Lời Chúa CN

Bài đọc 1 LỄ MÌNH & MÁU CHÚA - B ( Xh 24,3-8 ) 07/6/2015

 

"Đây là máu giao ước Thiên Chúa đã cam kết với các ngươi".

Trích sách Xuất Hành.

 

3 Ông Mô-sê xuống thuật lại cho dân mọi lời của ĐỨC CHÚA và mọi điều luật. Toàn dân đồng thanh đáp: "Mọi lời ĐỨC CHÚA đã phán, chúng tôi sẽ thi hành."

4 Ông Mô-sê chép lại mọi lời của ĐỨC CHÚA. Sáng hôm sau, ông dậy sớm, lập một bàn thờ dưới chân núi và dựng mười hai trụ đá cho mười hai chi tộc Ít-ra-en.

5 Rồi ông sai các thanh niên trong dân Ít-ra-en dâng những lễ toàn thiêu, và ngả bò làm hy lễ kỳ an tế ĐỨC CHÚA.

6 Ông Mô-sê lấy một nửa phần máu, đổ vào những cái chậu, còn nửa kia thì rảy lên bàn thờ.

7 Ông lấy cuốn sách giao ước đọc cho dân nghe. Họ thưa: "Tất cả những gì ĐỨC CHÚA đã phán, chúng tôi sẽ thi hành và tuân theo."

8 Bấy giờ, ông Mô-sê lấy máu rảy lên dân và nói: "Đây là máu giao ước ĐỨC CHÚA đã lập với anh em, dựa trên những lời này."

Có những điều kỳ lạ trong bài đọc hôm nay ! Trước hết những phong tục, tập quán này rất xa lạ với chúng ta, kế đến có những đoạn nhấn mạnh về máu, cũng có cách phát biểu quen thuộc với chúng ta « Máu Giao Ước ». Nếu những nghi thức này làm chúng ta ngạc nhiên xin đừng quên là ông Mô-sê sống vào khoảng 1250  năm trước Công Nguyên. Các tập tục ấy đã có hơn 3000 năm,  đâu phải ông Mô-sê đã bày ra : Nhiều dân tộc thời ấy cũng làm như thế. Hiện nay trong thế kỹ thứ XXI này cũng còn vài nơi dân tộc lịch sử tiến hoá còn chậm. Bài Thánh Kinh hôm nay miêu tả nghi lễ thường được thực hiện trong một giao ước giữa hai dân tộc trước kia là thù địch. Nhưng lần này một bên là chính Thiên Chúa…và phía bên kia là một dân tộc nhỏ tí teo.

Điều thú vị là ông Mô-sê dùng nghi lễ thường lệ nhưng cho nó một ý nghĩa thật mới ! Nếu nhìn rõ thì ta sẽ thấy hai thực tế - một đàng là nghi lễ cũ - một đàng là ý nghĩa hoàn toàn mới do ông Mô-sê đề xướng. Hai điều này được thể hiện trong nhiều câu chồng chéo lên nhau trong bài đọc. Một bên là truyền thống, tập tục « …ông dựng mười hai trụ đá cho mười hai chi tộc Ít-ra-en … ông Mô-sê lấy máu rảy lên dân ». Điều mới lạ ở đây, trái lại là quan niệm về Giao Ước do Thiên Chúa đề nghị, đó là món quà từ Thiên Chúa, đó là Lề Luật của Ngài và lời cam kết của toàn dân vâng theo Lề Luật ấy.   

Chúng ta chỉ cần đọc lại tuần tự bài này và sẽ thấy những yếu tố đó chồng chéo lên nhau dường nào : « 3 Ông Mô-sê xuống thuật lại cho dân mọi lời của ĐỨC CHÚA và mọi điều luật. Toàn dân đồng thanh đáp: "Mọi lời ĐỨC CHÚA đã phán, chúng tôi sẽ thi hành." 4 Ông Mô-sê chép lại mọi lời của ĐỨC CHÚA …».Bài bắt đầu bằng điều quan trọng nhất là Lời Chúa. Sau này các con cháu của Mô-sê đọc lại hằng thế kỷ sau, họ hiểu ngay đoạn này : không phải hy lễ là quan trọng, đáng giá, điều quan trọng nhất, quý giá nhất là Giao Ước, là sự vâng phục Lời Chúa.

Sau đó bài tường thuật các nghi lễ của cuộc hiến tế toàn thiêu : đền thờ dưới chân núi, mười hai trụ đá biểu hiện cho mười hai chi tộc It-ra-en, tức là toàn dân It-ra-en. Chữ « dân » được nhắc đến nhiều lần trong bài ; thật vậy Giao Ước được kết với toàn dân, không phải với một cá nhân nào (hay với một nhóm người nào) . Mười hai trụ đá được dựng lên có nghĩa là với toàn dân, hiệp nhất chung quanh Giao Ước. Một lần nữa đây là một sứ điệp cho những đọc giả tương lai : Điều này có lẽ hữu ích cho mười hai chi tộc, là để nhắc lại yếu tố kết hiệp họ với nhau, đã từ lâu rồi, từ lúc mới ra khỏi Ai-cập.

Các thanh niên ngả bò làm hy lễ (Lúc bấy giở hy lễ không chỉ dành cho các kinh sư). Sau đó là nghi lễ về máu : trước hết ông Mô-sê rảy máu lên bàn thờ, tượng trưng cho Chúa và liền sau đó ông lấy sách Giao Ước, đọc Lời Chúa rồi dân chúng cam kết vâng lời. « Họ thưa: "Tất cả những gì ĐỨC CHÚA đã phán, chúng tôi sẽ thi hành và tuân theo »

Sau cùng ông rảy máu lên dân chúng. Nghi lễ này có nghĩa là Giao Ước trở nên «sự sống còn» của đối tác. Đó là cách nói lên từ nay sự nối kết giữa Thiên Chúa và dân Ngài có tính cách «sinh tử». Liền sau đó ông Mô-sê nhắc lại ý nghĩa của Giao Ước Thiên Chúa vừa xác nhận với dân Ngài. « 8 Bấy giờ, ông Mô-sê lấy máu rảy lên dân và nói: "Đây là máu giao ước ĐỨC CHÚA đã lập với anh em, dựa trên những lời này». Điều trước tiên không phải là hy lễ, để có hy lễ , mà là Giao Ước thể hiện bằng Lời Chúa. Có thể nói khác hơn, để hiểu rằng hy lễ chính nó không bao giờ là mục đích : nó chỉ có giá trị bởi sự cam kết với tình yêu và lòng trung tín đến từ nó và kết thúc tốt đẹp giữa Thiên Chúa và dân Ngài. Với Mô-sê một giai đoạn chính yếu bắt đầu : Hy lễ không còn là một nghi lễ thần thiêng, nó được thực hiện bằng những lời cam kết đôi bên, nó trở nên mầu nhiệm đức tin.

Ông Mô-sê nhấn mạnh rằng chính Chúa lấy sáng kiến : ông nói : « "Đây là máu giao ước ĐỨC CHÚA đã lập với anh em » . Không phải It-ra-en với  Chúa, mà họ cũng không bao giờ có ý đó, chính Chúa đến tìm họ và kết Giao Ước với họ, dần dần mặc khải cho họ một Thiên Chúa giải thoát và đem lại sự sống. Một trong những đặc tính của đức tin It-ra-en là tất cả sáng kiến đều đến từ Thiên Chúa. Tất cả những gì con người làm (cầu nguyện, hiến tế, hy sinh) đều đến để đáp trả  lại tình yêu khởi đầu từ Thiên Chúa. « Tất cả những gì ĐỨC CHÚA đã phán, chúng tôi sẽ thi hành và tuân theo. » Xin đừng lầm vâng lời Chúa không phải làm lợi cho Chúa. Sở dĩ Chúa cho chúng ta các điều răn vì chúng ta không thể có hạnh phúc trong một lối sống nào đó. Khi chúng ta không tuân theo Chúa là chúng ta tự làm khổ lấy mình.  Có thể nói mình phải xin lỗi mình ! Khi chúng ta bất tuân những điều răn của Ngài, lỗi của chúng ta đối với Chúa là không tin cậy vào Ngài để dẫn dắt đời chúng ta. Khi đứa con bị phỏng lửa, không nghe ta cấm đến gần lửa thì chính nó bị phỏng, nó làm cho nó đau. Đối với chúng ta  lỗi của nó là tại nó không vâng lời chúng ta, vì tự kiêu hoặc thiếu tin tưởng nơi ta.  

Thế nhưng lòng tin cậy không tự nhiên mà đến. : Con thương cha, chỉ có được để đáp lại tình cha thương yêu con. Trước khi đi trên con đường vâng phục, dân It-ra-en đã trải qua kinh nghiệm rất thực tế của công trình Chúa thực hiện cho họ. Nhiều thuyết cho rằng việc Chúa trao Lề Luật cho Mô-sê được xảy ra sau khi được giải thoát khỏi Ai-cập, sau khi được giải thoát ách nô lệ. Dân đã trở thành một dân tự do nhờ sáng kiến của Thiên Chúa. Từ nay họ có thể tin rằng Chúa kêu gọi vâng lời cũng là để giải thoát họ. Thánh Phao-lô gọi đó là « … tin mà vâng phục Thiên Chúa » (Rm 16,26b)

***

 


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com