THÁNH VỊNH ( Tv 117 ( 1 ;4 ;16-17 ;22-25)
Hãy tạ ơn CHÚA vì Chúa nhân từ,
4 Ai kính sợ CHÚA hãy nói lên rằng:
muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.
16 "Tay hữu CHÚA đã ra oai thần lực, tay hữu CHÚA giơ cao,
tay hữu CHÚA đã ra oai thần lực."
17 Tôi không phải chết, nhưng tôi sẽ sống,
để loan báo những công việc CHÚA làm.
22 Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ
lại trở nên đá tảng góc tường.
23 Đó chính là công trình của CHÚA,
công trình kỳ diệu trước mắt chúng ta.
24 Đây là ngày CHÚA đã làm ra,
nào ta hãy vui mừng hoan hỷ.
25 Lạy CHÚA, xin ban ơn cứu độ,
lạy CHÚA, xin thương giúp thành công.
24 Đây là ngày CHÚA đã làm ra, nào ta hãy vui mừng hoan hỷ.
Chỉ câu này thôi cũng đủ cho chúng ta biết bài Thánh Vịnh này được hát trong một lễ hằng năm tại đền Giê-ru-sa-lem. Bài Tv 117 (118) là một bài trong nhóm TV « Ha-len »( Có nghĩa là ngợi khen) lúc nào cũng được hát trong buổi lễ ấy và lời tung hô « 25 Lạy CHÚA, xin ban ơn cứu độ » là lời dịch chính xác của chữ « Hô-sa-na », mà chữ này là điệp khúc của bài ca trong « Lễ Lều ». Chúng ta quen hát « Hô-sa-na » trong nghĩa tạ ơn « Chúa Cứu Độ chúng ta », nhưng nghĩa nguyên thuỷ là « Xin ban ơn cứu độ », đúng ra là một lời van xin.
Lễ Lều có cái tên ấy vì mỗi năm được sống tám ngày dưới lều để tưởng nhớ tới những lều trại trong sa mạc Si-na-i, qua những năm tháng đường dài, thời Xuất Hành. Đó là một thời điểm đặc biệt để tưởng nhớ tới công trình Thiên Chúa giải thoát dân Ngài : Chúa thấy dân Ngài dưới ách nô lệ ở Ai-cập, Chúa hiểu những nỗi thống khổ của họ. Ngài đã giao phó cho Mô-sê sứ mạng giải thoát dân ấy và Ngài đã theo từng bước chân của họ giữa những thử thách trong sa mạc và luôn đồng hành với họ trong công trình giải phóng này…Dân bị nhục mạ nay ngẩng đầu lên. Từ trải nghiệm ban đầu này, họ khám phá ra Thiên Chúa là đấng luôn luôn nâng đỡ những kẻ bị nhục mạ. Không phải một sự ngẫu nhiên mà bài Thánh Vịnh đầu tiên của nhóm Ha-len , (Tv 112-113) triển khai đề tài này :
« 7 Kẻ mọn hèn, Chúa kéo ra khỏi nơi cát bụi, ai nghèo túng, Người cất nhắc từ đống phân tro, 8 đặt ngồi chung với hàng quyền quý, hàng quyền quý dân Người. (Tv 113,7-8)
Có lẽ chúng ta không hình dung được sự khám phá của thời ấy : Thời mà các thần thánh được tưởng tượng ra theo mẫu những kẻ chiến thắng, đầy uy quyền, phô trương quyền thế, còn Thiên Chúa của It-ra-en lại tự xưng là đấng tôn những người bị loại trừ.
Sự khôn ngoan và lý lẽ của Ngài tương phản với « lô-gíc » của người khôn ngoan, có lý trí. « 8 Thật vậy, tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi » ( Is 55,8), đối với Ngài, ưu tiên phải là tư tưởng của Ta chứ không phải ngược lại. Các người trong nghề xây cất, tức là những người thông thạo về vật liệu xây dựng, có thể chê một tảng đá và vứt bỏ nó đi ; nhưng Chúa lại biết dùng nó vào một công dụng chính yếu. ( Mc 12,10) « Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ lại trở nên đá tảng góc tường ». Từ những gì tưởng đã mất đi, chỉ có chết, Thiên Chúa lại nảy sinh sự sống. Đó chính là sứ vụ của một giống dân bé nhỏ Chúa đã chọn để giao cho một sứ vụ lãnh đạo nhân loại. Thật vậy, dân tộc này thường bị hạ nhục nhưng biết mình được cưu mang một lời hứa « 17 Tôi không phải chết, nhưng tôi sẽ sống, để loan báo những công việc CHÚA làm ». Bấy giờ « 4 Ai kính sợ CHÚA » có thể nói « muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương ».
Bài Thánh Vịnh này hẳn được viết rất trễ sau này, vì mới có thể nói đến sự khám phá tuyệt vời của dân It-ra-en, đó là không có lý do gì phải sợ Thiên Chúa ! Chữ « kính sợ » còn được dùng trong Thánh Kinh nhưng ý nghĩa đã đổi khác hẳn : Ngày nào còn nghĩ rằng Thiên Chúa như một vua chuyên chế, thì mọi người thấy phải cảnh giác và làm đủ cách để không làm trái ý Ngài…Thế nhưng tất cả sư phạm của Thánh Kinh giúp khám phá ra dung nhan thật của Thiên Chúa, đó là một Người Cha nhân hậu. Ngày ấy chỉ còn nơi ta lòng tin tưởng cậy trông và thán phục của kẻ hèn mọn đối với đấng tối cao : một sự thán phục được nuôi dưỡng bởi ý thức đơn sơ về thân phận bé nhỏ của mình và với những trải nghiệm tình cảm âu yếm không bao giờ phai của Ngài. : « "Thầy bảo thật anh em: nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời » ( Mt 18,3)
Một bằng chứng khác về sự « kính sợ »Thiên Chúa trong Thánh Kinh cuối cùng chỉ là tình yêu, vì lòng kính sợ là một trong những ân sủng đến từ Chúa Thánh Thần. Đây là lời hứa của I-sa-i-a: « 1 Từ gốc tổ Gie-sê, sẽ đâm ra một nhánh nhỏ, từ cội rễ ấy, sẽ mọc lên một mầm non.2 Thần khí ĐỨC CHÚA sẽ ngự trên vị này: thần khí khôn ngoan và minh mẫn, thần khí mưu lược và dũng mãnh, thần khí hiểu biết và kính sợ ĐỨC CHÚA.3 Lòng kính sợ ĐỨC CHÚA làm cho Người hứng thú, ( Is 11,1-3a)
Thần khí Chúa là Tình Yêu, thì có thể cho chúng ta gì khác hơn tình yêu ?
Thế nhưng cũng vì tuyên xưng điều ấy quá mãnh liệt mà Chúa Giê-su phải chịu chết. Thế tại sao cái lô-gíc của Chúa ấy lại bị chúng ta xem như xa lạ một cách vô phương cứu vãn ? . « Vô phương cứu vãn » thật sự thì không phải thế, chính nhờ lòng cậy trông của chúng ta, nơi Chúa Thánh Linh, rồi một ngày sẽ thấm nhập vào cả nhân loại, như một vết dầu lan tỏa ra. Khi It-ra-en hát, cũng như chúng ta hòa theo: « 24 Đây là ngày CHÚA đã làm ra, nào ta hãy vui mừng hoan hỷ »
chúng ta không chỉ nghĩ đến quá khứ, tới công trình Cứu Độ đã hoàn tất : nhưng chúng ta loan báo hơn thế nữa : sự giải thoát hoàn toàn của nhân loại : ngày đó mọi người sẽ biết yêu Chúa và sẽ cho Thần khí chiếm hữu, ban tràn tình yêu. Một lần nữa như, I-sa-i-a nói « Sự hiểu biết ĐỨC CHÚA sẽ tràn ngập đất này, cũng như nước lấp đầy lòng biển. ( Is 11,9)
***
Tác giả: Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: Sách L’ intelligence des Ecritures Socéval Editions
Dịch giả: E. Máccô Lương Huỳnh Ngân
Hiệu đính: Phêrô Nguyễn Thế Hoằng