BÀI ĐỌC 1 (1V19, 4-8 )
"Nhờ sức của nuôi ấy, ông mới đi tới núi của Thiên Chúa".
Trích sách Các Vua quyển thứ nhất.
4 ông Ê-li-a …thì đi một ngày đường trong sa mạc. Ông đến ngồi dưới gốc một cây kim tước. Ông xin cho được chết và nói: "Lạy ĐỨC CHÚA, đủ rồi! Bây giờ xin Chúa lấy mạng sống con đi, vì con chẳng hơn gì cha ông của con."
5 Rồi ông nằm dưới cây kim tước đó và thiếp đi. Nhưng này có một thiên sứ đụng vào người ông và nói: "Dậy mà ăn! "
6 Ông đưa mắt nhìn thì thấy ở phía đầu ông có một chiếc bánh nướng trên những hòn đá nung và một hũ nước. Ông ăn bánh, uống nước, rồi lại nằm xuống.
7 Thiên sứ của ĐỨC CHÚA trở lại lần nữa, đụng vào người ông và nói: "Dậy mà ăn, vì ngươi còn phải đi đường xa."
8 Ông dậy, ăn bánh và uống nước. Rồi nhờ lương thực ấy bổ dưỡng, ông đi suốt bốn mươi ngày, bốn mươi đêm tới Khô-rếp, là núi của Thiên Chúa.
Chúng ta đã có dịp nói về tiên tri Ê-li-a (CN thứ 19 TN năm A). Tôi xin kể ngắn gọn lại câu chuyện về ông. Ông người gốc gác ở Ti-be xứ Ga-la-át (Miền bắc xứ Jordanie hiện nay), mang tên là Ê-li-a người Ti-be, nhưng tên thật của ông là Eliyyah, có nghĩa : « Chúa tôi là Yah », điều này nói rõ tóm lược đời của ông, suốt đời ông là cuộc chiến không ngừng chống lại Ba-an, thần của người Ca-na-an.
Trái hẳn với ông, hoàng hậu I-de-ven đem bụt thần vào ngay đền vua A-kháp, chồng bà ( xin xem chi tiết trong Chúa nhật thứ XIX TN năm A). Chúng ta đang ở vào khoảng năm 875 và 885 ( trước CN). Lịch sử ông Ê-li-a được chép trong phần đầu Thư 1 các Vua. Để tóm tắt lại bài chúng ta đọc hôm nay chúng ta có thể chia ra làm hai giai đoạn chính.
Màn I, cuộc hạn hán. Đây là một sự kiện lịch sử, vào thế kỷ thứ chín ở Trung Đông. Nhà sử gia Flavius Posèphe (thế kỷ thứ I sau CN) đã đề cập đến. Trong một nền văn minh nông nghiệp, hạn hán có nghĩa là sẽ có nạn đói và cái chết trong ngắn hạn. Nhiều thành phố xưa đã biến mất trong bản đồ chỉ vì sau một nhiều mùa hạn hán dài. Được Thiên Chúa tiên báo, Ê-li-a bắt đầu tuyên bố : « Có ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa hằng sống của Ít-ra-en, Đấng tôi phục vụ: trong những năm sắp tới, sẽ chẳng có mưa, có sương, nếu tôi không ra lệnh. » ( 1V17,3-4). Chúng ta nên hiểu câu này rằng Thiên Chúa là đấng có quyền lực trên mọi sức mạnh của thiên nhiên, những thần Ba-an không làm gì được. Sau đó ông lẩn trốn vì Thiên Chúa nói với ông :« 3 "Ngươi hãy bỏ đây đi về phía đông, và ẩn mình trong thung lũng Cơ-rít, phía đông sông Gio-đan.4 Ngươi sẽ uống nước suối. Ta đã truyền cho quạ nuôi ngươi ở đấy » ( 1V17,3-4)Hạn hán kéo dài, suối cạn nước, và Thiên Chúa gởi ông Ê-li-a đi xa hơn một chút, đến Xa-rép-ta, gần Xi-đôn. Ở đấy Ê-li-a được một bà goá nghèo giải cứu và có dịp trả ơn bà bằng cách ông làm cho bà hai phép lạ.
Màn II, hi lễ trên núi Các-men. Sau hai năm hạn hán, Thiên Chúa tiên báo sắp có mưa và gửi Ê-li-a báo tin cho A-kháp. E-li-a thay vì mang tin vui đến, Ê-li-a tìm cách khai thác tình thế với ý định làm sao có lợi cho Chúa. Ông thách đố đông đảo các tiên tri của Ba-an : thần Ba-an hay Thiên Chúa It-ra-en, đấng nào có thể khiến lửa từ trời xuống ?. Hai bên chấp nhận thách đố. Một bên Ê-li-a, bên kia là một nhóm bốn trăm tiên tri Ba-an, mỗi bên lập một bàn thờ vĩ đại chuẩn bị lễ toàn thiêu trên núi Các-men. Nhưng cho dù các tiên tri Ba-an kêu cầu các thần suốt ngày, không có việc gì xảy ra. Sau đó đến phiên Ê-li-a bắt đầu cầu nguyện : « 36 …Lạy ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của Áp-ra-ham, I-xa-ác và Ít-ra-en! Ước chi hôm nay người ta biết rằng trong Ít-ra-en Ngài là Thiên Chúa và con là tôi tớ Ngài. Cũng vì lời Ngài phán mà con đã làm tất cả các việc này » ( 18,36) và lửa từ trời phừng đốt lên đống củi trong giây lát. Dân chúng há hốc mồm kinh ngạc. Ê-li-a lợi dụng tình thế cho giết hết các tiên tri Ba-an. Mọi việc như trông đợi, nữ hoàng Giê-da-ben nỗi cơn thịnh nộ và hăm giết Ê-li-a. Ông chỉ còn cách lẩn trốn.
Thì đây chúng ta đọc câu đầu bài đọc Chúa nhật hôm nay : « 3 Thấy vậy, ông Ê-li-a trổi dậy, ra đi để thoát mạng. …4 còn ông thì đi một ngày đường trong sa mạc » ( 4,3-4) . Ông đi một mình, xin nhắc lại, ông đã để lại hai đứa tiểu đồng ở lại Bơ-e Se-va và đi sâu vào sự cô đơn của sa mạc. Bấy giờ ông quá mệt mỏi, có thể nói tệ hơn thế nữa, thất vọng và nghi ngờ nơi chính mình : « con chẳng hơn gì cha ông của con » ( 19,4) , ông nói. Vì sao thế ?
Trước tiên ông có nhiều lý do để sợ phải chết ; nhưng nhất là, bất chợt ông ý thức sự bất xứng của ông. Ông đã loan báo một Thiên Chúa khủng khiếp, bằng cách tiêu diệt mọi kẻ chống đối. Có phải ông đã lầm trong cuộc chiến ? Còn tệ hại hơn thế nữa, ông còn đòi những bằng chứng sự hiện diện của Thiên Chúa. Có phải chăng ông cũng giống như cha ông mình suốt cuộc hành trình của cuộc Xuất Hành đã « xì xầm » chống lại Thiên Chúa và đòi hỏi Ngài phải biểu lộ ? Và như thế trong lúc chạy trốn, trong lúc hiểm nguy, ông mới khám phá ra một Thiên Chúa giàu lòng thương xót.
Thiên Sứ mang lại thức ăn cho cuộc hành trình dài của ông, và nói với ông : « Dậy mà ăn, vì ngươi còn phải đi đường xa ». Nhờ đó ông có sức đi trong bốn mươi ngày, bốn mươi đêm đến Hô-rép. Không phải ngẫu nhiên mà ông đi đến đấy, Chúa đã thể hiện cho Mô-sê cũng ở đây. Trong lửa của bụi cây bốc cháy, Chúa đã xưng Tên của Ngài và tỏ ra sự ân cần chăm sóc dân Ngài (Xh3). Trong quyền năng của Chúa với gió, bão, trời đất rung chuyển, Ngài ban cho hai tấm bia Lề Luật. Trong một cái hang ông đem dấu đi trong hốc đá để tránh ánh sáng rực rỡ chiếu ra. (Xh 33,21-23). Ê-li-a dần bước đến hốc đá, và nơi ấy ông được chứng kiến dung nhan thật của Thiên Chúa, vì đã đến lúc giai đoạn mới của sự Mặc Khải đã đến.
Chúa là đấng quyền năng vô cùng, thật vậy, nhưng quyền năng của Ngài là từ Tình Yêu, trong sự êm dịu của « tiếng gió hiu hiu » (1V19,12). Trong khi chờ đợi, ông còn bốn mươi ngày và bốn mươi đêm để chuẩn bị, là không bằng thừa đâu ! (Trong Thánh Kinh con số bốn mươi là ám chỉ sự thai nghén). Cuộc hành trình dài ấy cũng là dịp để ông có được thời gian để nhận ơn trở lại, và suốt thời gian này ông được Thiên Thần Chúa nuôi dưỡng. Kể từ nay, mỗi lần chúng ta đến bàn thánh để nhận Thánh Thể, chúng ta nghe chính Chúa mời gọi : « Đến mà ăn, vì ngươi còn phải đi đường xa » (c7)
***
THÁNH VINH (Tv33, 2-9)
"Các bạn hãy nếm thử và hãy nhìn coi, cho biết Chúa thiện hảo nhường bao."
2 Tôi sẽ không ngừng chúc tụng CHÚA,
câu hát mừng Người chẳng ngớt trên môi.
3 Linh hồn tôi hãnh diện vì CHÚA
xin các bạn nghèo nghe tôi nói mà vui lên.
4 Hãy cùng tôi ngợi khen ĐỨC CHÚA,
ta đồng thanh tán tụng danh Người.
5 Tôi đã tìm kiếm CHÚA, và Người đáp lại,
giải thoát cho khỏi mọi nỗi kinh hoàng.
6 Ai nhìn lên CHÚA sẽ vui tươi hớn hở,
không bao giờ bẽ mặt hổ ngươi.
7 Kẻ nghèo này kêu lên và CHÚA đã nhận lời,
cứu cho khỏi mọi cơn nguy khốn.
8 Sứ thần của CHÚA đóng trại chung quanh
để giải thoát những ai kính sợ Người.
9 Hãy nghiệm xem CHÚA tốt lành biết mấy:
hạnh phúc thay kẻ ẩn náu bên Người!
Một lần nữa, chúng ta chứng kiến trong bài thánh vịnh này sự đối chiếu giữa từng hai câu một. Mỗi câu được viết bằng hai hàng đối với nhau. Lý tưởng là nên đọc thành hai bè, mỗi hàng xen kẽ nhau. Chẳng những bài gồm 22 câu (Số 22 là số chữ cái trong từ vựng Do Thái), mà hơn thế nữa, bài được gọi theo thể thơ tiếng Pháp gọi là acrostiche, tức 22 chữ đầu của mỗi câu là một chữ viết bên lề bài thơ, theo thứ tự của từ vựng a-b-c Do Thái. Thể thơ này được gặp khá thường trong các thánh vịnh tạ ơn Giao Ước. Hơn nữa các danh từ dùng cho sự tạ ơn hiện diện rất phong phú trong bài thánh vịnh hôm nay, nhất là trong những câu đầu.!2 không ngừng chúc tụng CHÚA ; hát mừng Người ; hãnh diện vì CHÚA ; xin các bạn nghèo nghe tôi nói mà vui lên ; ngợi khen ĐỨC CHÚA ; tán tụng danh Người ; giải thoát ; vui tươi hớn hở ; CHÚA đã nhận lời ; giải thoát ; hạnh phúc thay… »
Hãy để lòng chúng ta được vang dội bởi vô số các cụm chữ tuyệt vời này « 3 Linh hồn tôi hãnh diện ; Vui lên, ngợi khen ĐỨC CHÚA ; Tán tụng danh Người ; Giải thoát ; Vui tươi hớn hở ; Cứu cho khỏi mọi cơn nguy khốn ; Giải thoát những ai kính sợ Người ; Hạnh phúc thay… »
Có một đặc điểm trong từ vựng Thánh Kinh: « 6 Ai nhìn lên CHÚA sẽ vui tươi hớn hở »Cụm chữ « nhìn lên Chúa », hay thỉnh thoảng « ngước mắt lên Chúa » là cách diễn tả chiêm ngắm Đấng chúng ta nhận ra là Thiên Chúa. Đây là tất cả trải nghiệm dân It-ra-en, làm chứng tá cho công trình của Thiên Chúa, một Thiên Chúa biết đáp lại, giải thoát, quan tâm và cứu độ… « 5 Tôi đã tìm kiếm CHÚA, và Người đáp lại, giải thoát cho khỏi mọi nỗi kinh hoàng 7Kẻ nghèo này kêu lên và CHÚA đã nhận lời, cứu cho khỏi mọi cơn nguy khốn » ( C 5 ;7).Sự quan tâm của Thiên Chúa đối với những người đau khổ đã được tường thuật trong đoạn nói về bụi cây bốc cháy. "Ta đã thấy rõ cảnh khổ cực của dân Ta bên Ai-cập, Ta đã nghe tiếng chúng kêu than vì bọn cai hành hạ. Phải, Ta biết các nỗi đau khổ của chúng “ (Xh 3,7).
Trong lịch sử, It-ra-en là « kẻ nghèo » đã trải nghiệm lòng thương xót của Chúa, được nhận ra khi họ hát bài thánh vinh 33 ( 34) này : « 7 Kẻ nghèo này kêu lên và CHÚA đã nhận lời, cứu cho khỏi mọi cơn nguy khốn » . Trước tiên họ cầu xin riêng cho họ, nhưng bài thánh vịnh mời gọi mở rộng chân trời, nên có câu : « Kẻ nghèo này kêu lên », có nghĩa là bất cứ kẻ nghèo nào, dù bất cứ ở đâu trên trái đất. Chừng một lúc It-ra-en khám phá ra sứ vụ của họ. Sứ vụ gồm hai hướng.
Trước tiên đó là một dân tộc dạy cho những kẻ khiêm nhu trên thế giới biết sống cậy trông. Đức tin hiện ra như một đối thoại giữa Thiên Chúa và con người. Đó là câu trả lời của Thiên Chúa khi họ hỏi : Con người kêu cầu đến Thiên Chúa, Ngài nghe, giải thoát và đến cứu họ… Con người bấy giờ cất tiếng tạ ơn. Nếu nghĩ cho thật kỹ, lời cầu nguyện luôn gồm cả hai vế, cầu xin và ngợi khen, cảm tạ. Trước hết là lời cầu xin và câu trả lời của Chúa : « 5 Tôi đã tìm kiếm CHÚA, và Người đáp lại, giải thoát cho khỏi mọi nỗi kinh hoàng (C 5). Kế tiếp đó là lời cảm tạ : « "Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó, vì Nước Thiên Chúa là của anh em » (Lc 6,20). Trong bài này ở câu 3 : « xin các bạn nghèo nghe tôi nói mà vui lên. (Điều này chứng tỏ Đức Giê-su hội nhập ngôn từ của các cha ông It-ra-en trong ngôn từ của Ngài để rao giảng)
Chúng ta có thể học hỏi trong bài này hai điều. Đầu tiên là « Hãy vui lên, thiên Chúa không làm ngơ giả điếc và sẽ hành động ». Điều thứ hai là « Chúa chọn những khí cụ trên thế gian này để giải cứu các ngươi ». Sứ vụ của It-ra-en trong suốt nhiều thế kỷ phải làm vang dội lời kêu xin ấy - phải hát lên bài ca nhiều bè này - hoà lẫn đau khổ, ngợi khen và hi vọng. Hơn nữa phải nâng đỡ tất cả mọi hình thức của sự nghèo khổ. Có một loại đau khổ không bao giờ nên ruồng bỏ, khước từ đó là : « tâm hồn nghèo khó » (Mt 5,3). Thực tế của những kẻ chấp nhận mình là kẻ bé mọn mà dám khẩn cầu Chúa cứu mình. Như thánh Mát-thêu nói : 3 "Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ » ( Mt 5,3)
Còn sự ân cần của Chúa không phải là cây đũa thần có thể làm tan biến mọi buồn phiền khó chịu, mọi đau khổ trong đời chúng ta…Trong sa mạc, đi sau lưng ông Mô-sê hay trong Ca-na-an đi sau lưng ông Giô-su-ê, mọi lo lắng của dân chúng, không được tránh đi trong mọi tình huống như một phép lạ ! Nhưng sự hiện diện của Thiên Chúa đồng hành với họ trong mọi lúc, để giúp họ vượt qua những trở ngại. Trong bài học về cầu nguyện, thánh Lu-ca nói không gì khác hơn : 9 "Thế nên Thầy bảo anh em: anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho.10 Vì hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở cho.11 Ai trong anh em là một người cha, mà khi con xin cá, thì thay vì cá lại lấy rắn mà cho nó?12 Hoặc nó xin trứng lại cho nó bò cạp?13 Vậy nếu anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình của tốt của lành, phương chi Cha trên trời lại không ban Thánh Thần cho những kẻ kêu xin Người sao? » (Lc11,9-13). Chúng ta hãy trở lại bài hôm nay với hai câu (16,18) : «16 nhưng để mắt nhìn người chính trực và lắng tai nghe tiếng họ kêu.18Họ kêu xin, và CHÚA đã nhận lời, giải thoát khỏi mọi cơn nguy khốn » . Trong cơn thử thách, trong đau khổ chẳng những ta được phép mà còn nên kêu gào xin thương xót.
***
Tác giả: Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: Sách L’ intelligence des Ecritures Socéval Editions
Dịch giả: E. Máccô Lương Huỳnh Ngân
Hiệu đính: Phêrô Nguyễn Thế Hoằng