Lời Chúa CN

TÌM HIỂU THÁNH VỊNH CHÚA NHẬT 6 PHỤC SINH NĂM B - 09/05/2021

THÁNH VỊNH  (98, 1-4)

 

Chúa đã công bố ơn cứu độ của Người trước mặt chư dân

 

1 Hát lên mừng CHÚA một bài ca mới,
vì Người đã thực hiện bao kỳ công.
Người chiến thắng nhờ bàn tay hùng mạnh,
nhờ cánh tay chí thánh của Người.

2 CHÚA đã biểu dương ơn Người cứu độ,
mặc khải đức công chính của Người trước mặt chư dân;

3 Người đã nhớ lại ân tình và tín nghĩa dành cho nhà Ít-ra-en.
Toàn cõi đất này đã xem thấy
ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta.

4 Tung hô CHÚA, hỡi toàn thể địa cầu,
mừng vui lên, reo hò đàn hát.

5 Đàn lên mừng CHÚA khúc hạc cầm dìu dặt,
nương khúc hạc cầm réo rắt giọng ca.

6 Kèn thổi vang xen tiếng tù và,
tung hô mừng CHÚA, vị Quân Vương!

« Toàn cõi đất này đã xem thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta » Đây là lời nói của dân It-ra-en, họ gọi  « Thiên Chúa chúng ta », có vẻ phô bày mối liên hệ đặc biệt giữa một dân tộc nhỏ bé này với Thiên Chúa của vũ trụ. Thế nhưng It-ra-en dần dần đã hiểu sứ mạng của họ, không giữ lấy riêng cho mình  đặc quyền ấy mà phải loan báo tình yêu của Thiên Chúa cho mọi người để thu nhập toàn nhân loại vào Giao Ước.

Thánh Vịnh này nói lên được điều mà ta có thể gọi là « hai mối tình của Chúa » : tình yêu dân tộc được chọn, được tuyển, It-ra-en… và tình yêu cả nhân loại mà người viết thánh vịnh gọi là  « chư dân ». Chúng ta thử đọc lại câu 2 : « 2 CHÚA đã biểu dương ơn Người cứu độ,
mặc khải đức công chính của Người trước mặt chư dân »
, đó là những người khác, những người ngoại Đạo, những người không thuộc về dân được chọn. Thế nhưng có câu 3 kế tiếp ngay, « 3 Người đã nhớ lại ân tình và tín nghĩa dành cho nhà Ít-ra-en », đây là câu thường dùng để nhắc lại « It-ra-en dân Chúa chọn ». Ẩn dưới câu ngắn ngủi đó phải biết đoán tất cả tầm quan trọng của lịch sử, tầm quan trọng của quá khứ. Những chữ đơn sơ như  « ân tình » hay  « tín nghĩa » nhắc lại ý nghĩa đáng rung cảm của Giao Ước. Với những từ đó Chúa đã mặc khải tình yêu của Ngài trong sa mạc cho dân Chúa chọn. « Thiên Chúa tình yêu và trung tín ». Thật vậy câu ấy nói, It-ra-en là dân Chúa chọn, được tuyển, thế nhưng câu trước, không phải ngẫu nhiên được đặt ngay trước, nói đến chư dân. Điều này để nhắc lại, It-ra-en được tuyển chọn không phải để thừa hưởng một cách ích kỷ, không tự coi mình như đứa con một mà như một người anh cả. Như ông André Chouraky nói, « dân của Giao Ước có sứ vụ trở nên công cụ của Giao Ước các chư dân » 

Một trong những thành quả nhận được từ Thánh Kinh là Chúa yêu cả nhân loại, không chỉ  riêng It-ra-en. Trong bài thánh vịnh này niềm xác tín ấy thể hiện bằng cách kết cấu bài thơ. Nếu chúng ta nhìn kỹ cấu trúc các câu trong thánh vịnh, chúng ta nhận thấy vị trí của câu 2 và 3 được sắp theo thể « bao gồm ». Bao gồm là một thể văn thông dụng trong Thánh Kinh. Thể « Bao Gồm », có thể so sánh trong một bài báo hay trong tạp chí : một bài được đóng khung, dĩ nhiên mục đích là làm nổi bật lên nội dung trong khung.

Trong thể văn Bao Gồm cũng thế, nội dung chính cũng được đóng khung giữa hai câu trước và sau hoàn toàn giống nhau…Ở đây, trong thánh vịnh này, câu chính yếu nói về It-ra-en được đóng khung bởi hai câu về chư dân.

«  2 CHÚA đã biểu dương ơn Người cứu độ, mặc khải đức công chính của Người trước mặt chư dân » Đây là câu thứ nhất nói về chư dân.

Câu thứ hai nói về It-ra-en : « 3 Người đã nhớ lại ân tình và tín nghĩa dành cho nhà Ít-ra-en »

Và đây câu thứ ba : « Toàn cõi đất này đã xem thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta » Chữ « chư dân » được thay thế bằng cụm chữ « toàn cõi đất » Câu chính nói về It-ra-en được tuyển chọn, được đóng khung bởi hai câu về cả nhân loại. It-ra-en được tuyển chọn là điều chính yếu, nhưng không quên phải tỏa rạng ảnh hưởng thật xa trên cả nhân loại, cấu trúc thể văn này thể hiện được điều đó.

Khi dân It-ra-en tung hô đón tiếp Ngài như một vị vua, nhân ngày lễ Lều tại Giê-ru-sa-lem, dân chúng biết rằng làm như thế là nhân danh cả nhân loại. Hát bài này ta tưởng tượng rằng (vì chắc chắn một ngày sẽ được thực hiện) ngày gần đây Chúa sẽ thật là vua toàn cõi đất, tức là muôn dân sẽ công nhận.

Chiều kích thứ nhất rất quan trọng của bài thánh vịnh hôm nay nhấn mạnh về « hai mối tình của Thiên Chúa », một bên là dân Chúa chọn, một bên là tất cả nhân loại. Chiều kích thứ hai là tuyên xưng mạnh mẽ vương triều của Thiên Chúa.

Ví dụ như khi hát trong đền Giê-ru-sa-lem « 4 Tung hô CHÚA, hỡi toàn thể địa cầu, mừng vui lên, reo hò đàn hát », nói rằng « hát trong đền » là yếu quá, thực sự động từ tiếng Do Thái dùng trong thánh vịnh này là tiếng thét chiến thắng, tiếng thét ở chiến trường sau chiến thắng, tiếng la lên « Tê-ru-a » của người chiến thắng. Chữ chiến thắng được lặp lại ba lần trong những câu đầu « Người chiến thắng nhờ bàn tay hùng mạnh »  Người dịch lưu ý : bản dịch Việt ngữ của chúng ta không có hai chữ chiến thắng kia ở câu 3 và 4).

Có hai loại chiến thắng của Thiên Chúa được nêu lên trong bài : Trước hết chiến thắng giải thoát khỏi Ai Cập :câu : « chiến thắng nhờ bàn tay hùng mạnh »  là ngụ ý nói trận chiến thắng của con cái It-ra-en, phép lạ vượt qua biển vĩnh viễn thoát khỏi Ai cập, đất lưu đày.

Câu sau đây «  Thiên Chúa của ngươi, đã dang cánh tay mạnh mẽ uy quyền đưa ngươi ra khỏi đó » ( Đnl 5,15) đã trở thành một từ ngữ cổ điển khi nói về giải thoát khỏi Ai Cập. Chúng ta thường gặp trong sách Đệ Nhị Luật hay trong các Thánh Vịnh. Cụm chữ « Ngài làm những điều kỳ diệu »  cũng có nghĩa nhắc đến cuộc giải thoát khỏi Ai cập.

Khi ca ngợi chiến thắng của Thiên Chúa cũng ca ngợi chiến thắng cuối cùng, chiến thắng vĩnh viễn của Thiên Chúa trên mọi mãnh lực của sự dữ. Khi ấy mọi người tung hô Chúa như người ta tung hô vua được nhận vương mão, bằng những tiếng thét chiến thắng với kèn, tù và cùng tiếng vỗ tay vang dội khắp bầu trời. Thế nhưng với vua trần thế, chắc chắn sẽ có ngày chúng ta thất vọng, lần này sẽ không có thất vọng, vì thế tiếng thét « « Tê-ru-a » sẽ đặc biệt rung động.

Kể từ nay, người Ki-tô hữu tung hô Thiên Chúa mạnh mẽ hơn nữa vì họ đã thấy vua nhân loại, từ ngày Chúa Con Nhập Thể, họ hiểu và khẳng định ( Mặc cho những sự kiện có vẻ chống lại) là Triều Đại của Thiên Chúa, triều đại của tình yêu, đã bắt đầu.

***

 

Tác giả: Marie-Noëlle Thabut                       
Nguồn: Sách L’ intelligence des Ecritures Socéval Editions


Dịch giả: E. Máccô Lương Huỳnh Ngân              

Hiệu đính: Phêrô Nguyễn Thế Hoằng                


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com