Lời Chúa CN

TÌM HIỂU CỰU ƯỚC CHÚA NHẬT 18 THƯỜNG NIÊN NĂM B - 1/8/2021

BÀI ĐỌC 1 ( Xh16, 2-4.12-15)

 

"Ta sẽ cho bánh từ trời rơi xuống như mưa".

 

Trích sách Xuất Hành. 

 

2 Trong sa mạc, toàn thể cộng đồng con cái Ít-ra-en kêu trách ông Mô-sê và ông A-ha-ron.

3 Con cái Ít-ra-en nói với các ông: "Phải chi chúng tôi chết bởi tay ĐỨC CHÚA trên đất Ai-cập, khi còn ngồi bên nồi thịt và ăn bánh thoả thuê. Nhưng không, các ông lại đưa chúng tôi ra khỏi đó mà vào sa mạc này, để bắt chúng tôi phải chết đói cả lũ ở đây! "

4 ĐỨC CHÚA phán với ông Mô-sê: "Này, Ta sẽ làm cho bánh từ trời mưa xuống cho các ngươi ăn. Dân sẽ ra lượm lấy khẩu phần cho mình, ngày nào cho ngày đó; Ta muốn thử lòng chúng như vậy xem chúng có tuân theo Luật của Ta hay không

12 "Ta đã nghe tiếng con cái Ít-ra-en kêu trách. Vậy, ngươi hãy bảo chúng rằng: Vào buổi chiều, các ngươi sẽ được ăn thịt, và ban sáng, các ngươi sẽ được ăn bánh thỏa thuê, và các ngươi sẽ biết rằng Ta là ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của các ngươi."

13 Thật vậy, buổi chiều, chim cút bay đến rợp cả trại. Và buổi sáng thì có lớp sương phủ quanh trại.

14 Rồi khi sương tan đi thì trên mặt hoang địa, có một thứ gì nho nhỏ mịn màng, nho nhỏ như sương muối phủ mặt đất.

15 Khi con cái Ít-ra-en thấy thế, họ liền hỏi nhau: "Man hu? " Nghĩa là: "Cái gì đây? " Vì họ không biết đó là cái gì. Ông Mô-sê bảo họ: "Đó là bánh ĐỨC CHÚA ban cho anh em làm của ăn!

Nói cho cùng, lúc còn bên Ai-cập, dù là nô-lệ dân Do Thái cũng được nuôi dưỡng đầy đủ. Có lẽ người cai thợ khôn ngoan tối thiểu cũng biết lo toan cho công nhân của mình. Trong sa mạc thì khác…Thật, có tự do thật, nhưng đó chỉ là ông Mô-sê nói. Thế nhưng trong khi chờ đợi trong sa mạc, họ sắp chết đói tới nơi. Nếu có ai muốn cả dân chúng chết đói, đừng làm gì khác, chỉ như thế này là thành công …Và, rốt cuộc biết đâu chừng, đó là mục đích của thủ đoạn này …Không cần đoán cũng biết đề tài những câu chuyện trao đổi với nhau dưới các lều trại mỗi đêm. Có người tánh tình khó chịu thì họ khó chịu thật đấy ! Điều mà Thánh Kinh gọi là những « lời kêu trách » ( có sách dịch là « lời thì thầm ») của dân chúng. Những kẻ can đảm nhất không ngần ngại đến nói thẳng với những lãnh tụ : « các ông lại đưa chúng tôi ra khỏi đó mà vào sa mạc này, để bắt chúng tôi phải chết đói cả lũ ở đây !» (c3) Tất nhiên đó là một lời kết án trầm trọng : họ không ngừng ở những câu hỏi : Tại sao ông liều lĩnh đưa chúng tôi vào trong sa mạc. Hay than phiền về tổ chức không chu đáo. Lỗi tại ông mà chúng ta chết hết tại đây ! Họ còn nghi ngờ cả ý định của các lãnh tụ. Cuối cùng, điều ông muốn, chắc để chúng tôi chết hết ? Qua ông Mô-sê họ muốn ám chỉ Thiên Chúa. Trong các câu không được đọc hôm nay, từ câu 5 đến 11 và 16 đến 36, ông Mô-sê tuyên bố rõ ràng :« Không phải anh em đã kêu trách chúng tôi, mà là kêu trách ĐỨC CHÚA. » (C 8) Điều này chứng tỏ ông Mô-sê hoàn toàn ý thức. Tất cả những công trình của ông đều có Thiên Chúa hướng dẫn. Hơn nữa bài này được viết cho chúng ta hiểu chính Chúa hành động : Ngài nghe những lời « thì thầm » của dân chúng, Ngài gởi đến thức ăn (bánh và thịt), Ngài thử thách họ. Chúng ta hãy nhìn lại ba yếu tố : lời thì thầm ; Chúa ban thức ăn, và Chúa thử thách. Chúng ta đã thấy phần trên, các lời thì thầm là điều trái ngược lại với niềm tin, đức cậy. Đó là lòng nghi kỵ phát xuất từ quá lo lắng. Trong trường hợp này, sau một thời gian dài đi trong vùng trù phú đồng bằng sông Nin, những người nô lệ trên đường chạy thoát nay phải đương đầu với những bất an, sự khô cằn của sa mạc. Lúc ban đầu không thấy ngay, sau khi vừa thoát khỏi Ai-ập thì ai nấy phấn chấn. Chương 15 sách Xuất Hành kể lại những bài ca vinh thắng và tạ ơn từ bên này của bờ biển Đỏ « 2CHÚA là sức mạnh tôi, là Đấng tôi ca ngợi, chính Người cứu độ tôi. Người là Chúa tôi thờ, xin dâng lời vinh chúc, Người là Chúa tổ tiên, xin mừng câu tán tụng » ( Xh15,2). Nhưng ngay từ khi gặp mối thất vọng đầu tiên ở một điểm nước không được trong ngọt lắm, họ đổi giọng và bắt đầu những lời thì thầm, đó là đầu chương 16 của chúng ta. Sự đặt kề nhau hai bài thật có ý nghĩa : điều này nói lên sự đu đưa, biến động của lòng chúng ta giữa lòng tạ ơn và nghi kỵ. Chúa có thay đổi chăng khi những điều kiện bên ngoài thay đổi ?   

Để đáp lại những lời thì thầm ấy Chúa không thay đổi, nhất định không thay đổi, gởi đến thức ăn, bánh và chim cút. Hình như giai đoạn chim cút chỉ có một lần. Ngược lại nhiều tài liệu quả quyết rằng bột Man-na được rơi mỗi buổi sáng. Chúa đã hứa :« Này, Ta sẽ làm cho bánh từ trời mưa xuống cho các ngươi ăn » ( Xh 16,4) . Kể từ đây mỗi đêm ( Trừ ngày Sa-bát) trong bốn mươi năm « 9 Đêm về sương rơi trên doanh trại, thì man-na cũng rơi xuống. »    ( Ds 11,9). Sách Giô-suê còn cho biết chính xác món quà từ trời ngưng rơi lúc vừa tiến vào đất hứa. «12 Hôm sau, không còn man-na nữa, khi họ dùng thổ sản trong xứ; thế là con cái Ít-ra-en không còn có man-na nữa. Năm ấy, họ đã dùng hoa màu của đất Ca-na-an.  (Gs 5,12) .

Lạ lùng thay, cùng một lúc Chúa hứa cho thức ăn, Ngài nói tới thử thách : « Này, Ta sẽ làm cho bánh từ trời mưa xuống cho các ngươi ăn. Dân sẽ ra lượm lấy khẩu phần cho mình, ngày nào cho ngày đó; Ta muốn thử lòng chúng như vậy xem chúng có tuân theo Luật của Ta hay không »( C4) Hình như Chúa thử lòng bằng hai cách. Trước hết mỗi ơn Chúa ban là một cách thử lòng chúng ta xem có biết ơn không ? Chúa rất tế nhị, thông thường chúng ta quên rằng mọi ơn Chúa đều ban nhưng không. Vấn đề đặt ra là như thế này : Các ngươi có vượt qua cám dỗ kêu trách, nghi kỵ mà tin vào Ta, nhìn nhận ân huệ của Ta và sự hiện diện của Ta không ? Thế nhưng những lời thì thầm kêu trách đó không vì thế mà ngưng ! Tới lúc thấy chán Man-na : « 5 Nhớ thuở nào ta ăn cá bên Ai-cập mà không phải trả tiền, rồi nào dưa gang, dưa bở, nào hẹ, nào hành, nào tỏi.6 Còn bây giờ đời ta tàn rồi; mọi thứ đó hết sạch, chỉ còn thấy man-na thôi. » ( Ds 11,5-6)

Kế đến, cách thứ hai Chúa thử thách là Ngài hỏi : Các ngươi có vâng lời Ta và tuân giữ những điều răn của Ta, giữ ngày Sa-bát và sống chia sẻ không ? Vì Chúa đã dự định tất cả : mỗi người chỉ nhặt phần mình cần dùng mà thôi, nhưng không được dự trữ. Có những kẻ ranh con cũng thử làm nhưng những của thừa hư thối ngay. Trái lại ngày thứ Sáu (trước ngày Sa-bát) Man-na được rơi gấp đôi và mỗi người có thể giữ cho ngày hôm sau, để cho mỗi người có thể giữ ngày Sa-bát. Man-na chỉ rơi sáu ngày trên bảy. Lần này nữa, như lần trước họ bị cám dỗ, nếu đêm Sa-bát Man-na có rơi, thật ngu xuẩn nếu không đi nhặt. Nhưng mọi người hiểu, Chúa đã quyết định giáo dục dân Ngài.

***

 

THÁNH VỊNH ( Tv77, 3.4bc 23-25.54)

 

"Chúa đã ban cho họ được bánh bởi trời." 

 

3 Điều chúng tôi đã từng nghe biết
do cha ông kể lại cho mình,

4 …
sự nghiệp lẫy lừng, quyền uy của CHÚA,
với những kỳ công Chúa đã làm.

23 Chúa hạ lệnh cho mây tầng cao thẳm,
lại truyền mở rộng cánh thiên môn;

24 Người khiến man-na tựa hồ mưa đổ xuống,
và ban bánh bởi trời nuôi dưỡng họ.

25 Kẻ phàm nhân được ăn bánh thiên thần,
Chúa gửi đến cho họ dồi dào lương thực.

52 Còn dân Chúa, Người dẫn đi như thể đàn cừu,
đem họ vào sa mạc chẳng khác bầy chiên,

54 Chúa đưa dân vào miền thánh địa
là vùng núi non tay Người đã chiếm.

Thánh vịnh 77 (78) dài hơn nhiều, nhưng phần ngắn chúng ta đọc hôm nay cũng đủ tóm lược  cho chúng ta hiểu. Đây là tất cả lịch sử It-ra-en được viết lên bởi hai nhân vật qua bao nhiêu thế kỷ, lần lượt qua bao nhiêu thế hệ. Đó là Thiên Chúa trung tín đối diện với một dân tộc hay thay đổi. Thay đổi thất thường vì lãng quên.

It ra-en rất ý thức sự quan trọng của ký ức:  «  3 Điều chúng tôi đã từng nghe biết
do cha ông kể lại cho mình,4 …sự nghiệp lẫy lừng, quyền uy của CHÚA »
. Muốn cho đức tin được truyền lại phải có ba yếu tố : Trước tiên phải có một ai đó đã sống một sự kiện cứu độ, một trải nghiệm về cứu độ và có thể tuyên bố « Chúa đã cứu tôi » ; yếu tố thứ hai là người ấy chia sẻ trải nghiệm của mình và làm chứng nhân điều mình trải nghiệm ; yếu tố thứ ba là cộng đồng ghi nhớ điều ấy và gìn giữ chứng tá đó. Vì thế chúng ta có thể nói đức tin là một trải nghiệm cứu độ được chia sẻ trong cộng đồng…và chính điều này là chỗ yếu của chúng ta.

Dân Do Thái từ lâu biết rằng đức tin không phải chỉ là một mớ hành trang của trí tuệ, nhưng là một trải nghiệm tập thể : các kinh nghiệm về ân sủng, về tha thứ của Thiên Chúa. Bài thánh vịnh này nhắc lại tất cả những điều đó trong 72 câu những trải nghiệm cứu độ của họ. Một trải nghiệm lớn nhất làm nền tảng của niềm tin It-ra-en là sự cứu thoát khỏi Ai-cập : vì lẽ đó mà trong bài thánh vịnh chúng ta nhận ra nhiều ngụ ý ám chỉ về cuộc Xuất Hành qua sa mạc Si-na-i. Các cha ông kể lại cho các con rồi lần lược họ kể lại cho các con mình vân vân…Dĩ nhiên nếu một thế hệ lơ là bổn phận của mình thì sợi giây chuyền bị gián đoạn. Hơn nữa lớp con cái phải biết lắng nghe và tán đồng. Câu  3 Điều chúng tôi đã từng nghe biếtquá nhẹ nhàng không nói lên ý nghĩa mãnh liệt trong Thánh Kinh, lắng nghe có nghĩa là hết lòng tán thành Lời của Chúa.

Các cha ông cũng bắt buộc thú nhận với con cái rằng họ cũng đã từng phàn nàn với Chúa. Mặc dù bao lần Chúa hành động cứu độ dân Ngài, nhưng để đáp lại Chúa thường chỉ gặp lòng vô ơn bội nghĩa. Mỗi lần được Chúa can thiệp vào, dĩ nhiên là họ bắt đầu nhảy múa vui mừng ; nhưng rồi ngày qua ngày họ quên đi. Nhưng khi gặp khó khăn lại trách vắng bóng Chúa hay trách Ngài không ra tay. Những lúc ấy lại chạy cầu xin các thần thánh khác, ví dụ như việc thờ con bò vàng làm bụt thần. Khi trong bài thánh vịnh  hai câu 36-37 nói tới việc vô ơn và hay thay đổi đó là ám chỉ điều này : « 36 Miệng họ phỉnh phờ Chúa, lưỡi họ lừa dối Người; 37còn lòng dạ chẳng chút gì gắn bó, chẳng trung thành giữ giao ước của Người. »Điều này muốn nói tới việc thờ phượng bụt thần. Vì sao thế ?

Sở dĩ các tiên tri đả phá mãnh liệt nạn thờ phượng bụt thần là vì nó mang lại bất hạnh cho nhân loại. Khi nào con người khám phá  ra Thiên Chúa như họ tưởng tượng – hay tệ hơn như họ phím họa ra,  nhưng không như Thiên Chúa thật thì họ sẽ không bao giờ tiến tới hạnh phúc. Mọi bụt thần làm cản trở con đường tìm đến tự do. Đó là cách định nghĩa vì sao không làm cho chúng ta thật sự tự do. Khi Kác-mác nói « tôn giáo là nha phiến của dân chúng », đó là ông nói một cách trơ trẽn rằng một tôn giáo, bất cứ tôn giáo nào cũng là một thế lực, một chế độ độc tài,  một hành vi thao tác trên loài người. Sự dị đoan mê tín, đạo tôn thờ đồ vật, trò phù thủy, tất cả thứ ấy cản trở chúng ta thực hiện các trách nhiệm của chúng ta một cách tự do vì chúng làm cho chúng ta sống trong sợ hãi. Tất cả những bụt thần dù bằng gỗ hay bằng thạch cao ( Trong thế kỷ thứ XXI này cũng còn những cuộc diễu hành các thứ ấy) , làm cho chúng ta quay lưng lại với Chúa Hằng Sống, Thiên Chúa thật. Việc tôn thờ một cá nhân hay một tư tưởng hệ nào cũng biến chúng ta thành những nô lệ. Chỉ cần nghĩ tới những chế độ bảo thủ, cực đoan làm biến dạng chúng ta đi. Giàu sang tiền của cũng rất có thể là bụt thần…Trong lúc chỉ có sự thật mới làm cho chúng ta là người tự do.

Trong những câu không được đọc hôm nay, bài thánh vịnh có một hình ảnh rất ý nghĩa, đó là một cánh cung bị nhắm sai hướng : tâm tình của dân It-ra-en phải như một cái cung nhắm thẳng vào Thiên Chúa, nhưng bị sai hướng. Như một người trai trẻ có lúc quên đi mình được thương yêu trìu mến như thế nào, lãng quên những nụ cười cha mẹ cho mình không thương tiếc, những lúc nhẫn nại, những đêm dài canh thức cho mình, mọi thứ chăm sóc đủ điều…và bấy giờ với tất cả lòng thành, tuyên bố rằng « cha mẹ tôi chẳng bao giờ thương yêu tôi »… thế nhưng chính từ trong sự vong ơn bội nghĩa ấy mà It-ra-en đã được một trải nghiệm tuyệt vời , đó là sự tha thứ của Thiên Chúa.

***

 

Tác giả: Marie-Noëlle Thabut                       
Nguồn: Sách L’ intelligence des Ecritures Socéval Editions


Dịch giả: E. Máccô Lương Huỳnh Ngân              

Hiệu đính: Phêrô Nguyễn Thế Hoằng                

 


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com