“ANH EM HÃY ĐI VÀ LÀM CHO MUÔN DÂN
TRỞ THÀNH MÔN ĐỆ THẦY!"
Tin Mừng theo Thánh Matthêu 28,19
Hát 1 thánh ca ngợi khen.
Chúng ta hãy cầu nguyện để bắt đầu.
Nhân Danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Amen
Lạy Thiên Chúa là Cha chúng con, Chúa đã sai Con Một là Lời chân lý và sai Thánh Thần, Ðấng thánh hoá muôn loài, đến trần gian mặc khải cho chúng con biết mầu nhiệm cao vời của Chúa. Xin cho chúng con hằng tuyên xưng đức tin chân thật là nhận biết và tôn thờ một Thiên Chúa Ba Ngôi uy quyền vinh hiển. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con. Amen.
(Lời nguyện Chúa Nhật Chúa Ba Ngôi)
1 - LẮNG NGHE LỜI CHÚA
Tin Mừng theo thánh Matthêu, chương 28,16-20
- Một người công bố Lời Chúa. Mọi người đứng lắng nghe.
- Sau đó, mỗi người, ngồi, tự mình đọc lại Lời Chúa, to-rõ-chậm, đủ nghe, một hay hai lần, nếu cần.
2 - SUY NIỆM
Sau khi đọc, dành vài phút thinh lặng, nhớ lại Lời Chúa và suy nghĩ về 1 hay 3 câu hỏi gợi ý sau đây:
- Lời Chúa hôm nay nói gì với TRÍ tôi về Chúa Giêsu ?
Tôi hiểu biết Chúa tôi rõ hơn ở chỗ nào ?
- Lời Chúa hôm nay đánh động TÂM tôi ở chỗ nào?
Lòng tôi được thúc đẩy yêu mến Chúa Giêsu hơn ở điểm nào?
- Lời Chúa hôm nay thúc đẩy THÂN tôi làm gì để đi theo Chúa ?
(Nếu đã quen làm Lectio Divina trong Nhóm hay ở gia đình, sau khi suy niệm, có thể mời vài người chia sẻ vắn tắt câu trả lời của mình ).
3 - CHIÊM NGHIỆM
Đọc lại Lời Chúa một lần nữa, sau đó suy nghĩ : Lời Chúa tôi nghe được hôm nay nối kết với kinh nghiệm cuộc sống hàng ngày của tôi ở chỗ nào?
- “Đức Giêsu nói với các môn đệ: "Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất." (câu 18).
Tại Galilê, nơi Ngài đã kêu gọi các môn đệ đầu tiên đi theo mình, Đức Giêsu hiện ra với họ trong tư cách hoàn toàn khác trước đây. Đấng chịu đóng đinh nay đã phục sinh "được trao toàn quyền trên trời dưới đất". Ngài là Đức Chúa, là Chủ Tể trời đất, là Đấng Cứu độ muôn dân. Chúng ta không còn phải tôn thờ một ai khác, ngoài "Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi' (T.Phaolô x.Galat 2,20). Nguyện xin Chúa Thánh Thần củng cố niềm tin của tôi vào Chúa Kitô Phục Sinh, để xóa tan mọi sợ hãi và đem lại cho tâm hồn tôi sự bình an trong mọi hoàn cảnh.
....................................................................................................
....................................................................................................
- “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, và Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em." (c.19-20a).
Chúa Phục Sinh truyền cho các môn đệ ra đi thực hiện 3 việc:
- làm cho muôn dân trở thành môn đệ
- làm phép rửa nhân danh Thiên Chúa Ba Ngôi
- dạy họ tuân giữ mọi lời Chúa đã truyền cho mình.
Nghĩa là :
- Muôn dân cần được nghe Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, để hoán cải;
- Các môn đệ sẽ cử hành bí tích thánh tẩy cho họ, để họ thuộc về gia đình của Thiên Chúa Ba Ngôi, trong Giáo hội ;
- và các môn đệ còn phải dạy cho họ giữ các lời của Chúa Giêsu, để sống làm con cái Thiên Chúa như Ngài và là anh chị em của nhau.
Được chịu phép rửa nhân danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần, tôi có thật sự là môn đệ, đi theo Thầy Giêsu chưa? Tôi có học hỏi Lời Chúa dạy để sống như Chúa muốn không? Cái gì đang cản trở tôi?
....................................................................................................
3.“Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế." (c.20)
Chúa về trời, nhưng Ngài đâu có biến mất! Lịch sử Giáo Hội 2.000 năm qua đã cho thấy Đấng EMMANUEN-"Thiên Chúa ở cùng chúng ta" tiếp tục hiện diện qua CHÚA THÁNH THẦN, qua những con người trong HỘI THÁNH, qua LỜI BAN SỰ SỐNG và các BÍ TÍCH. Trong cuộc sống của mình xưa nay, tôi cảm nghiệm mình đã được gặp Chúa ở đâu? Hãy xem quả để biết cây! Cuộc sống tôi như thế này cho đến hôm nay là nhờ AI? nhờ đâu?
....................................................................................................
....................................................................................................
4 - CẦU NGUYỆN
Tôi đọc lại Lời Chúa một lần nữa.
Rồi dâng lời ngợi khen, cảm tạ, xin tha thứ, cầu cho mình hay chuyển cầu cho người khác, tùy theo sự thúc đẩy của Lời Chúa.
* Khi chia sẻ chung, hãy để giờ cho anh chị em dâng lời nguyện.
Lời nguyện kết
Lạy Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót,
chúng con cảm tạ Cha,
vì những ai được Thần Khí Chúa hướng dẫn,
đều trở nên con cái Thiên Chúa.
Chúng con đã không lãnh nhận Thần Khí
khiến chúng con trở thành nô lệ và phải sợ sệt như xưa,
nhưng là Thần Khí làm cho chúng con nên nghĩa tử,
nhờ đó chúng con được kêu lên: "Ápba! Cha ơi! "
Chính Thần Khí chứng thực cho thần trí chúng con rằng,
chúng con là con cái Thiên Chúa.
Vậy đã là con, thì cũng là thừa kế,
mà được Thiên Chúa cho thừa kế,
thì tức là đồng thừa kế với Đức Kitô;
vì một khi cùng chịu đau khổ với Người,
chúng con sẽ cùng được hưởng vinh quang với Người. "
Tạ ơn Cha! (theo Bài đọc 2 , Thư Rôma 8, 14-17)
Sáng Danh ….
5 - HÀNH ĐỘNG TRONG TUẦN
- Tôi chọn 1 câu Tin Mừng để học thuộc và đọc trong tuần.
........................................................................................................
- Tôi hành động như thế nào để có người trong "muôn dân" nhận biết Chúa Giêsu là Đấng yêu thương họ và đem cho họ sự sống dồi dào"? (xem Gioan 10,10b)
....................................................................................................
....................................................................................................
CẦU NGUYỆN VỚI ĐỨC THÁNH CHA
Chúa Giêsu nói: “Ta là khách lạ và các con đã đón tiếp Ta” (Mt 25,35). Chúa Giêsu có thể nói những lời đó vì Người có tấm lòng rộng mở, nhạy cảm đối với các khó khăn của người khác. Thánh Phaolô thúc giục chúng ta hãy “vui với người vui, khóc với người khóc” (Rm 12,15). Khi trái tim chúng ta làm được điều này, chúng có khả năng đồng nhất với những người khác mà không cần lo lắng về việc họ sinh ra hoặc phát xuất từ đâu. Trong khi đó, chúng ta cảm nghiệm được người khác như là “thịt máu của chính mình” (Is 58,7).
Đối với các Kitô hữu, lời lẽ của Chúa Giêsu còn có một ý nghĩa sâu xa hơn nữa. Chúng buộc chúng ta phải nhận ra chính Chúa Kitô trong mỗi người anh chị em bị bỏ rơi hoặc bị loại trừ (x. Mt 25,40,45). Đức tin có năng lực vô hạn trong việc truyền cảm hứng và duy trì lòng tôn trọng của chúng ta đối với người khác, vì các tín hữu biết rằng Thiên Chúa yêu mọi người nam nữ bằng một tình yêu vô hạn và “do đó ban cho nhân loại phẩm giá vô hạn”. Chúng ta cũng tin rằng Chúa Kitô đã đổ máu mình vì mỗi người chúng ta và không ai nằm ngoài phạm vi tình yêu phổ quát của Người. Nếu chúng ta đi đến nguồn gốc cuối cùng của tình yêu đó, một tình yêu vốn là chính sự sống của Thiên Chúa Ba Ngôi, chúng ta sẽ gặp trong cộng đồng Ba Ngôi Thiên Chúa nguồn gốc và hình mẫu hoàn hảo của mọi cuộc sống xã hội. Thần học tiếp tục được phong phú hóa bởi sự suy tư của nó về sự thật vĩ đại này.
(trích TĐ "Fratelli Tutti – Tất cả là anh em", 3.10.2020,84-85)
website: giadinhctc.com