùng Li-by-a giáp giới Ky-rê-nê; nào là những người từ Rô-ma đến đây;

11 nào là người Do-thái cũng như người đạo theo; nào là người đảo Cơ-rê-ta hay người Ả-rập, vậy mà chúng ta đều nghe họ dùng tiếng nói của chúng ta mà loan báo những kỳ công của Thiên Chúa! "

 Xưa trước khi là ngày lễ của người Ki-tô, lễ Ngũ Tuần là một lễ của Dân Do Thái, và trước khi trở thành ngày lễ Do Thái đã là một ngày hội của nông dân mừng cuối mùa gặt. Không ai biết ngày lễ được khai sanh lúc nào ? Có chăng là vài dấu vết đây đó, một vài nghi lễ còn tồn tại. Về lễ Ngũ Tuần, chúng ta biết tiên khởi là một lễ hội nông dân, dần dần các kỷ niệm về Giao Ước được ghép vào và ý nghĩa về đạo chiếm dần vào đó. Xin mở ngoặc Lễ Vượt Qua cũng giống Lễ Ngũ Tuần như thế.

Lễ Vượt qua cũng đã có trước ông Mô-sê. Các nghi lễ thuộc  lễ của những nông dân trồng trọt hoặc chăn nuôi vào mùa xuân. Có lẽ có mối liên quan giữa hai lễ hội với nhau, một lễ mùa xuân, lễ kia cuối mùa gặt. Hai lễ cách nhau một mùa trồng trọt, có lẽ từ 6 đến 8 tuần lễ. Sách Xuất Hành kể rằng cuộc giải thoát khỏi Ai-cập là vào lễ Vượt Qua. Kể từ đó mỗi lần mừng lễ truyền thống mùa xuân người ta tưởng nhớ đến lễ Vượt Qua của Thiên Chúa giải thoát dân Ngài. Vì thế dần dần Lễ Vượt Qua trở thành lễ mừng ngày được giải phóng khỏi Ai-cập. Cũng vậy, sách Xuất Hành nói rằng Thiên Chúa trao Bảng Lề Luật cho ông Mô-sê vài tuần lễ sau khi ra khỏi Ai-cập. Vì thế lễ mừng mùa gặt được giàu thêm bằng ý nghĩa mới : Lễ ấy trở thành ngày Lễ Chúa Ban Lề Luật.

Sau này người ta định ngày chính xác cho hai ngày lễ. Hai lễ cách nhau đúng 7 tuần ( ngày lễ thứ hai là ngày lễ chúng ta hôm nay mang cái tên từ đó : tiếng Do Thái gọi là « Shavuôth » có nghĩa là « những tuần lễ », tiếng Hy-lạp có nghĩa là Năm Mươi : tức là 7 tuần=49 ngày. Nay ta mừng lễ 50 ngày )  

Dần dần dân It-ra-en suy niệm và khám phá ra một ý nghĩa sâu xa nối liền hai ngày lễ ấy. Đó là một trong những 3 lễ quan trọng mà dân It-ra-en tiến về hành hương ở Giê-ru-sa-lem. Câu đầu của bài đọc hôm nay nhắc chúng ta điều đó : « 1 Khi đến ngày lễ Ngũ Tuần, mọi người đang tề tựu ở một nơi ». Ở đây thánh Lu-ca nói về các Tông Đồ, nhưng đoạn sau viết rằng thành Giê-ru-sa-lem lúc ấy đầy rẫy những người Do Thái đến từ tứ phương, có người đến từ xa « 5 Lúc đó, tại Giê-ru-sa-lem, có những người Do-thái sùng đạo, từ các dân thiên hạ trở về ». Thật vậy, năm Chúa Giê-su chết rất nhiều người về thành Giê-ru-sa-lem. Tôi cố tình viết  năm « Chúa chết » không nói Chúa sống lại vì tin này còn ở trong vòng thân mật. Những người từ xa đến ấy có lẽ chưa bao giờ được nghe tới tên Giê-su thành Na-da-rét, năm nay cũng như mọi năm Lễ Ngũ Tuần cũng như mọi năm khác. Nhưng đây là điều quan trọng rồi :  đi hành hương với đức tin sốt sắng với lòng phấn chấn để làm đổi mới Giao Ước với Thiên Chúa.

Đối với các môn đệ của Chúa, lễ Ngũ Tuần này, năm mươi ngày sau Lễ Phục Sinh của Chúa Giê-su, Đấng mà họ nhận là Đức Ki-tô, tức là Đấng Mê-si-a mà họ đã nghe, đã chạm vào Ngài sau khi phục sinh, không giống bất cứ ngày Lễ Ngũ Tuần nào khác trước kia. Điều ấy không có nghĩa là các ông biết những gì sẽ chờ đợi các ông sau này.

Để cho chúng ta hiểu rõ chuyện gì xảy ra, thánh Lu-ca đã chọn kỹ càng những danh từ thích ứng để thể hiện ít nữa 3 bài trong Cựu Ước. Ba bài ấy là việc ban Bia Lề Luật trong sa mạc Si-na-i, một lời của tiên tri Giô-en và một đoạn trong câu truyện tháp Ba-ben.

Chúng ta hãy bắt đầu bằng sa mạc Si-na-i. Các lưỡi lửa của lễ Ngũ Tuần :  « 2 bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào », làm cho chúng ta nghĩ ngay tới chuyện xảy ra tại Si-na-i, khi Chúa ban cho ông Mô-sê bảng Lề Luật. Khi ấy Thiên Chúa xuống núi trong lửa, và khói bay cao ngút như một lò lửa, và làm hòn núi rung chuyển dữ dội… Mô-sê nói với Chúa và Ngài trả lời trong tiếng sấm. Nhắc tới hiện tượng Si-na-i thánh sử Lu-ca muốn nói cho chúng ta ngày Lễ Ngũ Tuần này, năm ấy hơn mọi Lễ Hành Hương hằng năm : đây là một Si-na-i mới . Cũng như thiên Chúa đã ban cho bảng Lề Luật để dạy cho dân chúng sống hạnh phúc trong Giao Ước, thì nay Ngài ban Thánh Linh của Ngài cho dân Chúa chọn. Và đây, một lần nữa chúng ta được nghe tiên tri Ê-dê-ki-en : « 27 Chính thần trí của Ta, Ta sẽ đặt vào lòng các ngươi, Ta sẽ làm cho các ngươi đi theo thánh chỉ, tuân giữ các phán quyết của Ta và đem ra thi hànhCác ngươi sẽ là dân của Ta. Còn Ta, Ta sẽ là Thiên Chúa các ngươi » ( Ed 36 27 ; 28b) . Lề Luật của Chúa (phương tiện duy nhất để sống tự do và hạnh phúc), Lề Luật ấy không được khắc vào bia đá mà bia bằng thịt, vào tim con người.

Điều thứ hai, tôi vừa nói, thánh Lu-ca chắc hẳn muốn nêu lên một lời của tiên tri Giô-en . Chúng ta có thể đọc trong chương III : « Sau đó, Ta sẽ đổ thần khí Ta trên hết thảy người phàm » ( Ge 2,28). Cách kể ra tất cả các quốc tịch có mặt tại Giê-ru-sa-lem năm ấy và nói chính xác : « 5 Lúc đó, tại Giê-ru-sa-lem, có những người Do-thái sùng đạo, từ các dân thiên hạ trở về » điều này cho chúng ta thấy lời tiên tri Giô-en được hoàn tất.

Điều thứ ba và là điều sau cùng là giai đoạn tháp Ba-ben. Hẳn các bạn còn nhớ về tháp Ba-ben. Để giản dị hoá chúng ta có thể kể lại như một câu truyện gồm hai hồi :                                     Hồi thứ nhất : Mọi người nói một thứ tiếng, dùng những từ ngữ giống nhau, phát biểu giống nhau và quyết định thực hiện một công trình chung, góp sức chung cùng nỗ lực xây một cái tháp vĩ đại…Hồi thứ hai Chúa can dự vào và ra lệnh ngưng lại : Ngài làm xáo trộn mặt đất và các ngôn ngữ. Từ nay mọi người không hiểu nhau nữa. Chúng ta tự hỏi phải kết luận ra sao về sự kiện này. Mặc dù chúng ta không nghi ngờ Thiên Chúa có ý xấu cho con người, chúng ta cũng khó tưởng Thiên Chúa muốn điều gì ngoài hạnh phúc con người. Thật ra, nếu Chúa can thiệp vào là để cho nhân loại không đi vào một con đường sai trái: đó là con đường của tư tưởng duy nhất, một kế hoạch duy nhất. Gần như Chúa muốn nói : « Hỡi các con, các con tìm sự hiệp nhất, đó là điều tốt, thế nhưng  đừng lầm đường : hiệp nhất không có nghĩa là giống hệt nhau, đồng nhất hoá mọi sự » . Sự hiệp nhất thật sự trong tình yêu chỉ có được trong sự khác nhau, trong tính đa dạng.

Câu truyện về Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống của Thánh Sử Lu-ca có nhiều điều tương tự trong bài học về tháp Ba-ben : Tại Ba-ben con người học tính đa dạng ; ngày Lễ Thánh Thần Hiện Xuống con người học hiệp nhất trong đa dạng. Kể từ nay, mọi dân tộc, cùng sống dưới một bầu trời nghe loan báo bằng nhiều thứ tiếng khác nhau : những kỳ công của Thiên Chúa.

***

 


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com