THÁNH VỊNH( Tv29, 2.4-6.11-13)
"Lạy Chúa, con ca tụng Chúa vì đã giải thoát con"
3 Lạy CHÚA là Thiên Chúa con thờ,
con kêu lên cùng Chúa, và Ngài đã cho con bình phục.
4 Lạy CHÚA, từ âm phủ Ngài đã kéo con lên,
tưởng đã xuống mồ mà Ngài thương cứu sống.
5 Hỡi những kẻ tín trung, hãy đàn ca mừng CHÚA,
cảm tạ thánh danh Người.
6 Người nổi giận, giận trong giây lát,
nhưng yêu thương, thương suốt cả đời.
Lệ có rơi khi màn đêm buông xuống,
hừng đông về đã vọng tiếng hò reo.
12 Khúc ai ca, Chúa đổi thành vũ điệu, cởi áo sô, mặc cho con lễ phục huy hoàng.
13 Vì thế, tâm hồn con ca ngợi Chúa, và không hề nín lặng.
Lạy CHÚA là Thiên Chúa con thờ, xin tạ ơn Ngài mãi mãi ngàn thu.
Thánh vịnh 29 (30) rất ngắn, chỉ có 13 câu ( Phụng vụ Chúa nhật hôm nay chỉ đề nghị đọc 8 câu) : tuy nhiên phải biết toàn bộ câu chuyện ngầm bên dưới mới có thể hiểu rõ hơn bài thánh vịnh này. Đây là câu truyện ấy.
Hãy tưởng tượng một người té xuống đáy giếng : hắn la lên, cầu khẩn, kêu cầu cứu…còn thêm lý luận cho người ta đến cứu (đại để như : sống tôi còn có ích cho quý vị hơn là chết !) Hình như còn có người không buồn gì khi thấy anh ta ở dưới đó và còn cười khỉnh anh ta…nhưng hắn vẫn kêu cầu cứu. Cuối cùng cũng có một người xót thương anh ta. Người ấy nghe tiếng anh kêu cầu cứu, người ấy đến giải thoát anh, kéo anh ra khỏi đó. « Người » ấy phải viết bằng chữ Hoa. Đó chính là Thiên Chúa. Khi lên tới trên, trở lại ánh sáng, như trở lại sự sống, niềm vui người ấy nổ bùng ra :
« 4 Lạy CHÚA, từ âm phủ Ngài đã kéo con lên, tưởng đã xuống mồ mà Ngài thương cứu sống.
5 Hỡi những kẻ tín trung, hãy đàn ca mừng CHÚA, cảm tạ thánh danh Người.
Thực ra, như thường lệ trong các thánh vịnh có hai cách hiểu : câu truyện kể ở đây là một người té xuống đáy giếng, nhưng chỉ là một dụ ngôn. Hiểu sâu hơn đây là toàn dân It-ra-en đang nói, hay đúng hơn đang hát, niềm vui thoát khỏi kiếp nô lệ Ba-by-lon bùng lên …cũng như lúc nhảy múa hát ca khi vượt qua được Biển Đỏ. Cuộc lưu đày sang Ba-by-lon như té xuống một cái giếng không đáy, trong một vực thẳm…phần đông tưởng rằng It-ra-en không bao giờ có thể trổi dậy. Trong dân chúng mọi người mất cả hy vọng…Có những kẻ thù thì lại thích thú, chế nhạo sự sa sút ấy…
Trong những giai đoạn bị thử thách đó, dân chúng được các tư tế, những tiên tri nâng đỡ để giữ được niềm tin và còn sức để kêu cầu cứu ( rất tiếc chúng ta không được nghe những câu ấy trong Chúa nhật hôm nay) :
« 9 Lạy CHÚA, con đã kêu lên Ngài, năn nỉ với Ngài là Chúa của con.
11 Lạy CHÚA, xin lắng nghe và xót thương con, lạy CHÚA, xin phù trì nâng đỡ »
Trong lời cầu nguyện, họ không ngần ngại dùng những lý luận, ví dụ như : «10 Chúa được lợi gì khi con phải chết, »
Thời điểm viết bài thánh vịnh này, không ai tin vào sự phục sinh, họ đinh ninh rằng những kẻ chết sẽ ở trong một chốn tối tăm, gọi là « Sê-ôn », một thế giới phẳng lặng, vì thế có câu số 10 nói với Chúa :
« được ích chi nếu con phải xuống mồ?
Nắm tro tàn làm sao ca tụng Chúa
và tuyên dương lòng thành tín của Ngài »
Và phép lạ đã xảy ra. Chúa cứu dân Ngài :
« 3 …con kêu lên cùng Chúa, và Ngài đã cho con bình phục.
4 Lạy CHÚA, từ âm phủ Ngài đã kéo con lên, tưởng đã xuống mồ mà Ngài thương cứu sống.
Đây là sự phục hưng của một dân tộc bị lưu đày. Ngày hồi hương được nói lên bằng những từ ngữ tượng hình : như một dân bị án tử hình, mọi người tưởng như giống dân này đã bị xóa trên các bản đồ. Khi trở về, họ như những người chết đi sống lại. Họ có thể hát bài này nhưng không mảy may tưởng tượng sẽ có sự một người phục sinh : đó là trường hợp lúc từ Ba-by-lon trở về. Trong các đoạn khác của Thánh Kinh, ví dụ như thị kiến của Ê-dê-ki-en về các đống xương khô, cũng được viết ra trong tinh thần này. Sự phục hưng dân tộc It-ra-en ( sau cuộc lưu đày) được miêu tả như sự phục sinh. Sau này, khi đức tin thánh kinh đã bước qua giai đoạn quyết định, đón nhận sự mặc khải của đức tin về sự phục sinh, đọc lại các bài này, người ta khám phá ra một chiều sâu mới : « 12 Khúc ai ca, Chúa đổi thành vũ điệu, cởi áo sô, mặc cho con lễ phục huy hoàng ».. Kể từ nay, đối với những ai tin vào sự phục sinh, Do Thái hay Ki-tô hữu, câu ấy mang một ý nghĩa mới : Câu ấy làm cho chúng ta buộc miệng hát lên « Alleluia »…vì đó là ý nghĩa của chữ Alleluia trong truyền thống Do Thái ! Theo các lời bình của các giáo sĩ Do Thái về chữ Alleluia có bài tuyệt vời mà chúng ta nên đọc lại mỗi lần chúng ta hát Alleluia : « Chúa đã đem chúng ta từ kiếp lưu đày đến tự do, phiền muộn biến thành hân hoan, « ngày tang tóc trở nên ngày đại lễ » (Et 9,22) , từ bóng tối đến ánh sáng, từ lưu đày đến Cứu Độ. Vì thế hãy hát lên Alleluia ! »
Nhưng như người viết thánh vịnh nói, té xuống giếng cũng có thể vì vô tình, vô ý, như những gì xảy ra cho dân It-ra-en và đó là bài học lớn lao của cuộc lưu đày Ba-by-lon. Trước đó It-ra-en tin tưởng vào sự sống : « 7 phần con đây, lạy CHÚA, chỉ tin tưởng nơi Ngài »…Mặc dù các tiên tri đã phải mỏi miệng cũng không thể nào đánh thức dân này cứ vô tư. Trong suốt thời gian bị lưu đày Ba-by-lon, họ có đủ thời gian để suy gẫm về những lý do của cái thảm kịch này, và chính họ tự hỏi lý do của những tai hoạ xảy ra có phải vì thái độ này của họ chăng... ? Bài thánh vịnh như một lời cảnh báo cho tương lai : « Nhưng khi Ngài vừa ẩn mặt đi, con liền thấy bàng hoàng sợ hãi » ( Tv 30,8). Từ nay giải pháp duy nhất để không còn sa ngã là sống tín trung với Giao Ước : « 13b Lạy CHÚA là Thiên Chúa con thờ, xin tạ ơn Ngài mãi mãi ngàn thu ».
***
Tác giả: Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: Sách L’ intelligence des Ecritures Socéval Editions
Dịch giả: E. Máccô Lương Huỳnh Ngân
Hiệu đính: Phêrô Nguyễn Thế Hoằng