Lời Chúa CN

TÌM HIỂU CỰU ƯỚC CHÚA NHẬT 32 THƯỜNG NIÊN NĂM B - 7/11/2021

BÀI ĐỌC 1 ( 1V17, 10-16)

 

"Bà goá lấy bột làm một cái bánh nhỏ, rồi mang đên cho ông Êlia".

 

Trích sách Các Vua quyển thứ nhất.

 

10 Ông liền đứng dậy đi Xa-rép-ta. Khi đến cổng thành, ông thấy có một bà goá đang lượm củi. Ông gọi bà ấy và nói: "Bà làm ơn đem bình lấy cho tôi chút nước để tôi uống.

11 Bà ấy liền đi lấy nước. Ông gọi bà và nói: "Bà làm ơn lấy cho tôi miếng bánh nữa! "

12 Bà trả lời: "Có ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa hằng sống của ông tôi thề là tôi không có bánh. Tôi chỉ còn nắm bột trong hũ và chút dầu trong vò. Tôi đang đi lượm vài thanh củi, rồi về nhà nấu nướng cho tôi và con tôi. Chúng tôi sẽ ăn rồi chết."

13 Ông Ê-li-a nói với bà: "Bà đừng sợ, cứ về làm như bà vừa nói. Nhưng trước tiên, bà hãy lấy những thứ đó mà làm cho tôi một chiếc bánh nhỏ, và đem ra cho tôi, rồi sau đó bà sẽ làm cho bà và con bà.

14 Vì ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của Ít-ra-en phán thế này:
"Hũ bột sẽ không vơi
vò dầu sẽ chẳng cạn
cho đến ngày ĐỨC CHÚA
đổ mưa xuống trên mặt đất."

15 Bà ấy đi và làm như ông Ê-li-a nói; thế là bà ấy cùng với ông Ê-li-a và con bà có đủ ăn lâu ngày.

16 Hũ bột đã không vơi, vò dầu đã chẳng cạn, đúng như lời ĐỨC CHÚA đã dùng ông Ê-li-a mà phán.
Hồi sinh đứa con của bà goá

 

Tiên tri Ê-li-a là một trong những nhân vật nổi tiếng nhất trong Cựu Ước. Sau này, Thánh Kinh nói về ngài rằng: «1 Rồi ông Ê-li-a xuất hiện, ông là vị ngôn sứ chẳng khác nào ngọn lửa, lời của ông tựa đuốc cháy bừng bừng » (Hc 48,1). Dù ngài để lại trong ký ức những điều kỳ diệu (người ta đồn rằng ông không chết nhưng được rước về trời trên một chiến xa bằng lửa), Ê-li-a cũng có những giờ phút thất vọng và rối loạn. Thì ra, đây là một trong những giây phút ấy.

Lý do là công việc của Ê-li-a là công việc khó nhất. Ông xuất hiện ở Vương Quốc Miền Bắc trong hai bối cảnh thê thảm. Trước hết, chính sách giao ước của vua Ít-ra-en đối với vua xứ Phê-ni-xi, mở cửa cho bội giáo. Một khi cưới bà I-dê-ven, con vua xứ Tia, vua A-kháp  không thể nào tránh được việc rước sự thờ phượng bụt thần vào cung điện của ông, thành phố của ông, ít lâu sau đó sẽ đến dân tộc của ông. Người hoàng hậu trẻ tuổi ngoại giáo, cùng với bà, hội nhập những phong tục tập quán, những lời kinh kệ, những pho tượng, những người tư tế của bà. Để làm vui lòng vợ, vua A-kháp bội phản lại tôn giáo của chính mình và ông thẳng thừng cho xây một cái đền thờ thần Ba-an trong kinh đô của ông, tại chính Sa-ma-ri. A-kháp và Ê-li-a rồi tất nhiên phải chạm trán nhau. Thánh Kinh kể lại cho chúng ta, họ mắng nhau như thế nào khi họ gặp nhau? A-kháp cho Ê-li-a là « Tên mang hoạ cho Ít-ra-en » (1V 18, 17) và Ê-li-a trả lời lại với vua : người mang hoạ cho Ít-ra-en chính là ngài, vì tất cả những tai ương đang phủ lấy dân chúng là chính do lỗi của ngài !

Điều thứ hai, tai họa, một nạn hạn hán sắp giáng xuống cả xứ, thời ấy hạn hán đồng nghĩa với nạn đói, khủng hoảng kinh tế và người nghèo càng nghèo thêm, vì đó là những người không có điều kiện dự trữ lương thực. Trong bối cảnh ấy, chiến tranh tôn giáo giữa Ê-li-a, vị ngôn sứ của Thiên Chúa và I-dê-ven, bà hoàng hậu ngoại đạo sẽ trở thành một cuộc thử thách phi thường xem ai nắm lấy chân lý! Ai? Chúa của Ít-ra-en hay thần Ba-an có thể khắc phục được sức mạnh của thiên nhiên? Ai có thể ra lệnh cho lửa từ trời thiêu đốt, hay ban nước nguồn tươi mát khắp đồng xanh? Đó là cuộc thách đấu vĩ đại trên núi Cát-men.

Ê-li-a thắng được trận đầu, nhưng từ nay, dù đi đâu ông cũng không tránh được sự giận dữ của I-dê-ven, vì thế ông bị ép đi lưu đày. Đây là một hình thức nghèo khó, vì thành Xa-rếp-ta không thuộc Ít-ra-en. Bị bách hại ngay trong xứ của mình, ngôn sứ Ê-li-a lánh nạn nơi nước ngoài, gần Xi-đôn, trên bờ Địa-trung-hải. Bài hôm nay cho thấy ông buộc phải đi ăn xin một người phụ nữ vô danh : « Bà làm ơn lấy cho tôi miếng bánh nữa! ». Một người ăn mày, nhưng là người ăn mày được Chúa điều khiển từ xa, thật vậy : khi Chúa loan báo hạn hán, Ngài cũng chỉ cách cho ông lẩn tránh. Đến một dòng suối phía đông sông Gio-đan tạm thời cho ông nước uống và cho quạ đến nuôi ông ăn. Khi suối đã cạn, Chúa khuyên ông thêm: « 9 "Ngươi hãy đứng dậy đi Xa-rếp-ta, thuộc Xi-đôn, và ở lại đấy. Này Ta truyền cho một bà goá ở đó nuôi ngươi. » (1V 17, 9). Dĩ nhiên Ê-li-a vâng lời, thì đây, ông đang ở Xi-đôn buộc phải xin ăn.

Người đàn bà góa cũng nghèo, câu này của bài cũng đủ nói lên điều đó : « Có ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa hằng sống của ông tôi thề là tôi không có bánh. Tôi chỉ còn nắm bột trong hũ và chút dầu trong vò. Tôi đang đi lượm vài thanh củi, rồi về nhà nấu nướng cho tôi và con tôi. Chúng tôi sẽ ăn rồi chết ».

Nhưng khi Chúa nói, phải dám tin cậy; đó là vai trò của ngôn sứ phải nhắc lại điều ấy : « Bà đừng sợ, cứ về làm như bà vừa nói. Nhưng trước tiên, bà hãy lấy những thứ đó mà làm cho tôi một chiếc bánh nhỏ, và đem ra cho tôi, rồi sau đó bà sẽ làm cho bà và con bà.

14 Vì ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của Ít-ra-en phán thế này:"Hũ bột sẽ không vơi
vò dầu sẽ chẳng cạn cho đến ngày ĐỨC CHÚA đổ mưa xuống trên mặt đất. »
. Những gì sau đó xảy ra thật tuyệt vời về thần học cũng như về văn học. « 16 Hũ bột đã không vơi, vò dầu đã chẳng cạn, đúng như lời ĐỨC CHÚA đã dùng ông Ê-li-a mà phán ».

Thế nhưng muốn được như thế, bà goá xứ Xa-rếp-ta – một lần nữa là một lương dân - đã  liều tính mạng của mình (vì bà đã cho tất cả những gì ít oi bà còn lại) chỉ vì nghe theo lời Chúa Ít-ra-en. Ý định của tác giả bài này quá rõ ràng: dân được hưởng mọi ân huệ của Thiên Chúa nên lấy làm gương nơi một vài người lương. Trong khi đó, từ nay dân được Chúa chọn, chết đói và đau khổ, tôn thờ bụt thần trên đất nước mình, thì những người lương, được hưởng những món quà hậu hỉ của Thiên Chúa, chỉ vì họ có lòng tin. Và người phụ nữ Xa-rếp-ta còn được nghe Chúa nói (Chúa ra lệnh bà tiếp tế vị ngôn sứ) : điều này muốn nói Lời của Chúa cũng vang lên trong đất ngoại, chúng ta hãy nhắc nhau điều này! Về sau Chúa Giê-su cũng không làm cho người đương thời của Ngài hài lòng mấy, khi nhắc lại giai đoạn Xa-rếp-ta này (Lc 4, 25-26). Trong các sách sau cùng của Cựu Ước (Thư các Vua I cũng thuộc về loại này), các người ngoại được lấy làm gương mẫu: Như thế chúng ta hiểu rằng ơn Cứu Độ của Chúa dành cho cả nhân loại chứ không chỉ riêng cho Ít-ra-en.   

Cuối cùng bài học lớn lao của bài đọc hôm nay là sự chăm sóc ân cần của Chúa dành cho những ai tin cậy vào Ngài: người ngôn sứ tin đến nỗi liều mình bị bách hại; người đàn bà goá liều mình cho hết những gì mình có dù là rất ít ỏi… Người này cũng như người kia nằm trong tay Thiên Chúa. Người này cũng như người kia sẽ được bù lấp ngoài sức tưởng tượng của mình.

Lời chú : Thành Xa-rếp-ta hiện là Sarafand, cách Xi-đôn 15km về phía Nam.

***

 

THÁNH VỊNH ( Tv145, 7-10)

 

Linh hồn tôi ơi, hãy ngợi khen Chúa! 

( Cùng bài này xem CN III Mùa Vọng năm A và CN IV TN năm A

 

Chúa xử công minh cho người bị áp bức,
ban lương thực cho kẻ đói ăn.
CHÚA giải phóng những ai tù tội,

8 CHÚA mở mắt cho kẻ mù loà.
CHÚA cho kẻ bị dìm xuống đứng thẳng lên,
CHÚA yêu chuộng những người công chính.

9 CHÚA phù trợ những khách ngoại kiều,
Người nâng đỡ cô nhi quả phụ,
nhưng phá vỡ mưu đồ bọn ác nhân.

Chúa Trời ngươi hiển trị ngàn đời.

 

Hôm nay chúng ta chỉ đọc 4 câu của bài Thánh Vịnh này gồm 10 câu, vì thế chúng ta không nghe được hai chữ Ha-lê-lui-a! của câu đầu và câu cuối. Sở dĩ bài này được đóng khung bằng chữ Ha-lê-lui-a - có nghĩa là ngợi khen Thiên Chúa - vì trọn bài thánh vịnh này là lời ngợi khen và biết ơn Thiên Chúa. Bài được viết sau khi lưu đày Ba-by-lon về, có thể để dâng hiến đền thờ vừa mới được trùng tu.

Đền thánh bị phá huỷ năm 587 trước CN do quân của vua Ba-by-lon, Na-bu-cô-đô-nô-do. Năm mươi năm sau (năm 538tr CN), khi vua Ki-rô xứ Ba-tư chiến thắng Ba-by-lon cho phép dân Ít-ra-en, đang làm nô lệ ở Ba-by-lon, trở về Ít-ra-en và xây dựng lại Đền Thờ. Chúng ta cũng biết điều này không dễ, có những mối bất hoà trầm trọng xảy ra giữa những người đầy nhiệt huyết vừa mới hồi hương và những người đã chiếm vùng đất ấy trong lúc những người kia bị lưu đày. Phải cần nhiều nỗ lực và tính bền bỉ của các ngôn sứ Khác-gai và Da-ca-ri-a, các công trường mới được khởi công và hoàn thành. Tất cả kéo dài từ năm 520 đến năm 515 (trước CN), dưới triều đại vua Đa-ri-ô. Buổi lễ dâng hiến Đền Thờ vừa mới được trùng tu được diễn ra trong niềm hân hoan và sốt sắng: «16 Con cái Ít-ra-en, các tư tế, các thầy Lê-vi và những người lưu đày trở về, hân hoan cử hành lễ khánh thành Nhà Thiên Chúa » (Et 6, 16)

Bài thánh vịnh này đượm đầy niềm vui trở về quê hương. Một lần nữa, Thiên Chúa lại đến chứng minh lòng trung tín với Giao Ước. Xưa kia trong cuộc Xuất Hành và lúc rời khỏi Ai-cập, và bây giờ lúc rời Ba-by-lon Ngài đã nâng dân Ngài lên, Ngài đã « trả thù » cho họ, theo nghĩa của tiên tri I-sa-i-a. Khi dân Ít-ra-en đọc lại lịch sử dân tộc, họ không thiếu chi, bằng chứng rằng Thiên Chúa luôn luôn đồng hành với họ để tranh đấu cho tự do: « Chúa xử công minh cho người bị áp bức… CHÚA giải phóng những ai tù tội ». Trong hành trình sa mạc, trong cuộc Xuất Hành, Thiên Chúa đã ban bánh Man-na và chim cút làm lương thực: « ban lương thực cho kẻ đói ăn ». Và như thế, dần dần dân chúng khám phá ra một Thiên Chúa triệt để đứng về phía những kẻ bị áp bức, chữa lành người mù loà, nâng cao bất cứ những người bé nhỏ nào. Đó không phải là những ý tưởng mọi người chấp nhận dễ dàng, một cách tự phát về một Đấng Sáng Tạo vũ trụ, phải có một sự mặc khải qua Thánh Kinh để mọi người chấp nhận sự biểu hiện kỳ lạ này về Thiên Chúa. Đây là một niềm hạnh phúc và vinh hạnh của dân tộc Ít-ra-en được mặc khải cho nhân loại, một Thiên Chúa tình yêu và giàu lòng thương xót. Giàu lòng thương xót, có nghĩa là « chạnh lòng thương trước cảnh đau khổ ». Các bạn hẳn còn nhớ câu bất hủ trong Chúa nhật thứ XXX thường niên năm C, trong sách Huấn Ca (Hc 35, 15) « 15 Nước mắt quả phụ lại không giàn giụa trên gò má.. ». Bài Thánh Vịnh không nói với chúng ta những gì khác hơn: « Người nâng đỡ cô nhi quả phụ ». Đến lượt dân chúng được mời gọi bắt chước Thiên Chúa, sống với lòng thương xót như thế, đối với những người bị áp bức đủ điều. Và các bạn hẳn nhận xét rằng, để chắc chắn dân chúng tuân theo lòng thương xót của Thiên Chúa, bộ Luật của Ít-ra-en gồm nhiều điều lệ bảo vệ cô nhi quả phụ và những người khách tha hương. Về phần các ngôn sứ, các ngài dựa vào những tiêu chuẩn ấy để xét lòng trung tín của Ít-ra-en đối với Giao-ước.

Hiểu sâu xa hơn, chúng ta nhận thấy tín hữu Do Thái, một khi dần dần sống trong Giao Ước với Thiên Chúa họ được cảm hoá từ  bên trong: « Chúa ban lương thực cho kẻ đói ăn », đúng là lương thực…nhưng trong lòng mỗi chúng ta có một cơn đói sâu xa hơn, cho những người đói cách ấy, Chúa ban cho bánh hằng sống, là Lời của Ngài…«8 CHÚA mở mắt cho kẻ mù loà » có những mù loà trên phương diện khác, trầm trọng hơn, đối với họ, Chúa làm mở mắt ra: « CHÚA giải phóng những ai tù tội », có những gông xiềng khác hơn những nhà tù, đó là những xiềng xích hận thù, kiêu ngạo và ghen ghét… người tín hữu có thể minh chứng rằng Chúa tháo gỡ dần dần cho họ khỏi trái tim bằng đá.

Vì thế chúng ta hiểu vì sao bài Thánh Vịnh được nằm giữa hai chữ Ha-lê-lui-a. Chúng ta hẳn còn nhớ theo truyền thống Do Thái, nghĩa của chữ Ha-lê-lui-a: « Thiên Chúa đã đem chúng ta từ kiếp nô lệ đến tự do, từ phiền muộn đến chứa chan niềm vui, từ tang tóc đến hân hoan, từ bóng tối đến ánh sáng chiếu loà, từ tình trạng nông nô đến được cứu độ. Vì thế chúng ta hãy cùng hát trước thánh nhan Ngài, Ha-lê-lui-a. ».

Dĩ nhiên những Ki-tô hữu đọc lại bài Thánh Vịnh này và áp dụng cho Chúa Giê-su Kitô: Chẳng những Ngài nuôi dưỡng người thời ấy bằng cách hoá bánh ra nhiều, ngày nay Ngài ban cho mỗi thế hệ được nhận phép Rửa, bánh của Thánh Thể Ngài. Chính Ngài cũng quả quyết rằng: « 12 …Tôi là ánh sáng thế gian. Ai theo tôi, sẽ không phải đi trong bóng tối, nhưng sẽ nhận được ánh sáng đem lại sự sống. » (Ga 8, 12). Chính nơi Ngài, từ nay nhân loại có thể được chấp nhận hoàn toàn đến với tự do và sự sống: sự Phục Sinh của Ngài là bằng chứng của sự chết thể xác không cầm buộc người được nhận phép Rửa Tội: « CHÚA giải phóng những ai tù tội ».

Thánh kinh quả quyết rằng chúng ta được tạo dựng theo hình ảnh và giống Thiên Chúa. Có lúc chúng ta tự hỏi như thế là thế nào! Chúng ta tìm thấy nơi đây một lời giải thích và một khích lệ: câu trả lời là mỗi khi chúng ta can thiệp cho một người đau khổ, bất cứ đau khổ ra sao - mù loà, câm điếc, tù tội, người xa lạ - là chúng ta giống hình ảnh Thiên Chúa. Điều khích lệ là mỗi khi bạn làm điều chi cho một người bé nhỏ hơn bạn, là bạn làm cho Nước Trời đến gần hơn …Một ngày có một người học giáo lý tân tòng vừa mới khám phá phép lạ Chúa Giê-su hoá bánh ra nhiều, hỏi giáo lý viên: « Tại sao ngày nay Chúa không làm như thế để nuôi những người đói nghèo ? » Sau một phút thinh lặng, có tiếng thì thầm: « Có lẽ Ngài trông đợi chúng ta làm ».

***

 

Tác giả: Marie-Noëlle Thabut                       
Nguồn: Sách L’ intelligence des Ecritures Socéval Editions


Dịch giả: E. Máccô Lương Huỳnh Ngân              

Hiệu đính: Phêrô Nguyễn Thế Hoằng                


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com